Hỏi

Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Đáp

Lý do chính là ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất dinh dưỡng riêng. Vì vậy, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn, ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh là thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Ða dạng nhưng không “hổ lốn”, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một tỷ lệ đã được nghiên cứu, chỉ định. Ðó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái; 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào, để tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì nộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe. Ðồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại bệnh ung thư. Chẳng may, cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh kể trên thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Về số lượng, chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn khi còn trung niên trai tráng, vì không còn phải lao động chân tay cật lực. Tuy nhiên, quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Ðó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn mà lại có mối lo khác là làm sao không chỉ ngồi đó mà ăn hoặc ăn quá nhiều.

Bảo Huân 

Bệnh lú lẫn

Hỏi

Xin bác sĩ nói về bệnh lú lẫn ở người cao tuổi. Cảm ơn bác sĩ.

Đáp

Có cả trăm nguyên nhân đưa đến tình trạng không bình thường này, trong đó, bệnh Alzheimer là thủ phạm chính. Bệnh không phải là một phần của sự lão hoá nhưng nó có liên hệ tới tuổi con người. Từ 1% trầm trọng ở lớp người 65 tuổi, tăng lên tới 15-25% ở người trên 80 tuổi. Nó là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh được đưa vào viện dưỡng lão vì tính tình, hành vi quá lố. Nó không những đã lấy đi tuổi thọ mà còn lấy đi sự độc lập của người bệnh. Nó không phân biệt chủng tộc, giai tầng xã hội.

Nguyên nhân chính của sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer (chiếm 68%). Rồi đến bệnh trầm cảm, hủy hoại não do nhiều tai biến não nhỏ, thiếu sinh tố B12… Khám nghiệm não bộ thấy có nhiều thay đổi ở vùng hải mã (Hippocampus), vùng chịu trách nhiệm về trí nhớ, học hỏi kiến thức.

Riêng với bệnh Alzheimer, những nguy cơ gây bệnh đã được xác định gồm có: thay đổi gene ở các nhiễm thể, tuổi cao, gia đình có người sa sút trí tuệ, người có hội chứng chậm trí khôn (Down’s Syndrome).

Người bệnh không qua khỏi mươi năm, vì những tiêu hao trầm trọng về trí tuệ, đưa đến sự không tự săn sóc; thân xác suy yếu, đôi khi nằm liệt giường, rồi ra đi vì nhiễm trùng, nhất là sưng phổi. Hàng năm, cả trăm ngàn người bệnh Alzheimer thiệt mạng.

Bảo Huân

NYD