Sau nhiều đợt tấn công của Israel và Hoa Kỳ vào các cơ sở hạt nhân của Iran khiến đẩy quốc gia này vào một tình thế suy yếu và đứng trước sự đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ nhiều thập niên qua. Và điều này cũng khiến cho liên minh của họ với Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn – một trục liên minh ngày càng buộc Hoa Kỳ và các đồng minh lo ngại – đang phải đối mặt với một thử thách quan trọng: Liệu các quốc gia kia có đến hỗ trợ cho Iran hay không?

Bắc Kinh, Moscow và Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho Iran sự hỗ trợ quan trọng để phục hồi sau nhiều thiệt hại do các cuộc tấn công của Israel và Hoa Kỳ gây ra vào chương trình hạt nhân và kho vũ khí quy ước của nước này. Nếu điều này xảy ra có thể giúp cho liên minh bộ tứ này được thắt chặt hơn, và gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về các cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên và Đông Âu.

Trên thực tế, cả 3 quốc gia kia đã giúp Iran rất nhiều trong việc xây dựng chương trình hạt nhân mà Hoa Kỳ và Israel đã tìm cách phá hủy trong các cuộc tấn công vừa qua.

Cơ sở Isfahan, khu vực nghiên cứu hạt nhân lớn nhất của Iran và là mục tiêu chính của các cuộc tấn công của Hoa Kỳ, được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc và được khánh thành vào năm 1984. Có 3 lò phản ứng nhỏ do Trung Quốc cung cấp cũng đang hoạt động tại đây.

Bắc Hàn đã giúp thiết kế các đường hầm ngầm được sử dụng tại các địa điểm hạt nhân của Iran. Moscow cũng cho biết có hàng trăm chuyên gia hạt nhân của Nga hiện đang làm việc bên trong nội địa Iran.

Im tiếng

Tuy nhiên, cho tới nay Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn hầu như không có phản ứng nào và có lẽ sẽ không vội vã trong việc trợ giúp cho Iran trong thời gian sắp tới. Lý do chính: Quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Hoa Kỳ hợp lực cùng Israel tấn công Iran bằng các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của nước này đã khiến việc giúp Tehran phục hồi trở nên rủi ro hơn nhiều và làm cho tình hình căng thẳng hơn về mặt địa chính trị.

Xem thêm:   Hỏi là trả lời?

Việc không hỗ trợ cho Iran sẽ cho thấy quyền lợi của 4 quốc gia liên minh này khác biệt như thế nào, và điều này phơi bày ra bản chất hợp lực của một liên minh được thúc đẩy bởi một mục tiêu chung là để đứng ở thế đối lập đối với áp lực kinh tế và địa chính trị từ phía phương Tây nhưng lại không có sự ràng buộc nào khác.

Vào hôm thứ Hai 23/6, tức chỉ hai ngày sau khi bị Hoa Kỳ tấn công bằng 14 trái bom xuyên phá GBU-57 A/B MOP nặng 30,000 cân Anh, ông Putin đã đón tiếp Ngoại trưởng Abbas Araghchi của Iran tại Moscow nhưng không đưa ra bất kỳ hứa hẹn viện trợ quân sự nào. Trung Quốc và Bắc Hàn cũng có lên án các cuộc không kích của Hoa Kỳ vào Iran một cách qua loa và không hề nhắc nhở gì đến tên của ông Trump.

Liên minh CRINK

Bộ tứ này – được một số giới chức phương Tây đặt tên là “CRINK” (China-Rusia-Iran-North Korea) – trong những năm gần đây đã có những hợp tác chung về năng lượng, quân sự và ngoại giao, và đoàn kết lại với nhau với mục đích là để trốn tránh các lệnh cấm vận của Washington và tìm cách phá hoại trật tự của thế giới tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Cuộc xâm lăng toàn diện của Nga vào Ukraine 3 năm trước đã thúc đẩy nhóm này kết hợp lại, với một Moscow bị cô lập đang tìm kiếm sự hỗ trợ cho cuộc chiến. Iran đã cung cấp cho Nga kỹ thuật quan trọng về máy bay không người lái, trong khi Bắc Hàn đã chuyển một số lượng lớn đạn dược và đưa hàng chục nghìn binh lính sang Nga. Trung Quốc, quốc gia mua hơn 90% lượng dầu hỏa của Iran, cung cấp các sản phẩm kỹ thuật “sử dụng kép” – vừa cho dân sự lẫn quân sự – với mục đích nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chiến tranh của Nga.

