Huỳnh Phan Anh

(tiếp theo)

Hồi tưởng và mơ tưởng về tuổi nhỏ, về thời thơ ấu xa xôi luôn bàng bạc trên hầu hết các trang sách của tập truyện đầu tay này. Tuổi nhỏ trở thành mối ám ảnh thường xuyên của tác giả. Tác giả không ngớt trở về với nó dù cho tác giả có chủ tâm nói về nó hay không. Có thể nói rằng nhân vật truyện của Duyên Anh luôn sống trong ám ảnh của thời tuổi nhỏ. Nghĩa là sống cùng một lúc trong hai thế giới, thế giới hiện thực và thế giới phi thực. Chính cái thế giới phi thực này làm nên từ kỷ niệm và mộng tưởng lại là nền tảng của thế giới hiện thực mà họ đang sống. Người con trai si tình trong truyện biên giới thừa biết “cuộc sống thật khác với mộng tưởng” nhưng hắn vẫn nhóm lên trong tâm tưởng của mình từng giấc mơ nho nhỏ để tâm hồn được chắp cánh bay cao cho tới khi bàng hoàng chạm mặt cùng thực tế.

Một người con trai si tình khác, Vũ trong Chiếc Vòng Tay Của Một Người, đã yêu và đồng thời không ngớt sống trong những mộng ước ngây thơ và ấu trĩ của mình. Chàng “thả hồn trong chuyện cổ tích, ước mong được khóc như trẻ thơ”. Chàng “ước mình như Aladin mài cây đèn thần. Chàng mơ mộng, không ngớt mơ mộng. Tình yêu chẳng qua cũng chỉ là cái cớ để con người được mơ mộng, một cách nào đó, được gặp lại chính tâm hồn chân thật của mình, tâm hồn chất ngất những ảnh tượng của tuổi thơ. Tình yêu đó nhất thiết phải thất bại. Những mẩu chuyện tình được kể lại trong tập truyện Hoa Thiên Lý đã gặp nhau trong sự thất bại, trong cùng một thất bại. Sự thất bại có tính cách nhẹ nhàng, êm đềm làm sao. Nó không bao giờ đạt tới một mức độ bi thảm dù nhiều hay ít. Không có tình yêu khốn khổ. Chỉ có thứ tình yêu dệt bằng mơ mộng. Tình yêu lớn lên theo mơ mộng rồi cũng tàn phai theo mơ mộng. Người ta đón nhận sự thất bại của tình yêu với một niềm rung động bàng hoàng nào đó như vừa mới trải qua một giấc mơ đẹp. Nhưng cuộc đời không vì thế mà tối tăm hơn. Người ta không chỉ yêu có một lần. Cũng như người ta không chỉ có một lần sống trong mơ. Đó là tâm trạng của người con trai si tình trong Chiếc Vòng Tay Của Một Người sau lần thất vọng vì tình yêu:

“Chiếc vòng Vũ vẫn còn giữ. Khi đi tìm Thùy, Vũ bỏ quên trên túi ngực. Vũ đi trọn mùa mưa. Đường xưa heo hút. Không một khuôn mặt giống Thùy. Có thể Thùy chưa xứng đáng nhận chiếc vòng sắt tàu bay mộng bằng hồn, ướp bằng chuyện cổ tích của Vũ. Thùy như các cô gái tầm thường khác chưa học cách nhìn vào chiều sâu tâm hồn kẻ thương yêu mình tha thiết. Chiếc vòng kỷ niệm, Vũ cất kỹ. Vũ sẽ tặng một người nào đó khi cuộc sống hết dè sẻn tình yêu.”

Thật là đơn sơ. Thật là giản dị.

Người con gái trong Nỗi Buồn Tuổi Trẻ đã yêu bằng một tình yêu nhiều say đắm nhưng cũng lắm mơ mộng, đã gặp trở ngại và đã khi tìm thấy cho mình một giải pháp trong một thái độ thụ động, buông xuôi:

“Dần dần nỗi buồn dịu nhẹ. Tôi thường khóc ban đêm. Ngày tháng trôi đều. Vũ biệt tăm đã… được hai năm. Tôi lớn rồi, muốn chờ Vũ, nhưng Vũ không hứa hẹn gì cả. Tôi mặc cuộc đời chèo lái.”

