Collège d’Adran, người Việt mình đọc là trường Đăn Trăn, được người Pháp thành lập từ năm 1862 sau khi chiếm được Sài Gòn (có tài liệu ghi là vào ngày 8/5/1861). Nhiệm vụ của trường là nhanh chóng đào tạo ra các thầy giáo trường làng dạy tiếng Pháp cho cả học sinh Nam Kỳ, nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp. Ngoài việc đào tạo tầng lớp giáo sinh (xưa gọi là giáo thọ), trường còn là nơi dành cho lớp công chức người Việt học tiếng Pháp để làm thơ ký cho các cơ sở công quyền.

Trường École Normale d’ Instituteurs khoảng cuối thập niên 1920 (Ảnh: Tài liệu)   

Vị trí trường Collège d’Adran nằm ở đầu đường Tây Ninh (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay) trên một diện tích rất lớn khoảng 15,000 mét vuông, bao bọc quanh trường toàn cây cổ thụ. Mặt tiền trường nhìn xéo sang đường là mảnh đất trống cạnh con rạch Avalanche (Thị Nghè) mà sau đó vài ba năm khu đất này trở thành Thảo Cầm Viên. Tên trường được đặt theo chức danh của Giám mục Pigneaux de Behaine (Bá Ða Lộc), và do các linh mục Hội Thừa-Sai quản lý.

Vì sao ngôi trường này được đặt tên Adran? Nó có liên quan gì đến vị trí ngôi nhà gỗ mà Nguyễn Ánh cho cất cạnh bờ kênh Thị Nghè dành cho Giám mục Bá Ða Lộc sau khi cùng Hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) từ Pháp trở về Gia Ðịnh vào năm 1789 và nơi đây cũng làm chỗ cho Bá Ða Lộc dạy chữ cho hoàng tử.

Dựa vào dữ kiện cho thấy nó có liên quan nhưng chưa có một tài liệu văn bản nào đoan chắc là đúng như vậy. Trong bài viết Ngôi nhà gỗ bên trong Toà Giám Mục, tôi có nhắc đến sự việc này. Sau khi Giám Mục Bá Ða Lộc chết, ngôi nhà trở thành kho quân nhu.  Mãi đến năm 1863, ngôi nhà được khôi phục lại làm toà Giám mục Ðàng Trong và giao cho Ðức Cha Dominique Lefèbre trông coi. Năm 1864, người Pháp xây dựng Thảo Cầm Viên, cho di dời ngôi nhà gỗ về khu vực đất của các thừa sai trên đường Alexandre de Rhodes. Như vậy, có thể hiểu được trước khi có Thảo Cầm Viên, nguyên khu vực này là khu đất trống và đã có con đường đất ngăn cách hai bên. Nhà của Giám Mục Bá Ða Lộc nằm cạnh bờ kênh Thị Nghè hay vị trí trường học Adran cất bên đây đường cũng chỉ là một khu đất. Cho nên cái tên Adran được chính quyền chọn đặt tên trường là điều thoạt tiên ai cũng phải nghĩ đến.

Khuôn viên các dãy lớp trường Normale d’Instituteurs nhìn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thập niên 1930. (Ảnh: Manhhaiflickr)

Ban đầu sau khi thành lập, trường có ít học sinh theo học dù chi phí ăn học đều do nhà trường lo, đa số là bị ép buộc vì nhiều gia đình người Việt khá giả không muốn hợp tác với người Pháp, họ lánh cư sang các vùng lân cận, đất đai nhà cửa bỏ hoang, vùng đất này còn lại những người nghèo sinh sống tạm bợ. Năm 1866, một số sư huynh dòng La San từ Toulon (Pháp) sang xứ An Nam truyền giáo và mở các lớp học chữ dạy quốc ngữ và tiếng Pháp nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo có được nền giáo dục văn minh. Các sư huynh dòng La San điều hành trường Adran, xây dựng chương trình giáo dục bậc Thành Chung (chương trình phổ thông cơ sở ngày nay), kêu gọi học sinh trong vùng đến trường; mọi chi phí học tập, ăn ở, sinh hoạt đều được Hội Thừa Sai chu cấp. Thấy việc kêu gọi học sinh đến trường thành công, chính quyền thuộc địa mới chịu trách nhiệm cung cấp kinh phí học bổng cho trường để giáo hội có điều kiện mở thêm các trường học mới.

