Helsinki, thủ đô của Phần Lan

Chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ, con chim sắt cõng du khách từ Frankfurt, Đức nhẹ nhàng đáp xuống Helsinki, Phần Lan. Xong thủ tục nhập cảnh ở phi trường, như thường lệ, hai chị em tôi kéo hành lý đến quầy đổi tiền. Chút ít tiền lẻ bất cứ nơi đâu cũng cần thiết như lời cám ơn, khi mình được giúp đỡ. Ông nhân viên trong quầy mau mắn:

– Chào cô, tôi có thể giúp cô được gì nào?

– Chào ông, tôi muốn đổi tiền.

Nhớ, Thụy Điển có Swedish Crown, Na Uy có Norwegian Crown, tôi suy diễn tiếp:

– Tôi muốn đổi Euro ra Finnish Crown.

Tôi chưa kịp khen thầm mình nhanh trí, ông nhân viên hóm hỉnh trả lời:

– Rất tiếc, tôi không thể giúp cô được. Tôi chỉ có thể đổi Euro thành Euro cho cô mà thôi.

Helsinki Cathedral, Trái Tim Trắng của thành phố       

Cả ông ta và tôi cùng cười xòa. Ui, mình đúng là đãng trí thứ thiệt. Phần Lan đã gia nhập Eurozone từ 1999 và dùng Euro ngay từ buổi đầu như những quốc gia thành viên khác.

Ngày trước, nhắc đến những thủ đô Bắc Âu, người ta thường nghĩ đến Oslo giàu có của Na Uy, Copenhagen trẻ trung của Đan Mạch. Giờ đây, Helsinki dần dà từng bước góp mặt vào danh sách những thủ đô được du khách ưa chuộng. Sức thu hút của thành phố ngày càng tăng. Từ 15 năm nay, Helsinki là một trong những thành phố tân tiến nhất Âu châu.

Diện tích Phần Lan lớn hơn diện tích Việt Nam 6 ngàn cây số vuông. Thế mà, dân số lại chưa đến 20% của Việt Nam. Hầu hết 5.5 triệu người Phần Lan sống tập trung ở thủ đô Helsinki và vài thành phố lớn. Với số lượng gần 188 ngàn hồ nước, Phần Lan có biệt danh “xứ sở ngàn hồ”. Mãi đến đầu năm 2022, 80% dân Phần Lan muốn đất nước trung lập, không tham gia vào những liên minh quân sự. Nhưng sau khi Nga gây chiến với Ukraine, 80% dân số đồng ý vào NATO để có thêm sức mạnh quốc phòng. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Người Phần Lan rất kiệm lời. Đứng chung trong thang máy, chẳng ai hé môi góp chuyện. Chào hỏi người lạ ngoài đường hiếm khi xảy ra. Trong bài thơ “Phong cảnh Phần Lan” (Finnische Landschaft), Bertolt Brecht đã viết: “Dân tộc Phần Lan là dân tộc lặng thầm trong hai ngôn ngữ.”

Nơi gặp gỡ đầu tiên ở thủ đô là Helsinki Cathedral, thánh đường Helsinki. Theo cách người Phần Lan nói: đó là Trái Tim Trắng của thành phố. Thánh đường Helsinki (tiếng Phần Lan: Helsingin tuomiokirkko, Suurkirkko) là nhà thờ Tin Lành, nằm ở quảng trường Thượng Viện, ngay giữa trung tâm thành phố. Carl Ludwig Engel đã đưa ra những kế hoạch đầu tiên vào đầu năm 1819. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1830 đến năm 1852 để vinh danh Sa Hoàng Nicholas I của Nga. Ban đầu được gọi là Nhà thờ St Nicholas. Khi Phần Lan độc lập vào năm 1917, nhà thờ được đổi thành Suurkirkko (Nhà thờ lớn). Đây là một địa danh chính của thủ đô, cũng là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất ở Phần Lan.

