Ông bà hay dạy: “Có đức thì mặc sức mà ăn”. Nhưng mà phải tu thân mới tích được đức, vậy thì lâu quá. Nên đa số thiên hạ bây giờ khoái ăn lẹ, chẳng cần nêm nếm gì cho thấm tháp, miễn có lưng cơm đầy bụng là được.

1

Ở Quảng Ninh, có cái tiệm bán bông tươi rất bự tên Đặng Thoa, bà chủ tiệm cùng tên rất giàu. Đối diện tiệm bông tươi Đặng Thoa có tiệm sửa xe Hoàng Gia, tiệm sửa xe cũng rất bự, nhưng có lẽ chủ tiệm sửa xe không giàu bằng chủ tiệm bán hoa. Bởi vậy nên chủ tiệm sửa xe Hoàng Gia đưa con gái (15 tuổi) qua tiệm bông tươi Đặng Thoa cầu sư, hứa sẽ làm việc lâu dài sau khi học nghề xong. Cô chủ Đặng Thoa nhận trò, thấy cháu gái tuổi nhỏ nghỉ học nên không tính học phí và hỗ trợ học trò 4 triệu/tháng cho cháu sinh hoạt. Ai ngờ, ngay sau khi học xong, nhân dịp kỳ nghỉ Tết âm lịch, cô học trò nghỉ luôn.

Tưởng tình thầy trò sẽ trở lại thành tình hàng xóm hoặc nâng cao thành tình đồng nghiệp, vì theo cô chủ Đặng Thoa đăng trên trang cá nhân thì lâu lâu cô vẫn nhận học trò (tính phí) và những người này vẫn ra mở tiệm làm ăn tốt, vẫn giữ liên lạc với cô Đặng Thoa.

Không ngờ, học trò của cô dời luôn đồn giặc tới đóng sát cửa nhà Đặng Thoa. Một bữa đẹp trời, Đặng Thoa nhìn qua cửa sổ, thấy cha của học trò (chủ tiệm sửa xe đối diện) đang bắt kệ vào ngôi nhà trống kế bên tiệm hoa Đặng Thoa. Hỏi ra mới biết, người học trò kiêm hàng xóm sắp thành đồng nghiệp của Đặng Thoa thật. Thật đáng trân trọng nếu cô bé không mở ngay tiệm hoa sát rạt cạnh bên tiệm hoa của thầy dạy mình. Ngày khai trương, hoa bên tiệm thầy nở rực rỡ bao nhiêu thì cửa hàng mới của trò cũng khoe sắc bấy nhiêu. Cách bó hoa, phối hợp màu, cách tư vấn na ná. Khiến nhiều người qua lại ngó vô, tưởng đâu hai thầy trò “chia nhánh” làm ăn chung. Té ra không phải!

Xem thêm:   Căng thẳng

Để thỏa nỗi uất ức, bà chủ tiệm Đặng Thoa đăng bài lên mạng xã hội tố cáo cha học trò, mẹ học trò và cả học trò của cô. Ngoài đăng bài, cô này còn in hẳn tấm bảng treo trước tiệm hoa Đặng Thoa với nội dung: “(tiệm) kế bên là của học trò nhà Đặng Thoa, vừa học xong mở bên cạnh thầy, giành cơm của chính người dạy nghề cho mình.”

Mạng xã hội như một công đường tự do tố cáo – xét xử…

Tấm bảng mà bà chủ cửa hàng hoa Đặng Thoa treo trước cửa cảnh báo người mua hàng – Nguồn: Đặng Thoa

2

Không cần ngoài Bắc cho xa, ngay cái chợ Tân Định trứ danh ở Sài Gòn, nơi mấy bà mấy cô hay lui tới may áo dài, đồ cưới đồ đó cũng có một câu chuyện tương tự xảy ra hồi 1-2 năm trước, rất được để tâm nhưng sau cũng chìm nghỉm.

Chuyện rằng, có con nhỏ tên Linh, tuổi đời hăm mấy bẻ đôi vừa lanh lợi vừa phơi phới. Nó tìm tới bà Hai (chuyên may áo dài – tay nghề thuộc hàng có số má ở cái chợ này) để xin học nghề. Bà Hai thương con Linh thiệt tình, dạy cho nó từng đường kim mũi chỉ. Nó trưởng thành dần, từ cầm kéo run run, giờ cắt vải, đo đạc, đính cườm lộng lẫy… mần được hết. Ai thấy cũng tấm tắc khen. Bà Hai còn nói, “Mày học cho giỏi, sau này mở tiệm, tao mừng cho mày”. Vậy mà, khi con Linh mở tiệm, bà Hai rầu thúi ruột.

Học xong rồi, con nhỏ Linh nó không đi đâu xa xôi, nó lại mở tiệm ngay sát vách sạp cô Hai, cách có mấy gian hàng chớ nhiêu! Cái tiệm con Linh nhỏ nhỏ mà có võ, bởi nó biết cập nhật xu hướng đồ… Nào là bảng hiệu sáng trưng, chớp tắt, mặt tiền treo mấy tấm áo dài lụa óng ánh – gặp gió là từng tà áo bay bay nhẹ, nhìn rất sang. Con nhỏ Linh nó trẻ, nó lanh, nó lại biết cái trò quảng cáo trên Facebook, Instagram, kiểu “áo dài giá rẻ, may lẹ, giao tận nhà”… Đã vậy giá may đồ của con Linh còn rẻ hơn giá may đồ của bà Hai.

