Cà Mau, tiếng Khmer, là nước đen. VC vô không khoái đen mà khoái trắng, khoái sang, nên tụi nó sửa tên lại là Minh Hải. Biển sáng mà đời tối thui. Hổng ai xài cái tên mắc dịch, mắc gió nầy nên tụi nó de lại ‘vũ như cẩn’: Cà Mau.

Tui thấy Tư Ðầm Dơi quấn khăn rằn bắt chước Trùm Việt Cộng Ba Ðịnh; giờ tui lại thấy ông nhà báo cũng quấn khăn rằn.

Xin hỏi khăn rằn dùng để đi tắm lau mình. Ði chụp hình mà tròng chiếc khăn rằn quanh cái cần cổ chi vậy cha nội? Hay ông muốn dùng chiếc khăn rằn để chứng minh tui là ‘Vi Xi’ đó nghe!

Hai ông bà nầy, kẻ tung người hứng, áo thụng vái nhau nên ‘đắc danh’ hết biết. Danh tui cũng khoái; vì tui thuộc loại háo danh! Háo danh là phải cà nanh. Tui bèn vạch lá tìm sâu, dùng kính lúp săm soi chữ nầy, chữ nọ, bắt bẻ nọ kia, đá giò lái ổng chơi!

Cô Tư Đầm Dơi

Là dân Cà Mau, ông dùng chữ lai Bắc Kỳ hai nút 75 nhiều quá. Không phải tui kỳ thị miền nào nhưng dùng chữ phải cho nó đúng. Chẳng hạn như ông viết về nữ nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan và danh cầm Văn Vĩ như vầy nè: “Hai người mẹ bị bỏ rơi, dắt hai đứa trẻ đi lang thang giữa chợ đời, tình cờ gặp nhau rồi kết nghĩa chị em, sống trong một trạm gác cũ bên hông chợ Bình Tây.” Dân Sài Gòn nói: “Ðem con đi cho: bỏ rơi con. Bị chồng bỏ?! Viết ‘hai người mẹ bị bỏ rơi’ là trật lất!

Rồi: “Mỗi sáng, Út Lùn được các bà chủ sạp sai đi mua thức ăn và được trả công bằng những thứ hàng của sạp như trứng vịt, rau cải, thịt heo, tôm cá… đủ để nuôi sống hai bà mẹ và người anh trai mù lòa. Ban đêm, hai người mẹ ngủ trong lô-cốt, hai anh em ngủ trên sạp hàng.”

Xem thêm:   Mother’s Day

Dân Sài Gòn không ai nói: “bà chủ sạp sai đi mua thức ăn” mà nói “sai đi mua đồ ăn”. Nói trứng cút; nhưng không ai nói trứng vịt mà nói hột vịt. Cái hột nó lớn hơn cái trứng nhe. Ði học, làm bài tập không được bị thầy cô cho hai cái ‘trứng vịt’. (Hồi xưa, thang điểm thầy cô cho từ hai cái trứng vịt tới hai mươi). Chữ trứng nó hay lắm. Ðàn bà cũng có; ông cũng có!

Còn ‘Lô cốt’, “blockhaus” gốc tiếng Ðức. Lô cốt được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, bê tông, có lỗ châu mai để lính phòng thủ bắn ra. Lô cốt có nhiều trên quốc lộ 4 thời Tây. Nói ‘lô cốt’ trong chợ Bình Tây thì thú thiệt lần đầu tui mới nghe ông nói. Cái bót gác thì đúng hơn.

Nhà báo khăn rằn

Rồi ông viết: “Khi bài Dạ cổ hoài lang cất lên cùng với tiếng đàn guitar trên hè phố, trời đất như chim sa cá lặn, những kẻ qua đường dừng lại lắng nghe, những đồng tiền xu rơi xuống chiếu”?  “Chim sa cá lặn” là một điển cố bên Tàu để diễn tả sắc đẹp của các mỹ nhân như: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Ðiêu Thuyền và Dương Quý Phi. Tây Thi đẹp đến nỗi ‘trầm ngư’ là cá trông thấy phải chìm sâu dưới nước.  Vương Chiêu Quân đẹp đến nỗi ‘lạc nhạn’ là chim nhạn sa xuống đất. Ðiêu Thuyền đẹp đến nỗi ‘bế nguyệt’ là mặt trăng phải giấu mình. Và Dương Quý Phi đẹp đến nỗi ‘tu hoa’ là khiến hoa phải xấu hổ.