Từ Helsinki đến Nordkapp

Rời nhà thờ lớn Suurkirkko, chúng tôi đến thăm nhà thờ Temppeliaukio, nhà thờ đá hiện đại ở quận Etu-Töölö, một kiến trúc nổi bật của Phần Lan, một trong những nhà thờ đặc biệt nhất trên thế giới. Tòa nhà được xây trong vách đá. Ánh sáng ban ngày chiếu qua mái nhà bằng đồng với 180 cửa sổ. Các bức tường nhà thờ cao từ 5 đến 8 mét được làm bằng đá thô, không gọt giũa. Nhà thờ có chiều cao tính đến đỉnh mái vòm là 13 mét. Ngoài việc sử dụng cho các thánh lễ của Nhà thờ Tin Lành, nhà thờ còn được dùng cho các buổi hòa nhạc.

Sau khi đến thăm thánh đường Helsinki và nhà thờ đá, du khách có được buổi chiều tự thám hiểm, tìm tòi thủ đô. Trên đường đến bến phà sang quần đảo pháo đài Suomenlinna, chúng tôi đi ngang khu chợ trời cạnh bến cảng, người dân địa phương gọi là Kauppatori. Nơi đây, khách hàng có thể mua mọi thứ: từ cá hồi tươi cho đến thịt tuần lộc. Khách hàng không chỉ thưởng thức những món ăn ngon lạ tại chợ, mà còn có thể tìm kiếm quà lưu niệm đặc biệt: những món đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, bằng đá, hoặc mũ lông thú, da tuần lộc…

Đi phà từ bên Helsinki qua Suomenlinna chỉ 15 phút. Suomenlinna (Pháo Đài của Phần Lan), ban đầu được đặt tên là Sveaborg (Lâu Đài của Thụy Điển) là một pháo đài được xây từ thế kỷ thứ 18 trên một quần đảo nối liền nhau, nằm ven thủ đô Helsinki. Việc xây dựng pháo đài bắt đầu vào năm 1748 khi Phần Lan còn thuộc Thụy Điển, để bảo vệ đất nước trước chủ nghĩa bành trướng của Nga. Pháo đài được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1991.

Xem thêm:   Xe buýt Đà Nẵng... chưa vui!

Cô hướng dẫn viên ân cần nhắc nhở: “Quý khách nhớ dành thời gian đến thư viện của thành phố.” Trên đường tìm đến thư viện, chúng tôi níu áo một thiếu nữ, có vẻ như sinh viên, hỏi đường. Cô bé tươi tắn chỉ dẫn:

– Hai cô đi ngõ này, quẹo phải, thấy nhà ga, đi thêm một chút nữa.

Thư viện Trung tâm Helsinki Oodi

Tôi bắt chuyện:

– Tôi nghe nói thư viện này rất đồ sộ.

– Vâng, với cháu, như là phòng khách lớn vậy. It is like our big living room. Cháu vào đấy đọc sách, học bài hoặc hẹn gặp bạn bè.

