Trải qua thời gian khá dài, từ bao cấp sang đổi mới cho đến nay, xe buýt Đà Nẵng vẫn cứ trầm trầy trầm trật! Nó vẫn chưa là ưu tiên của người chọn phương tiện giao thông công cộng. Vì sao vậy?

Xe buýt chờ giờ xuất bến. Xe buýt màu vàng có trợ giá; Xe buýt màu đỏ không trợ giá.
Xe buýt thời bao cấp
Lúc bấy giờ xe gắn máy còn ít. Người di chuyển trên 20 đến 30 cây số thì xe buýt là lựa chọn đúng đắn. Cũng có số người chọn xe đò (xe khách). Do xe dừng cho xuống gần nhà, không phải xuống bến xe buýt rồi đón xe ôm đi nữa… Xe buýt lúc này hầu hết chạy tuyến Đà Nẵng – Kim Liên, Đà Nẵng – Vĩnh Điện. Cuối thập niên 1970, lúc này tôi dạy học ở Gò Nổi, Điện Bàn. Phương tiện ra vô hằng tuần bằng chiếc xe đạp đầm bung triển, nối ruột… không mấy an toàn. Trời mưa hoặc nắng nóng thì đi xe buýt. Do nhà ở gần Ngã ba Cai Lang, nên muốn đi xe buýt thì đi xe đạp ôm xuống trạm xe buýt ở Vườn hoa Diên Hồng, đường Hùng Vương. “Trước đó trạm xe buýt chạy Vĩnh Điện nằm ở Ngã Năm. Khi xăng dầu khan hiếm thì xe buýt ít hơn. Có cả xe buýt chạy bằng than củi. Như xe buýt của ông Mẹo (số xe 43H-2091) nhà ở Vĩnh Điện, xe của ông Nhuận (43H-2089)… Xe buýt hiệu Renault chạy xăng của ông Tưởng (số xe 43H-2113), ông Phước (43H-1995) là sạch, đẹp nhất trạm! Giá vé lúc ấy 10 hào (đi một trạm), 20 hào (đi nửa quãng đường), 50 hào (tới bến Vĩnh Điện). Sau giá tăng lên 20, 40, 50 hào. Theo thời giá đổi tiền lúc ấy”, ông Nguyễn Viết Hùng (sinh năm 1960), ở phường Thạc Gián, từng phụ xe buýt thời ấy kể.
Cùng xóm có chị Phượng dạy học ở Miếu Bông, Hòa Vang, và tôi dạy học ở Điện Bàn. Nếu đi gặp xe của chú Bảy (43 H-2637) cũng người hàng xóm thì Hùng hoặc Hòa phụ xe (con chú Bảy) thường không lấy tiền. Hồi đó chạy xe phải đi lấy lệnh rồi đem can đến lấy xăng tại cây xăng của công ty xe khách ở đường Hoàng Hoa Thám, gần ga xe lửa… Chiều trả khách xong về đậu xe buýt ở bến xe liên tỉnh, đường Điện Biên Phủ qua đêm.
Xe buýt Đà Nẵng-Vĩnh Điện chiều Chủ Nhật thường đông khách. Do người đi phần nhiều là giáo viên, nhân viên, cán bộ nhà nước hoặc công nhân nhà ở Đà Nẵng làm việc tại Điện Bàn. Họ thường vô lại nhiệm sở, cơ quan sớm hơn. Có được chỗ ngồi trên xe buýt là niềm hạnh phúc! Chứ thường chỉ đứng chen chúc. Thời này các anh chị hành nghề “hai ngón” làm ăn rất khấm khá. Riêng tôi, xuống xe buýt ở Vĩnh Điện là hối hả đi ra bến đò, đón ca nô lên xã Điện Quang. Khoảng hơn 2 tiếng tới Bến Đường, thôn Bảo An, rồi chịu khó cuốc bộ lên trường gần 2 cây số nữa! Chiều thứ Bảy về Đà Nẵng thì đi xe đạp xuống Vĩnh Điện gần chục cây số đường gồ ghề, lởm chởm đá. Gửi xe lại nhà người quen, lên xe buýt về. Cứ đều đều như thế.
Đôi khi đón không được xe buýt, nhất là chiều cuối tuần, đành phải chọn xe đò chạy bằng than từ Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi ra… Kiếm được chỗ ngồi hoặc đứng phía trước, tránh xa bình than “đeo” phía trái đuôi xe phả ra hơi nóng, bụi than là một kỳ công… trong quá trình chen lấn, len lỏi! Nói đi xe buýt cho sang chứ người luôn đi chung với heo gà, ngan ngỗng, thúng mủng giần sàng…đủ hết! Xe buýt còn chở cả xe đạp chất trên mui…

