Ngày 20 tháng 6 vừa qua, vài trăm người Việt đã trở lại Fort Chaffee để kỷ niệm 50 năm sau khi đặt chân đến đây và bắt đầu một cuộc sống mới trên nước Mỹ. Nhiều người mang theo con, cháu. Thậm chí có một gia đình nọ mang theo cả một chắt mới sinh vài tuần, đại diện cho thế hệ thứ tư của người Việt đến từ Chaffee.

(Nguồn ảnh: Chaffee Crossing Historic District Facebook)
Cái gọi là Fort Chaffee khi người Việt đến, giờ vẫn là một khu vực quân sự. Tuy nhiên một phần của nó đã được nhượng lại cho thành phố Fort Smith để biến thành khu du lịch, ăn uống và giải trí mang tên Chaffee Crossing Historic District. Như đã nói trong một bài báo trước, tại đây có một bảo tàng quân sự nhỏ mang tên Barbershop and Military History Museum, bắt nguồn từ sự kiện rocker Elvis Presley đã được hớt tóc trong căn nhà ấy khi anh nhập ngũ năm 1957. Một trong những mục tiêu của cuộc họp mặt kỷ niệm năm nay là gây quỹ để bành trướng viện bảo tàng và nếu có thể, xây thêm một căn mới dành riêng cho câu chuyện người Việt tị nạn tại Mỹ.

(Nguồn ảnh: KNWA Fox24)
Cô Trâm-Anh Nguyễn (trái) sinh tại Vũng Tàu và chỉ mới 2 tháng tuổi khi gia đình cô đặt chân đến Fort Chaffee vào mùa Hè 1975. Giờ đây cô làm trong ngành truyền thông chính thống của Mỹ, chủ yếu là TV tại thành phố St Louis, Missouri. Cô từng thắng 5 giải Emmys. Tại buổi họp mặt, Trâm-Anh đã giúp làm MC chung với tác giả bài Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt – nhạc sĩ Nam Lộc (phải).

(Nguồn ảnh: Trâm-Anh Nguyễn)
Đạt Nguyễn (phải) ra đời tại Fort Chaffee. Lớn lên ở Texas, anh trở thành người Việt đầu tiên (và hiện vẫn là duy nhất) chơi football chuyên nghiệp trong làng NFL, cho đội Dallas Cowboys, từng đoạt cúp Lombardi Trophy năm 1998. Ngoài việc làm diễn giả danh dự trong buổi tiệc, Đạt còn đóng góp trong màn đấu giá với một chiếc helmet có chữ ký của một cầu thủ NFL danh tiếng, mang về được $1000 cho đội nhà.

(Nguồn ảnh: Chaffee Crossing Historic District Facebook)
Tuy đa số tham dự là người Việt, nhưng cũng có khoảng 20% là người Mỹ. Không ít người đã từng làm việc tại Fort Chaffee năm 1975, giúp đỡ người tị nạn. Đại tá David Gibbons, chỉ huy trưởng hiện tại của trại huấn luyện Fort Chaffee cũng có mặt. Ngoài ra là các cựu chiến binh và người dân trong vùng đến để ủng hộ chương trình gây quỹ. Phần thức ăn được đầu bếp trứ danh Trọng Nguyễn từ Houston đảm nhiệm.

(Nguồn ảnh: Chaffee Crossing Historic District Facebook)
Ngoài các màn đấu giá trực tiếp là những món đồ được nhiều cá nhân tặng để dùng cho cuộc đấu giá thầm – silent auction. Trong số đó là một cái “gift basket” với 5 chai rượu hảo hạng của SuTi, lò rượu đế đầu tiên trên nước Mỹ, từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Nhà cất rượu Suý Đinh (giữa) cũng là dân tị nạn từ Chaffee ra. Khỏi phải nói, quầy nếm rượu của SuTi đã được khách Việt cũng như Mỹ chiếu cố nườm nượp.

(Nguồn ảnh: Morgan Trần)
Ngoài buổi dạ tiệc có bán vé trong nhà là một lễ hội ngoài trời miễn phí cho tất cả mọi người. Vì số bàn có hạn, nhiều người đã không mua được vé vào giờ chót. Tuy nhiên có một số vẫn lái xe đến để chung vui trong buổi họp mặt ngoài trời. Ca sĩ Hồ Lệ Thu từ Cali bay sang giúp vui cho màn ca nhạc, cùng với ban The Heat từ Dallas. Có lẽ vì vậy mà hôm đó nhiệt kế lên đến hơn 90 độ F, nóng bất thường đối với miền Bắc Arkansas vào mùa này.

(Nguồn ảnh: Chaffee Crossing Historic District Facebook)
Nhiều gia đình chở con cháu đến cho chúng thấy tận mắt xuất phát điểm nơi ông bà cha mẹ chúng bắt đầu giấc mơ Mỹ. Ai cũng nói họ rất vui và xúc động khi đặt chân lại chốn này. Sau những lời chào hỏi làm quen thường là những câu như “Anh chị hồi đó ở Building mấy?”, “Ở đây bao lâu?”, “Rời trại tháng nào, xì-bông-so ở đâu?” v.v. Nhiều người đã không kìm được nước mắt.

(Nguồn ảnh: Cassie Burkard)
Tại buổi dạ tiệc, ban tổ chức cho trưng bày một số hiện vật thâu thập được từ người Việt tị nạn, hiện là một phần khiêm tốn của bảo tàng quân sự tại đây. Trong ảnh là một quyển học tiếng Anh được viết bằng tay, với những câu thoại thông thường như “Bưu điện ở đâu?” … Ông Dương Tấn Hưng thuộc ban tổ chức nói hy vọng Chaffee trong tương lai sẽ có một bảo tàng viện đúng nghĩa, nơi lưu trữ những kỷ vật và hiện vật liên quan đến người Việt tị nạn trên đất Mỹ, kể cả những câu chuyện được ghi âm lại cho thế hệ sau nghe và hiểu.

(Nguồn ảnh: Cassie Burkard)
Cô Cassie Burkard, giám đốc điều hành Chaffee Crossing Historic District và là đầu tàu cho lễ kỷ niệm 50 năm này, nói giấc mơ của cô là dùng một barrack cũ của trại để biến thành bảo tàng tị nạn. Và có lẽ đó cũng là giấc mơ của nhiều người Việt chúng ta. Nếu bạn hay gia đình bạn muốn giúp biến giấc mơ đó thành hiện thực, bạn có thể đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình này qua hình thức đóng góp “gạch” — $100 cho mỗi viên 4’x8’, $200 cho 8’x8’, hoặc $1500 cho gạch lớn 24’x24’. Muốn biết thêm chi tiết, mời các bạn vào website ChaffeeCrossingHistoricDistrict.com

(Nguồn ảnh: Cassie Burkard)
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.