“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Hơn 5,000 năm trước, lịch sử của cần cẩu khởi sự tại Lưỡng Hà cổ, khoảng 3000 năm Trước Công Nguyên (TCN), khi người Mesopotamia chế ra shaduf – chiếc cần gánh nước với một đầu treo vật nặng, đầu kia gắn đối trọng. Cơ cấu đòn bẩy sơ khai ấy đặt nền cho mọi thiết bị nâng-nhấc về sau.
Sau, người Ai Cập cổ áp dụng shaduf vào khoảng 2000 năm TCN. Đó là hình thức sơ khai của cần cẩu, một minh chứng cho tài xoay xở của con người khi tận dụng được nguyên lý cơ học. Đến thế kỷ 6 TCN, người Hy Lạp đã nâng tầm công nghệ này, sử dụng cần cẩu chạy bằng sức người hoặc động vật để xây dựng các ngôi đền tráng lệ như Parthenon. Dấu vết còn lưu lại trên đá ở Isthmia và Corinth cho thấy cần cẩu có thể đã ra đời sớm hơn nữa, từ 700-650 TCN, dựa trên kỹ thuật từ ngành đóng tàu chiến trireme.
Thời La Mã, cần cẩu đạt đến đỉnh cao với bánh xe lồng sóc (treadwheel), cho phép nâng các khối đá nặng hàng chục tấn, như ở đền Jupiter tại Baalbek. Nhờ công nghệ ấy, các công trình vĩ đại như cột Trajan hay đấu trường Colosseum mới có thể hình thành. Sang thời Trung Cổ (1225 CN), bánh xe cần cẩu tái xuất tại Âu Châu, giúp xây cất các nhà thờ kiểu Gothic và bốc hàng tại những hải cảng như Utrecht hay Bruges. Thời Phục Hưng, Domenico Fontana dùng tháp nâng để di dời cột tháp Vatican nặng 361 tấn năm 1586, một kỳ tích về kỹ thuật của thời đó.
Cuộc cách mạng kỹ nghệ đánh dấu bước chuyển lớn với cần cẩu thủy lực của William Armstrong (1838). Từ sức người chuyển sang máy hơi nước, rồi sang điện lực và động cơ xăng dầu – cần cẩu thời nay với cấu trúc thép và hệ thống thủy lực tinh xảo đã trở thành trụ cột cho ngành xây dựng và công nghiệp khắp hoàn cầu.
Sự tiến hóa của cần cẩu cũng là gương soi trí tuệ tập thể của nhân loại. Từ chiếc shaduf thô sơ cho tới dàn máy có thể nâng hàng trăm tấn, mỗi bước đi là một trang sử học hỏi và thích nghi, kể cả từ chiến tranh – như khi người Hy Lạp vay mượn kỹ thuật từ tàu chiến. Ngày nay, vài loại cần cẩu được tích hợp công nghệ cao (như AI) nên không chỉ biết nâng mà còn “biết nghĩ”, chúng có thể hoạt động tự động, chính xác đến từng li.
Một điều ngộ nghĩnh là: “cần cẩu” không hề dính dáng gì đến loài… cẩu (trong tiếng Việt). Thế nhưng, trong tiếng Anh và tiếng Pháp, từ “crane” và “grue” đều có nghĩa là cần cẩu và đồng thời chỉ loài chim sếu – một giống chim cổ dài, dáng đứng vươn cao, nhìn rất giống dáng hình cần cẩu. Có lẽ tổ tiên nhân loài khi nhìn thấy loài sếu đã tưởng tượng ra cánh tay thép của tương lai, chăng?