Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, vừa tròn 90 tuổi vào hôm Chủ Nhật 6/7 vừa qua. Nhìn bề ngoài Ngài còn khỏe mạnh và minh mẫn, nhưng với một người ở tuổi này không ai có thể đoán biết ngày ra đi sẽ là khi nào, và chính Ngài cũng hiểu điều thực tế đó và đã chuẩn bị cho kế hoạch về việc lựa chọn người kế vị, một quá trình nhìn thấy trước mắt chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự can thiệp từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố được đưa ra khi bắt đầu hội nghị bao gồm các vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Ngài được tổ chức mấy ngày trước đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định rằng Ngài sẽ tái sinh – để đáp lại lời kêu gọi từ những người Tây Tạng hiện đang sống ở trong nước hoặc đang lưu vong ở khắp nơi trên thế giới là cần phải duy trì sự tồn tại của thể thức tôn giáo đặc biệt này của dân tộc Tây Tạng.

Trong một thông điệp trước đó được đưa ra vào năm 2011 liên quan về sự luân hồi của Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma, người từng được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1989 vì sự kiên định với đường lối tranh đấu bất bạo động cho tương lai của đất nước Tây Tạng, đã lên tiếng cảnh báo về sự can thiệp của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ngài nói rằng những nỗ lực của đảng cộng sản Trung Quốc nhằm áp đặt các phương pháp không phù hợp để công nhận sự luân hồi của các lạt ma đã và đang làm tổn hại đến nền văn hóa độc đáo của dân tộc Tây Tạng, và Ngài nói sẽ ban hành các hướng dẫn cho quá trình chọn lựa này khi Ngài bước sang tuổi 90 để tránh tình trạng bị lạm dụng.

Thông điệp về sự tái sinh

Trong bản tuyên bố, Đức Đạt Lai Lạt Ma không đề cập đến Trung Quốc nhưng cho biết trách nhiệm tìm người kế vị hoàn toàn thuộc về văn phòng của Ngài là tổ chức Gaden Phodrang Trust, và nói rõ rằng “không ai khác có thẩm quyền can thiệp vào vấn đề này”.

Thông điệp nói trên là lời tuyên bố rõ ràng nhất của Ngài về tương lai của Phật giáo Tây Tạng. Trong thông điệp năm 2011, Ngài đã nêu ra những khả năng khác, chẳng hạn như việc chọn người kế vị khi Ngài vẫn còn sống, hoặc không có Đức Đạt Lai Lạt Ma nào khác kế vị Ngài trong tương lai. Trong cuốn hồi ký “Voice for the Voiceless” được xuất bản gần đây, Ngài nói rằng bất kỳ sự tái sinh nào của Ngài cũng sẽ chỉ xảy ra ở “thế giới tự do”.

Xem thêm:   Thỏa thuận thuế quan Hoa Kỳ - Việt Nam

Các tín đồ đạo Phật tin rằng những bậc giác ngộ như Đức Đạt Lai Lạt Ma có khả năng quyết định hoàn cảnh tái sinh của họ.

Mặc dù lời tuyên bố minh định của Ngài, quá trình tìm kiếm vị lãnh đạo tinh thần tiếp theo của dân tộc Tây Tạng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma băng hà, một ủy ban (lần này sẽ do tổ chức Gaden Phodrang Trust) được chỉ định để đi tìm nhân vật tái sinh đó, thường là trong bản thể của một bé trai, và sau đó phải mất nhiều năm tu luyện trước khi đứa bé đó có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma mới này sẽ cần phải trải qua nhiều năm rèn luyện về kỷ luật tinh thần và hành vi đạo đức, và trải qua nhiều kỳ thi trước khi được chứng nhận về khả năng lãnh đạo.

Sự can thiệp của Trung Quốc

Điều đó mở ra cánh cửa khác cho sự can thiệp của Trung Quốc vào quá trình này. Đối với Bắc Kinh, Đức Đạt Lai Lạt Ma từ lâu đã bị coi là một nhân vật ly khai nguy hiểm, tìm cách tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố Tây Tạng về mặt lịch sử là một phần của Trung Quốc và nhân vật tái sinh tiếp theo của Đức Đạt Lai Lạt Ma phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại kêu gọi người dân Tây Tạng hãy từ chối bất kỳ nhân vật nào do Trung Quốc đề cử, điều này làm dấy lên khả năng có thể có hai vị Đạt Lai Lạt Ma đối đầu nhau trong tương lai.

