Mới đây một bản tin ngắn gây khá nhiều chú ý về việc một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử loại mới nhất của hải quân Trung Quốc bị chìm tại một xưởng đóng tàu ở Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh cố gắng tìm cách che giấu vụ việc này nhưng các không ảnh của phương Tây chụp được cho biết vụ chìm tàu xảy ra khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Vụ chìm tàu nói trên cho thấy rõ hơn những khó khăn và thử thách mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trong tham vọng để xây dựng một lực lượng hải quân tân tiến và hùng mạnh có thể đối đầu với sức mạnh hải quân hàng đầu của Hoa Kỳ.

Trung Quốc trong một thập niên qua đang cố gấp rút phát triển hạm đội tàu ngầm nguyên tử còn tương đối khiêm tốn của họ như một phần của kế hoạch hiện đại hóa quân đội và hy vọng làm thay đổi cán cân chiến lược với Washington theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Xây dựng được một lực lượng tàu ngầm nguyên tử hùng mạnh sẽ giúp Trung Quốc thắt chặt được quyền kiểm soát đối với vùng biển ngoại vi và các tuyến đường vận chuyển, thể hiện được sức mạnh quân sự của họ trên toàn cầu và gia tăng thêm khả năng đánh chiếm đảo quốc dân chủ Đài Loan. Tham vọng nói trên đã gặp một số trở ngại và nỗ lực canh tân hoá hải quân của Bắc Kinh bị thụt lùi phần nào sau khi vụ chiếc tàu ngầm bị chìm.

Tham vọng và trở ngại

Kỹ thuật tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử là một lĩnh vực mà Trung Quốc đi sau khá xa, vẫn còn tương đối yếu và đang cố gắng để theo kịp với Hoa Kỳ. Trong khi nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng, vụ chìm tàu này ít nhiều gì cũng sẽ khiến người ta nêu ra những câu hỏi mới về khả năng thiết kế, kiểm soát phẩm chất và chương trình đào tạo chuyên viên liên quan đến nỗ lực phát triển lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc.

Xem thêm:   Ngai...

Một số phân tích gia cho rằng những tai nạn như vậy là chuyện không hiếm xảy ra trong bất kỳ kế hoạch quân sự nào để nhằm chế tạo các loại vũ khí mới và phức tạp.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã từng gặp thất bại tương tự, chẳng hạn như vụ chìm tàu ngầm USS Guitarro chạy bằng năng lượng nguyên tử tại một xưởng đóng tàu ở California vào năm 1969. Nói thế để thấy chỉ nói riêng về thời gian, kỹ thuật đóng tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc đi sau Hoa Kỳ một nửa thế kỷ, khả năng có thể bắt kịp được Hoa Kỳ hay không là một câu hỏi rất lớn.

Trong suốt một thập niên qua, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đưa ra kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng cho quân đội Trung Quốc, trong đó bao gồm việc cải tổ nhân sự, tái cấu trúc tổ chức, mua sắm vũ khí và nghiên cứu kỹ thuật mới.

Mục tiêu của Bắc Kinh là xây dựng một lực lượng chiến đấu hùng mạnh của thế kỷ 21 có thể sánh ngang với quân đội phương Tây – đặc biệt là trên biển, nơi các lực lượng hải quân Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn và khiêu khích các đồng minh của Hoa Kỳ trong khi khăng khăng khẳng định chủ quyền của họ đối với Đài Loan và hầu hết khu vực Biển Đông một cách vô căn cứ.

Công cuộc cải tổ quân đội của họ Tập không hẳn là thuận buồm xuôi gió mà trong nhiều năm qua cũng đã gặp phải những vấn đề nan giải, trong đó bao gồm nhiều vụ bê bối tham nhũng vẫn tiếp tục tái diễn. Trong khoảng một năm trở lại đây, các cơ quan an ninh Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều cuộc điều tra đối với hơn một chục tướng lĩnh cao cấp và giám đốc điều hành ngành kỹ nghệ quốc phòng, trong đó có hai cựu bộ trưởng quốc phòng đã bị khai trừ khỏi đảng hồi tháng 6 vừa qua.

