Thời Pháp thuộc rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tên là Avalanche. Avalanche nguyên là tên của một con tàu chiến đi thám sát từ sông Sài Gòn vào sông Bình Trị (dân gian gọi là Thị Nghè) để đánh thành Gia Định. Sau khi phá tan thành Gia Định, con tàu tiếp tục len lỏi theo rạch Thị Nghè do thám chuẩn bị đánh đồn Kỳ Hoà ở làng Chí Hoà thuộc phủ Tân Bình (quận Tân Bình ngày nay).

Kênh Nhiêu Lộc đoạn Trương Minh Giảng (Nguồn: Manhhaiflickr)   

Trong Gia Ðịnh thành thông chí có đoạn chép về rạch Thị Nghè: “Sông Bình Trị có tục xưng là Bà Nghè ở đất tổng Bình Trị, ở phía bắc trấn lỵ từ sông Tân Bình qua cầu ngang, ngược dòng mà về phía tây, 4 dặm rưỡi thì đến Cao Mên (cầu Bông), chạy về phía tây bắc cầu Phú Nhuận; 6 dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ, tột nguồn, đất hoang đầy đầm lầy…”.

Như vậy, từ thuở xa xưa, rạch Nhiêu Lộc đã có tên là sông Tân Bình. Con sông này có thượng nguồn từ khu vực Bàu Cát ngày nay đến cầu Kiệu (cầu Phú Nhuận). Ðoạn sông Tân Bình dài chừng tám cây số, chảy ngoằn ngoèo và có nhiều nhánh nhỏ mà nay đã bị lấp mất như suối Trường Bình, rạch cầu Huệ, rạch Bà Tiệm (nay thuộc khu vực, Tân Bình, quận 10, 3, Phú Nhuận). Ðoạn từ cầu Kiệu, qua cầu Bông, qua Sở Thú đổ ra sông Sài Gòn gọi là rạch Thị Nghè (nay thuộc Phú Nhuận, Ða Kao, Bình Thạnh).

Viết đến đây, tự dưng tôi bỗng ngập ngừng giữa cách gọi tên của con đường nước. Lúc thì gọi là sông, lúc thì gọi là rạch, thậm chí có người gọi là kênh. Tôi cho rằng, kênh thì không đúng trong trường hợp của rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Kênh là đường nước nhân tạo do con người đào để dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng hoặc để di chuyển ghe xuồng. Hồi xưa, người Pháp cho đào những con kênh lớn ở miền Tây để dễ dàng vận chuyển giao thông đường thuỷ. Nhưng có mấy ai gọi đó là kênh, người ta vẫn gọi là sông. Có lẽ vì độ rộng và độ sâu của những con kênh đào mênh mông có khác gì sông lớn. Cũng như hồi xưa, người ta gọi rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè là sông Tân Bình, sông Bình Trị, là do khi ấy lòng sông còn rộng (Thị Nghè rộng 90 mét, Tân Bình rộng 27 mét).

Xem thêm:   Đông dược

Trong bài viết Chợ Thị Nghè, tôi có nhắc đến cha người bạn của tôi sống ở Thị Nghè. Ông thỉnh thoảng viết bài biên khảo cho tạp chí Quê Hương của trường Ðại học Luật khoa chủ trương xuất bản. Qua câu chuyện kể, tôi mường tượng ra con rạch Thị Nghè ngày xưa nước trong xanh chứ đâu phải giống như khoảng thời gian của thế hệ chúng tôi dòng nước chuyển màu đen xỉn, sình bùn thấy sợ. “Hồi đó, nước ròng còn thấy sạch huống chi nước lớn. Nước lớn lòng rạch nở rộng xanh trong”. Trong bài phú Gia Ðịnh phong cảnh vịnh miêu tả thế này: “Coi ngoài rạch Bà Nghè / Dòng trắng hây hây tờ quyến trải / Ngó lên Giồng Ông Tố / Cây xanh mù mịt lá chàm rai”.

Nhà sàn lấn chiếm lòng kênh Nhiêu Lộc (Ảnh: Internet)

Từ thuở thập niên 1940, ngược thời gian về trước, rạch Thị Nghè còn trong xanh biết mấy. Trong cuốn Sài Gòn vang bóng của Lý Nhân Phan Thứ Lang ghi: “Thời Pháp thuộc, con kênh này nước còn trong xanh cá lội tung tăng “lúc sông chảy qua khu cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè… còn sạch, nước trong vắt, cứ đến chiều tối ban đêm đều có những chiếc thuyền tam bản nhỏ đi lại trên sông bán đồ nhậu…”.

Rạch Thị Nghè có tên từ lâu nhưng rạch Nhiêu Lộc thì theo các nhà nghiên cứu văn hoá lịch sử Sài Gòn ghi nhận mới được gọi tên vào khoảng thời gian chính quyền Ðệ Nhất Cộng Hoà. Nhiêu là tước vị một quan chức thời triều Nguyễn, Lộc là tên của một người (Ðặng Lộc). Cũng trong thời kỳ chính quyền Sài Gòn, kênh này có tên khác nữa là kênh Trương Minh Giảng, “vì nó băng qua cây cầu cùng tên, nước kênh trong xanh, có thể thấy nhiều loại cá như: cá lóc, cá rô, tôm đất bơi thành bầy, người dân hai bên bờ thường xuống kênh hái rau muống và câu cá. Ghe thuyền qua lại để đánh bắt tôm cá, cảnh sinh hoạt hiền hòa, êm đềm như một vùng thôn quê”.