Thư viện Trung tâm Helsinki Oodi, thư viện công cộng ở Helsinki, được khánh thành vào ngày 5 tháng 12 năm 2018,  vào đêm trước Ngày Độc Lập của Phần Lan. Năm 2019, Liên đoàn Hiệp hội Thư viện Quốc tế (IFLA) vinh danh Oodi là Thư viện Công cộng tốt nhất của năm. Thư viện như một trung tâm giao tiếp, với hơn 100,000 cuốn sách và nhiều khu vực phục vụ nhu cầu tinh thần của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội. Thư viện có phòng thu âm, xưởng phim, phòng hội nghị, khu vực thủ công mỹ nghệ, các loại máy in… Cư dân Phần Lan làm thẻ thư viện, mượn sách vở, băng nhạc, nhạc cụ… miễn phí. Hai chị em tôi thích thú đi lòng vòng. Dọc bên trái là dãy nhiều bàn có cờ tướng. Một hình ảnh tuyệt đẹp. Chúng tôi dừng chân ngắm bức tranh thật sinh động: ông cháu, tình nhân, bạn bè… từng cặp đang chăm chú bên bàn cờ tướng. Khắp nơi có chỗ ngồi đọc sách: những bậc cầu thang, những ghế nệm thoải mái… Đây kia có những chậu cây kiểng thật (cây thật chứ không phải cây nhựa), tạo một không gian thoải mái. Có những phòng họp cho hai người, bốn người để sinh viên tập trung viết bài, chuẩn bị thi cử… Những bàn máy may để tập dợt may vá. Nhiều bàn computer nối với máy in. Khu sách trẻ em có đồ chơi, có những tấm thảm êm mịn để các cháu thoải mái lăn bò, trong khi cha mẹ yên tâm đọc sách. Nơi đây, vài thanh niên đang nằm trên sàn, gối đầu trên ba lô vải đọc sách. Chỗ kia vài người xếp bằng, đắm hồn trong suy nghĩ bên laptop. Vài cụ già, tóc bạc phơ, ngồi trong xe lăn, vẫn chăm chú với cuốn sách trong tay. Chúng tôi xuýt xoa tiếc rẻ phải rời thư viện, rảo bước về xe buýt để tiếp tục cuộc hành trình.

Đài tưởng niệm Sibelius trong công viên cây cỏ xanh tươi ở quận Töölö thuộc Helsinki tưởng nhớ Jean Sibelius (1865–1957) nhà soạn nhạc lỗi lạc, có những đóng góp to lớn vào nền âm nhạc của thế giới. Tác phẩm nghệ thuật gồm 600 ống đàn bằng thép, được kết nối vào nhau. Nhìn từ xa, giống như cây đàn organ lơ lửng giữa không gian. Vào ngày đầy gió, những làn gió chuyển động len lỏi qua những ống đàn sẽ tạo nên tiếng nhạc tưởng như giai điệu của gió. (Tôi chợt nhớ đến giai thoại về Sibelius nhà văn Trịnh Y Thư kể trong tạp bút Chỉ Là Đồ Chơi. Nhạc sĩ Sibelius, như nhiều văn nghệ sĩ khác, rất thích ngồi quán. Một hôm, đã khá trễ, ông vẫn tụm năm, tụm ba với bạn bè trong quán. Vợ ông gọi, hỏi kháy: “Ông biết bây giờ mấy giờ không?” Ông cao giọng: “Tôi là nhà soạn nhạc. Làm sao biết bây giờ là mấy giờ.”)

Tuần lộc lang thang giữa phố

Đường về Lappi/ Lapland

Lappi nằm ở vùng cực bắc của Phần Lan, giáp với Thụy Điển, Na Uy, Nga và biển Baltic. Vùng này dân cư thưa thớt, khu định cư của người Sami, một tộc người bản địa, xuất xứ từ phía bắc Fennoscandia. Thủ phủ của vùng, Rovaniemi là cửa ngõ của khu vực. Đường sá sạch sẽ như lau, như ly, có đoạn thẳng tắp, có đoạn ngoằn ngoèo. Xe chạy êm êm giữa hai bên đường ngút ngàn cây cỏ xanh tươi, trời mây nước hài hòa. Du khách tận hưởng không khí trong vắt, không gian êm ả và cảm giác an lành. Đó đây các cô cậu tuần lộc (reindeer) nhởn nhơ, thong dong như giữa chốn không người. Xe cộ tự giác vui vẻ tránh sang một bên. Du khách hớn hở lấy máy hình ra nháy lia lịa.

