1
Viện cớ quên mang ví tiền
Đây là “chiêu trò” phổ biến nhất, hay được các vị khách trời ơi đất hỡi đem ra xài nhất mà các chủ tiệm khó có thể bắt bẻ hay từ chối vì lý do tế nhị, vì không muốn làm mất mặt khách của tiệm mình, hoặc các chủ tiệm cũng ngại lỡ khách của họ thực sự để quên ví ngoài xe hay ở nhà. Lợi dụng các khu vực đậu xe rộng, mấy bà khách này lẻn ra xe để lấy ví tiền rồi chuồn thẳng một đi không trở lại.

Bảo Huân
2
Chê để đòi tiền lại
Có những vị khách trả tiền rồi ra khỏi tiệm lại gọi điện vô mắng vốn phẩm chất quá tệ để đòi tiền lại. Tiệm của anh bạn tôi ở Lawrenceville (Georgia) cũng từng gặp khách “lầy” kiểu này. Cô khách vô tiệm hiên ngang chọn một bộ nails thiết kế cao cấp dù nhân viên tiệm đã báo trước giá tiền không hề rẻ. Vị khách không hề có ý kiến gì về giá tiền mắc rẻ. Đến khi làm xong, về nhà, cô ta gọi điện yêu cầu hoàn tiền lại vì quá xấu, không đáng tiền. Dù tiệm có quy định khách chỉ trả tiền và rời tiệm khi thực sự hài lòng với dịch vụ nhưng với ca này, chủ tiệm vẫn chấp nhận ngoại lệ là yêu cầu khách trở lại để chỉnh sửa hoặc nếu cần thì tiệm sẵn sàng làm mới lại. Nhưng vị khách nhất định không đến sửa nhưng lại review chê bai trên mạng bằng những lời lẽ tiêu cực, nặng nề, đồng thời báo ngân hàng của cô ta hủy thanh toán (cô ta thanh toán qua thẻ tín dụng). Cũng may tờ bill tiệm giữ lại có chữ ký của vị khách để làm bằng chứng với phía ngân hàng.
3
Khách hủy giao dịch thanh toán mà không cần lý do gì
Có những khách làm nails xong, thanh toán bằng thẻ đàng hoàng nhưng khi ra khỏi tiệm vẫn gọi lên ngân hàng yêu cầu hủy giao dịch thanh toán mà không phàn nàn gì với tiệm nails cả. Có nhiều tiệm khi nhân viên tính tiền cho khách thanh toán bằng thẻ mà lơ đễnh, quên không yêu cầu khách ký vào hóa đơn là coi như mất trắng.
4
Khách vu oan giá họa
Lần nọ, một anh thợ ở Mesa (Arizona) sơn xong bộ tay cho cô khách người da đen nọ thì cô ta không có tiền trả. Hai bên cự cãi một hồi thì cô khách gọi điện thoại cho cảnh sát tới, lu loa lên rằng anh thợ nails nọ kỳ thị chủng tộc với cô ta. Tức mình, anh thợ đòi mở camera cho cảnh sát xem họ đã cãi nhau những gì, anh ta có lúc nào kỳ thị cô ta không. Mọi người trong tiệm khuyên anh để cho cô ta đi cho rồi thì mọi việc mới được yên.
5
Khách ăn vạ
Cuối tháng 5/2024, một clip được lưu truyền trên Facebook, nội dung do một cô chủ tiệm nails người Việt quay lại. Trong đó, một người khách nữ da đen đến tiệm của cô vào lúc cuối ngày để làm tay, chân và wax lông mày. Làm xong, cô khách nói để trả tiền bằng Cash App nhưng khi mở Cash App thì cô ta không có tiền, cũng không có link với ngân hàng nào trên đó luôn. Cô khách lắm trò lại muốn đi ra ATM để rút tiền mặt nhưng cô chủ bảo không cần tiền mặt vì tiệm của cô có máy cà thẻ. Tuy nhiên, cô khách nhất định đòi đi ra máy ATM rút tiền. Lúc này, cô chủ tiệm đã biết chắc cô khách này không có tiền và đang tính giở trò “tẩu vi thượng sách” nên đề nghị để cô cắt bỏ phần móng vừa sơn xong và để cho cô ta đi, chỉ cần sau này không trở lại tiệm này nữa là cô ấy sẽ không làm lớn chuyện gì hết. Trong lúc cô chủ tiệm đang dùng máy giũa để xóa màu sơn, cô khách cố tình ngọ nguậy để máy giũa phạm vào tay và gọi cảnh sát báo cô chủ tiệm nails cắt tay cô ta gây chảy máu. Trong vòng 5 phút sau, cảnh sát, xe cứu thương đỗ xịch ngay trước cửa tiệm. Cô khách khóc bù lu bù loa kêu đau nhưng khi kiểm tra vết thương chẳng có gì, cảnh sát đã bỏ đi. Tuy nhiên, có hai vị cảnh sát nán lại hỏi thêm chi tiết, cô chủ tiệm kể rõ sự tình cũng như thiện chí muốn để cô khách đi mà không tính tiền. Tuy nhiên, sau khi cô khách báo cảnh sát và làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, cô chủ nhất định đòi tiền service cho phần chân và lông mày (vì phần tay cô ấy đã phá màu sơn ra rồi nên không tính). Rốt cục, cảnh sát còng tay vị khách ăn vạ kia giải đi vì cô ta không có tiền để trả.

