Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại… đã được dùng nhiều trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”…

Herostratus là một người Hy Lạp sống ở thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, có địa vị xã hội thấp kém, hoặc làm nô lệ, bị buộc tội phóng hỏa đốt phá Đền thờ Thần Artemis ở Ephesus (nay nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) để được nổi tiếng.

Ngôi đền này được xây dựng phần lớn bằng đá cẩm thạch, dài 337 feet và rộng 180 feet với các cột trụ cao 40 feet. Phần đế các cây cột chứa những hình chạm khắc có kích thước như người thật và mái nhà mở ra bầu trời chung quanh bức tượng Artemis. Đền được đưa vào danh sách Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.

Hình vẽ mô phỏng đền Artemis thời cổ đại, khi còn nguyên vẹn 

Ngọn lửa thiêu rụi đền diễn ra vào ngày Alexander Đại đế chào đời, 21 tháng 7 năm 356 trước Công Nguyên. Herostratus sau đó bị bắt và bị tra tấn, thú nhận đã thực hiện vụ đốt phá nhằm bất tử hóa tên tuổi của mình. Để ngăn ngừa những người có ý định tương tự, nhà chức trách không chỉ xử tử Herostratus mà còn cấm nhắc đến tên hắn, ai vi phạm sẽ bị tử hình. Tuy nhiên, nhà sử học Theopompus đã ghi lại sự kiện này và tên của Herostratus đi vào lịch sử như kẻ đốt đền nổi tiếng nhất thời cổ đại, và sau đó còn được nhắc đến trong các tác phẩm của Strabo. Thực tế là tên của các thẩm phán kết án hắn thì không ai nhớ, mà tên của hắn vẫn còn tồn tại trong văn học cổ điển và đã được truyền sang ngôn ngữ hiện đại để chỉ người thực hiện hành vi phạm tội để đạt được danh tiếng.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Ngày nay, thuật ngữ “Herostratic fame” có liên quan đến Herostratus và dùng để chỉ “danh tiếng [được tìm kiếm] bằng bất cứ giá nào”.

Nếu đã đọc các tác phẩm của nhà văn Pháp Jean Paul Sartre, có lẽ bạn còn nhớ một trong các truyện ngắn của tập Le mur (Bức tường, 1939) có tựa đề Erostrate, ông đã viết về một người đàn ông lập kế hoạch phạm tội để trở nên nổi tiếng.

Mọi thứ đổ vỡ, chỉ còn lại những tảng đá thô kệch sau 3,000 năm.