Tu Chính Án Thứ Mười (TCA-10) là một phần quan trọng của mười Tu Chính Án đầu tiên—còn được gọi là Bill of Rights, của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Được phê chuẩn năm 1791, nội dung của TCA-10 như sau:

“Những quyền hạn Hiến pháp không trao cho Liên Bang, nhưng cũng không cấm đối với các tiểu bang, sẽ thuộc về các tiểu bang, hoặc thuộc về nhân dân.”

TCA-10 là nền tảng của chủ nghĩa Liên Bang (Federalism) – quy định sự phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và tiểu bang. Tuy nhiên, như nhiều điều khoản khác trong Hiến Pháp, cách diễn giải TCA-10 cũng đã gây nhiều tranh cãi, phản ảnh những cuộc đấu tranh về quyền dân chủ, tự do và quản trị trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ.

Đại biểu Quốc Hội phê chuẩn bản Bill of Rights trong Hiến Pháp. (Tranh Louis Glanzman)    

Tu Chính Án Thứ Mười chào đời tại Hội nghị Lập hiến năm 1787, nơi những người cổ suý chủ nghĩa Liên Bang, như Alexander Hamilton và James Madison, đã tranh cãi kịch liệt với những người chống Liên Bang, (anti-Federalists) như Thomas Jefferson và Patrick Henry, về sự cân bằng quyền lực trong nền cộng hòa mới. Những người chống Liên Bang không muốn thấy một chính phủ trung ương quá mạnh. Họ cảnh báo rằng nếu không sớm đặt ra những biện pháp bảo vệ chủ quyền tiểu bang thật rõ ràng, nền cộng hoà Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng chuyên quyền.

Để xoa dịu những lo lắng này, Madison khi soạn thảo nội dung chính của TCA-10 đã bảo đảm bất kỳ quyền hạn nào không được trao cụ thể cho chính phủ liên bang sẽ thuộc về các tiểu bang hoặc nhân dân. Đây không phải là một khái niệm mới mẻ, nó chỉ nhấn mạnh quyền tự chủ của các tiểu bang trong Các Điều khoản Hiệp Bang. Song việc đưa TCA-10 vào Bill Of Rights là một thỏa hiệp chánh trị cần thiết lúc bấy giờ để giúp Hiến Pháp Hoa Kỳ được đa số các tiểu bang phê chuẩn và thông qua.

Xem thêm:   Ngày của Bố

Nhưng vừa mới ra đời là TCA-10 đã ngay lập tức trở thành một vùng chiến địa. Trong những năm đầu của nền cộng hòa non trẻ, những người theo chủ nghĩa Liên Bang cổ suý việc diễn giải TCA-10 theo hướng mở rộng quyền lực liên bang. Trong khi đó thì những người Dân chủ-Cộng hòa, dẫn đầu bởi Jefferson và Madison, nhấn mạnh cách diễn giải hẹp hơn hòng hạn chế sự lạm quyền của trung ương.

Hai nhà kiến trúc hiến pháp vĩ đại Thomas Jefferson và James Madison

Tòa án Tối cao dưới thời Chánh án John Marshall đã đưa ra một phán quyết quan trọng trong vụ “McCulloch v. Maryland” (1819), nói rằng định theo Hiến pháp thì Quốc Hội có quyền lực ngầm, và luật liên bang có hiệu lực tối cao so với luật tiểu bang. Ông Marshall tuy thừa nhận TCA-10 nhưng cũng cho rằng về mặt cơ bản nó không hạn chế thẩm quyền của Quốc Hội trong những lĩnh vực mà Hiến Pháp đã trao.

Những thập niên tiếp theo, xung khắc giữa quyền lực tiểu bang và liên bang ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt là về vấn đề nô lệ. Các tiểu bang miền Nam viện dẫn TCA-10 để bảo vệ “quyền” duy trì chế độ nô lệ, dẫn đến nội chiến. Hiến pháp của Liên minh miền Nam (Confederate State) đề cao quyền lực của tiểu bang. Song chiến thắng của phe Liên Bang và việc thông qua các tu chính án thứ Mười Ba, Mười Bốn và Mười Lăm sau đó đã thay đổi cán cân quyền lực và củng cố thẩm quyền của liên bang trong các vấn đề dân quyền trên toàn quốc.