Thật ra, việc lý giải cái tên Nhiêu Lộc đến nay cũng chưa có một tài liệu nào chứng thực. Theo tôi kênh Nhiêu Lộc hay kênh Trương Minh Giảng chẳng qua là cách gọi của người dân sống trên dòng kênh đó. Nhưng nếu cho rằng đoạn kênh chảy qua cầu Trương Minh Giảng như đoạn văn trên miêu tả thì cần phải xem lại tình hình phát triển đô thị sau năm 1954, tức giai đoạn thuộc về chính quyền VNCH, cụ thể vào thời TT. Ngô Ðình Diệm. Khi đó tên đường phố đều được đặt lại tên tiếng Việt. Và khu vực Trương Minh Giảng, cũng như ngược về phía thượng lưu khu vực phía bên bờ kênh của đường Kỳ Ðồng, Cống Bà Sếp, lên đến cầu Thoại Ngọc Hầu (gần nhà thuốc Ông Tạ), cho đến phía sau trường Tân Bình (nay là trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền), tình hình quy hoạch khu dân cư thành phố dọc theo rạch Nhiêu Lộc đã mất kiểm soát.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Trong bài ‘Sài Gòn ven đô’ tôi viết trước đây, có nhắc đến việc dân lánh cư các nơi về Sài Gòn sinh sống. Trước đó nữa, từ đầu thập niên 1950, Sài Gòn đã bắt đầu chấp nhận làn sóng di cư từ khắp nơi đổ về “Hòn ngọc Viễn Ðông”. Những khu nhà ở tạm bợ ven đô mọc lên. Các bờ kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ, kênh Ðôi, bờ sông lớn nhỏ bị lấn chiếm. Các thương hồ cất lên những mái lều hay sống trên ghe xuồng mà ông Sơn Nam gọi là “nhà bồng bềnh”.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thập niên 1960 đoạn Hai Bà Trưng (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðó là các dòng kênh bên phía Nam Sài Gòn giáp với Chợ Lớn. Trong khi đó rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè phía Tây Bắc từ 1945 đã trở thành ranh giới của Sài Gòn và tỉnh Gia Ðịnh, đến 1950 ranh giới này mở rộng đến đường Bắc Hải ngày nay. Lúc này khu vực này thuộc quận 3. Từ đầu thập niên 1950 dân di cư từ thôn quê liên tiếp kéo về Sài Gòn mua đất cất nhà sống dọc theo kênh rạch và tiếp tục lấn chiếm ra dòng kênh bằng những căn nhà sàn tạm bợ. Rác rến, chất thải sinh hoạt đổ xuống dòng kênh. Từ thập niên 1960 toàn bộ tuyến rạch Nhiêu Lộc bị ô nhiễm trầm trọng, nước ròng, nước lớn đất sình lộ ra đen ngòm, hôi thối.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Mức độ ô nhiễm ở rạch Nhiêu Lộc trầm trọng hơn ở đoạn rạch Thị Nghè từ cầu Kiệu trở về hạ nguồn đổ ra sông Sài Gòn. Bao nhiêu chất thải từ con người, từ các cơ xưởng tiểu thủ công nghiệp đã biến dòng sông Tân Bình trong sạch ngày xưa trở thành dòng nước đen, không còn sự sống của các loài thuỷ sinh nữa. Những ao bàu, đầm hoang từ thượng nguồn (thuộc Tân Bình ngày nay) bị lấp đi, làm đất thổ cư, dân chúng dựng nhà sàn san sát.

Nhớ hồi còn đi học ghé nhà thằng bạn chơi ở kênh Nhiêu Lộc nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Kỳ Ðồng. Ði tìm nhà mà không kiếm ra chỉ vì nhà không có số. Thằng bạn bảo “cứ đến đầu hẻm có xe nước mía hỏi nhà ông Năm Kèn, người ta chỉ cho”. Ðến nơi, chị bán nước mía hỏi lại: “Kèn nào? Ở đây có đến ba Năm Kèn. Kèn đám ma, Kèn đồng nhà thờ Cứu Thế, Kèn thợ mộc?”. Tôi chợt nhớ, có lần thằng bạn nói ba nó làm nghề thợ mộc. Thế là đúng rồi, ông Năm Kèn thợ mộc nhà tận ngoài bờ kênh. Ði vào con hẻm teo dần, qua mấy căn nhà sàn nhỏ bé chen chúc, cửa sổ nhà này mở ra chạm cánh cửa sổ nhà kia, bên dưới là mặt nước đen ngòm hôi hám, nhà thằng bạn ló mặt ra gần giữa dòng kênh.

Nhà bạn tôi chỉ là một trong số hàng ngàn căn nhà lấn chiếm lòng kênh đen thối. Dân chúng sống chen chúc, sinh hoạt như thế kéo dài cho đến khi chương trình giải toả nhà ổ chuột trên kênh Nhiêu Lộc được tiến hành. Những nhà lấn chiếm như nhà bạn tôi giải toả trước, kế đến là nhà dọc theo bờ kênh. Cuộc giải toả trả lại sự thông thoáng cho dòng kênh đến nay vẫn còn tiến hành. Bà con được tái định cư ở nơi khác, những căn nhà ngày trước bị bao quanh bằng những căn nhà sàn lụp xụp thì nay trở thành nhà mặt tiền. Công cuộc giải toả chỉnh trang thành phố làm thay đổi đời sống của nhiều cư dân được khá hơn.

Nhiêu Lộc – Thị Nghè nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với những hàng cây xanh uốn lượn theo dòng kênh. Tuy vậy, dòng nước vẫn chưa cải thiện tốt nguyên nhân là do các chất gây ô nhiễm đã thấm sâu vào lòng đất cần phải mất một thời gian nạo vét.

Kênh Nhiêu Lộc và khu dân cư được chỉnh trang vào thập niên 1990 (Ảnh: Internet)

TN