Sông trưa

1.

Khi tôi nói sẽ đi Trà Vinh vào cuối tuần, cậu em họ ở Mỹ về Việt Nam vừa có chuyến đi Trà Vinh tuần trước đó bảo tôi rằng, món cậu “kết” nhất ở Trà Vinh là dừa sáp, cậu thấy rất ngon và dặn đi dặn lại tôi nhớ ăn một ly dừa sáp.

Ðêm tháng Tư, tôi ngồi với một người bạn uống ly sinh tố dừa sáp. Nhìn sang bên kia đường, Tháp bưu điện sáng rực đèn màu nổi rõ trên nền trời đen thẫm khiến tôi không ngăn được việc lấy điện thoại ra và chụp tấm hình đưa lên facebook kèm dòng trạng thái (status?) tóm tắt các ý vừa trao đổi với bạn: “Có sông, có biển, gần 200 ngôi chùa (chùa nào cũng đẹp), trong đó có 141 chùa Khmer (một năm có 3 lễ hội), nhiều làng nghề, món ăn ngon, người dân hiền hòa… Mùa hè là mùa trái cây. Vậy mà du lịch còn èo uột lắm!”.

Một ngôi chùa

Liền có một bạn vào bình luận rằng, bởi do tôi đi không đúng thời điểm, vào dịp Lễ Vu Lan, Lễ Nghinh Ông, Lễ giỗ ông Bổn hoặc Tết Khmer, bảo đảm bao vui!

Một bạn khác bình luận tiếp, những dịp như vậy bạn ấy thường không bỏ qua, đông vui lắm, đặc biệt dân Trà Vinh hiền hòa, chân chất số một. Thêm vài bình luận hưởng ứng. Có bạn tiếc năm ngoái bỏ lỡ chuyến đi Trà Vinh với đồng nghiệp, hẹn dịp hè. Tôi đọc các bình luận cho bạn ngồi nghe, đưa thế giới ảo ra đời thực, rôm rả!

Nhà thờ Trà Vinh

2.

Thành phố khoảng 14,000 cây xanh, trong đó 1,700 cây cổ thụ. Có con đường hai hàng me hai bên, gốc cây nào cây nấy mấy người ôm không hết. Những đường phố nhỏ không thể nhỏ hơn khiến thành phố càng thêm êm đềm. Là những lời giới thiệu của bạn khi tôi ngỏ ý sẽ đi bộ sáng sớm.

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Và quả tình ngạc nhiên đến sững sờ khi đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, cảm giác thành phố yên ắng đến mức tôi có thể nghe được tiếng thở của cây lá. Những tàn lá me xanh nõn sáng lên trong nắng, những cây cổ thụ cao, hun hút từ con đường này ôm sang con đường khác.

Tôi qua nhà thờ Trà Vinh, chùa Ông Mẹt, những quán cà phê vắng khách, những chiếc xe đạp thong thả, cảm giác như mình đang sống thật chậm trong một không gian yên tĩnh đến nao lòng, thỉnh thoảng có tiếng gà kêu bầy hay tiếng chó sủa bâng quơ… Và, tôi thật sự tiếc nuối khi tiếng nhạc điện thoại vang lên bạn gọi đi ăn sáng. Cảm giác vừa rời khỏi một giấc mơ chỉ có mảng màu xanh ngút mắt, bất tận.

Đường rợp bóng cây xanh

Sau đó, tôi mượn bạn chiếc xe máy tự mình khám phá thành phố. Phố trưa, có những con đường không thấy bóng nắng. Tôi dừng xe lại mà ngẩn ngơ luôn.

Vòng vèo qua nhiều con đường, tôi đứng trước sông hồi nào, bên kia là cù lao Long Trị. Lúc ấy chính ngọ, bà bán nước mía ở bến phà nói với tôi rằng, phà vừa rời đi, phải một giờ nữa mới quay lại. Một người chủ ghe hỏi tôi có muốn qua bên kia không, người và xe 50 ngàn đồng. Cái máu khám phá nổi lên tôi gật đầu không cần suy nghĩ hay trả giá.

Xuống ghe, gió mát lồng lộng, cái võng tùng tơn quá hấp dẫn khiến tôi không ngăn được việc thả mình trên đó và nhắm mắt. Tuy nhiên, không kịp thiu thiu giấc trưa đã nghe tiếng gọi đến nơi nên khi ấy tôi vẫn chưa cảm nhận được sông mênh mông thế nào!