Khả năng can thiệp của Trung Quốc trên thực tế đã xảy ra đối với số phận của một cậu bé Tây Tạng 6 tuổi được Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận là Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật lãnh đạo tinh thần cao thứ hai trong chi phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng do Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo. Cậu bé và gia đình đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giữ vào năm 1995 và kể từ đó không ai biết chuyện gì đã xảy ra cho họ.

Xem thêm:   Động đậy sản

Sau đó, Trung Quốc đã phê chuẩn sự lựa chọn của họ cho một vị Ban Thiền Lạt Ma khác. Nhân vật này được Bắc Kinh hậu thuẫn, hiện nay 35 tuổi, đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6 vừa qua, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng trong việc kiểm soát hệ thống cấp bậc Phật giáo Tây Tạng đối với đảng cộng sản Trung Quốc.

Cuộc tranh đấu bền bỉ

Các sự kiện xung quanh sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma mới đây gây được sự chú ý và quan tâm là một minh chứng cho thấy sức thu hút của Ngài. Tên thật của Đức Đạt Lai Lạt Ma là Tenzin Gyatso và khi Ngài vừa bước vào tuổi trưởng thành là lúc quân đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng năm 1950, một hành động mà người dân Tây Tạng cho đến nay vẫn coi là sự chiếm đóng bất hợp pháp của một thế lực ngoại quốc.

Sau khi chạy trốn khỏi Trung Quốc cộng sản để lưu vong ở Ấn Độ vào năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trở thành một nhân vật nổi tiếng vì sự đấu tranh kiên định cho quê hương đã mất của mình và luôn hướng sự chú ý của thế giới đến hoàn cảnh khốn cùng của người dân Tây Tạng trong nhiều thập niên qua.

Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ lời kêu gọi của Ngài về những quyền lợi nới rộng hơn cho người dânTây Tạng cũng như hỗ trợ tài chính cho chính phủ lưu vong Tây Tạng.

Đối với người dân Tây Tạng, bao gồm cả nhiều triệu người đang sống ngoài nước, cộng đồng xuyên quốc gia của họ và khát vọng về một quê hương thoát khỏi sự áp bức của Trung Quốc từ lâu đã được thể hiện qua sự tranh đấu bền bỉ của một trong những nhân vật được nhiều người biết đến nhất trên thế giới.

Xem thêm:   Liên minh CRINK trước thử thách

Sau nhiều thập niên đảm nhiệm cả hai vai trò lãnh đạo chính trị và tôn giáo của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tách biệt hai vai trò này vào năm 2011 và chuyển giao quyền lực chính trị cho người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong (hiện nay là ông Penpa Tsering), một phần là nỗ lực để bảo đảm rằng phong trào tranh đấu tự do cho Tây Tạng sẽ trường tồn sau khi Ngài qua đời. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Ngài vẫn là một phần không thể thiếu của phong trào.

Ngã ba đường

Các học giả nghiên cứu tôn giáo và lịch sử Tây Tạng cho biết họ kỳ vọng người dân Tây Tạng sẽ dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma tương lai cùng một lòng sùng kính mà họ đã dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế không cẩn thận để rồi bị Trung Quốc lừa bịp về sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, phong trào đấu tranh cho quyền của người Tây Tạng có thể bị ảnh hưởng.

Ngã ba đường ấy đang ngày càng đến gần vào thời điểm khi mối liên kết giữa người Tây Tạng trong và ngoài nước đang dần phai nhạt. Trong nhiều thập niên qua, hàng ngàn người Tây Tạng đã chạy sang Ấn Độ mỗi năm và tiếp thêm năng lực mới cho phong trào lưu vong của người Tây Tạng.

Sau khi các cuộc biểu tình trong khu vực Tây Tạng nổ ra vào tháng 3 năm 2008, tiếp theo là làn sóng tự thiêu của các nhà sư và nhiều người dân Tây Tạng khác, Bắc Kinh đã tăng cường đàn áp và kiểm soát khu vực này khiến việc trốn thoát sang Ấn Độ ngày càng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Theo nhận định của tiến sĩ Samdhong Rinpoche thuộc tổ chức Gaden Phodrang Trust, cộng đồng người Tây Tạng đang bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng giống như thời điểm khi Đức Đạt Lai Lạt Ma buộc phải chạy trốn khỏi Tây Tạng – nhưng là giai đoạn họ sẽ phải vượt qua mà không có sự hiện diện của nhà lãnh đạo tinh thần mà tất cả người dân Tây Tạng biết đến trong suốt cuộc đời của họ.

VH