Xem thêm:   Châu Minh Nhạn

Nhưng hát hay, đờn hay thì tại sao chim phải sa và cá phải lặn? Nghe hát hay, nghe đờn hay thì chim phải bay lại gần, cá phải trồi đầu lên nghe; chớ chim rớt cái bịch xuống đất; cá lặn hết sùi bọt tăm chuồn hết ráo thì hay cái giống gì? Viết khen hay viết chửi đây cha nội?

Muốn diễn tả giọng hát buồn hòa với tiếng đờn tha thiết thì thiết nghĩ ông nên ‘cọp pi (copy) tức cọp dê (copier) Nguyễn Du viết đoạn Hoạn Thư cuồng ghen, bắt Kiều đàn hầu rượu Thúc Sinh với mình: “Bốn dây như khóc như than. Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng” là đúng sách vở nhứt.

Rồi ông viết: “Nghệ sĩ Thành Công nói rằng: “Ðã thành ca sĩ (?) của đài rồi thì phải chọn một nghệ danh chớ không thể gọi là Út Lùn được. Bên đài Quốc Gia có ca sĩ Bạch Huệ, hay là ta đặt tên em là Bạch Lan”.

Sầu nữ Út Bạch Lan

Viết thời nào phải dùng chữ thời đó. Ổng dùng chữ ‘ca sĩ’ cho giới cổ nhạc vào những năm 50 là trật lất. Ca sĩ dành cho người hát tân nhạc. Hát cổ nhạc phải là nghệ sĩ.

Rồi ông còn cho rằng: “Ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã bình luận về cô như vậy trong một bài viết có nhan đề “Sầu nữ Út Bạch Lan”, rồi thành danh cho đến bây giờ.”

Nói ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc là không đúng. Ông Trần Tấn Quốc là tên thiệt của ông chủ báo Tiếng Dội, Ðuốc Nhà Nam để mần ăn và để cúng cơm. Còn khi viết bài, tuỳ thể loại, ông có những bút hiệu khác nhau. Bình luận ông ký Cao Trần Lãnh. (Người họ Trần quê Cao Lãnh”. Phê bình kịch trường ông ký Thanh Tâm. (Ông có lập ra giải Thanh Tâm cho giới cải lương).

Xem thêm:   Tháng Tư!

Sầu nữ Út Bạch Lan là biệt danh do soạn giả cải lương Kiên Giang Hà Huy Hà đặt. Ông Kiên Giang còn đặt: “Nữ hoàng sân khấu” cho Thanh Nga…

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga…

Rồi ông nhà báo khăn rằn viết là: “Có thể nói, sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, thế hệ Út Bạch Lan là những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ.”.

Nói vậy là không đúng. Thời của nghệ sĩ Út Bạch Lan là nền móng đã xây xong. Nó là thời hoàng kim của sân khấu cải lương Miền Nam. Khi CSBV vô cải lương mới tàn lụi đi.

Tóm lại, theo thiển ý của tui, mặc dù là dân chánh gốc Cà Mau, Cô ba xà bông Trương Văn Bền 72 phần dầu, mà ông lại lấy từ những bài báo của các cây viết ‘Ba Ke hai nút’. Hậu quả tất nhiên là dùng phương ngữ đã sai. Tài liệu lại không chánh xác.

Bút pháp của nhà báo Bake 75 là: Vừa viết vừa tán láo, bốc phét, bợ đỡ quá đáng người nghệ sĩ rồi đem đời tư những thân nhân của người nghệ sĩ để câu độc giả. Tui đọc, thấy chướng tai gai mắt về những dữ liệu nầy nên ngứa miệng chõ mỏ vô bài của ông; chớ tui không dám có ác ý với ông đâu.

ĐXT