Xem thêm:   Có gan làm giàu

Quyền lợi riêng

Việc tái vũ trang cho Iran sẽ tạo cơ hội bán vũ khí từ Bắc Hàn, là quốc gia cung cấp quân sự lâu năm cho Tehran.

Nhưng việc hỗ trợ Tehran có thể làm suy yếu quyền lợi riêng của 3 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán thương mại với chính quyền Trump, gần đây đã áp thuế cao đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc. Nga có thể muốn tiếp tục duy trì thiện chí với ông Trump, cho đến nay vẫn chần chừ chưa đưa ra các lệnh cấm vận mới đối với Nga để buộc nước này chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Bắc Hàn, với nguồn lực hạn chế, hiện đang tham gia với Nga vào cuộc chiến tranh chống lại Ukraine.

Trên thực tế, cả 3 quốc gia trên đã từng hỗ trợ Iran trong quá khứ.

Chế độ nhà họ Kim giúp Iran xây dựng kho vũ khí của họ kể từ chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên1980, cung cấp cho Iran xe tăng, hỏa tiễn và đạn pháo. Theo một bài báo năm 2006 trên tạp chí Jane’s Defense Weekly, được trích dẫn bởi Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Bắc Hàn cũng đã giúp xây dựng các đường hầm ngầm rộng lớn tại các địa điểm hạt nhân Natanz và Isfahan, vốn là mục tiêu tấn công mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Israel trong thời gian vừa qua.

Bắc Hàn có thể rất sẵn lòng hỗ trợ Iran xây dựng lại chương trình hạt nhân của họ, mặc dù sự giúp đỡ này sẽ phải được thực hiện trong bí mật.

Trung Quốc đã cắt viện trợ chính thức cho chương trình hạt nhân của Iran vào cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, các chuyên gia về chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tin rằng Bắc Kinh đã cung cấp cho Tehran các thiết kế cho trung tâm chuyển đổi nhiên liệu Isfahan, nơi Iran tích trữ chất uranium đã được tinh luyện. Theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc năm 2008, Trung Quốc và Nga được cho là đã giúp xây dựng và khai thác mỏ uranium Saghand của Iran.

Xem thêm:   Một ngày thường...

Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc đã không cấm các công ty quốc doanh và tư nhân của họ cung cấp cho Iran các bộ phận để chế tạo vũ khí – là hoạt động đã buộc chính phủ Hoa Kỳ đưa ra các cáo trạng và lệnh cấm vận đối với những công ty này.

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cung cấp cho Iran các vật liệu “sử dụng kép”, giống như họ đã làm với Nga,

Moscow đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Iran hoàn thành và vận hành nhà máy điện hạt nhân duy nhất của họ, với chất uranium tinh luyện được chở đến từ Nga. Tuy nhiên, trong khi Moscow từ lâu đã là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Iran, thì trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi xâm lăng Ukraine, họ đã không thực hiện được hầu hết các hợp đồng đó.

Hơn nữa, vì quyền lợi của Nga nên nhiều khi Moscow phải cân nhắc lợi hại trong các chính sách của họ ở Trung Đông. Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu của Israel có mối quan hệ lâu dài. Israel đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống radar cảnh báo sớm và Moscow thì không muốn nước này cung cấp thêm nữa cho Ukraine.

Tất cả những điều này có thể hạn chế các hành động của ông Putin, là người đã ký một quan hệ đối tác chiến lược mới với Iran vào tháng 1 vừa qua. Một việc mà Moscow có thể làm được vào lúc này là cung cấp cho Tehran  các hệ thống vô tuyến điện tử để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của máy bay không người lái.

o O o

Nói thế để thấy chỉ trong hoạn nạn mới nhìn thấy rõ tình nghĩa thực sự. Tục ngữ Việt Nam có câu “môi hở, răng lạnh”. Trong trường hợp của liên minh CRINK, ta thấy quyền lợi riêng của mỗi quốc gia trên được đặt cao hơn quyền lợi chung, do đó có thể nói môi lúc nào cũng hở và chiếc răng Iran thì gần sắp rụng.

VH