Nếu được chọn một nơi trên thế giới để bước vào và cảm nhận cả một nền văn minh vĩ đại từng tồn tại, tôi sẽ không ngần ngại nói với các bạn rằng: hãy đến Athens, thủ đô của Hy Lạp. Nơi đây không chỉ là một thành phố, mà còn là biểu tượng của tri thức, là nơi quá khứ và hiện tại cùng hòa nhịp, kể cho nhân loại câu chuyện ngàn đời chưa dứt

Nhìn từ thành Acropolis    

Nằm ở vùng Attica, bên bờ biển Aegean, Athens là một trong những thành phố cổ xưa nhất với lịch sử kéo dài hơn 3000 năm. Vùng đất này không chỉ đơn thuần là một đô thị cổ, mà chính là cái nôi của nền văn minh phương Tây. Tại đây, con người lần đầu tiên đặt ra những câu hỏi lớn: “Tôi là ai?”, “Thế giới này vận hành thế nào?”, “Thế nào là công lý?”… Và cũng tại đây, những bộ óc vĩ đại như Socrates, Plato, Aristotle đã kiến tạo nên nền móng của triết học, khoa học, dân chủ, và nghệ thuật mà chúng ta vẫn thụ hưởng đến tận ngày nay.

Khi nhắc đến Hy Lạp, người ta có thể nghĩ đến biển xanh, nắng vàng và những món ăn ngập tràn dầu ô liu. Nhưng nếu nhắc đến linh hồn của Athens, thì không nơi nào khác chính là Acropolis, nơi thời gian như ngưng đọng trong những trang lịch sử.

Chữ “Acropolis” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thành phố trên cao”. Và đúng như tên gọi, Acropolis nằm trên một ngọn đồi cao khoảng 150 mét, ngay trung tâm thành phố Athens. Nơi mà từ hàng ngàn năm trước đã được người Hy Lạp cổ đại chọn làm trung tâm tôn giáo và quyền lực, là nơi kết nối giữa con người với các vị thần, giữa trần thế và vũ trụ linh thiêng.

Trên đỉnh ngọn đồi ấy, nổi bật nhất chính là ngôi đền Parthenon, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, để thờ nữ thần Athena, vị thần bảo hộ của Athens. Ngôi đền này không chỉ là một kiệt tác kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sự hoàn hảo, sự cân đối và vẻ đẹp lý tưởng mà người Hy Lạp cổ đại tôn thờ. Mỗi cây cột đá, mỗi đường nét chạm khắc, mỗi bức tượng điêu khắc trên vách đều chứa đựng tri thức, kỹ thuật và triết lý sâu xa về thẩm mỹ và hài hòa.

Viện bảo tàng Acropolis

Chuyện kể rằng: ngày xưa, ở vùng đất Attica xinh đẹp, người dân chuẩn bị thành lập một thành phố mới, nhưng ai sẽ là thần bảo hộ của thành phố ấy? Hai vị thần tối cao của Olympus là Poseidon, thần biển cả, và Athena, nữ thần trí tuệ, đều muốn giành vị trí này.

Xem thêm:   50 năm cộng đồng người Việt tại Houston

Thế là có một cuộc thi.

Lúc ấy Poseidon dùng cây đinh ba đập xuống đất, làm trào lên một dòng nước biển, hoặc có truyền thuyết nói là một con ngựa dũng mãnh. Ông cho rằng đây là món quà thể hiện sức mạnh và quyền lực, vì biển cả mang lại giao thương, vũ khí, chinh phục.

Còn Athena, là con gái của thần Zeus, với vẻ điềm tĩnh, nàng đã trồng xuống một cái cây, đó là cây ô liu đầu tiên trên thế gian. Món quà này tượng trưng cho hòa bình, trí tuệ và sự bền vững, bởi vì cây ô liu cho chúng ta gỗ, dầu, bóng mát và thức ăn.

Người dân Attica cảm động trước món quà hiền hòa nhưng thiết thực của Athena, và họ chọn bà làm thần bảo hộ.

Đền Parthenon trên thành Acropolis

Từ đó, thành phố mang tên Athens, theo tên nữ thần Athena. Ngọn đồi nơi bà được thờ cúng chính là Acropolis, và đền Parthenon là nơi linh thiêng nhất để thờ bà.

Nhưng Acropolis không chỉ có Parthenon. Còn đó là đền Erechtheion với mái hiên nổi bật được đỡ bởi những cô gái đá tên là Caryatids, mỗi người một dáng, một biểu cảm, dịu dàng mà mạnh mẽ.