Xem thêm:   Chấm dứt toàn cầu hóa

Ngày xưa trăm người bán, vạn người mua. Nay vạn người bán, hiếm lắm mới có người mua. Vậy mà nhiều khách thấy tò mò cũng chạy qua con Linh may thử, có nhiều khách tuyệt đối tẩy chay Linh. Tiệm may Bà Hai bị tuột hậu, ế, không cạnh tranh lại đứa học trò vừa giỏi vừa thông minh vừa biết dùng internet như một công cụ hỗ trợ bán hàng… Có lẽ từ nay tới ngày nghỉ hưu, bà sẽ cân nhắc kỹ khi nhận thêm học trò…

Nhiều người cũng bất bình đăng bài tố cáo con Linh giùm bà Hai, nhưng có lẽ dư luận Việt quá quen với những câu chuyện “tình thầy trò” bị coi rẻ này nên không nhiều người quan tâm…

Mạng xã hội như một công đường tự do tố cáo – xét xử – Nguồn: Đặng Thoa

3

Vậy mà gần đây, có một câu chuyện “tình thầy trò” cơm sống lại khiến cư dân mạng rần rần bàn luận rất sung…

Nhớ hồi trước, có anh nọ, thấy đoàn của sư Minh Tuệ – ông sư nổi tiếng đi bộ, ngủ ngồi, sống đơn sơ, làm dân mình ai cũng nể – muốn ra nước ngoài đặng đi khất thực, anh bèn theo xin được phụ giúp. Ban đầu, ảnh một dạ hai vâng, xưng hô “thầy – sư phụ” ngọt xớt, còn thề thốt sống chết vẫn đi theo thầy, thầy có đuổi vẫn đi theo thầy, không bao giờ rời đoàn, không bao giờ phản bội thầy của anh – sư Minh Tuệ. Nghe mà cảm động, tưởng đâu anh này là trò ruột, chung thủy tới cùng.

Ai dè, đời không như là mơ. Chẳng bao lâu, anh bị đoàn “đuổi khéo” ra khỏi nhóm và không chịu nhận lại, nghe đâu vì đủ thứ lý do: lúc thì nói nhiều hơn làm, lúc thì gây lộn, làm mất đoàn kết, đa số là do anh nhìn ai cũng ra kẻ địch…

Xem thêm:   Toàn Nobel y học... hụt

Bị loại, anh không chịu ngồi im ngẫm lại mình, mà anh chạy tới đi xả lời thề và tìm bái một người khác làm sư phụ mới, quay ngoắt 180 độ. Từ đó, mỗi ngày anh đều ra nhiều video tạo dư luận không hay cho đoàn tu của sư Minh Tuệ, khi thì ông này tu giả, ông kia phản động, ông nọ muốn tị nạn chính trị, có người muốn hại “thầy cũ” của ông… Có hôm cao hứng anh còn khẳng định không đất nước nào chứa một đoàn ăn xin, cái đoàn ăn xin mà anh phải lạy lục xin vào rồi bị đuổi ra vì lắm lời. Chưa hết, anh còn tính lập đoàn tu riêng, anh kêu gọi các sư “tinh tấn” hãy tìm tới anh, đi theo anh, chỉ cần nhận anh làm trưởng đoàn, chịu sự giám sát của anh… là yên tâm đi bộ qua Ấn tu hạnh đầu đà (mà anh nói là đoàn ăn xin trước đó). May mà anh là con người, chứ anh là con sói, là bị mấy con sói khác “quánh” bờm đầu chứ ở đó đòi làm trưởng đoàn. Có câu tôi đọc thấy hay lắm: Con người khác con vật ở chỗ, con vật không bao giờ để con yếu kém, đần độn dẫn đầu, dầu chỉ 1 lần.

Ngẫm lại, đời nay lạ thiệt, miệng nói nghĩa mà tay làm nghịch, tu thì chưa thấy đâu, chỉ thấy cái tâm tà. Lời thề là để minh chứng cho uy tín và lòng trung thành của bản thân để người khác tin tưởng, nên lời thề rất giá trị mà không ai dám đùa bỡn. Ngày xưa một lời nói ra thôi là 4 con chiến mã khó theo rồi, huống chi là lời thề. Bởi… lời thề mà dễ dàng xả được thì cứ thề thoải mái bao nhiêu lần cũng được vì nó thể hiện uy tín và lòng trung thành của người thề không bằng 1 xu.

Đoàn ăn xin mà ma quỷ thích xin vô gia nhập – Nguồn: Minh Ý

4

Thiệt tình, đời người như một cuốn phim dài tập, mỗi người một vai, diễn xuất khác nhau. Có người trung thành, có người phản trắc, có người lúc này thế này, lúc khác thế khác. Chỉ có cái vai diễn của anh nọ, nó tréo ngoe quá… Chắc chén cơm của anh ấy còn sống nhăn, anh ăn không được nên không đá bát, đá luôn người cho cơm!

DU