Mỗi năm vào tháng 6, chúng tôi – nhóm bạn bè cũ – thường họp mặt để cùng nhau nhìn ngắm lại hình ảnh các chàng trai trẻ rạng rỡ trong bộ đại lễ oai phong với những bước chân nhịp nhàng, hùng dũng giữa tiếng quân nhạc rền vang trong ngày diễn hành Quân Lực 19 tháng 6 năm xưa. Một chút vui vì cảm thấy hùng khí ngày tuổi trẻ như bừng bừng sống dậy. Một chút buồn vì sự mất mát khó nguôi ngoai. Anh Thành, một người luôn có nụ cười mang ít nhiều nét hóm hỉnh thường nhật như biến mất, chỉ còn lại giọng nói thoáng chút bùi ngùi khi nhắc lại chuyện mấy mươi năm.
– Tụi mình ra trường tháng 4 năm 1973. Vì hiệp định Paris nên ước mơ vào Thủy quân lục chiến của tao không thành. Ðến trình diện Tham mưu trưởng tiểu khu Châu Ðốc với sự vụ lệnh trong đó có câu rất ngầu “Bổ nhiệm thiếu úy Nguyễn Thành thay thế sĩ quan thiếu năng lực thuộc phòng an ninh hay đại đội CTCT tiểu khu”. Ông Trung tá Tham mưu trưởng tiếp tao với nụ cười nửa miệng. Ông nói “Rất tiếc, đơn vị chúng tôi ở đây không có sĩ quan nào thiếu năng lực. Tôi sẽ đưa thiếu úy ra tiểu đoàn tác chiến đang thiếu sĩ quan. Nếu không đồng ý, thiếu úy có thể trở về trình diện Tổng Cục”.
– Rồi mầy đi đâu?
– Ði đâu?… Buồn quá tao dzọt về Sài Gòn một tháng, đi chơi với bồ cho đời bớt khổ rồi trở lại trình diện tiểu đoàn Ðịa phương quân đang tăng phái hành quân với sư đoàn 21 ở Bạc Liêu. Sau sáu tháng tăng phái, tiểu đoàn trở về hậu cứ biên phòng tại vùng biên giới Thất Sơn với nhiệm vụ Trưởng ban 5 và sĩ quan an ninh tiểu đoàn. Hầu hết các quân nhân tiểu đoàn là người Việt gốc Campuchia trong đơn vị dân sự chiến đấu, gọi nôm na là Biệt kích Mỹ tại Việt Nam. Lực lượng Dân sự Chiến đấu đã được chuyển đổi từ CIA sang Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) từ năm 1963. Nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát biên giới Việt-Campuchia. Sau năm 1973, lực lượng nầy đã được đồng hóa sang Biệt động quân biên phòng và các tiểu đoàn Ðịa phương quân. Ông Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và nhiều sĩ quan đều là người gốc Campuchia, không có trình độ học vấn bao nhiêu. Khi nhận tao về với lý lịch là sĩ quan hiện dịch từ ÐHCTCT-Ðà Lạt, họ nghi ngờ có điều gì đó sẽ gây thiệt hại cho họ nên tìm cách đì tao. Họ dùng lệnh hành quân, giao cho tao một tiểu đội đi phục kích các chốt đêm trên đường biên giới. Nếu không thi hành thì tiểu đoàn trưởng kết tội chống lệnh hành quân. Ðúng là họ muốn diệt tao. Tức quá, tao lặng lẽ điều tra những tệ nạn về quản trị, tài chánh, lính kiểng rồi làm một bản cáo trạng và mang ra Phòng An ninh Tiểu khu do một đại úy khóa đàn anh làm trưởng phòng, xin một cuộc họp với Tham mưu trưởng để tố cáo. Trong cuộc họp, các sĩ quan tham mưu đều xanh mặt, chắc ái ngại cho thân phận tên thiếu úy mặt mày non choẹt mà dám chơi trò châu chấu đá xe.
– Rồi tiểu khu giải quyết ra sao?
– Ông Trung tá Tham mưu trưởng khen tao là sĩ quan trẻ có năng lực và can đảm. Ông bảo tao trở về đơn vị rồi ông sẽ cho điều tra. Ðại úy -Niên trưởng- nói, tao mà trở về tiểu đoàn chỉ có nước đi nhà ma nên ông giúp tao thuyên chuyển về Bạc Liêu và làm đại đội trưởng ở một tiểu đoàn địa phương quân cho đến ngày đi tù.
