Thầy Ba Mẹo không phải là thầy bói mà là thầy giáo dạy trường Việt ngữ. Trong giấy khai sanh, chánh phủ VNCH, Sở Tư pháp Nam Phần, Phòng Lục sự Tòa cấp có ghi: Tên họ đứa con nít: Nguyễn Tân Mão. Sanh ngày 31 tháng 12 năm 1951 tại xã Ðiều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh lỵ Mỹ Tho, tỉnh Ðịnh Tường.

Hai thằng cháu nội của tui là học trò của Thầy Ba Mẹo. Sáng thứ Bảy đưa hai thằng cháu nội vô lớp học xong, tui kiếm một cái ghế trong sân trường, chỗ vắng vẻ, lôi cái laptop ra viết bài cho báo. Chờ hết giờ học, rước hai thằng nhóc bữa thì đi ăn Happy Meal của McDonald’s; bữa thì tụi nó đòi đi ăn Kids Meal của Hungry Jack’s vì nó có cho đồ chơi để dụ khị con nít. Xong, chở về nhà giao lại cho ba má nó.

Nói nào ngay già rồi, hưu rồi mà lần quần ở nhà, xách đít đi vô đi ra, đi tới đi lui hổng làm gì như ở không lắm vậy là bị vợ rầy hoài hè. Nên tui xung phong chở cháu mình đi học tiếng Việt để chém vè.

Phần mỗi lần nói chuyện với mấy đứa cháu, tụi nó cứ lắc đầu. “What are you talking about?” “Nói tiếng Anh đi nội!”

Từ hồi cưới vợ tới giờ tui đâu biết tiếng Anh. Tui biết tiếng Em. Tui chia động từ “to quơ”. Quơ tùm lum. Ðời mà! Hay dở gì!? Hên xui thôi!

Vậy là hai thằng cháu tui thay vì ở nhà bắn “game”, tụi nó hy sinh để đi học tiếng Việt hầu nói chuyện được với ông nội. Ðể khỏi mỏi tay của  cả hai bên. Và lỡ có đói bụng thì kêu bà nội nướng thịt trừu cho cháu ăn với khoai tây chiên.

Xem thêm:   Mother’s Day

Trong khi ông bạn già của tui nhậu ở nhà bị vợ rầy hoài, thằng chả kiếm cách khác để dĩ đào vi thượng.“Cho một con cá, tui no chỉ được một ngày. Cho cái cần câu, tui khỏe lỗ tai năm bữa.”

Nói nào ngay như mấy ông họ Nguyễn khác, thầy Nguyễn Tân Mão cũng khoái khoe dóc, khoái nổ bốp trời thiên như CS.

Thầy khoe cái làng Ðiều Hoà, Tổng Thuận Trị, Mỹ Tho là cái đất địa linh nhơn kiệt.

Bảo Huân 

Ngoài ra đất địa linh nhơn kiệt nầy còn sản sinh ra một người ưu tú nữa là thầy Ba Mẹo, trên thông thiên văn; dưới tường địa lý, chuyên trị tiếng Việt.

Thầy Ba Mẹo vượt biên qua tới Úc nầy đây thầy bỏ tên Mão. Lý do Úc không có dấu ngã,  Mão thành Mao. Mao đọc như “Mouse” là con chuột. “Cha sanh mẹ đẻ tui con mèo giờ Úc biến tui thành con chuột, tuổi Tí, đâu có được nè”

Nên thầy thay Mão thành Mẹo. Úc bỏ dấu nặng thành Meo, (viết là Mel). Mel là rút gọn “Melvin” bắt nguồn từ tên tiếng Wales cổ là “hoàng tử”. Mel cũng là một tên của người lừng danh thế giới, đạo diễn phim Braveheart (1995) đoạt hai giải Oscar:  Ðạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất.

Sanh tại New York, Hoa Kỳ, năm 1968, Mel Gibson theo cha đến Úc sống suốt thời thơ ấu. Thành danh ở Hollywood nhưng Mel Gibson lại coi Úc là quê hương của mình.