Xem thêm:   Cuộc tấn công ngoại mục

Sức mạnh thực sự của Trung Quốc

Để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc khác đã phải tăng ngân sách chi tiêu quân sự và lập ra một số liên minh mới chú trọng vào an ninh khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Năm 2021, Hoa Kỳ, Anh và Úc đã thành lập một liên minh, có tên gọi là Aukus, để giúp chính phủ Canberra có được loại tàu ngầm nguyên tử và củng cố lợi thế của phương Tây trong kỹ thuật quân sự dưới mặt biển – là một diễn biến khiến cho Bắc Kinh cảm thấy tình hình lại càng cấp thiết hơn trong nỗ lực phát triển những loại tàu ngầm có khả năng hơn so với hiện nay.

Trung Quốc tự hào là họ có một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng tàu chiến, với hơn 370 tàu. Trong khi lợi thế về số lượng này sẽ còn tăng cao hơn do các xưởng đóng tàu Trung Quốc tiếp tục sản xuất tàu chiến trong thời gian tới, các phân tích gia quốc tế cho biết hải quân Trung Quốc cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn đi sau một khoảng cách khá xa so với hải quân Hoa Kỳ do các hạm đội của Hoa Kỳ không chỉ đóng ở vùng biển ven bờ mà còn trải rộng sức mạnh ra khắp thế giới. Nói cách khác, hải quân Trung Quốc mạnh về số lượng nhưng kỹ thuật còn kém, đặc biệt là loại vũ khí hoạt động dưới mặt biển.

Hải quân Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào loại tàu ngầm chạy bằng dầu cặn, có tầm hoạt động ngắn hơn và phải trồi lên mặt nước thường xuyên hơn nhiều so với loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, chạy êm hơn và radar khó phát hiện hơn.

Theo một phúc trình của Ngũ Giác Đài ban hành hồi năm ngoái nhận định về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nói rằng, cho đến cuối năm 2022, hạm đội tàu ngầm của hải quân Trung Quốc có 48 tàu chạy bằng dầu cặn và 12 tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử, bao gồm 6 tàu ngầm tấn công và 6 tàu ngầm mang theo hoả tiễn đạn đạo,

Xem thêm:   Tấn công Iran

Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ hoàn toàn chạy bằng năng lượng nguyên tử và bao gồm 53 tàu ngầm tấn công, 14 tàu ngầm trang bị hoả tiễn đạn đạo và 4 tàu ngầm trang bị hoả tiễn điều khiển từ xa.

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử được coi là con thú săn mồi nguy hiểm nhất trong các cuộc hải chiến thời hiện đại. Và với các con số nói trên cho thấy Trung Quốc vẫn chưa có đủ tàu ngầm nguyên tử, và ngay cả những tàu ngầm họ đang có cũng không thuộc loại kỹ thuật cao.

Dự đoán tương lai

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cấp hạm đội tàu ngầm của họ bằng cách sản xuất các loại tàu chạy bằng dầu cặn mới để thay thế các tàu cũ và bổ sung thêm tàu ngầm nguyên tử thế hệ tiếp theo có thể mang theo hoả tiễn đạn đạo bay tầm xa hơn. Trong bản phúc trình năm 2023, Ngũ Giác Đài dự đoán Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động 65 tàu ngầm vào năm 2025 và 80 tàu ngầm vào năm 2035.

Về loại vũ khí tàu ngầm, Trung Quốc biết rõ đây là một lĩnh vực họ còn thiếu sót và thấy cần phải thu hẹp khoảng cách này với Hoa Kỳ càng sớm càng tốt. Cách đây mấy năm, một số giới chức quốc phòng phỏng đoán rằng Trung Quốc sẽ đánh chiếm Đài Loan sớm nhất là năm 2025 hoặc 2027. Thời điểm đưa ra này có thể là quá sớm. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc có trong tay loại tàu ngầm tân tiến với kỹ thuật ngang bằng Hoa Kỳ thì việc đánh chiếm Đài Loan là điều khó tránh khỏi để họ hoàn tất giấc mơ thống nhất.

VH