Vào rạng sáng ngày Lễ Độc Lập vừa qua, tại quận Kerr, cách Austin, Texas khoảng 130 dặm về hướng Tây Nam, đã có một trận lũ lụt vô tiền khoáng hậu, cuốn phăng nhà cửa và trên đường rút đi, nó kéo theo hơn 121 sanh mạng (hiện thời, đây là con số nạn nhân đã tìm được xác cùng với 150 người vẫn còn mất tích), trong đó có 36 trại sinh nữ, phần đông ở độ tuổi 7-8, nữ huynh trưởng và một trưởng trại là ông Dick Eastland. Ông đã thiệt mạng vì cố gắng cứu mạng những trại viên. Các em trại sinh là nữ công giáo khắp cả nước đã quy tụ về đây cắm trại với truyền thống lâu đời (99 năm) có tên là Camp Mystic, tạm dịch là Trại Hè Huyền Bí. Đây là vùng thung lũng sâu nằm kề bên sông Guadalupe.

Lũ tàn (A.P.)    

Trong vòng 45 phút, cùng với mưa, mực nước sông dâng lên cao 26 feet (cao bằng toà nhà 2 tầng) với mức nước vô tiền khoáng hậu là 34 feet. Vì nằm trong flash flood alley, tạm dịch là hẻm lũ quét, cùng với những nhân tố khác như địa hình hiểm trở, dốc và đồi núi, với vách đá vôi nên nước không thể thấm vào lòng đất mà chảy tràn lan qua những thung lũng để về hạ lưu trước khi đổ ra vịnh San Antonio rồi vịnh Mễ Tây Cơ (hay Vịnh Hoa Kỳ).

Người dân Texas đang trải qua nhiều giai đoạn đau buồn khác nhau và vẫn đang hoàn hồn, vừa cố gắng lý giải thiên tai vừa xảy ra. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng đang vật lộn với một thực tế là trận lũ lụt này đã vĩnh viễn thay đổi quỹ đạo của rất nhiều gia đình. Trong đau buồn, hoang mang, có người đổ lỗi cho việc gây mưa nhân tạo, cloud seeding, đã được một công ty thực hiện 2 ngày trước, gần San Antonio. Kính mời quý độc giả tìm hiểu về hiện tượng này.

Tại sao chúng ta lại tìm hiểu việc gieo mây trong lúc này?

Bởi vì những video và bài đăng lan truyền trên mạng mà có lẽ độc giả đã gặp, cho rằng việc gieo mây là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở vùng đồi Texas. Điều này đang gieo rắc sự hoang mang và nghi ngờ vào một cộng đồng vốn đang tang thương, thực sự cần phải tập trung vào những vấn đề khác, nhứt là hoạt động cứu trợ. Những tiếng nói khoa học về khí tượng học là rất cần thiết ngay lúc này để rộng đường dư luận, giúp dập tắt những tuyên bố liên quan đến thuyết âm mưu, vì vậy chúng ta sẽ đi tìm hiểu và hy vọng sẽ làm sáng tỏ một ít lầm lẫn.

Không ảnh: lúc lũ càn quét (Nguồn: UPI)

Cloud seeding là gì?

Xem thêm:   Gái chơi... thời 4.0!

Theo Google: “cloud seeding” có thể được tạm dịch là “gây mưa nhân tạo”, “làm mưa nhân tạo” hoặc “kích thích mây”, “gieo hạt mây” hay “gieo mây”. Những nhóm chữ này đều mô tả phương pháp tạo ra mưa hoặc làm tăng lượng mưa bằng cách tác động vào các đám mây, làm cho việc tạo mưa của các đám mây khả dĩ hơn, thông qua việc thêm các chất hóa học để tăng cường quy trình ngưng tụ.

Đây là một hình thức biến đổi thời tiết bao gồm việc tiêm hóa chất (thường là bạc iodide mà ở Việt Nam phiên âm là iodua) vào một đám mây hiện có để “gieo” thành các giọt nước hoặc tinh thể băng lớn hơn, sau đó khiến đám mây kết tủa nhiều hơn so với bình thường. Ở Mỹ, người ta đã thực hiện phương pháp này từ năm 1947, và nguyên lý vật lý đằng sau nó khá đơn giản.