Xem thêm:   Con gấu của kia

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, TCA-10 thường được các tòa án bảo thủ viện dẫn để bác bỏ các quy chế cấp tiến trong luật lao động và kinh tế. Những phán quyết của Tối cao Pháp viện (TCPV) trong thời kỳ này thường cho rằng một số quyền hạn—như điều chỉnh điều kiện và chế độ lao động—thuộc về chính phủ tiểu bang chứ không phải liên bang.

Bản gốc của Tu Chính Án Thứ Mười, lưu giữ tại National Archives.

Nhưng đến đời Tổng thống Franklin D. Roosevelt và chương trình New Deal, thì tư tưởng này trở thành lỗi thời. Đối mặt với cơn Đại suy thoái, chính quyền Roosevelt đã mở rộng các chương trình liên bang nhằm kích hoạt nền kinh tế, dẫn đến xung đột với Tòa án vốn từ đầu đã bác bỏ nhiều đạo luật quan trọng như Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia. Nhưng sau khi bị Roosevelt đe dọa sẽ cải tổ tòa án, cùng sự thay đổi quan điểm của TCPV trong vụ “West Coast Hotel Co. v. Parrish” (1937), Tư Pháp chấp nhận cách diễn giải quyền lực liên bang theo hướng rộng mở hơn hòng duy trì các chương trình New Deal và giảm bớt vai trò của TCA-10 như một sự ràng buộc đối với Quốc hội.

Vào nửa cuối thế kỷ 20, đặc biệt là trong thời TT Reagan, TCA-10 đã có một sự hồi sinh. Các nhà lãnh đạo thuộc khối bảo thủ đã tìm cách giảm bớt sự giám sát của liên bang để ủng hộ quyền tự chủ của tiểu bang. Tuy nhiên, các toà Tối Cao dưới thời Chánh án Rehnquist và Roberts đôi khi đã khẳng định lại tầm quan trọng của TCA-10. Chẳng hạn như toà án đã phán quyết rằng chính phủ liên bang không thể “ép buộc” các cơ quan lập pháp hoặc hành pháp tiểu bang phải thực thi luật liên bang.

Xem thêm:   Đời nhạc công

Ngày nay, Tu Chính Án Thứ Mười vẫn là điểm nóng trong các cuộc tranh luận về các vấn đề như y tế và sức khoẻ công cộng, hợp pháp hóa cần sa, kiểm soát súng, quyền bầu cử v.v. Các tiểu bang Đỏ thường viện dẫn TCA-10 để chống lại các chính sách của liên bang—từ Obamacare cho đến các quy định về môi trường. Còn các tiểu bang Xanh thì lại dùng nó để biện minh cho những chương trình cải cách cấp tiến khi chính phủ liên bang không chịu hành động.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký ban hành đạo luật New Deal. (White House Archives)

Đại dịch COVID-19 càng khiến những xung đột này căng thẳng thêm khi thống đốc hay quan chức địa phương đối đầu với chính phủ liên bang về các quy định đeo khẩu trang, hạn chế kinh doanh, phân phối vaccine… Phán quyết của Tòa án Tối cao trong các vụ như “Biden v. Missouri” (2022) liên quan đến việc bắt buộc tiêm chủng cho nhân viên y tế, cho thấy cuộc chiến pháp lý nhằm xác định lằn ranh giữa quyền liên bang và tiểu bang vẫn còn đang tiếp diễn.

Gần đây nhất, sự kiện California kiện chính quyền liên bang vì đã “liên bang hoá” (federalize) lực lượng Vệ Binh Quốc Gia (National Guard) của California, cho phép họ bắt bớ người dân biểu tình hợp pháp ở Los Angeles, là một bài trắc nghiệm mới cho Tu Chính Án Thứ Mười.

Nói tóm lại, TCA-10 không phải là một điều khoản khô cứng trong Hiến Pháp thuộc về thế kỷ 18 xa xôi nào đó, mà là một nguyên tắc cơ bản trong việc phân bổ quyền lực, tích cực góp phần định hình nền cộng hoà của nước Mỹ. Cách diễn giải TCA-10 sẽ luôn thay đổi đồng bộ với sự phát triển chính trị và xã hội Hoa Kỳ. Chúng ta đang là chứng nhân trong cuộc tranh giành quyền lực mới nhất, nảy sinh từ một văn bản được soạn cách đây hơn 230 năm!

Vệ binh Quốc gia và lính TQLC bảo vệ các toà nhà của Liên Bang tại Los Angeles hồi tháng 6/2025. (AP)