Ông già Nô-En (cách nói của chúng tôi thuở nhỏ ở Việt Nam) không sống ở Bắc Cực như người ta thường nghĩ. Quê nhà của ông là Phần Lan. Bưu điện của Santa Claus ở Rovaniemi có hai thùng thư. Thùng màu vàng nhận thư thường, sẽ được chuyển ngay theo chuyến bay gần nhất. Thùng màu đỏ, thư, thiệp được giữ ở đấy đến Giáng Sinh, ông già Nô-En sẽ cưỡi tuần lộc đến trao thiệp đúng ngày. Thiệp và tem đều đắt. Nhưng ai nấy hoan hỉ lựa thiệp, hí hoáy viết đôi dòng gởi về cho người thương, người thân. Một món quà đáng yêu vào dịp Giáng Sinh mà không phải năm nào ta cũng có thể tặng được.

Xem thêm:   "Độn thổ"

Làng Ông già Noël nằm trong Vòng Bắc Cực ở Lappi của Phần Lan. Khu vực xung quanh làng thuận lợi để quan sát Bắc Cực quang. Mùa của Bắc Cực quang từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 4. Tiếc là chúng tôi đến đây hơi sớm, bầu trời trên Vòng Bắc Cực không đủ tối để nhìn thấy Bắc Cực quang. Rời Rovaniemi, chúng tôi đến Sodankylä, một trong những nơi lạnh nhất Phần Lan, từng có mùa đông giá rét với nhiệt độ âm 51 độ C. Từ tháng Sáu đến giữa tháng Bảy, giữa đêm vẫn còn mặt trời. Bù lại, Đêm Bắc Cực kéo dài từ ngày 19 đến 25 tháng Mười Hai, mặt trời không mọc trong thời gian này. Chúng tôi đến thăm trại nuôi tuần lộc. Hiện giờ đang giữa hè, phần lớn tuần lộc vào sâu trong rừng cây để tránh nóng. Da tuần lộc mỏng, ít lông, ở nơi ấm, bị ruồi bọ bu, cắn, dễ sinh bịnh. Chủ trại chỉ giữ trong trại vài tuần lộc bố mẹ với con nhỏ. Mỗi con tuần lộc đều có thẻ căn cước đeo nơi vành tai để biết thuộc chủ nào. Tuần lộc tự do tung tăng trong rừng, chủ chẳng sợ đi lạc. Nơi đây, người ta “kỵ” câu hỏi: “Ông/bà có bao nhiêu con tuần lộc?” Tựa như câu hỏi “nhạy cảm” ở Đức: “Anh/ chị làm lương tháng bao nhiêu?” Chúng tôi đi dạo quanh trại, đến gần các con tuần lộc, đưa cành lá cho chúng nhâm nhi. Có những lều cỏ nho nhỏ, có sân chơi với xích đu. Trên bãi cỏ xanh, sáng lên những vạt cỏ bông gòn trắng muốt. Du khách không cưỡng được sự mời gọi của thiên nhiên, nằm nhoài trên cỏ. Vài ống kính vội vàng đưa cao. Bất ngờ với cảnh ngộ nghĩnh, cô chủ trại thích thú chụp tấm hình và xin phép đưa lên quảng cáo cho trại. “Thế giới tràn ngập những điều tốt đẹp...” Thật vậy, giữa khung cảnh thanh bình, không khí trong lành, ai nấy lòng nhẹ nhàng, tận hưởng những thời khắc tươi đẹp của đất trời.

Sibelius Monument, Toolo, Helsinki

Mũi Bắc Nordkapp

Du khách rời Phần Lan, trực chỉ Na Uy, đến Mũi Bắc Nordkapp (North Cape), điểm xa nhất của châu Âu nhô ra Bắc Băng Dương. Mũi Bắc là một trong những điểm nổi bật nhất trong chuyến đi. North Cape Hall, một tòa nhà trên cao nguyên North Cape, có phòng chiếu phim, khu triển lãm cung cấp nhiều thông tin về mũi đất này.