Bảo Huân
6
Khách quen cũng quỵt
Không chỉ khách lạ, đến tiệm lần đầu mới xù tiền công thợ mà khách quen từng đến tiệm vài lần cũng quỵt như thường. Cô bạn tôi ở Colorado có 2 tiệm nails ở hai khu vực khác nhau. Vị khách nọ đến tiệm đầu tiên và giở trò để quên ví tiền ngoài xe để ra lấy. Thấy khách quen, đã từng đến tiệm vài lần nên chủ tiệm đồng ý mà không nghi ngờ gì để bà khách “im thin thít lặn mất tăm”. Bẵng đi một thời gian sau bà ta đến tiệm thứ 2 của bạn tôi làm nails tiếp. Nhận ra “người quen cũ”, cô bạn tôi định bụng lần này nếu bà ta giở lại thói chạy làng như lần trước là sẽ giữ lại báo cảnh sát. May sao lần ấy bà ta trả tiền nên bạn tôi cũng không muốn nhắc nợ lần trước, xem như “xí bùm bum”.
Ngoài ra, còn có nhiều kiểu quỵt tiền làm nails khác như xài thẻ ăn cắp được, xài check “lủng” hoặc kêu người đi kèm ngồi chờ sẵn trên xe, làm xong là vù lên xe vọt đi mất hoặc giả vờ đi vệ sinh rồi chuồn thẳng ra cửa sau… Tuy nhiên, đa số chủ tiệm hoặc các thợ nails ít khi làm căng với mấy thể loại khách ăn quỵt như thế này vì nhiều lý do, kể cả không muốn làm mất thể diện của khách; khả năng tiếng Anh không đủ để đôi co, cãi lộn qua lại hay khi cần giải trình với cảnh sát; ngại tiếp xúc với cảnh sát (ngay cả khi họ đúng chứ không sai) vì không muốn cảnh sát đến rồi dòm ngó tiệm mình; sợ bị tai tiếng, review xấu trên mạng; sợ ảnh hưởng đến các khách hàng khác đang ngồi trong tiệm… Kể cả có chủ tiệm báo cảnh sát đến, vị khách kia hứa hẹn, làm report cam kết sẽ trả tiền sau bao nhiêu ngày nên chấp nhận cho khách khất hẹn. Quá ngày hẹn vẫn không thấy khách trả tiền, chủ tiệm gọi lại cảnh sát thì được trả lời phải thưa ra toà mới giải quyết được. Không muốn mất án phí cao gấp nhiều lần tiền công làm bộ nails đó với mất công sức, mất thời gian lên xuống hầu toà lãng xẹt, chủ tiệm đành “thí cô hồn” cho xong việc, coi như gặp xui.
Có những chủ tiệm chọn cách ứng xử ôn hoà, thà chấp nhận mất đi vài người khách xấu xí, mất một khoản thu nhập để giữ gìn hình ảnh, tiếng tăm của tiệm và tránh những ồn ào không đáng có vì nghề nào cũng có những rủi ro, khó khăn riêng của mình. Mặc dù vậy, trong thâm tâm họ thà bỏ qua cho người vì đói khát, khó nghèo mà ăn quỵt chứ không chấp nhận thói chưng diện, thích làm đẹp khi trong túi không có tiền.
Nhưng dù gì đi nữa, ý kiến của đa số nhân viên trong ngành nails đối với những sự việc tương tự là “vỏ quýt dày nên có móng tay nhọn”, phải cứng rắn, nghiêm khắc để răn đe những kẻ tác oai tác quái, có ý định ăn quỵt trên công sức lao động chân chính của họ, không có điều kiện chi trả mà lại thích sống hưởng thụ bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác. Giải quyết tận gốc với người này cũng đồng thời cảnh báo những kẻ lăm le ý định ăn quỵt tương tự, không chỉ với tiệm này mà còn với tất cả các tiệm nails nói chung!
Dù số lượng không nhiều nhưng hầu hết các tiệm nails đều “được” thể nghiệm, tiếp xúc với những vị khách “xấu xí” như thế (một phần có lẽ do các vị khách này nắm rõ các chủ lẫn thợ trong các tiệm nail thường là người Việt ngại va chạm, rầy rà, ngoại ngữ không tốt và đa phần không có kiến thức quản lý tiệm chuyên nghiệp). Các hành vi trái pháp luật như thế này không đáng được nhân nhượng và cần bị loại trừ khỏi một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật như nước Mỹ dù là với bất kỳ nghề nào chứ không riêng gì nghề nails. Một ý kiến hữu ích là tiệm nào cũng nên thủ sẵn tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ “We reserve the right to refuse service” (Chúng tôi có quyền từ chối phục vụ) phòng khi khách có thái độ không tốt thì nên khéo léo lựa lời từ chối phục vụ ngay từ đầu cho đỡ rách việc!

Bảo Huân
VL