Tiện nghi dành riêng cho người đi xe lăn
Xe buýt còn là “xe bít”!
Năm 2005, hình thành tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Tam Kỳ-Đà Nẵng và ngược lại. Xe buýt mở rộng địa bàn hoạt động, thêm lộ trình. Xe buýt các tuyến từ Đà Nẵng – Hội An, Kim Liên – Chợ Hàn, Đà Nẵng – Ái Nghĩa, Đà Nẵng – Tam Kỳ… Doanh nghiệp khai thác tuyến là một số công ty, hợp tác xã vận tải và du lịch huyện, thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là nỗ lực của ngành Giao thông vận tải hai địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là công nhân, sinh viên, học sinh ở các khu vực xa trung tâm thị trấn, huyện lỵ, thành phố. Giá cả cũng phù hợp. Có điều không phù hợp là xe buýt bị…biến tướng thành “xe bít” (phát âm của nhiều người Quảng Nam). “Xe bít” đi liền với… xe bít bùng (xe chở tù). Xe buýt không chỉ chở người mà phát huy truyền thống…xe buýt thời bao cấp!
Xe buýt chở người và súc vật, hàng hóa. Xe buýt không chỉ nhồi nhét khách, chất hàng hóa, gà vịt trong hầm xe, cả trên mui, trong ca bin xe mà còn chạy… nước kiệu trước khi rời khỏi thành phố nữa mới ớn! Hành khách kêu trời dữ lắm luôn! Có kêu cũng chịu. Không đi thì thôi! Tuy nhiên được cái là khách xuống chỗ nào cũng được, không phải đợi tới trạm hoặc bến. Tôi nhớ vài lần đi xe buýt vào Tam Kỳ phải đi xe ôm tới bến xe buýt dành chỗ trước! Xe bắt đầu… thả nước kiệu… rà rà đón khách. Xe ra đến ngoại ô, khi không có căn nhà xinh mô nữa, mới… chạy nước đại! Chạy một chút lại dừng nhận hàng. Lúc giỏ thịt, lúc thùng các-tông trái cây, khi kẹp hồ sơ, khi cái bao thư nho nhỏ… Cái nào cũng có giá cước từ 10 nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng! Ta nói xe chạy rồi dừng, đang ngon trớn lại phanh gấp, trả khách, trả hàng liên tù tì. Ai khỏe mạnh mới không ói mửa, nhất là khi xe có chở heo! Tội nhất là trẻ em với người cao tuổi lỡ chọn đi “xe bít”! Tôi có đôi lần đi xe buýt đứng suốt từ Bến xe Tam Kỳ về đến Đà Nẵng, gần 60 cây số!
Nhiều lần tôi đi xe buýt từ Đà Nẵng vào Hội An và ngược lại. Nghĩ đi xe máy nắng nóng nên chọn xe buýt. Tuyến này thỉnh thoảng hay chở Tây ba lô. Chắc mấy anh chị Tây muốn thử nghiệm xe buýt Việt Nam. Dạo nọ tôi chứng kiến một cô Tây không đồng ý trả 50 nghìn đồng (hơn gấp đôi giá vé). Anh phụ xe phải chào thua! Giá vé 18 nghìn đồng, xe thu 20 nghìn đồng mình cũng cho qua. Nhưng khách Tây thì đừng hòng!

Xe buýt không trợ giá thưa thớt khách
Xe buýt… lên bổng, xuống trầm
Có thời gian, các tuyến xe buýt hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam… tạm dừng. 5 tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng không vào nội thành Đà Nẵng nữa! Chấm hết tình trạng phẩm chất xe xuống cấp, đón trả khách tùy tiện… Đà Nẵng đã có 14 tuyến buýt nội thành mới, phẩm chất cao.
Từ năm 2013, thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và lượng chất thải từ hệ thống giao thông, bảo vệ môi trường, hạn chế ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố v.v. Một thời gian khá dài, Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 khai thác xe buýt công cộng tại thành phố, từ cuối năm 2016. 11 tuyến buýt được thành phố trợ giá từ năm 2017 đến tháng 5/2022 gần 138 tỉ đồng. Trước dịch COVID-19 còn có khách. Sau dịch thì xe buýt gần như… “chạy gió”! Công ty nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động nhiều năm không đóng…Tài xế, nhân viên bán vé đình công… Cuối cùng phải kéo nhau ra tòa mới ổn! Các tuyến xe buýt Quảng An 1 (số 05, 07, 08, 11 và 12) được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang vận hành. Quảng An 1 vận hành 6 tuyến buýt trợ giá một thời gian ngắn. Sau đó “nhường sân” hẳn cho Phương Trang.
Xe buýt hiện nay là xe loại nhỏ, thuận tiện hoạt động trên các tuyến đường hẹp. Xe buýt trợ giá sơn màu vàng, có 5 tuyến. Xe buýt không trợ giá sơn màu đỏ, có 8 tuyến. Giá vé tăng từ 6,000 đồng lên 8,000 đồng. Vé tháng ưu tiên (đơn tuyến) từ 60,000 đồng lên 80,000 đồng… Có xe hỗ trợ người tàn tật bằng lối lên, xuống cho xe lăn… Xe buýt mới cứng, có 26 ghế, máy lạnh, wifi, tài xế, nhân viên bán vé thân thiện…Xe buýt Đà Nẵng đi Huế (giá vé 80,000 đồng)… là một bước tiến!

