Kể từ sau bộ phim Kim Vân Kiều ra mắt công chúng vào năm 1924 do Công ty phim và Chiếu bóng Đông Dương thực hiện, việc mong muốn thực hiện bộ phim có tiếng nói Cánh đồng ma, là một bước tiến của ngành điện ảnh VN. Tuy nhiên kịch bản không theo bản gốc và bị dư luận chê trách.

Đoàn làm phim nói đầu tiên của VN sang Hồng Kông đóng phim (Hình tài tử nữ đeo vòng xuyến cổ là nữ tài tử Lê Ty vợ của bác sĩ Đàm Quang Thiện. (Ảnh: Internet)   

Ðó là thời điểm cuối năm 1936, tình hình kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn âm ỉ trong đời sống người dân xứ thuộc địa và tình hình chính trị Ðông Dương “dễ thở” hơn với thắng lợi của chính phủ Bình dân tại nghị trường nước Pháp đã “cởi trói” cho nhiều chính sách ở các nước thuộc địa, trong đó có văn hóa.

An Nam Nghệ Sĩ đoàn tại Hà Nội ra đời trong bối cảnh xã hội như thế với các trí thức trẻ như Nguyễn Doãn Vượng, Ðàm Quang Thiện, Nguyễn Dương, Nguyễn Phổ, Nguyễn Xuân Hiệp… Họ có khát vọng thực hiện cho bằng được “phim Việt Nam hoàn toàn do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam”. Năm 1937, sau khi hoàn thành Cánh đồng ma, được xem là kịch bản văn học hoàn hảo nhất cho đến thời điểm đó, Lạc Hồng thư xã có in thành sách.

Về cốt truyện Cánh đồng ma, Ðàm Quang Thiện tóm tắt: Nơi được gọi ‘Cánh đồng ma’ là mảnh đất hoang gần hồ Bảy Mẫu, bấy giờ là đường Kinh lược Hoàng Cao Khải. Tại đây vào những năm 1930 đã xảy ra nhiều vụ án mạng, trong đó có 5 người bị ám sát. Sở Mật thám Pháp dù đã lấy được vân tay của kẻ sát nhân, vẫn không bắt được nó. Giáo sư Hoàng Tố Nguyên bằng cách phân tích tâm lý bệnh nhân, đã tìm ra thủ phạm”. Chủ đề của phim này là nhằm “đưa ra luận thuyết về khoa học và di truyền”, thông qua nhân vật Hùng.

Tuy nhiên, chủ đề chính của bài viết này là những chuyện xảy ra trong quá trình làm phim với tài tử chánh là  bà Lê Ty vợ của ông Ðàm Quang Thiện. Ông nguyên là một bác sĩ chuyên khoa thần kinh và là người viết kịch bản phim ‘Cánh đồng ma’ với bút danh là Nguyễn Văn Nam. Bên cạnh đó, công chúng còn thấy sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Tuân trong vai cái bóng mờ khiêng cái cáng cứu thương trong thời lượng 3 giây. Chính cái khoảnh khắc nhỏ nhoi này của Nguyễn Tuân mà về sau ông tiếp tục được các đoàn phim mời vào vai diễn nhỏ của nhiều phim khác.

Quảng cáo phim Kim Vân Kiều ở rạp hát Quảng Lạc Hà Nội năm 1924 (Ảnh: Internet)

Cuối tháng 11 năm 1937, An Nam Nghệ Sĩ đoàn ký được một hợp đồng làm phim với Công ty điện ảnh Nam Trung Hoa (The South China Motion Pictures Co.) qua trung gian rạp hát Trung Quốc Hà Nội để sản xuất bộ phim truyện dài ‘Cánh đồng ma’. Ðoàn đã chọn được 22 tài tử sang Hồng Kông quay phim, mở đường khai lối cho phim nói của VN trên màn bạc.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Bước đầu người Việt Nam ra ngoại quốc đóng phim nói, nên báo chí toàn quốc khuyến khích cổ võ, hoan nghênh nhiệt liệt. Báo chí đăng tin, viết bài khắp các trang báo từ Bắc chí Nam. Công việc quảng cáo không tiền ấy làm cho người Tàu được vững dạ tin chắc sẽ có lời lớn. Họ bỏ ra 15 ngàn chi dụng vào cuốn phim này, đó là một số tiền khá lớn hồi cuối năm 1937. Họ nóng lòng quay cho xong, không cần chú trọng nhiều đến phần nghệ thuật, miễn sao tận dụng thời giờ để có cuốn phim mang về VN chiếu cho công chúng xem, lợi dụng tánh hiếu kỳ của công chúng và tình đồng bào của người Việt muốn nâng đỡ tài tử VN. Nhóm người Tàu ấy chỉ mong hốt bạc.

Nhưng tiếc thay sự việc không hoàn toàn theo mong muốn do cuộc chiến tranh Trung – Nhật xảy ra. Kịch bản phim bị đạo diễn người Trung Quốc Trần Phì chỉnh sửa mang màu sắc trinh thám đầy máu và bạo lực và tài tử buộc phải diễn xuất theo ý đồ của đạo diễn chứ không theo nội dung của kịch bản gốc. Các nghệ sĩ VN phản đối nhưng không có kết quả. Tuy vậy, cuối cùng ‘Cánh đồng ma’ cũng ra mắt công chúng nhưng bị dư luận và báo chí chê trách.