Gây mưa nhân tạo hoạt động như thế nào?

Mây được tạo thành từ những giọt nước hoặc tinh thể băng nhỏ xíu gọi là thủy thiên thạch “hydro-meteors” (đây chính là nguồn gốc của chữ “METEORology – Khí Tượng Học”!) cần những hạt vi mô, thậm chí còn nhỏ hơn nữa, gọi là “cloud condensation nuclei”, tạm dịch theo chữ xưa là “hạch tâm ngưng tụ mây” hay chữ ngày nay là “hạt nhân ngưng tụ mây” để hình thành. Chúng là những hạt như bụi, muối hay khói và treo lơ lửng trong bầu khí quyển. Khi chúng hiện diện trong một khối khí ẩm, độ ẩm đó có thể ngưng tụ xung quanh các hạt để tạo thành những giọt nước. Hầu hết các đám mây không mưa hay tuyết vì các giọt nước hoặc tinh thể băng vẫn còn quá nhỏ để trọng lực có thể kéo chúng xuống đất. Các hạt bạc iodide được phun vào mây là những “hạch tâm ngưng tụ mây” lớn hơn đáng kể, rất hiệu quả trong việc tạo ra các giọt nước hoặc tinh thể băng lớn hơn, có thể rơi xuống đất. Khi hạt nhân ngưng tụ lọt vào các đám mây, chúng hút các phân tử nước và do đó đóng vai trò như hạch tâm, hình thành các giọt nước. Càng có nhiều hạt nhân ngưng tụ tồn tại trong mây thì càng có nhiều giọt nước được hình thành. Khi các hạt nhân tạo kết hợp với hạt tự nhiên, số lượng giọt nước lại càng tăng lên. Mây nhân tạo không thể hình thành từ hư không. Cùng với sự có mặt của độ ẩm, gieo mây nhân tạo chỉ giúp mưa hình thành nhanh hơn từ hạt đã có sẵn trên trời ở những nơi có tiềm năng nhứt định.

Những vùng dọc theo sông Guadalupe đã bị thiệt hại (theo Nhật Báo Statesman)

Mục đích của hoạt động gieo mây nhân tạo là gì?

Xem thêm:   Đôi giày cũ

Thông thường, chúng được tạo ra để giúp tăng lượng mưa hoặc lượng tuyết rơi ở những vùng khô cằn, nơi không có lượng mưa ổn định và thường xuyên xảy ra hạn hán.

Ở Hoa Kỳ, gây mưa nhân tạo có được kiểm soát không?

Thưa có. Có cả quy định của liên bang và của tiểu bang. Việc này được thực hiện công khai.

Mời xem các quy định của liên bang ở đây: https://library.noaa.gov/weather-climate/weather-modification-project-reports 

Mời đọc các quy định của tiểu bang Texas tại đây: https://www.tdlr.texas.gov/weather/

Các hoạt động gieo mây được thực hiện có gây ra các cơn bão càn quét và lũ lụt ở Texas không?

Theo tìm hiểu của người viết thì không. Nhiều nhà khí tượng học đã lên tiếng về việc này. Trên thực tế, các quy định của Texas cấm gieo mây trên các cơn bão có thể dẫn đến thời tiết khắc nghiệt, lốc xoáy hoặc lũ quét. Một trong những công ty là Rainmaker bị chỉ trích trên mạng xã hội vì gieo mây, đã thực hiện hoạt động cuối cùng vào thứ Tư, ngày 2 tháng 7.

Cách thức và quy trình hoạt động của gieo mây nhân tạo. (Nguồn Anh ngữ: Dailymail.co.uk)

Liệu việc gieo mây được thực hiện 2 ngày trước khi lũ lụt có thể gây ra hoặc ảnh hưởng đến các cơn bão ngày 4 tháng 7 không?