Xe buýt có trợ giá vắng khách
Vì sao người dân chưa mặn mà với xe buýt?
Câu trả lời xem như đã có. Tôi thể nghiệm 2 tuyến xe buýt, có trợ giá và không trợ giá. Sáng 21/6/2025, tôi đợi chuyến xe buýt số 16 tại trạm đường Lý Thái Tổ. Hơn 25 phút mới có xe, đã thấy không vui! Lên xe mua vé 15,000 đồng do tài xế bán! Có lẽ tiết kiệm kinh phí nên không có nhân viên bán vé! Xe chỉ 6 khách. Từ chợ Hòa Khánh quay về, xe có 7 khách. Một cụ già do không theo dõi bảng điện tử báo trạm dừng nên đi lố một trạm! Chiều 23/6 cũng đợi hơn 30 phút mới thấy chuyến buýt số 11, có trợ giá. Trạm chờ xe sát rạt nơi tập trung rác thải bốc mùi trên đường Hàm Nghi! Xe có nhân viên bán vé (8,000 đồng), có loa phát báo trước trạm dừng cho khách chuẩn bị. Buồn thay, khách chỉ có tôi và một chị… đi vé tháng! Thời gian này học sinh, sinh viên nghỉ hè nên xe buýt… không vui! Tôi cũng không vui vì chờ xe thấy nản!
Xe hơi, xe máy, xe đạp điện lại tăng không ngừng. Tuy thành phố cũng có trợ giá cho xe buýt nhưng vẫn chưa…thu hút khách! Xe mới, đẹp, sạch, nhiều tiện nghi. Không ít người dân thành phố chưa thấy hết ích lợi của hình thức vận tải công cộng? Chỉ đúng một phần. Có phần do thời gian đợi chờ xe lâu. Nghĩ kỹ thì làm sao không chờ lâu cho được vì khách có nhiều đâu mà tăng chuyến, rút ngắn thời gian đợi chờ như thời gian trước dịch giã? Nhiều khách lên mạng than thở và đề nghị: Rút ngắn thời gian chờ đợi xe xuống còn 10 hoặc 20 phút; Chờ xe buýt nên đi làm trễ hoài, bị trừ tiền suốt; Từ ngày đi Danabus, một tháng tôi bị trừ 4 công vì đi trễ; Tình trạng bỏ chuyến vẫn lác đác xảy ra; Xe buýt Đà Nẵng chỉ dành cho mấy bà đi chùa, đi thăm con cháu, đi bệnh viện, với mấy bà bán hàng rong; Đi làm, đi học mà chờ xe buýt thì méo mặt, có khi bị cho leo cây; Giá vé xe buýt nội thành cao hơn cả Sài Gòn, Hà Nội; Trước đây đi và về 16,000 đồng còn bây giờ hơn gấp 3 lần, đi xe máy chỉ tốn 10,000 đồng tiền xăng thôi, lại không say xe, good bye!
Đã không giảm giá thu hút khách lại còn tăng giá thì e xe buýt chỉ dành ưu tiên cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người già bán vé số, trẻ em, gia đình có công với cách mạng… Hiện người cao tuổi chỉ mới được ưu ái giá vé còn một nửa nếu đi xe màu vàng, có trợ giá! Còn như đi xe màu đỏ thì… hãy đợi đấy!
Sắp tới Quảng Nam nhập vào Đà Nẵng. Danabus liệu có khởi sắc? Đến bây giờ, xe buýt Đà Nẵng, đối với tôi… một hoài niệm buồn đeo đẳng!

Những chuyến xe thưa khách
Bài & hình LKD