Để mặc cuộc đời chèo lái, nàng bằng lòng làm vợ một kẻ “dốt nát”, “vũ phu” mà nàng khinh miệt, ghê tởm, để rồi thỉnh thoảng nhớ về thời mơ mộng cũ với niềm bâng khuâng tiếc rẻ:

“Tại sao chúng tôi không là hoa bướm mãi mãi?”

–oOo–

Tình yêu dưới ngòi bút của Duyên Anh không tách rời khỏi mơ mộng. Tôi muốn đi xa hơn trong nhận định này, cho rằng với nhân vật Duyên Anh tình yêu xuất hiện như một cơ hội để được mơ mộng, để được nhìn lại, nhớ lại, sống lại tuổi thơ của mình. Tình yêu xuất hiện như một sự chối từ chính tình yêu – tình yêu trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của danh từ. Tình yêu ở đây – trong tập truyện đầu tay của Duyên Anh – gần như không vướng bận đam mê nhục cảm hay ý hướng chiếm đoạt. Nó biết dừng lại ở một giới hạn nào đó để còn giữ được cái vẻ trong trắng, êm đềm của nó. Có thể gọi đó là mẫu mực của tình yêu ở trạng thái chiêm ngưỡng.

Nhân vật Duyên Anh khám phá hay tìm đến với tình yêu không như một cuộc đoạn lìa, dứt khoát với chính tâm hồn tuổi nhỏ của mình mà như một cách nối dài, kế tục. Bởi họ luôn nhớ rằng họ có một thời thơ ấu và thời đó không ngừng lên tiếng trong họ.

Xem thêm:   Thiện xạ

Trong tình yêu cũng như trên những bước đường phiêu bạt theo sự xô đẩy của dòng đời, nhân vật truyện Duyên Anh đã không ngớt trở về với thời thơ ấu xa xôi như một mối ám ảnh bất diệt, như một căn bệnh nan y của tâm hồn. Phải chăng họ đã yêu bằng chính tuổi thơ mơ mộng của họ. Phải chăng họ vẫn nhìn cuộc đời qua chính tuổi thơ mơ mộng của họ.

Nhân vật Duyên Anh?

Họ là ai?

Có phải họ là một người bạn, một đứa con, một bà mẹ, một người chị, một người thầy hay một đứa em, tất cả xuất hiện đó đây trong các truyện ngắn của tập Hoa Thiên Lý và người đọc có thể nhận diện, gọi tên từng người một?

Không. Nhân vật của Duyên Anh chính là cái bóng mờ ảo ẩn hiện trong từng nhân vật đã kể. Nhân vật đó là tuổi thơ, linh hồn của mọi nhân vật, lý do tồn tại của mọi nhân vật.

–oOo–

Dường như giữa nhân vật truyện và người viết truyện luôn giãn ra một khoảng cách tối thiểu. Ở Duyên Anh, khoảng cách đó không còn nữa khi quá khứ và kỷ niệm bắt đầu lên tiếng, khi nhân vật truyện chỉ còn là cơ hội để tuổi thơ được xuất hiện, ngỏ lời, nghĩa là khi tác giả gọi tới nhân vật thật của mình, thì  dành cho nó một vị trí độc tôn, bá chủ trong thế giới truyện của mình.

Trong những truyện ngắn viết ở ngôi thứ nhất, hơn bao giờ hết, ngòi bút của Duyên Anh trở nên thân mật, sống động. Điều dễ hiểu ở đây không còn khoảng cách dù để được bôi xóa, san bằng. Quá khứ và kỷ niệm lên tiếng không phải qua một nhân vật truyện cách biệt với tác giả, mà qua nhân vật truyện ở ngay trong tác giả, kẻ xưng “tôi”. Kẻ xưng “tôi”, tác giả truyện, nhân vật truyện, tất cả đều nhập làm một với chính tuổi thơ đang lên tiếng. Đó là trường hợp của Hoa Thiên Lý. Đó là trường hợp của Con Sáo Của Em TôiEm là hai truyện ngắn viết ở ngôi thứ nhất, trong đó, sau Hoa Thiên Lý, tác giả tiếp tục khám phá thời tuổi nhỏ của chính mình.