Thưa không. Chỉ có thể gieo mây trên một đám mây hiện có, và một khi đám mây đó đã được gieo, nó sẽ tự động rơi xuống thành mưa. Hơn nữa, hoạt động gieo mây diễn ra ở phía đông nam San Antonio, cách Quận Kerr khoảng 240 km. Thứ nhứt là xa, thứ hai là không đủ mạnh để gây ra bão lụt cường độ khốc liệt như thế. Hơn nữa, lũ càn quét do mưa lớn gây ra khi các cơn giông hội tụ với tàn dư của bão nhiệt đới Barry trước đó.

Liệu việc gieo mây có tạo ra những “trận lũ càn quét” mạnh hơn hay dẫn đến lượng mưa ít hơn ở những nơi khác?

Nghiên cứu khoa học và các nhà quan sát cho thấy là không. Theo trang web của Sở Cấp Phép và Quản Lý Texas, “Không có bằng chứng nào cho thấy việc gieo mây góp phần làm giảm lượng mưa ở bất kỳ nơi nào khác. Hơn nữa, không có bằng chứng nào cho thấy việc gieo mây khiến mây cao hơn đáng kể và gây ra những tác động không mong muốn (chẳng hạn như gió mạnh, mưa đá và lũ quét). Ngược lại, bằng chứng từ hơn 8 năm nghiên cứu ở miền Tây Texas cho thấy việc gieo mây, khi được thực hiện kịp thời và chính xác, sẽ góp phần tạo ra những cơn mưa nhẹ hơn, lan rộng hơn và kéo dài hơn.”

Xem thêm:   Đồng lúa hóa ao sen

Những quốc gia nào thường áp dụng phương pháp gây mưa nhân tạo?

Có ít nhứt 28 quốc gia như Úc (đã thực hiện gieo mây từ những năm 1947), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhứt (UAE), Trung Quốc (chống cháy rừng, ở những nơi hạn hán và để tránh mưa vào những ngày duyệt binh), Mã Lai Á, Nga, Thái Lan và lẽ dĩ nhiên, Hoa Kỳ, tại nhiều tiểu bang.

Ở Việt Nam, kỹ nghệ này đã phát triển chưa?

Theo người viết được biết là chưa. Nghe đâu đã từng có một dự án sơ khai tên là “Lên trời gọi mưa” nhưng chưa được thực hiện vì kỹ nghệ còn hạn chế và kinh phí quá lớn.

Thế nên, trận lũ lụt này là do tàn dư của 2 hệ thống thời tiết nhiệt đới mà con người không thể tạo ra hoặc kiểm soát, bất chấp những tuyên bố trái chiều. Hãy nhìn vào biểu đồ mưa. Lượng mưa rơi xuống trong 5 ngày tại một số quận hạt tương đương với lượng mưa của cả một năm trên một địa bàn rộng lớn hơn, trên nhiều tiểu bang toàn cõi Hoa Kỳ. Việc thả vài gam bạc iodide vào một đám mây cách xa khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhứt khoảng 240 km, chỉ 2 ngày trước khi lũ lụt xảy ra, có thể gây ra cơn lụt chết người vừa qua là hoàn toàn không khả thi.

Mặc dù gieo mây không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở Texas Hill Country – vùng đồi Texas, nhưng có những lo ngại về mặt đạo đức và luân lý khi nói đến việc thay đổi thời tiết (hoặc bất kỳ hệ thống tự nhiên nào của Trái Đất). Dù những thay đổi đó nhỏ cỡ nào, chủ đề này đáng được thảo luận và xem xét kỹ lưỡng hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng báo động là nếu con người tiếp tục làm nóng địa cầu bằng dầu, khí đốt, than đá thì mưa sẽ càng nhiều và sức tàn phá của nó sẽ càng lớn.

 

ND

Tổng hợp từ nhiều nguồn Anh ngữ trên Facebook và Google.

Muốn tìm hiểu thêm về gây mưa nhân tạo, mời tham khảo:

Phần câu hỏi thường gặp về gieo mây của TDLR (Texas Department of Licensing and Regulation) là một nguồn tài liệu hay, quý độc giả nên đọc nếu muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này: https://www.tdlr.texas.gov/weather/weatherfaq.htm

Quý độc giả muốn tìm hiểu thêm mời xem video này từ Trưởng Ban Khí Tượng Ginger Zee của đài tin tức ABC: https://www.goodmorningamerica.com/video/116008822