Xem thêm:   Đông dược

Tuy vậy, đến năm 1879 thì chính quyền ngưng tài trợ cho trường Adran. Hội Thừa Sai gồng gánh tất cả mọi chi phí vượt quá mức đến nỗi buộc phải đóng cửa vào năm 1887; tính ra trường hoạt động được 20 năm. Số học sinh đang học của trường phải chuyển qua trường Lasan Taberd vừa mới thành lập.

Cơ sở trường Adran bỏ trống trong nhiều năm, cho đến năm 1910, trường này trở thành trường Des filles Françaises chuyên đào tạo thông ngôn tiếng Pháp, do nhu cầu cần kíp số lượng thông ngôn làm việc cho các cơ quan công quyền tại Sài Gòn và các tỉnh. Năm 1922 đổi thành trường Normale d’Instituteurs, chuyên đào tạo thầy cô giáo bậc sơ học và tiểu học vì chính quyền thuộc địa cần nhanh chóng khai phóng văn minh cho dân chúng xứ An Nam.

Giáo sinh trong giờ thể dục (Nguồn: Thư Viện quốc gia)

Vào thời gian này, tại Nam Kỳ như ở Mỹ Tho, Cần Thơ cũng đã có những trường trung học giảng dạy chữ quốc ngữ và chương trình Pháp để lấy bằng Thành Chung, muốn lấy Tú Tài phải lên Sài Gòn học chữ. Nhưng để có được tầng lớp học sinh được trang bị căn bản tiếng Pháp thì lại không có một trường nào ngoài trường École Normale d’Instituteurs tại Sài Gòn. Trước đây khi mở trường, số học sinh theo học ít ỏi hầu hết là con nhà nghèo, thì sau nửa thế kỷ người Pháp cai trị, sự thay đổi nếp sống văn minh đã hiện rõ trong đời sống xã hội, số theo Tây học ngày càng nhiều, đặc biệt tầng lớp con nhà giàu, điền chủ, muốn có địa vị trong xã hội bắt đầu theo học ngày một đông.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tên trường Adran vào thời gian thập niên 20 hầu như đã biến mất khỏi ký ức của người Sài Gòn. Người ta chỉ biết đến mỗi trường Normale d’Instituteurs, có cơ sở đầy đủ với ba toà nhà hai tầng nằm trên nền móng kiên cố. Các cơ sở bao gồm phòng ban giám hiệu, phòng thư viện và phòng thí nghiệm, hội trường lớn và phòng hội họa; hai phần phụ thẳng góc với tòa nhà chính là tầng trệt gồm nhiều lớp học, phòng trú ẩn và nhà bếp. Hai tầng trên nằm trong ba tòa nhà dùng làm phòng ngủ, phòng tắm, trạm xá và phòng cho các giám thị. Trường có điều kiện vật chất phát triển lâu dài với số học sinh theo học tăng lên không phải tính theo hàng năm mà tính theo từng tháng. Theo số liệu ghi chép vào tháng 5 năm 1930, trường có tổng cộng 420 thầy trò thì đến tháng 9 số thầy trò là 441.

Số học sinh theo học tăng hằng tháng không theo niên học cho thấy nhu cầu đào tạo thầy giáo sơ học và tiểu học vào khoảng thời gian này rất cấp thiết. Người có bằng Thành Chung ở tỉnh lẻ rất muốn lên Sài Gòn theo học trường Normale d’Instituteurs. Tuy vậy để vào được trường không phải dễ, thí sinh phải qua thi tuyển để chọn người có năng lực theo học tốt nhất. Tính ra mỗi năm thí sinh các tỉnh ghi danh có từ 700 đến 800 thí sinh, nhưng chỉ tiêu nhà trường chỉ nhận khoảng 100 giáo sinh.