Ngắm Mũi Bắc Nordkapp vào giữa đêm, sáng sớm hôm sau chúng tôi dừng chân ở Alta, thành phố lớn nhất phía bắc Na Uy nằm trên Altafjord. Bắc Cực Quang xuất hiện thường xuyên ở nơi này. Nhà thờ Northern Lights, nhà thờ lớn nhất ở thành phố Alta, được xây dựng từ năm 2011 đến năm 2013, hoàn toàn bằng bê tông với các tấm titan được ốp ở bên ngoài. Rải rác dọc đường có những giá cho xe đạp đậu với mái nhỏ để che mưa yên xe. Một sáng kiến ngộ nghĩnh mà thật hữu ích.

Xe của đoàn du khách tiếp tục bon bon lên đường tìm đến thiên nhiên tươi đẹp của quần đảo Lofoten Na Uy. Khoảng 80 hòn đảo xúm xít bên nhau, đó đây những ngôi nhà gỗ đầy màu sắc của những làng chài xa xôi giữa thiên nhiên hoang sơ tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Sân bóng đá của làng chài Henningsvær được National Geographic bình chọn là đẹp nhất năm 2017. Chụp hình từ trên cao, hàng hàng lớp lớp những giàn gỗ phơi cá dựng quanh sân vận động tạo nên khung cảnh thật đặc biệt. Cá tuyết (cod), đặc sản của vùng, được xem như nguồn vàng từ nước biển của quần đảo Lofoten. Vào mùa thu hoạch, cá được phơi khô trong nắng và gió biển trên những giàn gỗ khắp đảo. Thân cá bán sang Ý, Bồ Đào Nha. Đầu cá khô xâu thành từng dây bán sang Nigeria, để nấu món súp đặc biệt. Lưỡi cá, rất đắt, bán sang Pháp, là một món ăn đặc biệt cho người sành điệu. Ngày trước, vùng này có truyền thống, trẻ em từ 8 tuổi, bắt đầu học cách cắt lưỡi cá, tham gia những cuộc thi, hội hè hào hứng. Ngày nay, trẻ em lơ là sinh hoạt đặc biệt này. Bởi vậy, dân làng trả tiền thưởng cũng như mở cuộc thi đua cắt lưỡi cá để khích lệ tinh thần con em giữ gìn truyền thống của làng.

Vòng Bắc Cực ở Rovaniemi

Trở về Phần Lan

Xem thêm:   Câu cá chép

Từ quần đảo Lofoten Na Uy, chúng tôi phải đi “ké” một đoạn đường của Thụy Điển, băng qua thành phố Kiruna, thành phố ở cực bắc của Thụy Điển. Kiruna nổi tiếng với ngành khai thác quặng sắt. Đây là nơi có khu vực khai thác mỏ lớn nhất trên thế giới. Để khai thác các mỏ bên dưới thành phố, toàn bộ nhà cửa sẽ được dời 5 cây số về phía đông vào năm 2040. Nhà thờ Kiruna (Kiruna kyrka), được xây từ 1903 đến 1912, kiến trúc gỗ, được xem như một trong những kiến trúc đáng chú ý nhất của Thụy Điển, sẽ phải giữ y nguyên kiến trúc khi dời đi.

Về lại Phần Lan, chúng tôi ghé thăm ngôi chợ nhà lồng khá lớn của thành phố Oulu. Sau khi ngắm thỏa thuê những quầy hàng hấp dẫn của chợ, mua ăn tại chỗ hoặc mang về nhà làm quà những của ngon vật lạ, đặc sản của Phần Lan, chúng tôi thong thả ra ngoài dạo chơi. Trước chợ nhà lồng có tượng người đàn ông lùn, mập, bụng phệ: ông cảnh sát Toripolliisi. Nhìn tượng, do liên tưởng đến những xung đột giữa Phần Lan với Nga, một người thắc mắc: “Tượng này có liên quan gì đến người Nga không nhỉ?” Lúc ấy, có một người đi ngang qua. Tôi vội vàng chạy lại:

– Xin lỗi, ông có phải dân bản xứ không ạ?

Ông dừng chân:

– Chào cô. Vâng, tôi là người Phần Lan.

– Thưa ông, tượng này là ai vậy ông?

– Đây là ông cảnh sát chợ, giữ gìn trật tự cho khu chợ.

