Hỏi

Xin bác sĩ cho biết rau Cần tây những đặc tính y học gì? Xin cám ơn bác sĩ.

(L.L)

Trả lời

Cần tây (Celery) cung cấp rất ít năng lượng. Một nhánh cần chỉ cho khoảng 5 calori. Hai nhánh cần tây có 125mg muối sodium, 5g carbohydrat, 1g đạm, 2g chất xơ và một lượng nhỏ các sinh tố C, A, một chút calci, sắt, kali. Cần tây có tới 95% nước, nên có thể dùng với các loại rau trái khác để làm món giải khát bổ và mát. Nhiều người có thói quen không ăn lá cần nhưng thực tế, lá lại nhiều sinh tố, calci, kali hơn phần cuống. Khi mua, nên lựa cần tây có lá xanh đều, cuống càng đậm càng nhiều sinh tố A và phải rắn chắc, giòn khi bẻ.

Không nên cất giữ cần tây gần cà chua và táo, vì hai thứ này tiết ra hơi ethylene mà cần tây rất dễ bắt mùi. Cần tây có thể ăn sống như xà lách, ăn khai vị hoặc nấu chung với các thực phẩm khác.

Kinh nghiệm dân gian dùng lá và hột cần tây để chữa thống phong (gout), sưng khớp, hạ huyết áp. Một số người còn cho là cần tây cũng có khả năng ngăn ngừa ung thư. Theo một số người khác, cần tây có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sa sút trí nhớ Alzheimer, làm tăng khẩu vị, ăn chóng tiêu, thư giãn cơ thể và giúp ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, trong cần tây có vài hóa chất có thể gây dị ứng da hoặc viêm da khi ăn nhiều cần tây và sau đó tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Bảo Huân

Lẹo mắt

Hỏi

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ giải thích và hướng dẫn cách điều trị bệnh lẹo mắt. Cám ơn bác sĩ.

(TTK)

Trả lời

Lẹo mắt (chalazion) là khi tuyến bã ở mi mắt bị sưng viêm đưa tới tắc nghẽn ống tuyến, chất nhờn ứ đọng thành một cục giống như chất thạch. Sau đó lẹo có thể bị nhiễm vi khuẩn rất đau và chảy mủ. Có khoảng 100 tuyến nhờn nằm ở mi mắt và tiết ra chất lỏng để mắt ướt, chớp lên chớp xuống được. Dấu hiệu của lẹo là sưng viêm và hơi đau ở mi mắt, chảy nước mắt, dễ bị chói mắt.

Bình thường thì lẹo hết trong vài tuần lễ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp phải rạch một vết nhỏ để lấy chất nhờn ra. Khi lẹo xuất hiện, có thể đắp khăn nước ấm lên lẹo mỗi ngày ba bốn lần để bớt đau bớt sưng, phải lau mắt sạch sẽ để tránh bội nhiễm bởi vi khuẩn. Tuyệt đối không tự ý nặn lẹo để tránh vi trùng xâm nhập và khi bị lẹo cũng nên tạm thời ngưng bôi mỹ phẩm lên mi mắt, ngưng mang kính sát tròng.

Ðể tránh lẹo mắt, nên giữ gìn sạch sẽ mi mắt, rửa mắt thường xuyên, nhất là quý bà quý cô hay dùng mỹ phẩm mascara, vi trùng dễ bám vào mí mắt; không chà mắt, tránh nơi bụi bặm; tránh dùng chung khăn mặt.

Ngày xưa các cụ ta chữa lẹo với vài mẹo vặt như lấy tay chà xuống chiếu cho tới nóng ngón tay rồi áp lên lẹo. Kinh nghiệm này cũng tương tự việc áp khăn nước ấm lên mắt như y khoa học ngày nay áp dụng. Hoặc dùng mấy mẹo vặt như:

– Lấy gấu váy các cụ già chà lên lẹo.

– Có người nói nếu lẹo bên mắt trái thì lấy chỉ cột ngón tay áp út phía đối diện.

– Cũng có người vòng bàn tay cùng phía lẹo ra sau lưng, cố với sang lưng bên kia, xòe ngón tay ra. Rồi nhờ người khác lấy kim đã khử trùng châm vào chỗ đó nặn ra một giọt máu là hết lẹo (!?).

BS. NÝĐ