Chiến tranh nào cũng đều tàn khốc, nhưng một số hành động vượt quá giới hạn tạo thành tội ác chiến tranh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thẳng thừng nói với Liên Hiệp Quốc về tội ác của Nga đối với dân thường, bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào những người tị nạn rời khỏi vùng chiến sự. Liệu Putin có phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo của Nga ở Ukraine hay không?

Khái niệm về tội ác chiến tranh chỉ mới có cách đây chưa đầy 200 năm. Công ước Geneva đầu tiên được ký kết vào năm 1864, với mục đích bảo vệ thương binh và bệnh binh. Đến năm 1889 và 1907, những biện pháp bảo vệ đó đã được mở rộng cho các thủy thủ bị đắm tàu do hải chiến. Các biện pháp bảo vệ rộng hơn và nghiêm ngặt hơn được cung cấp cho dân thường vào năm 1949 sau sự tàn phá gây ra cho toàn bộ các thành phố và khu vực trong Thế chiến II.

Những hành vi cụ thể nào được coi là tội ác chiến tranh?

Kiểu đánh bom liên tục mà không quan tâm đến thường dân chỉ là một trong những hành vi được coi là tội ác chiến tranh theo Quy chế Rome. Đây là hiệp ước của Liên Hiệp Quốc năm 1998 thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC – International Criminal Court).

Tuy danh sách của ICC xác định tới 50 tội ác chiến tranh, sau đây là một số tội ác đứng đầu danh sách:

Xem thêm:   Pin lithium-ion

– Diệt chủng

– Tra tấn

– Cố ý sát hại thường dân

– Phá hủy tài sản vô cớ, bao gồm các tòa nhà giáo dục, tôn giáo và lịch sử

– Trục xuất thường dân

– Tấn công các thành phố, thị trấn hoặc tài sản không được bảo vệ mà không phải là mục tiêu quân sự

– Tấn công bệnh viện, cơ sở y tế và nhân viên y tế

– Làm suy thoái môi trường không lý do chính đáng

– Hiếp dâm và các hình thức tấn công tình dục khác

– Cướp bóc và hôi của

– Cố ý bỏ đói thường dân

– Bắt con tin

Quân đội Nga đã bị buộc tội, với bằng chứng đáng tin cậy, về tất cả những tội ác kể bên. Tuy nhiên, mặc dù Nga là một bên ký kết thành lập Quy chế Rome, nhưng nước này đã “không ký” hiệp ước vào năm 2016 sau khi một báo cáo của ICC phân loại việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là xung đột quân sự và chiếm đóng.

Cho dù những hành động của binh lính Nga là có chủ ý và được thực hiện theo lệnh của các chỉ huy cấp cao, hay chỉ là hành động của những người lính bất hảo, nhưng thực tế là chúng rất phổ biến ở khắp Ukraine nên sự đổ lỗi có thể lên đến cấp cao trong cơ cấu quyền lực của Nga. Học thuyết về trách nhiệm chỉ huy cho rằng các nhà lãnh đạo quân sự phải chịu trách nhiệm về những tội ác do cấp dưới của họ gây ra nếu họ biết hoặc lẽ ra phải biết mà không làm gì để ngăn chặn hoặc trừng phạt.

Xem thêm:   Thế hệ Beta ở Mỹ

Mọi người lính đều có nghĩa vụ từ chối tuân theo mệnh lệnh bất hợp pháp. Khi mệnh lệnh bất hợp pháp đó được thực hiện, tội ác không chỉ thuộc về người lính đã tuân theo mệnh lệnh đó mà còn do người chỉ huy đã ban hành mệnh lệnh đó. Với đầy đủ bằng chứng về mối liên hệ, trách nhiệm về tội ác có thể đến tận giới lãnh đạo chính trị cao nhất.

(theo Reader’s Digest)