Cho chắc ăn tôi hỏi thêm:

– Ông cảnh sát có liên quan gì đến nước Nga không ông?

Ông vui vẻ:

– À không. Ông ấy là bạn dân, sẵn sàng giúp đỡ nếu ai cần.

Nordkapp lúc nửa đêm

Đáp lời cám ơn của tôi ông bảo không có chi và còn chúc chúng tôi một ngày tươi đẹp nữa chứ. Hóa ra, người Phần Lan nào có trầm lặng như lời “đồn thổi”. Vậy thì “mẹo vặt”: “How to make small talk with a Finn: 1) Smile at a Finn and walk away without speaking. 2) Understand that the Finn enjoyed your time together” chẳng hợp thời nữa.

Xe dừng ở khu phố trung tâm để hành khách thu xếp “chuyện nhỏ, chuyện to”. Thường thường, du khách vào quán, uống trà, cà phê và giải quyết chuyện quan trọng cho nhẹ người. Nhưng (không may) đây là những quán cà phê chợ trời trong những lều dựng dã chiến, không có nhà vệ sinh. Chủ quán giới thiệu chúng tôi đến các nhà vệ sinh công cộng. Cả đoàn đứng xớ rớ trước một dãy nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Trên mỗi cánh cửa có ghi lời hướng dẫn cách mở cửa nhà xí: phải gắn vào điện thoại cái app xài nhà vệ sinh, điền lý lịch, số thẻ tín dụng… vào đấy, gọi số điện thoại của công ty phục vụ để nhận mật mã mở cửa… Đọc lời giải thích 5 bước dẫn đến thành công của “điệp vụ xả nước cứu thân”, một ông bác trong đoàn la lên: “Ôi! Trời ơi, đến khi mở được cửa thì mọi chuyện đã zu spät, đổ bể hết rồi.” Biết không thể nào vượt qua cửa ải khoa học kỹ thuật để mở cửa thần, chúng tôi lục tục kéo nhau đến tiệm cà phê thứ thiệt ở góc phố. Trong lúc xếp hàng chờ đến phiên mình được thoải mái, tôi tẳn mẳn đọc tờ hóa đơn: toilet 2 EUR, đã có thuế. Ui, xứ Phần Lan quả là trong sạch. Ngay cả chuyện “tiện” be bé này mà cũng minh bạch thuế má. Đoàn du khách Đức ra xe, bụng dạ đã nhẹ nhàng, cười nói rôm rả: “Phần Lan hiện đại thiệt. Tụi mình đến đây cứ như nhà quê lên tỉnh.”

Hơn 20 năm trước, thuở còn là nhân viên kỳ cựu của hãng điện thoại di động, tôi đã “kính nhi viễn chi” Phần Lan, vì quốc gia này có Nokia, đối thủ đáng gờm của hãng tôi. Giờ đây, khi xem những chương trình tường thuật về Phần Lan, tôi dành nhiều thiện cảm và càng mong muốn được tai nghe, mắt thấy xứ sở này. Nghĩ đến Phần Lan, người ta như được ngắm bức tranh thiên nhiên hài hòa với muôn ngàn ao hồ, ngút ngàn rừng xanh. Người ta nghe về hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội ưu việt. Người dân Phần Lan biết cách sống hạnh phúc. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2025, Phần Lan được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới liên tiếp 8 năm. Tính theo câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, tôi học được biết bao điều mới lạ, lưu lại trong trí nhiều ấn tượng đẹp sau nhiều ngày rong ruổi hơn 3,000 cây số xuyên qua Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Được ngắm thỏa thuê trời mây nước. Được nghe nhiều câu chuyện thú vị về đất nước, con người của vùng Bắc Âu. Nhận xét: xứ lạnh, tình nồng càng đậm nét trong trí tôi khi nghĩ về vùng đất này.

Nhà thờ gỗ Kiruna, Thụy Điển

HQ Tháng Năm 2025