Năm 1954, gia đình ông bà Ðàm Quang Thiện và Lê Ty di cư vào Nam, sống trong một căn chung cư cao bảy tầng ở khu vực quận 2. Bấy giờ, ông Ðàm Quang Thiện không còn làm việc nữa và bà Lê Ty phải cáng đáng lo cuộc sống sinh hoạt của gia đình. Cuộc sống gia đình gần như ẩn dật. Bà tảo tần lo sinh kế gia đình, lo cho chồng và 5 đứa con. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Sài Gòn, nhất là cư dân quanh chợ Thái Bình đều nhận ra bà mỗi khi bà ra phố đi chợ. Hình bìa nữ tài tử Lê Ty được đăng ở tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, nhiều tờ báo trong Nam không tiếc lời ca ngợi bà như là một Danielle Darrieux (ca sĩ, minh tinh phim nổi tiếng trên màn ảnh và truyền hình Pháp, đóng trên 110 bộ phim) của điện ảnh Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Tuân xuất hiện đúng 3 giây trong phim Cánh đồng ma (Ảnh: Internet)

Vào năm 1960, ký giả Hoàng Thu Vân của báo Chuông Mai có cuộc trò chuyện với bà Lê Ty tại Sài Gòn về những chuyện xảy ra trong quá trình đoàn làm phim VN sang Hồng Kông thực hiện bộ phim ‘Cánh đồng ma’. Tôi xin trích lược câu chuyện nhằm độc giả có phần biết thêm vì sao ‘Cánh đồng ma’ bị dư luận chê trách.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Thật thế! Ðạo diễn người Tàu đã bắt chúng tôi làm những điệu bộ không tự nhiên, nói với giọng quát tháo như hát bội, giữa những khung cảnh giả tạo ngây ngô không hơn hàng mã, chớ không lo gì đến nghệ thuật hết! Một bên vì nghệ thuật, một bên vì tiền, hai bên xung đột nhau đến nỗi đoàn tài tử VN đã làm “reo” nhiều ngày, không làm việc và ông Ðàm Quang Thiện đã tính bỏ dở đưa anh em về nước. Do sự căng thẳng ấy mà mất thời giờ và nhóm tài tử VN không kịp về được trước Tết, mới phải ăn Tết tha hương.

Bọn “con buôn nghệ thuật” đánh một đòn kinh tế, toan dùng sự khổ sở để làm nao núng tinh thần. Họ không tiếp tế chi tiêu sinh hoạt cho anh chị em. May là ông Ðàm Quang Thiện có mang theo trong mình 1,200 đồng là tiền ông lãnh được của một ông chủ nhà in Hà Nội, thù lao sau khi ông chữa cho ông chủ nhà in hết bịnh điên. Văn sĩ Nguyễn Tuân cũng hốt được phần hụi mấy trăm đồng trước khi ra đi. Nhờ hai khoản tiền ấy anh chị em tạm sống bóp bụng với nhau để đương đầu với trận “phong toả kinh tế” của những “con buôn nghệ thuật”.

Còn khổ một điều nữa là trong số nghệ sĩ VN, có một thiểu số đã bị bọn “con buôn nghệ thuật” mua chuộc, quay đầu lại phản bạn. Họ nhận làm công cho  nhóm người Tàu quay phim Cánh đồng ma, tách ra đóng cho bọn này một cuốn phim khác là “Trận phong ba”.

Các rạp hát ở Hà Nội hầu hết là của người Tàu làm chủ hoặc thuê mướn lại của người Pháp (Ảnh: Internet)

Thế là đồng thời quay phim ‘Cánh đồng ma’, người Tàu quay cả phim Trận phong ba nữa để đem trước về Sài Gòn chiếu với những lời quảng cáo rùm beng: “Ðây là cuốn phim nói tiếng Việt đầu tiên!”. Công chúng sẽ hiểu lầm là phim Cánh đồng ma đã đổi tên khác. Sự gian trá của nhóm người Tàu ấy là muốn cướp đoạt những lời quảng cáo khuyến khích của làng báo Việt đã dành cho nhóm nghệ sĩ trước khi lên đường với cuốn phim Cánh đồng ma.

Trong bầu không khí chia rẽ ấy, nhóm tài tử trọng nghệ thuật đã phải ăn một cái Tết buồn tẻ trên đất khách quê người. Hơn nữa, nhiều anh em khuyên chớ bỏ dở công việc, sẽ phụ lòng mong mỏi của đồng bào nước nhà nên ông Ðàm Quang Thiện phải cắn răng nhận lời với hãng phim “Nam Việt Ðiện Ảnh” để quay cho hoàn tất cuốn phim Cánh đồng ma.

Sau Cánh đồng ma, các nghệ sĩ trong An Nam Nghệ Sĩ đoàn còn tham gia hai phim truyện nói tiếng Pháp do Hãng Franco Film thực hiện tại Việt Nam rồi không tiếp tục hoạt động nữa vì không có ai dám bỏ vốn ra làm phim tiếp. An Nam Nghệ Sĩ đoàn chỉ tồn tại trong 2 năm, họ được ghi nhận như những người Việt đầu tiên hợp tác làm phim với nước ngoài, đặc biệt là thời kỳ đầu làm phim có tiếng của ngành điện ảnh Việt Nam.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

TN