Trong mục đích tạo cầu nối cho những thế hệ trẻ gốc Việt đến gần với những bậc phụ huynh và cộng đồng nói chung, Trẻ xin giới thiệu chuyên mục mới TRE VOICES để tạo điều kiện cho giới trẻ bày tỏ, chia sẻ những suy nghĩ và tâm tình của mình. Trong khi luôn khuyến khích việc giữ gìn và trau dồi Việt ngữ. Chúng tôi mời gọi các bậc phụ huynh và các em cùng tham gia gởi các bài viết về gia đình, học đường, xã hội cùng các vấn đề các em quan tâm. Bài viết xin giữ khoảng 500 từ và sẽ có nhuận bút tượng trưng để khuyến khích sự tham gia của các em.

Gần đây trên facebook tôi thấy vài người quen share một bài viết của Trinh Vinh Phuong về sự khác biệt trong tư duy giữa người Việt và người phương Tây, trong đó có vài ý như sau (1):

“Người Việt từ nhỏ được dạy phải vâng lời cha mẹ. Người Phương Tây từ nhỏ được dạy cách suy nghĩ độc lập.”

“Người Việt tới trường thì được dạy phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Người Phương Tây tới trường là để học chứ không bị bắt phải yêu ai cả.”

“Người Việt khi học thì được dạy học thuộc lòng. Người Phương Tây khi học thì được dạy phải suy luận và đặt câu hỏi.”

“Người Việt ra ngoài đời thì được dạy phải ôn hoà, sống theo lối “ai sao thì mình vậy.” Người Phương Tây thì được khuyến khích làm chính mình, sống độc lập.”1

v.v…

Bài viết này không phải là bài đáp trả cho bài trên, mà viết chung cho suy nghĩ của nhiều người Việt rằng dân phương Tây biết nghĩ độc lập, có quan điểm riêng, không bầy đàn, có critical thinking.

Giáo dục phương Tây có thể khuyến khích như vậy, nhưng có phải dân phương Tây lúc nào cũng thế không? Hay người Việt cứ nghĩ cái gì của Tây cũng tốt?

Trước đây khi sống ở Na Uy, tôi đã từng gặp nhiều người Na Uy có suy nghĩ rất đơn giản và lý tưởng đến dở hơi – người thì nghĩ Na Uy sẽ trở thành nước cộng sản thực sự đầu tiên trên thế giới, đứa thì nghĩ xã hội nên bình đẳng và bác sỹ hay nhân viên dọn vệ sinh đều nên có lương như nhau, đứa lại nghĩ cả thế giới lúc nào đó sẽ tiến tới có một nền kinh tế chung v.v.

Xem thêm:   Lão phù thủy của bộ lạc

Càng ở lâu, càng thấy dân Na Uy có cách nghĩ giống nhau: quan niệm và lý tưởng sống như nhau – theo quan niệm hygge (bình yên, ít cạnh tranh, thích ở trong nhà ấm cúng, sống đơn giản), có cùng giấc mơ sống đơn giản, ở với gia đình, có cabin, mùa Hè đi phơi nắng hoặc ra biển nướng thịt (BBQ picnic), mùa Ðông lên cabin và đi trượt tuyết, tới Phục Sinh cũng lên núi trượt tuyết…

Dân Na Uy thông thường cũng có tinh thần dân tộc cao, niềm tự hào Viking; đều nghĩ Na Uy là nơi tốt nhất và lý tưởng nhất thế giới; chỉ so sánh Na Uy với nước nghèo mà không thấy vấn đề ở nước mình; đều nghĩ nếu dân nhập cư có gì đó không thích ở Na Uy chỉ có thể là thời tiết; và đều cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó chê Na Uy (trong khi dân Anh hoặc Pháp phản ứng bình thường khi người nước ngoài chê nước mình).

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi người Na Uy đều có suy nghĩ như nhau về mọi thứ – có người ghét Hồi giáo và dân nhập cư, có người muốn mở rộng cửa đón dân tỵ nạn; có người ghét Tàu, có người ghét Mỹ… Nhưng ai sống ở Na Uy một thời gian đều sẽ thấy, có lẽ vì dân số thấp và văn hóa đồng điệu (homogeneous), người Na Uy có cách nghĩ chung rất giống nhau.

Khi sang Anh, tôi không thấy sự giống nhau đến kỳ lạ đó, nhưng lại vỡ mộng chuyện khác. Ví dụ, từ xa, nghĩ tới Anh, tôi nghĩ đến văn hóa dày dặn, đến văn chương cổ điển và điện ảnh Anh, nghĩ đến Oxford – Cambridge, và nghĩ dân Anh chắc cũng phải quan tâm đến văn hóa, lịch sử, tình hình thế giới, và chắc phải rất “hàn lâm”. Tới khi sang Anh học film mới thấy đa phần đám trong lớp chỉ xem film Anh-Mỹ, không xem film có phụ đề, không xem film kinh điển, chẳng quan tâm gì đến lịch sử điện ảnh, và cũng chẳng đọc sách. Thông thường những đứa chịu khó xem film là đám nước ngoài như tôi, mấy đứa Ba Lan, Thụy Ðiển, Belarus v.v.