Toàn bộ khu trường Normale d’ Instituteurs nhìn từ không ảnh thập niên 1940 (Ảnh: Tài liệu)

Cách đây 30 năm, một lần về nhà người bạn ở Sa Ðéc chơi, tôi thấy tấm ảnh các giáo sinh trường mặc sơ-mi trắng, có đeo phù hiệu tên trường chụp kỷ niệm chung với các thầy giáo. Cha người bạn với giọng nói đầy vẻ tự hào kể đó là trường Normale d’Instituteurs ở Sài Gòn. “Hồi thuở học trò tỉnh vào được trường này khó lắm. Cả làng Tân Quý này chỉ có mỗi mình bác theo học làm giáo thọ. Lên Sài Gòn học 4 năm, ra trường về quê trở thành ông giáo làng. Hồi đó, chức giáo làng cao quý lắm, ai cũng nể nang.”

Hỏi thêm về việc ăn học mới biết, quần áo đồng phục được nhà trường cấp mỗi năm 3 bộ: một bộ pyjama bằng vải calicot trắng, 2 bộ đồ tây. Còn sách vở, bút mực cũng được cho không. Mỗi tuần giáo sinh học 30 tiếng trên lớp, ngoài giờ học sinh hoạt cá nhân rất nghiêm túc. Học sinh phải dậy từ lúc 5 giờ rưỡi, ra sân tập thể dục, rồi vệ sinh cá nhân xong đến nhà bếp ăn sáng. 8 giờ có mặt tại lớp, học đến trưa thì nghỉ về phòng, ăn trưa xong thì ngủ. Cái khoản ngủ trưa này chỉ có người Tây mới cho là cái thú. Hôm nào có giờ vẽ thì ra phòng học vẽ, làm thí nghiệm môn hoá học. Có khi trường tổ chức thăm viếng đâu đó ở Sài Gòn thì đi chơi. Còn Thảo Cầm Viên, Viện Bảo tàng, thích cứ rủ rê đám bạn đi chơi vào mỗi buổi chiều. Tuần cuối trong tháng, vào ngày thứ Bảy trường tổ chức chiếu phim ngoài sân trường cho học sinh giải trí. Nhưng sau giờ ăn tối 6 giờ chiều là tuyệt không được ra ngoài trường. Về phòng học bài, đúng 9 giờ rưỡi phải đi ngủ. Giờ này học sinh nào ham chơi, giám thị bắt gặp không cần thanh minh cứ tuân theo hình phạt: dọn dẹp nhà vệ sinh suốt một tuần. Hồi đó, học sinh nào cũng ngoan lắm, bị phạt thì nhục với bạn bè. Học trò phạm kỷ luật nặng hơn thì cấm túc, không cho đi chơi. Nặng hơn nữa thì cấm luôn Tết nhứt không cho về thăm nhà (mỗi năm được hai kỳ nghỉ: nghỉ hè và nghỉ Tết).

Xem thêm:   Đông dược

Ðến cuối năm 1942 khi quân Nhật vào Sài Gòn, trường lấy lại tên Des filles Françaises, làm trung tâm dạy Nhật ngữ. Ðế năm 1945, đồng minh đánh Sài Gòn giải giáp quân Nhật. Trường ngưng hoạt động trong hai năm, đến năm 1947 thì chính quyền Pháp cho sửa sang lại thành bệnh viện Coste. Năm 1954, chính quyền VNCH chia khu đất này lập ra hai trường: Trung học Võ Trường Toản (dành cho Nam sinh) và Trung học Trưng Vương (dành cho Nữ sinh) và một phần cho Nha Khảo Thí.

TN

(Fort Worth, TX)