Theo hồi ký nhan đề Làm Báo của ông, nếu kể một cách tuần tự thì Hoa Thiên Lý, Con Sáo Của Em Tôi và Em là 3 truyện ngắn đầu tiên của Duyên Anh. Không biết vô tình hay cố ý mà cả ba sáng tác đều gần gũi, trùng hợp nhau về đề tài cũng như về hình thức diễn đạt. Vẫn là vũ trụ của trí nhớ và mộng tưởng. Vẫn là bầu trời mờ ảo của tuổi thơ.

Tất cả vẫn được nhìn ngắm, chiếu rọi từ một lăng kính tâm hồn, một viễn tượng tình cảm đã trở nên quen thuộc. Vẫn lời kể đó, vẫn giọng kể đó, vẫn chủ thể của lời nói đang dựng lại từng viên gạch của lâu đài quá khứ, đang làm sống lại cái “tôi” của mình, đang làm sống lại một vũ trụ bắt đầu từ cái “tôi” đó.

Qua tập truyện đầu tay, Duyên Anh đã xác nhận chính mình như một người kể chuyện. Những sáng tác ông viết nên nhất thiết là những câu chuyện kể. Hơn thế nữa, những câu chuyện kể đó cốt yếu lại là những thiên tự thuật, trong đó người kể không ngừng tra hỏi, chuyện trò với quá khứ và kỷ niệm của mình. Mỗi thiên tự thuật bắt đầu từ một nhân vật, một giai đoạn hay một biến cố nào đó nổi bật trong suốt quãng đời thơ ấu của tác giả. Với Duyên Anh, cách bắt đầu câu chuyện kể gần như dễ dàng quá, tự nhiên quá, không cần phải qua một tìm kiếm hay lựa chọn đắn đo… Đây là câu mở đầu của Hoa Thiên Lý:

“Mẹ tôi yêu Hoa Thiên Lý như yêu chồng con.”

Con Sáo Của Em Tôi:

“Sau khi cha tôi mất, gia đình càng ngày càng túng bấn, một mình mẹ tôi không đủ sức nuôi nấng hai đứa con mồ côi bố nơi thành thị nên mẹ đưa anh em tôi trở về làng cũ.”

Em:

“Em tôi bây giờ ở Hà Nội. Từ ngày vào Nam đến nay thấm thoát đã được ba năm.”

Cách vào truyện bình thường và lặng lẽ thể hiện qua một giọng kể tự nhiên, thân mật, gần gũi. Đó là đặc điểm của Duyên Anh. Nhưng chính từ những câu rất mực thô sơ đó, tác giả lần lượt dẫn người đọc vào cái thế giới tuổi thơ đầy phức tạp; trên nguyên tắc, đó là thế giới tuổi thơ của chính tác giả, kẻ xưng “tôi”.

Dưới ngòi bút của Duyên Anh, trong dòng hồi tưởng của Duyên Anh, tuổi thơ xuất hiện mỗi lần trong một bộ điệu, một cách thế, một góc cạnh, bởi tác giả gọi nó từ nhiều phía, nhìn nó từ nhiều cảnh huống. Viết tức là kêu gọi đến tuổi thơ. Viết cũng là dựng lại tuổi thơ. Viết cũng là sáng tạo lại tuổi thơ, một việc làm không hoàn tất được bao giờ. Không ai nói hết tuổi thơ mình, có lẽ vì trí nhớ con người về tuổi thơ luôn luôn còn những khoảng trống để lại, dành cho những lần khác. Vì trí nhớ con người không chỉ có một lối mòn duy nhất để tìm lại tuổi thơ. Vì chính tuổi thơ tự nó cũng không đứng yên ở một chỗ, với một dáng điệu im lìm muôn thuở.

Xem thêm:   Một ngày ở đảo Thiềng Liềng

Con Sáo Của Em Tôi kể lại một đoạn đời khốn khó của tác giả khi còn ở lứa tuổi 12, 13, bên mẹ và em, chịu đựng đủ mọi hình thức tủi nhục do những người thân bên nội cũng như bên ngoại gây nên.

“Tôi cất tiếng khóc ban đầu nơi ấy, túp lều, xó vườn, cạnh khóm chuối tiêu, cạnh những con người hà tiện tình thương mến…”

Đứa bé lớn lên, theo tủi nhục mà lớn lên, với tâm hồn chất nặng những hình ảnh đọa đày của người cha, những hình ảnh nhẫn nhục đau thương của người mẹ, những hình ảnh tối tăm hắc ám của những người thân thích của hai họ, và nhất là hình ảnh thẫm nét về chính mình đã từng ra đời giữa “một đêm mù mịt bên khóm chuối tiêu”. Nhưng những hình ảnh đắng cay, khốn nạn mà tác giả sớm làm quen, đã chỉ làm nổi bật hình ảnh dịu dàng của người mẹ, người mẹ đồng thời là vị giáo sư mớm vào tâm hồn tác giả những bài học vỡ lòng về tình thương và sự chịu đựng.

“Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi chịu nhục nhã, nương náu dưới túp nhà lá bỏ hoang vườn sau, trước đây ông bà ngoại dành riêng cho bọn thợ gặt mỗi vụ mùa. Mẹ tôi chỉ nghĩ đến anh em tôi. Trời ơi, tôi muốn khóc quá.”

Người đọc gặp lại hình ảnh của người mẹ trong Hoa Thiên Lý, vẫn là tâm hồn bao dung đầy thương mến đó lần này xuất hiện với một sắc diện khác, khốn khổ hơn, đày ải hơn.

“Tôi không thể tưởng tượng được nỗi tê tái nghiền nát cõi lòng mẹ tôi khi bà ngoại gọi mẹ là “đồ đĩ”, bác tôi bảo mẹ “con lăng loàn” và mợ tôi nói bâng quơ “cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Tôi thấy mẹ tôi cúi đầu lẳng lặng, nước mắt nhỏ giọt trên mái tóc anh em tôi, thì tôi đoán rằng mẹ buồn.”

Một câu chuyện nhiều nước mắt. Hẳn người mẹ đã khá nhiều trong giòng hồi tưởng của tác giả. Và chính tác giả có lẽ cũng đã khóc nhiều trong giòng hồi tưởng của mình. “Trời ơi, tôi muốn khóc quá”. Lời thú thật không phải của nhà văn Duyên Anh khi viết nên câu chuyện, mà của cậu bé Duyên Anh khi nhìn lại, sống lại đoạn đời thơ ấu tối tăm của mình. Nghĩa là tác giả khi viết lên câu chuyện, đã không chỉ vận dụng tới trí nhớ hay khả năng diễn tả. Tác giả còn phải vận dụng tới cảm xúc. Vận dụng cảm xúc và đồng thời tự vận dụng chính mình để sống trọn với những cảm xúc tìm lại được. Hơn thế nữa người viết tự bôi xóa chính mình để chỉ còn lại những xúc động trung thực và trọn vẹn. Vậy thì chính tuổi thơ (trí nhớ về tuổi thơ, về thời đã mất) đã làm sống dậy cảm xúc hay chính cảm xúc con người đã làm sống lại tuổi thơ?

Duyên Anh đã viết nên những câu chuyện tự thuật của mình bằng cảm xúc. Ông đã mơ tưởng, mộng tưởng, hồi tưởng qua giòng cảm xúc chân thật của mình. Nghĩa là ông đã dựng nên cái thế giới của ông bắt đầu từ cảm xúc. Tức là bắt đầu từ chính lòng thương mến, quyến luyến thế giới đó, thế giới ông đã từng tham dự, thế giới tuổi thơ. Đó là điều người đọc có thể tìm thấy qua giọng kể của tác giả. Đó cũng là điều tác giả muốn nói tới trong những câu chuyện kể của mình. Thật vậy, Con Sáo Của Em Tôi Em đã gặp nhau trong cùng một tình cảm say đắm, thiết tha của con người đối với tuổi thơ, lứa tuổi người ta đã từng hay đang sống qua, hoặc đã đánh mất. Nhân vật xưng “tôi” trong Con Sáo Của Em Tôi đã quyết định thực hiện một cử chỉ phi thường, vượt bực đối với chính mình, giết con sáo thân yêu để mang lại một niềm vui bé nhỏ cho tuổi thơ của đứa em gái. Ta hãy theo dõi những biến chuyển trong nội giới của hắn trước khi đi tới quyết định ghê gớm của mình.

Xem thêm:   Xe gắn máy

“Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón Xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói? Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi 10 tuổi, 10 mùa Xuân bay vụt qua, 10 mùa Xuân tẻ nhạt, buồn thảm chắp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa Xuân trôi theo kỷ niệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo.”

Tôi cho rằng cuộc chiến trên đây là một trong những trang sách điển hình nhất của Duyên Anh, đồng thời là một trong những trang sách đẹp nhất của tác giả.

