Hỏi

Thưa bác sĩ, xin ông giải thích thêm về châm cứu và công hiệu của phương pháp trị bệnh này. Chân thành cám ơn bác sĩ. Le Nguyen Lac

Trả lời

Ngày xưa, người Trung Hoa tin tưởng vào phương pháp trị bệnh bằng châm cứu dựa trên quan niệm là năng lượng “khí” được luân lưu khắp cơ thể, giữa các bộ phận sinh tử, dọc theo một số đường mà họ gọi là “kinh”. Ở những điểm châm cứu, nơi mà đường kinh gần da hơn cả, nhà châm cứu khéo tay có thể duy trì hoặc tái lập đường kinh để lấy lại sự thăng bằng. Nhưng cho đến ngày nay chưa có chứng minh nào về đường “kinh” là có thật.

Theo các nhà khoa học Tây phương, châm cứu chỉ là một sự ru ngủ. Một phần ba các nhà châm cứu cũng thừa nhận điều này là đúng. Ðiều đáng chú ý là sự thành công của châm cứu ở Trung Quốc cao hơn ở các quốc gia Tây phương là do người Trung Quốc tin tưởng vào châm cứu.

Ðể chống lại các luận cứ kể trên, những người ủng hộ châm cứu thường nói rằng phương pháp chữa bệnh này cũng được dùng thành công khi điều trị cho súc vật. Họ cũng nói thêm, ở Trung Quốc, châm cứu là một phần của dinh dưỡng, vận động cơ thể và các hoạt động khác, tất cả đều có mục đích là làm thăng bằng sự âm và dương. Ðây là những điều trái ngược đối với Tây phương.

Một lý thuyết đặc biệt kết nối giữa châm cứu với sự giảm đau đã xuất hiện giữa năm 1960, mấy năm sau khi nổi lên phong trào ưa thích châm cứu. Trong lý thuyết “gate control” của các nhà nghiên cứu Ronald Melzack và Patrick Wall, kích thích bằng châm cứu có thể chặn cảm giác đau nơi tủy sống. Nhưng lại không giải thích được trường hợp đau lâu năm như trong bệnh viêm khớp kinh niên.

Ngoài ra, quan sát kỹ các điểm châm cứu cho thấy, nhiều điểm nằm ở chỗ dây thần kinh ló ra ngoài da hoặc một sợi dây thần kinh chạy vào bắp thịt. Cuối cùng người ta xác nhận có tới 71% các điểm châm cứu tương ứng với các điểm gây bệnh trên da.

Vào thập niên 1970, trong khi nghiên cứu về hệ thần kinh trung ương, các khoa học gia đã đưa ra một giả thuyết về châm cứu. Họ tìm thấy rằng, các loại dược phẩm như morphine và heroin đã tác dụng lên các “điểm nhận” của não bộ hoặc tủy sống. Họ lý luận rằng, các điểm tiếp nhận sẽ không có, ngoại trừ cơ thể sản xuất ra các chất tương tự, giảm đau ở người bệnh và tăng những cảm giác dễ chịu đối với người khỏe mạnh. Năm 1973, chất này gọi là endorphins đã được các nhà khoa học phân tích.

Chất endorphins được coi là có khả năng giúp trì hoãn cơn đau ở những ai bị chấn thương nặng, kể cả người bị chấn thương do thể thao. Một số tác giả gợi ý rằng, châm cứu và những kỹ thuật tương tự có công dụng bằng cách nhả ra chất endorphins và các chất hóa học khác. Sự liên hệ có thể chưa chứng minh hết nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục bởi vì nó an toàn và không gây nghiện.

Bảo Huân

NYD