Thầy Nguyễn Tân Mão tức thầy Ba Mẹo tự thầy Meo đang ở Úc nhưng lại quyến luyến về mồ mả của ông bà quê cũ. Thầy Meo chê người Việt mình vượt biên qua Úc nầy đây không chịu viết gia phả. Lỡ mai già chết, con cháu không đi học tiếng Việt, không có gia phả, nó cứ tưởng từ đất nẻ nó chui lên? Lỗi là đám già mình chớ không phải tại sắp nhỏ.

Xem thêm:   Châu Minh Nhạn

“Anh nói đúng lắm, hay lắm!” Nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân. Anh viết gia phả của anh chưa mà rầy thiên hạ!?”

“Chưa!” “Sao vậy?!” “Tui dạy tiếng Việt nhưng mần văn thua mấy ông nhà báo nên tính nhờ anh viết giùm!”

Tui chụp cơ hội ra giá: một chữ một xu tính tới! Kiếm tiền mua vài thùng beer về nhậu chơi.

Gia phả của thầy Meo tính từ khi CSBV chiếm được VNCH tới nay chỉ mới 48 năm mà nó lại là một trường thiên tiểu thuyết, kéo ra nó dài như chuyện Tây Du Ký mà thầy Meo đóng vai con khỉ Trường Sơn!

21 tháng 9 năm 1995, thầy Nguyễn Tân Mão từ xứ nhiệt đới tới phi trường Tullamarine trời đã sang xuân nhưng vẫn lạnh teo bugi! Vì Melbourne thủ phủ của tiểu bang Victoria nằm ở cực bắc của vịnh Port Phillip Bay thụt vô sâu trong lục địa lạnh là phải.

Melbourne có hai con sông: Yarra ở phía đông và Maribyrnong ở phía tây. Nói là sông cho nó le; chớ chiều dài  sông Yarra nó ngắn ngủn hè chỉ có 242 cây số. Còn bề ngang bằng con rạch nhỏ quê mình!

Bảo Huân

Năm 1835, John Batman và John Pascoe Fawkner từ đảo Tasmania đến bờ bắc của Sông Yarra. Năm 1837, “Melbourne” thành lập đặt theo tên của Thủ tướng William Lamb, Tử tước thứ 2 của Melbourne bên Anh.

Thập niên năm 1850, Victoria có “gold rush” kể cả mấy chú ba Tàu ùn ùn kéo tới đào đất để kiếm vận may. Melbourne là một trong những thành phố giàu có nhất thế giới lúc đó.

Xem thêm:   Tháng Tư!

Thầy Nguyễn Tân Mão tức Thầy Ba Mẹo tức thầy Meo luân lạc tới Melbourne quê người đã trôi qua những ngoại ô buồn xa xứ. Từ Coburg theo tên của thành phố Coburg ở Ðức nhưng là đất của người Wurundjeri, cách CBD (central business district) khoảng 8 km về phía bắc. Rồi xa hơn dạt xa hơn tới nghĩa trang Fawkner nơi rất nhiều ông bà Ý sống gần đất xa trời, cách CBD khoảng 12 km. John Pascoe Fawkner, một trong những người lập Melbourne. Rồi St. Albans cách CBD khoảng 17 km về phía tây bắc tên theo giáo xứ St. Albans ở Hertfordshire, Anh. Cuối cùng vợ chồng già của thầy Meo tấp vô Footscray cách CBD khoảng 5 km về phía tây trên bờ sông Maribyrnong đúng 20 năm nay.

Quê người nghĩ xót thân lưu lạc, chìm nổi, rày đây mai đó. Hỏi thầy Meo có bắt chước nhà thơ Hạ Tri Chương (659-744), người Quảng Ðông thời Thịnh Ðường bên Tàu:

“Bé  đi, già mới về nhà.

Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.

Trẻ con trông thấy hững hờ.

Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao ?”

Thì thầy Ba Mẹo trả lời nghe bùi ngùi quá mạng: “Thân lưu lạc là nỗi nhớ quê nghèo không nguôi. Nhưng gần 30 năm tui vẫn chưa một lần về quê cũ. Còn CS đè đầu cỡi cổ dân ngu đen, tui không làm gì được để cứu giúp thì tui về làm gì?

Nếu mai tôi chết  tha hương?

Xác thân quàn ở nhà thương thí nào?

Người xưa ai đến nguyện cầu?

Cỏ xanh non mọc trên màu lãng quên!”

ĐXT