Du khách vào phố cổ Hội An, nếu đi dọc các tuyến đường Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng sẽ luôn được đón chào rất nồng nhiệt. Ai vậy? Họ có khi là “cò” hoặc người của các ghe bơi tiếp thị đi ghe ngắm cảnh hai bên sông Hoài…!

Trời chiều ghe bơi đưa khách ngắm cảnh sông Hoài    

Lộn xộn, nhếch nhác

Năm 2012-2013, ít khách du lịch có nhu cầu đi ghe bơi để được ngắm cảnh. Chừng đâu hai năm sau, khách du lịch bỗng dưng ưa thích dịch vụ này. Thế là nhiều người dùng ghe có sẵn hoặc sắm thêm ghe mang ra hoạt động. Ghe bơi chở khách vòng vòng trên sông Hoài ngắm cảnh vừa ban ngày lẫn về đêm cũng có”, ông C. chủ một ghe bơi kể.

Số ghe bơi đến từ nhiều xã, phường hoạt động trên đoạn sông Hoài ngày càng tăng. Một số ghe bơi không bảo đảm tiêu chuẩn chuyên chở, chủ ghe chưa am hiểu nhiều về pháp luật và hoạt động vận tải trên sông nước. Có không ít người mang ghe bơi trước đây dùng đánh cá trên sông đã xập xệ để đưa rước khách. Có ghe nhỏ nhưng chở đến 10, 12 người, ít nhất cũng 7 đến 8 người! Vào những ngày lễ như đêm phố cổ, Tết thì số ghe bơi cả trăm chiếc cùng hoạt động, đúng là quá tải. Lòng sông Hoài hẹp rất dễ xảy ra va chạm giữa các ghe bơi. Giá cả thì “cò” ra 100 nghìn nhưng khách trả giá 40 nghìn đồng, 50 nghìn đồng cũng… ô kê. Tình trạng tranh giành khách, cãi vã, ép giá hoặc chở quá số người quy định diễn ra tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn khiến du khách bất bình, than phiền. Chính quyền phường Minh An, thành phố Hội An đã tăng cường quản lý việc chở khách du lịch bằng ghe bơi, gần 130 chiếc, đoạn từ Ngã ba Lê Lợi-Bạch Ðằng đến cầu Quảng Trường.

Quầy vé niêm yết giá công khai

Lập lại trật tự ghe bơi

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Năm 2017, UBND phường lên phương án Quản lý Ghe bơi chở khách du lịch trên sông Hoài khá chặt chẽ. Theo đó các chủ ghe bơi phải làm thủ tục ghi danh tại UBND xã, phường; Ghe sơn, kẻ số đăng ký; Ðiều kiện an toàn và trang trí của ghe bơi, bảo đảm sức chở theo quy định, không quá 4 người (không tính người bơi ghe); Người bơi ghe phải mặc đồng phục; Thành lập đội ghe bơi tự quản lý, có nội quy; Số lượng ghe bơi trong đội tự quản lý không vượt quá 140 ghe. Việc chia phiên hoạt động của các ghe bơi trong tổ phải bảo đảm công bằng, công khai cho các thành viên; Lắp đặt bảng niêm yết giá dịch vụ tại 5 vị trí đón trả du khách, ghi rõ giá vé để du khách được biết; Người bơi ghe phải có đủ sức khỏe, biết bơi, phải học tập luật lệ về giao thông đường thủy nội địa; Ðộ tuổi người bơi ghe phải từ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam…

Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng ghe bơi không chỉ dừng lại ở 140 chiếc. Ghe bơi không chỉ hoạt động trên sông Hoài mà còn vươn ra… sông lớn – Thu Bồn. Có nghĩa là số ghe, thuyền lớn gắn động cơ, có thể chở nhiều khách, không phụ thuộc vào tổ chức ghe bơi tự quản lý của phường. Người bơi ghe quá tuổi quy định. Người trẻ thì ít kinh nghiệm trong khi bơi ghe. Bắt khách được giá nào đi giá đó v.v… Sau đó phương án Quản lý Ghe bơi vận chuyển khách du lịch trên sông Hoài chính thức được thành phố ban hành ngày 02/11/2021, nâng số ghe bơi lên hơn 270 chiếc.