Khi đứng trên đỉnh Acropolis, nhìn xuống toàn cảnh Athens hiện đại trải dài bên dưới, người ta có cảm giác như đang bước qua một cánh cổng thời gian. Nơi đây không chỉ là tàn tích, mà là trái tim của một nền văn minh, một nơi mà ý tưởng về dân chủ, tri thức và vẻ đẹp vĩnh cửu từng được sinh ra.

Xem thêm:   Cây bông gòn đầu làng

Dọc suốt theo chiều dài lịch sử của Âu Châu, thành Acropolis đã từng bị chiến tranh tàn phá, đã từng đổ nát, bị xâm lược, bị khai thác, nhưng điều kỳ diệu là nó vẫn đứng đó, trải qua hơn 2500 năm, như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Hy Lạp. Dù bị bào mòn bởi thời gian, Acropolis chưa bao giờ mất đi phẩm giá, mà ngược lại, càng trở nên sâu sắc và thiêng liêng hơn trong mắt nhân loại.

Ngày nay, Acropolis không chỉ là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, mà còn là biểu tượng bất diệt của trí tuệ, nghệ thuật và bản sắc Hy Lạp. Du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến đây, không chỉ để ngắm nhìn công trình cổ, mà để cảm nhận một điều gì đó lớn lao hơn, đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa con người và xã hội. Hoàng hôn trên thành Acropolis cũng rất đẹp.

Đền Erechtheion

Phía dưới thành Acropolis là những con phố cổ Plaka với mái ngói đỏ, ban công hoa giấy, và những quán cà phê len lỏi mùi bánh nướng thơm lừng. Những hàng quán nhỏ nhắn xinh xắn với muôn mặt hàng lưu niệm. Cách đó không xa, chúng ta sẽ thấy viện bảo tàng Acropolis, được khánh thành vào năm 2009. Với những khung cửa kính to lớn để ánh sáng tự nhiên lọt vào giữa những khối bê tông, làm ta có cảm giác đang đi trên nền kính, nhìn thấy bên dưới là tàn tích của một khu dân cư cổ, được bảo tồn ngay tại chỗ, như thể bảo tàng không chỉ trưng bày cổ vật, mà còn đặt chân lên chính nơi người xưa từng sống, từng ăn cơm, thắp đèn và trò chuyện.

Xem thêm:   Grab Bike có ngày đây!

Lên tầng cao hơn, chúng ta sẽ được dắt tay qua từng thế kỷ. Những bức tượng Kouroi, Korai, những mảng tường của đền Erechtheion, và đặc biệt nhất là các bản sao (và cả bản gốc còn sót lại) của bộ phù điêu Parthenon, được trưng bày chính xác theo thứ tự ban đầu, ở tầng cao nhất. Ánh sáng từ bên ngoài chiếu xiên vào, tạo cảm giác như đang đứng giữa đền Parthenon thời hoàng kim vậy.

Nhưng điều khiến bảo tàng Acropolis trở nên đặc biệt không chỉ là những gì nó trưng bày, mà là cách nó khiến con người cảm được chiều sâu của thời gian. Trong không gian ấy, ta không thấy cổ vật là “đồ cũ”, mà thấy chúng đang sống, đang nhìn ta, đang mỉm cười, đang lặng lẽ kể chuyện.

Người Athens không sống vội. Họ thích đối thoại, thích triết lý, thích nghệ thuật. Trong ánh nắng vàng rực của miền Địa Trung Hải, họ ngồi trò chuyện hàng giờ dưới bóng ô liu, bàn về lịch sử, bóng đá hay giá cả ở chợ trời. Chính nhịp sống khoan thai ấy, lắng nghe và tôn trọng cái đẹp, đã giữ cho Athens nét thanh tao không hề bị cuốn trôi bởi hiện đại hóa ồn ào.

Nhưng không dừng lại ở ký ức, thành phố này vẫn không ngừng chuyển mình. Athens hôm nay là sự giao thoa giữa cũ và mới, giữa trầm mặc và tươi vui, là lời nhắc nhở rằng, để tiến về phía trước, ta cần quay lại nhìn xem mình đến từ đâu. Với Athens, lịch sử không chỉ nằm trong sách vở, mà sống trong từng cột đá, từng ánh nhìn, từng bước chân của người đang sống. Đó là nơi thời gian không trôi đi vô nghĩa, mà ngưng lại để trò chuyện với con người. Và có lẽ, chính vì thế, Athens luôn có mặt trong trái tim của những người mê cái đẹp.

Học viện Athens

TH