Lời tòa soạn:

Mục “Thế giới Nails” (với sự cộng tác của công ty FASTBOY) là nơi tất cả quý anh chị em có thể gởi bài cộng tác chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc của mình.

Qua đó, bạn có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn đã trải qua trong hành trình nghề nghiệp. 

Điều lệ

Gởi bài viết về:

chuyenmuc@trenews.net (xin ghi “Thế giới nails”)

Bạn có thể gởi đến Facebook Trẻ “Trẻ Magazine” hoặc “Báo Trẻ Rao Vặt”, hoặc text đến số 214-613-9999 

Giới hạn từ 500 – 1,200 chữ (có hình càng tốt). 

Bạn có thể gởi hình cá nhân, đồng nghiệp hoặc người khách yêu mến nào đó (hình sẽ được đăng chung với bài viết). 

Xin kèm theo email hoặc địa chỉ để gởi báo biếu và nhuận bút sau khi được chọn đăng. 

Xin cảm ơn sự tham gia của quý bạn đọc. 

BBT Trẻ

Hồi nào tới giờ ai đi học cũng đều biết câu “ không thầy đố mày làm nên”. Nhưng xin thưa đi học nails hay học tóc, câu này không đúng bằng câu “ học thầy không tày học bạn”.

Tui nói thiệt đó, như tui nè. Tui qua Mỹ muộn màng khi đầu đã có 2 thứ tóc ( tóc sâu & tóc ngứa); ngoài ra còn thêm 2 thằng nhóc 3 & 6 tuổi, kèm thêm ông chồng dở thầy dở thợ, chưa kể ở nhờ nhà cậu em có bố mẹ già yếu. Làm công chuyện nhà cả ngày mệt đừ, đâu có thời gian đi học ban ngày. Không còn cách nào khác, tôi đành đi học tóc buổi tối ở một trường của chính phủ( học phí rẻ), còn trường tư nhân mở ban ngày và học phí rất cao.

Không biết trường tư dạy có đàng hoàng nghiêm túc không, chứ trường (công ) tôi học, dạy lớt phớt cho có lệ. Học trò toàn là người lớn, tôi cứ tưởng ai cũng như mình (chả có gì trong tay khi đến xứ người), ráng kiếm mảnh bằng để đi làm. Lớp tôi có 25 người, chỉ có 5 người như tôi chưa có công ăn việc làm, 20 người còn lại đi học (cho vui) để biết làm tóc cho người nhà, có bà là manager văn phòng  AT&T, người khác là Register nurse ở một nhà thương nổi tiếng. Ý tôi nói họ đang có công việc ngon lành, và thuộc thành phần trí thức có bằng đại học. Làm như buổi tối gặp nhau để xả stress, bởi vậy họ nói chuyện cười giỡn ồn ào trong lớp. Ðâu phải như tôi, qua xứ Mỹ không biết làm gì để sống, đang ăn trợ cấp tị nạn (diện HO).

Qúy vị ơi, chẳng đặng đừng mới phải ăn tiền “ bố thí”, chả sung sướng gì đâu, thê thảm lắm. Thiệt tình chúng tôi không muốn ăn trợ cấp, khổ nỗi với hai đứa con quá nhỏ, phải đưa đón mỗi ngày, ở nhờ nhà cậu em có hai đứa con của cậu và bố mẹ của tôi cũng ở chung. Nấu ăn dọn dẹp cả ngày không hết việc, làm sao đi học (ban ngày). Vì vậy chúng tôi quyết định học nghề cho nhanh: chồng học sửa xe ban ngày, vợ học tóc ban đêm.

Không cần biết có khiếu hay không, chỉ thấy gần nhà có trường dạy nghề là vô ghi tên, học “chữa cháy”, dĩ nhiên phải học trường công để khỏi đóng tiền học. Lớp buổi tối dạy nghề cho người lớn, giống như dạy bổ túc văn hóa xóa nạn mù chữ ở phường hồi còn trong nước. Thật tình tôi không hề biết chỉ cần làm thợ tóc 3 năm là có thể đi dạy nghề buổi tối, vì tôi thấy cô giáo của tôi không bao giờ giảng lý thuyết, mà chỉ mở sách ra đọc, ngày hôm sau sẽ cho làm test bài học hôm trước (câu trả lời có sẵn, loại abcd khoanh).

Mỗi tuần học 4 buổi tối từ thứ Hai tới thứ Năm, nhưng cô chỉ có mặt 3 ngày đầu tuần. Thứ Năm cô làm tóc ở nhà, nên nhờ một cô bạn tới trông lớp giùm. Xin thưa “ trông” chứ không có dạy, ai muốn làm gì thì làm. Ngày xưa mình cũng đi dạy 15 năm rồi mới qua Mỹ, ngày nào cũng giảng bài rát cả cổ. Hỏi han từng đứa có thắc mắc gì không? Cứ sợ học trò không hiểu “lương tâm cắn rứt”, nhiều hôm còn phải ở lại để kèm “phụ đạo” cho học sinh kém, dù trời đã chập choạng và cơm nhiều chưa nấu.

Qua xứ thiên đường, cũng vẫn đầu tắt mặt tối mỗi ngày cơm nước cho cả nhà xong, mới tất tưởi lái xe đi học, bụng thì nóng như lửa đốt, chả biết tương lai như thế nào, nên trong lòng cứ thắc mắc “ dạy gì kỳ vậy”. Rõ ràng cô giáo không giảng lý thuyết, còn thực hành cô chỉ qua loa một lần. Khổ nỗi mình thì lùn, cô giáo đứng chính giữa, bao quanh toàn dân ngoại quốc cao ơi là cao, tôi chỉ thấy toàn lưng.