Đưa khách xuống ghe

Đưa dần hoạt động vào nền nếp

Xem thêm:   Những bà mẹ... trẻ con

Nghiệp đoàn Ghe bơi du lịch phường Minh An-Hội An (tên gọi chính thức) đã góp phần trong việc hoạt động vận chuyển của 300 chiếc ghe bơi trên sông Hoài của các đoàn viên. Trước đây dịch vụ ghe bơi có… giá trên trời dưới đất. Năm người đi giá 100 nghìn đồng, có khi 200 nghìn đồng hay 250 nghìn đồng! Từ tháng 7/2022, ấn định một giá vé. Có 5 điểm bán vé, niêm yết giá vận chuyển hẳn hoi. Từ 01 đến 03 khách/chuyến giá 150 nghìn đồng; Từ 04 đến 05 khách/chuyến giá 200 nghìn đồng. Thời gian vận chuyển là 20 phút/chuyến, đi và quay về (đoạn từ ngã ba Lê Lợi – Bạch Ðằng đến cầu Quảng Trường); Thời gian hoạt động từ 06 giờ đến 21giờ 30 phút hằng ngày. Ông Ð., chủ hai ghe bơi cho biết: “Khách đi một mình, bao ghe, cũng giá 150 nghìn đồng. Nếu khách không có vé mà mình chở lấy tiền riêng bị phát hiện sẽ ăn phạt 3 đêm nghỉ bơi. Không phải mạnh ai nấy chở”. Một ngày sẽ có 150 ghe bơi hoạt động. Cứ một ngày bơi một ngày nghỉ. Bà L., chủ một ghe bơi, cho biết thêm: “Mưa nhỏ thì bơi chứ mưa lớn thì chịu, ít khách nên thu nhập thấp. Nếu có khách đông cũng 700 nghìn đồng/ghe, đi một ngày nghỉ một ngày, cả tháng bơi 15 ngày, chủ yếu là bơi ban đêm, thu nhập kể ra cũng được hơn 10 triệu đồng. Chia tiền ngay vào mai hoặc mốt, không đợi đến tháng. Tổ trưởng nhận tiền về chia cho tổ viên”.

Chuẩn bị rời bến

Tình trạng bắt khách giá cao đã giảm nhưng chèo kéo, giành khách rải rác vẫn còn. Ghe bơi có gắn động cơ, trang trí đèn lòe loẹt, bắt khách ra sông lớn vẫn lác đác hoạt động, ngoài sự quản lý của phường, được cho là hoạt động trái phép. Việc bắt buộc khách mặc áo phao để bảo đảm an toàn thỉnh thoảng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc có thể là do sự thỏa hiệp của chủ ghe bơi. “Năm người cũng có một, hai người không chịu mặc áo phao. Nhiều du khách phàn nàn là đi ngắm, mặc áo phao gò bó, nóng nực, gây trở ngại cho việc chụp ảnh v.v. Mình phải năn nỉ họ là có máy quay trên trời theo dõi (flycam-NV). Ghe nào chở khách không mặc áo phao theo quy định sẽ bị phạt nên có người cũng thông cảm chấp nhận”, ông T. bộc bạch. Anh Ð.H.D., một du khách đến từ Gò Dầu, Tây Ninh nói thẳng: “Thời gian đi ghe bơi quá ngắn, ngắm nhìn hai bên sông chưa có đã nhưng phải vòng về. Bơi cũng thong thả chứ đừng vội quay đầu. Ghe tui suýt tông phải một ghe khác, hoảng hồn!”.

Ghe bơi đưa khách trong mùa lụt

KYN