Trong Em tác giả cho người đọc thấy những tình cảm cay đắng, xót xa của mình trước hình ảnh đứa em bị tước đoạt tuổi thơ ngay trong tuổi thơ của nó. Một câu chuyện buồn. Liệu người ta có thể đánh mất rồi sau đó tìm lại chính tuổi thơ của mình? Liệu người ta có thể sửa đổi được gì đối với một tâm hồn đã đánh mất hay đã hủy hoại tuổi thơ.

“Em rời tôi, băng mình chạy. Hình ảnh em chợt xóa nhòa trong óc tôi. Tôi tiếc quá gục đầu lên đôi tay, khóc như lần đầu tiên khóc một chuyện tình nhớ tên tuổi.”

Trong truyện trước, người anh đã giết con sáo để đem lại mùa Xuân cho tuổi thơ của đứa em. Ở đây, có lẽ người ta không làm gì được. Có thể tất cả đều vô ích, kể cả những giọt nước mắt tiếc thương chỉ còn có giá trị của một hoài niệm.

–oOo–

Cánh cửa thứ nhất của sự nghiệp Duyên Anh đã hé mở cho người đọc một thế giới mai đây ông sẽ không ngớt trở về. Thế giới đó chan hòa mộng và thực, đời sống và hoài niệm về đời sống, hồi tưởng và mơ tưởng, nụ cười và nước mắt. Thế giới đó gần gũi và thân mật, không vượt qua tầm với của con người. Thế giới đó mời gọi được ngắm nhìn nhưng không dàn ra một khoảng cách, nó mời gọi tham dự vào nó, sống lấy nó. Điều đáng nói là Duyên Anh đã dựng lên thế giới truyện của mình bằng tất cả những rung động chân thật của mình, chân thật đến thơ ngây. Do đó theo tôi nghĩ, người đọc chỉ có thể đọc Duyên Anh cũng như chính Duyên Anh đã viết: bằng rung động của tâm hồn hơn là bằng trí tuệ hay ý thức sáng suốt. Dĩ nhiên người đọc được quyền chấp nhận hay không chấp nhận một nhà văn hay một tác phẩm. Dường như với Duyên Anh, người ta lại càng phải đặt ra sự lựa chọn đó, sự lựa chọn ngay từ cuốn sách đầu tiên của ông, và có thể nói ngay từ những dòng chữ đầu tiên: hoặc người ta đọc tiếp, hoặc người ta bỏ cuộc. Tại sao? Tại vì chính tác giả cũng đã thật sự chọn lựa ngay từ cuốn sách đầu tiên, ngay từ những dòng chữ đầu tiên của mình: ông chọn lựa viết cái gì, viết ra sao: ông chọn chính tác phẩm của mình. Tôi vẫn nghĩ những dòng chữ đầu tiên của một cuốn sách, của một tác phẩm đã quy định, thiết định cho nhà văn một định mệnh khốc liệt. Bởi hắn đã bắt đầu, hắn chỉ còn cách tiếp tục. Bởi hắn đã viết, hắn đã chọn lựa cho hắn một định mệnh. Bởi hắn đã chọn tác phẩm của chính mình, điều này cũng có nghĩa là hắn đã chọn lựa những người sẽ đọc hắn.

Thế giới gần gũi và thân mật của Duyên Anh với những nhân vật điển hình, một người cha hay một người mẹ, một người bạn hay một đứa em, một người yêu hay một người thầy dạy học… Cái thế giới đó luôn luôn được chiếu rọi từ một tâm hồn mang nặng quá khứ và tuổi thơ. Nó luôn được biến đổi bằng hoài niệm và mơ tưởng. Một nhân vật của Duyên Anh đã nói: “Từ đấy tôi sống bằng kỷ niệm”. Một câu nói điển hình. Một nhân vật điển hình. Có thể nói rằng tác phẩm Duyên Anh bàng bạc hơi thở kỷ niệm. Có thể nói rằng với Duyên Anh, viết tức là một cách nào đó tìm lại thời đã mất. Tìm lại thời đã mất, điều này cũng có nghĩa là tìm lại ngôn ngữ của thời đã mất./. (Hết)

HPA (Sàigòn, 1972)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2024, từ khảo luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng và Thực của Huỳnh Phan Anh in tại Sàigòn năm 1972, Nxb Vàng Son, Chương III.