Rốt cuộc khi cô hướng dẫn cắt tóc,  tôi không hề nhìn thấy bàn tay cô giáo, chờ mấy ngày sau mọi người về chỗ thực tập trên mannequin (có cô giáo đứng xem), lúc này tôi mới lân la học lại.

Người ta hay bảo “ của rẻ là của ôi”, thiệt đúng cho lớp dạy nghề buổi tối( trường công). Hèn chi nhiều người chịu tốn tiền học trường tư để được dạy kỹ lưỡng và rút ngắn thời gian, mỗi ngày học 8 tiếng, kéo dài 10 tháng cho quy định 1000 giờ, trong khi học trường công phải mất 2 năm (4 semester).

Học hành kiểu này làm tôi sốt ruột hỏi thăm những người đã có bằng, ai cũng bảo ráng học lý thuyết cho giỏi, vì thi viết khó, chứ thi thực hành chỉ cần “ làm đúng” không cần “làm đẹp”. Người Mỹ đã nói: practice makes perfect. Vì là công việc liên quan đến sức khoẻ (mới cần license của State Board), người thợ phải nắm vững những quy định bắt buộc. Họ còn nhấn mạnh: khi thi thực hành, không có thời gian “làm thiệt”, toàn làm giả bộ thôi.

Hóa ra học nghề, mà không cần giỏi nghề (trước). Tưởng gì, cô giáo dạy Hóa 15 năm, ăn nhằm gì  ba cái( hóa chất) lẻ tẻ.

Thế là tôi vững lòng, cứ ôm quyển sách trả lời các câu hỏi thi, tụng đêm tụng ngày.Tiếng đồn không sai, khi thi thực hành, cạo râu cũng chỉ quơ tay( râu đâu mà cạo) như vẽ bùa Lỗ Ban, tóc cắt cũng chỉ một lát (không phải một nhát), giám khảo đã cho qua. Thi lý thuyết xong rồi  thi thực hành. Tôi đậu hạng A bằng tóc (trúng 90%) mà chẳng biết cắt tóc, thế mới tài!

Làm thợ chỉ cần cắt giỏi, đâu cần (nói) giỏi bài học.

May mắn sao tôi xin việc ở một công ty rất lớn có quy định kỳ lạ: không cần thử tay nghề, chỉ cần có bằng, nhưng khi bắt đầu phải làm thợ phụ (gội đầu).

Có cái bằng hạng bét ở xứ Mỹ nhưng tôi mừng muốn khóc, từ nay tôi sẽ có công ăn việc làm để khỏi ăn tiền bố thí. Ðiều kiện của công ty đúng quá cho tôi, chứ nếu thử tay nghề ( interview) đâu có ai mướn. Ai nghe tôi làm ở công ty nổi tiếng cũng xuýt xoa khen ngợi, có ai biết nỗi khổ của mình. Quý vị cứ tưởng tượng tiệm có 14 thợ chính, mà chỉ có một thợ gội đầu. Coi như tay tôi  nhúng nước cả ngày: gội cho cắt, cho uốn, cho nhuộm. Ðã thế còn phải quét dọn rửa ráy, mỗi khi có chút thời gian nghỉ tay tôi ráng nhìn những người thợ giỏi làm việc. Không còn con đường nào khác, cho đến một ngày có một cô nhỏ đến xin việc, thế là tôi được ra “ floor” tức là làm thợ chính, không còn gội đầu nữa.

Sau khi manager quyết định thành thợ thì có một bà cụ già bước vào, lúc đó chỉ có 2 thợ rảnh là tôi( thợ mới toanh) và bà Gloria (30 năm kinh nghiệm). Theo nguyên tắc tới lượt bà Gloria rồi mới tới tôi, nhưng bà cụ lẩm cẩm chỉ bà thợ có 30 năm kinh nghiệm, nghiêm mặt nói: bà cắt tóc tôi xấu lắm, rồi chỉ tôi : cô kia kìa cắt cho tôi đẹp lắm. Hi hi hu hu cả tiệm chưng hửng, con nhỏ mới toanh, chưa cắt chỉ, ý quên chưa cắt tóc, mà có người khen. Khi vào phía trong bà Gloria lầm bầm: cú cù (có nghĩa là “dở hơi”), tui cắt cho bả hồi nào.

Cho tới giờ này, tôi cũng chẳng biết chữ “cú cù” viết ra làm sao (bà ta người Spanish), nhưng hiểu là dở hơi, vì cả tiệm cười bò lăn bò càng.

Nhờ làm ở tiệm có nhiều thợ giỏi, và chủ trương của công ty là phải nâng cao tay nghề của thợ, nên sau đó tôi cũng trở thành thợ giỏi (như ai). Ông cha mình thường nói: thà làm đầy tớ người khôn, còn hơn làm thầy đứa dốt. Trúng ngay phóc cho tôi, làm chung với thợ giỏi tôi học được rất nhiều. Như vậy đúng là “Học Thầy không tầy học bạn”. Có nhiều “thợ chiến” nails và tóc, chưa hề đến trường (nghề) một ngày nào, chẳng có một mảnh giấy ( license) lận lưng nhưng kiếm tiền ngon lành. Có điều khi đi làm hơi hồi hộp, sợ State Board xuống xét, phạt cả chủ lẫn thợ.

Vậy thì quý vị ơi, còn chờ đợi gì mà không bắt chước tôi, cứ mạnh dạn thu xếp thời gian đến trường để học, rồi thi để kiếm “lá bùa hộ mạng” là tấm bằng cho yên tâm làm ăn.

LTM