Xem thêm:   Nhà hát đất Thủ

Trước khi sang Anh, tôi vẫn thường nghe khắp nơi đùa dân Mỹ dốt, không biết gì về lịch sử, tình hình chính trị thế giới, cũng mù tịt về địa lý, nhưng tôi không nghe gì về dân Anh, nên nghĩ Anh cũng thuộc Châu Âu, chẳng phải khá hơn dân Mỹ. Tới khi sang rồi mới thấy dân Anh, có lẽ vì được dùng tiếng Anh và không phải nói giỏi ngôn ngữ nào khác, nên cũng chẳng quan tâm gì đến thế giới – khi tôi nói tôi đi chơi Vienna, khoảng 6-7 đứa bạn người Anh tưởng Vienna ở Ý. Tôi cũng nghe một đứa hỏi nhỏ bạn Belarus là Belarus có phải thuộc Nga.

Jeremy Corbyn – nguồn Flickr

Không chỉ vậy, chỉ cần nhìn đám trước đây học chung với tôi và cả một số giáo viên, bạn sẽ thấy suy nghĩ dân phương Tây có suy nghĩ độc lập, biết phán xét, không bầy đàn là hoàn toàn sai lầm. Ở đâu cũng có người này người kia.

Nhiều người Anh trước đây từng cười dân Mỹ là ngu vì tin lời hứa xây tường của ông Trump giờ lại mê muội tin mọi lời hứa của ông Jeremy Corbyn. Họ nghĩ chỉ cần đảng Lao Ðộng (Labour party) lên nắm quyền là người dân chỉ cần đóng thêm chút thuế là mọi vấn đề của nước Anh sẽ được giải quyết.

Hiện tượng pro-Corbyn ở Anh cũng là chuyện tôi thấy rất lạ – thế giới có lẽ không biết nhiều về Corbyn vì chưa bao giờ lãnh đạo quốc gia, nhưng với những người biết Corbyn, ông ta là một người thuộc cánh tả: khen Venezuela; bài Do Thái; theo Palestine; chơi với Nga; nói dối nhiều lần; thường né tránh câu hỏi; từng có rất nhiều phát biểu có vấn đề; qua lại với dân Marxist/Leninist hoặc thành phần Hồi giáo cực đoan; “chơi với kẻ thù”; mời tổ chức khủng bố IRA  vào Hạ Viện (House of Commons); gọi Hamas là friends v.v.

Thế nhưng, không ít người trong trường film của tôi – sinh viên lẫn giáo viên, lại khoái  Corbyn, bảo rằng ông ta không phải là chính trị gia mà là human being. Họ cho rằng mọi tin tức tiêu cực về Corbyn chỉ là chiến dịch bôi bẩn (smear campaign) không đáng quan tâm.

Xem thêm:   Hôn nhân của người J'rai

Việc sùng bái ông Hồ ở Việt Nam thì ta có thể giải thích được là do bị trường lớp và truyền thông nhồi sọ, thông tin bị bưng bít… Nhưng giải thích thế nào chuyện sùng bái Corbyn ở Anh? Hay tâm lý chung của con người là muốn có thần tượng, chỉ thấy cái mình muốn thấy và loại trừ tất cả những thông tin bất lợi (confirmation bias)?

Ngoài hiện tượng thần tượng hóa, nhiều người – đặc biệt là giới trẻ, cũng hay ồn ào phát biểu những quan điểm đang hợp thời ở phương Tây – như chống tân phát xít và phân biệt chủng tộc; ủng hộ sự đa dạng (diversity); chống phân biệt đối xử; theo nữ quyền (feminism); bảo vệ quyền động vật; bảo vệ môi trường; ăn chay hoặc thuần chay; chống plastic; ủng hộ quyền cho cộng đồng LGBT+; ủng hộ đa dạng giới tính; theo chủ nghĩa xã hội; chào đón dân tỵ nạn… như tôi từng viết trong bài về virtue signaling.

Ai cũng muốn mọi người nghĩ mình là người cấp tiến, bảo vệ mọi giá trị tự do bình đẳng. Tới khi có chuyện mới thấy, không ít kẻ chỉ chạy theo mấy quan điểm hợp thời như chạy theo thời trang mà không thật sự tin vào nó. Hoặc là họ chỉ dám đụng tới những chuyện an toàn (như vấn đề nam nữ ở Anh chứ không phải tình trạng bất công với phụ nữ ở Nam Á và Trung Ðông, hay thậm chí cộng đồng Hồi giáo ở chính nước Anh). Hoặc là họ không thật sự quan tâm (ví dụ họ nói là tôn trọng văn hóa nước khác nhưng tới khi làm film về cộng đồng thiểu số thì làm ẩu tả, làm sai, không nghiên cứu…)

Nói chung, người Việt đừng nên nghĩ dân Tây nhờ được dạy critical thinking và suy nghĩ độc lập là mặc nhiên có critical thinking, biết fact-check, không bầy đàn. Coi chừng lầm to!

DN

  1. https://www.facebook.com/nguyenngoc.hoai.77/posts/2520471931557874