Với lon bia trên tay, Khánh chỉ sang tôi, huyên thuyên kể.
– Còn tôi với thằng này có một cuộc hội ngộ bất ngờ tại Chương Thiện. Hôm đó, tiểu đoàn đang đóng ở Vĩnh Viễn thì tôi được lệnh về nhận nhiệm vụ mới ở Quân khu 4. Vừa ra đến hậu cứ tiền trạm, chưa kịp nghỉ thì một người hạ sĩ chạy vào hớt hải báo tin “Lính của mình đang đánh nhau với nhóm lính khác ngoài quán nhậu. Ông Thầy ra gấp đi, chúng nó sắp sửa bắn nhau”.
Tôi gật gù:
– Tôi cũng vậy. Nghe tin, vội vàng chạy ra đó không ngờ gặp ông. Hai thằng tay bắt mặt mừng làm hai nhóm lính đang cầm súng hăm he nhau ngơ ngác. Ông nhớ không, mình bắt chúng nó huề nhau rồi hai thằng kéo nhau vào quán, chưa uống hết chai bia thì đại đội tôi có lệnh hành quân. Tụi mình biệt tin từ đó. Ông về quân khu làm gì?
– Tôi được biệt phái vào đoàn Thanh tra Giám sát an ninh lãnh thổ Quân khu 4 cho đến ngày mất nước.
Ðối diện với tôi là Bá, anh chàng có cái miệng tía lia, vui tính hay nói chuyện trên trời dưới đất để làm vui cho bạn bè nên có biệt danh là Bá Láp. Tôi gặp hắn tại mặt trận tái chiếm Núi Dài Châu Ðốc năm 1973. Với vẻ trầm ngâm, Bá kể lại câu chuyện thật thương tâm:
– Còn nhớ, trong trận tái chiếm Núi Dài, tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ giữ đường tiếp vận và tải thương, vì sau hiệp định Paris quân đội chúng ta bị cắt giảm không vận, không kích. Ðịch ở trên cao, quân ta phải tiến lên từng tấc đường núi trong đêm tối nên tổn thất nhân mạng rất cao. Tôi không cầm lòng được khi thấy những người lính trẻ Biệt động quân khệ nệ khiêng “poncho” bó xác đồng đội mang xuống chân núi, vừa đi vừa khóc như trẻ con. Ðược một ngày yên tĩnh, anh em đang ngồi ăn lương khô gạo sấy thì có một anh lính trẻ đang tải đạn tiếp tế dừng lại nghỉ chân. Thấy cây đàn guitar bên cạnh tôi, anh hỏi với nụ cười tươi “Thiếu úy cho em hát một bản nhạc được không?”. Tôi nói “Ừ, tốt lắm. Chúng ta cũng cần một chút thư giãn”. Anh lính tên Tuấn ôm đàn hát bài “Ngàn Thu Áo Tím” thật hay làm cả đám ngẩn ngơ trong niềm cảm xúc. Tôi hỏi về thân thế, biết em mới mười tám tuổi, gia cảnh nghèo với mẹ và hai em gái. Tuấn cho biết, vừa đi học, vừa giúp mẹ buôn bán nên thi rớt tú tài. Sau đó, Tuấn xin vào lính địa phương để được gần nhà. Quý mến tài năng của Tuấn, tôi ngỏ ý “Xong trận nầy, anh sẽ xin em về Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, thành lập toán văn nghệ để không lãng phí một tay đàn guitar tuyệt vời”. Mừng rỡ, Tuấn từ giã và vác đạn lên núi. Chừng năm phút sau tôi nghe một tiếng nổ kinh hoàng và tiếng kêu cứu thương trong máy. Tôi và y sĩ chạy về hướng tiếng nổ. Một cảnh tượng khủng khiếp trước mắt. Máu vương vãi khắp nơi. Hai người lính trong nhóm tải đạn bị thương nặng. Tuấn chết ngay tại chỗ với cái xác bị mất đầu. Tôi chết lặng trong nước mắt. Mấy ngày sau, trung đội thám báo bắt được bốn tên lính Bắc Việt mặt còn non sữa. Chúng nói, vì đói quá nên đêm lẻn về tìm nhà dân để kiếm ăn. Vài người lính đòi xử tử mấy tên nầy để trả thù cho Tuấn. Chúng tôi không cho phép, vì thấy chúng quá sợ hãi và luôn miệng “Lạy ông, lạy ông” rất tội nghiệp. Sau đó tôi cho chúng ăn lương khô, hút thuốc lá và chợt nghĩ, có lẽ mẹ nó ở tận miền Bắc nghèo nàn cũng đang vật vã nhớ thương con như bao người mẹ khác trong miền Nam này.
