Thứ Năm tuần này, ngày 6-4-2023 Airbus đã được Bắc Kinh chấp thuận để mở thêm một dây chuyền lắp ráp máy bay tại Trung Quốc, tăng gấp đôi công suất tại thị trường hàng không được xem là lớn thứ hai trên thế giới. Sau khi Bắc Kinh đặt hàng 160 máy bay. Ngoài là một nhu cầu chính đáng, đây còn là một đòn để tạo sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời mua chuộc tình cảm của châu Âu khi Mỹ ngày càng đối đầu kịch liệt với Trung Quốc, trong đó sự kiện gần nhất là Chủ Tịch Hạ viện Hoa kỳ Kevin McCarthy tiếp đón Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua, ngày 5-4-2023.
Airbus là một đối thủ “nguy hiểm” với Boeing, với chính sách trung dung, Airbus được các quốc gia không thân thiện với Mỹ đặt hàng ào ạt, như một tín hiệu nhắn gởi đến kinh tế xương sống và biểu tượng uy tín của Mỹ. Năm ngoái Airbus bán được 292 máy bay cho Trung Quốc. Trong đó, Tổng thống Pháp, Macron làm cầu nối giữa châu Âu và Bắc Kinh trong chuyến đi thăm Tập Cận Bình vừa qua nhằm “đóng dấu” những thỏa thuận kinh tế trong tương lai, mà việc mua bán Airbus chỉ là một. Trong năm 2022, Airbus đã bán được tổng cộng 663 chiếc, trong khi Boeing chỉ được 480 chiếc.
Hiện nay, Airbus và Boeing đang chiếm giữ 90% máy bay tiêu thụ trên toàn cầu.
Trước đây Airbus đã có hãng lắp ráp máy bay thuộc dòng A320 tại thành phố cảng phía bắc Thiên Tân năm 2008. Việc mở rộng thêm hãng xưởng trong năm nay nằm trong kế hoạch tăng cường công suất lên 6 máy bay mỗi tháng, giúp Airbus tăng gấp đôi công suất hiện tại của mình tại Trung Quốc.
Bên cạnh việc mua sắm máy bay của Airbus, Trung Quốc cũng đặt mua thêm các thiết bị hàng không cao cấp để tăng cường sản xuất máy bay “nội địa” C919. Đây là con tính đường dài của Trung Quốc theo sách lược “nhất tiễn hạ song điêu”: một mũi tên, hạ được uy tín và kinh tế Mỹ và “học hỏi” kỹ thuật hàng không của phương Tây. Và không bao lâu, người ta sẽ thấy một kẻ thứ 3 ngáng đường cả Airbus lẫn Boeing, bằng sản phẩm giá rẻ cho những quốc gia nghèo hoặc thân cận với Đại lục.

Máy bay Airbus và Boeing (nguồn ảnh: zeenews.india.com)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Tập Cận Bình (ảnh Ludovic Marin/Pool/AP)
Hạnh Dung (tổng hợp)