Sông Cổ Chiên

Và, cho đến giờ tôi cũng chưa tìm hiểu bề ngang sông Cổ Chiên nơi rộng nhất là bao nhiêu nhưng nhớ lại, lúc chạy xe từ một khu du lịch sinh thái cua ra đường chính  ở cù lao Long Trị, đối mặt với dòng sông, tôi không thể nào quên cảm giác (đến) ngộp thở khi thấy sông rộng quá, mênh mông quá! Là cảm giác ngợp vừa sợ lẫn thích thú khi trưa thanh vắng, chỉ mình tôi trên con đường nhỏ một bên là sông thấp thoáng sau những mái nhà thấp, hàng dừa nước, những tàn cây…; đây đó rời rạc tiếng chó sủa, gà kêu, đến bầy vịt cũng chẳng buồn lội mà uể oải im lìm trong dòng nước nhỏ, dưới tán bần thấp lúp xúp.

Xem thêm:   Những con ấu trùng

Rời Trà Vinh, tôi không nghĩ mình có dịp trở lại 3 tháng sau đó.

Ở cù lao Long Hòa

3.

Tháng Bảy, nước sông Cổ Chiên đục màu Phù Sa. Nhìn trên bản đồ, cù lao Long Trị chỉ là doi đất bé tí xíu, ốm nhom khép nép bên cù lao Long Hòa, Hòa Minh nằm giữa sông Cổ Chiên, án ngữ vùng hạ lưu. Tôi theo đoàn dự lễ khởi công xây hai cây cầu tại nơi đây, kinh phí quyên góp từ các nhà hảo tâm. Chúng tôi xuống xe và chờ phà qua sông. Ðứng trên phà nhìn sông rộng, ngút mắt, bầu trời trong xanh, mây trắng đẹp nao lòng.

Vậy mà, đặt chân lên cù lao cũng bầu trời xanh mây trắng đó sao bỗng thấy nó… thật thấp, cảm giác hệt như mùa tháng Năm ở Bảo Lộc, trên là mây dưới là trà. Bầu trời như cái vung chụp xuống màu xanh của cây lá. Những đìa tôm, kênh lạch, những cây cầu khỉ không thể lắt lẻo, chênh vênh hơn, từng đàn cò trắng bay chao ào lên hoa mắt. Tôi ngửi được mùi lá cây, cỏ dại, nước sông, mùi đất, mùi cá tôm…

Trên cù lao Long Hòa

Trưa đó, chúng tôi được mời dùng bữa cơm hoàn toàn cây nhà lá vườn. Trên bàn ăn có quá nhiều món mà khi viết những dòng này tôi không tài nào nhớ hết. Trong đoàn có một chị ăn chay. Tương kho nước dừa và dĩa rau lang luộc hấp dẫn đến nỗi những người ăn mặn phải xin chị cho ké vài miếng. Ngoài tôm, thịt gà quá ngon rồi, đặc biệt có món ba khía nấu với lá me mà một người trong đoàn bảo rằng ở thành phố có tiền triệu chưa chắc đã ăn được ba khía thế này. Nồi lẩu đặc lền tôm, cua, sò, nghêu… tươi, ngọt.

Xem thêm:   Ngành in tại Sài Gòn

Khi tô cơm được mang ra mới thấy đúng chất “của nhà trồng”, chính hiệu “cơm gạo ruộng”. Hạt cơm tơi, rời, thơm mùi đồng ruộng, mùi đêm trăng trên đồng lúa chín của một thời thanh niên trai trẻ ôm cây đàn ghi ta bập bùng hòa với bản hợp ca ếch, nhái, ễnh ương… Những hạt cơm không phải là màu trắng đầy nghi ngại như cơm thành phố.

Bến chợ

Nghĩ cũng lạ, gạo nào cũng từ lúa trồng ở ruộng mà sao cụm từ “cơm gạo ruộng” như một thương hiệu nhằm tạo niềm tin? Chủ nhà cho biết, nơi đây có 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt. Nước mặn thì nuôi tôm, sang mùa nước ngọt trồng lúa, đủ gạo ăn quanh năm. Nhiêu đó thôi, đã cảm giác hạt cơm trong miệng rất ngon rồi!

Lúc chở tôi ra phà, cậu thanh niên làm việc ở xã tiếp tục câu chuyện về thực phẩm sạch. Ði hết con đường chính này sẽ đến rừng đước, sau rừng đước là bãi nghêu 500 tấn. Lần sau đến cô hãy ở lại vài ngày nhé. Ði thuyền trên sông đêm trăng đẹp lắm, gạo, thủy sản, rau, trái ở đây đặc biệt sạch. Khiến tôi lại lẩn thẩn nghĩ thêm, thực phẩm là để ăn, niềm tin đã mất từ khi nào để bây giờ phải dùng cụm từ “thực phẩm sạch” như một cam kết để lấy lại niềm tin.

Một lời mời trở lại Trà Vinh quá hấp dẫn. Chưa rời cù lao mà tôi thấy mình tương tư nơi này rồi!

Bức tranh quê

ĐTTT