Khánh tiếp lời:
– Cuộc đời chúng ta đã trải qua biết bao thăng trầm trong chiến tranh, tù tội và những ngày sống vất vưởng tại quê nhà, đồng thời chứng kiến, chịu đựng biết bao sự hành hạ tàn bạo của đám cai tù, những con người được đảng nhồi nhét vào đầu óc sự hận thù. Bọn chúng có thể cầm súng bắn giết những người tù một cách hả hê như tôi đã chứng kiến hai lần tại trại tù. Nay, anh em mình ai cũng già nhưng may mắn hơn hằng triệu người vẫn đói nghèo giữa Việt Nam khi tầng lớp thống trị đang sống xa hoa ngất ngưởng. Tôi cảm thấy xót xa khi nghĩ rằng bao nhiêu xương máu của đồng đội nằm xuống trong cuộc chiến hai mươi năm để bảo vệ miền Nam tự do trở thành vô nghĩa. Buồn!
Bạn thân mến,
Trong một lần họp mặt, người lính già Biệt động quân nhìn khi thấy những chàng trai trẻ -thế hệ thứ hai- oai nghi trong bộ quân phục của quân đội Hoa Kỳ đã nghẹn ngào ghi lại bốn câu thơ:
Cha có đôi lời gửi đến con
Đời cha nợ nước vẫn chưa tròn
Thì xin trao cả giang san ấy
Con gánh giùm cha những nỗi buồn!
(Thảo Nguyên)
“… Bao nhiêu xương máu của đồng đội nằm xuống trong cuộc chiến hai mươi năm để bảo vệ miền Nam tự do rồi trở thành vô nghĩa”. Không đâu anh Khánh, chúng ta là bên thua cuộc trong cuộc chiến Bảo Vệ Chính Nghĩa nhưng giá trị tinh thần của một Miền Nam Tự Do mà những chiến sĩ VNCH đã đổ máu bảo vệ sẽ không là vô nghĩa. Bốn mươi tám năm qua, tinh thần đó đã thắng. Dân miền Bắc đã học hỏi và đang thay đổi dần theo văn hóa Miền Nam từ bước.
Người viết vừa tham dự một buổi hội thảo “Từ Lịch Sử Hướng Ðến Tương Lai”, mới biết rằng hiện nay có những người trẻ sinh ra và trưởng thành tại Việt Nam, điển hình là Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi và Tiến sĩ Thủy Nguyễn, vẫn không bị đầu độc vì nền chính trị độc tài. Họ đã nhận ra cái giá trị nền dân chủ, tự do mà chúng ta đã từng bảo vệ. Họ là một trong 12 tác giả của quyển sách sử giáo khoa đầu tiên viết về Việt Nam Cộng Hòa, đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào các trường trung và đại học Hoa Kỳ để giảng dạy.
Người viết xin mượn đoạn văn trong bài nói của danh tướng MacArthur để kết thúc tâm sự nầy:
“Thế giới đã biến chuyển nhiều lần từ khi tôi tuyên thệ nhậm chức trên vũ đình trường West Point. Những hy vọng và ước mơ từ lâu đã biến mất nhưng tôi vẫn nhớ điệp khúc của một trong những bản ballad trong trại binh phổ biến nhất của ngày đó với lời tuyên bố rất hào hùng “Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ dần dần tan biến”. Và cũng giống như người lính già của bản ballad đó, giờ đây tôi khép lại cuộc đời binh nghiệp của tôi và chỉ dần dần tan biến. Một người lính già đã cố gắng làm nhiệm vụ của mình như Chúa đã ban cho người ấy ánh sáng để thấy nhiệm vụ đó”.
ĐHS