Nhà thờ Tân Định có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, xây dựng vào năm 1870 trên vùng đất xưa thuộc thôn Phú Hoà của đất Gia Định. Vùng đất này trước đó được xem là vùng đất ngoại ô khi người Pháp chiếm thành Gia Định. Sau chiến tranh, một số dân ngụ cư tại đây di cư về vùng đất mới bao gồm hai thôn Phú Hoà và Xuân Hoà. Từ đó vùng đất này được mang tên mới, Tân Định.

Nhà thờ Tân Định và trường Thiên Phước, thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)   

Ngày nay, dấu tích còn lại là hai ngôi đình cổ Phú Hoà (toạ lạc trên đường Trần Quang Khải Quận 1) và Xuân Hoà (đường Lý Chính Thắng, Quận 3). Từ năm 1861, nơi đây đã hình thành giáo xứ Tân Ðịnh trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ. Giáo dân ít ỏi nhưng họ đạo muốn có một ngôi nhà thờ khang trang hơn để dẫn dắt con chiên, làm nơi sinh hoạt đạo giáo, cộng đoàn giáo xứ quyết tâm xây dựng một giáo đường mới. Do điều kiện tài chánh khó khăn, nhà thờ được khởi công vào năm 1870 nhưng mãi đến cuối năm 1876 mới xây dựng xong. Ngôi giáo đường xinh xắn xây bằng gạch, có tháp chuông trên mái, phía sau nhà thờ nổi bật trên đường Nationale khi đó còn là một con đường đất nhỏ hẹp (sau đổi thành Paul Blanchy, thời VNCH là Hai Bà Trưng), chung quanh toàn cây cổ thụ tàn cây toả bóng mát ven đường.

Xin nói thêm một chút về con đường Nationale vào khoảng 1870 mới được đổi tên từ con đường Imperial sau khi Pháp chiếm Gia Ðịnh và tiến hành quy hoạch thành phố Sài Gòn. Vào thời gian này, đường Nationale chỉ có một đoạn từ Nhà thờ Ðức Bà ra đến Bến Bạch Ðằng là có những dinh thự và nhà ở dành cho công chức người Pháp hoặc một vài thương gia Hoa kiều sinh sống.

Sài Gòn vào năm 1870 chỉ mới phát triển đến khu vực Nhà thờ Ðức Bà. Ðường Nationale kéo dài xuống hướng cầu Kiệu chỉ là con đường đất nhỏ hẹp, khoảng giữa đoạn đường có một nghĩa trang do người Pháp cho xây dựng sau khi chiếm được thành Gia Ðịnh để chôn cất các sĩ quan và công chức dân sự người Pháp mà sau này gọi là Nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi. Hai bên nhà cửa thưa thớt, sau khi Nhà thờ Tân Ðịnh được xây cất xong, dân chúng mới bắt đầu về khu vực này định cư. Vào thuở ấy, khu vực này còn là ngoại ô của Sài Gòn.

Đường Nationale (Hai Bà Trưng) vào thập niên 1870 là một con đường đất cây cao bóng mát. (Nguồn: Tài liệu)

Nhà thờ Tân Ðịnh có được là nhờ công lớn của Cha Donatien Éveillard trông coi họ đạo Thánh Tâm đến vùng đất Tân Ðịnh sau khi thành Gia Ðịnh thất thủ. Cha Donatien Éveillard cũng là người giám sát thi công xây dựng nhà thờ với chi phí 38,000 quan Pháp tương đương 15,000 đồng Ðông Dương thời đó. Bên cạnh chăm lo phần hồn cho giáo dân, Cha Éveillard còn mời các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres lập một trại chăm sóc và nuôi trẻ em mồ côi, gọi là Nhà Dục Anh ngay bên trong khuôn viên nhà thờ. Ðồng thời, Cha cho xây thêm một trường nội trú, nằm phía bên hông nhà thờ, gọi là trường Sainte Enfance Tân Ðịnh vào năm 1877, (đến thời ông Diệm đổi tên thành Thiên Phước, sau năm 1975 là trường phổ thông cơ sở Hai Bà Trưng). Ðến đầu năm 1880, học sinh theo học bậc tiểu học Pháp có khoảng 300 em.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Năm 1883, Cha Éveillard qua đời. Linh cữu của Ngài được chôn trong nhà thờ, ngày nay vẫn còn tồn tại tấm mộ bia. Ðến năm 1890, số giáo dân và dân chúng bắt đầu kéo đến định cư ở khu vực Tân Ðịnh ngày càng đông hơn, học sinh theo học tại trường cũng tăng do vậy Cha kế nhiệm Louis Eugène Louvet quyết định tổ chức một cuộc xổ số gây quỹ để xây dựng thêm cơ sở vật chất. Các hạng mục trường học và nhà thờ đã có trước đây được tu sửa, không thay đổi kết cấu và xây dựng thêm các hạng mục mới kết nối với các công trình có sẵn. Cuộc xổ số thu được 8,600 đồng Ðông Dương, giáo xứ dành toàn bộ số tiền dùng cho xây dựng nhà thờ. Trong thời gian này, bên trong khuôn viên nhà thờ Tân Ðịnh, Cha Louis Eugène Louvet cho xây thêm một dãy lớp học dành cho học sinh câm và điếc. Ðến năm 1908, nhà trường tăng cường thêm các nữ tu người Pháp và người Việt để chăm sóc giáo dục các em học sinh của trường Sainte Enfances.

Một điều cần ghi nhận là trường Sainte Enfance Tân Ðịnh và các lớp học dành cho học sinh câm điếc chỉ nhận học sinh nữ. Trong khi đó thì trường thánh Saint Michel Tân Ðịnh (sau là La san Ðức Minh) nằm trong con hẻm trên đường Mayer (Hiền Vương), mặt hông sau giáp với trường Sainte Enfance Tân Ðịnh nhận học sinh nam. Cả hai trường đều cam kết với Hội Thừa Sai nuôi nấng chăm sóc trẻ em, cô nhi câm điếc đến năm các em được 20 tuổi và tìm kiếm việc làm cho các em để tự mưu sinh sau khi trưởng thành.

Một đám cưới bước vào giáo đường Tân Định vào cuối thập niên 1920 (Nguồn: delcampe.net)

Lại nói thêm một chút để chúng ta hình dung ra quang cảnh khu Tân Ðịnh ngày trước. Sau khi chợ Bến Thành mới xây xong, tốc độ phát triển đô thị tăng rất nhanh về hướng Tây Bắc, ranh giới Sài Gòn đã đến cầu Kiệu và hình thành thêm quận 3 (trước chỉ có hai quận 1 và 2; Chợ Lớn có quận 5 và 6) và hướng Ðông đã định hình quận 4 bên kia rạch Bến Nghé. Khu Tân Ðịnh và Ða Kao phát triển sầm uất. Giáo dân tập trung đông đảo về đây cư ngụ, nhà thờ cần được mở rộng thêm.

Xem thêm:   Đông dược

Ðến năm 1926, Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng cho khởi công mở rộng thánh đường và xây thêm tháp chuông cao 52.62m, hai bên có hai tháp đèn ngay phía trước mặt chính của nhà thờ. Ba năm sau tháp chuông hoàn thành. Công trình tháp chuông là một công trình đặc biệt xây ghép vào mặt tiền chính giáo đường đến nay vẫn không có hiện tượng sụp lún hay lệch nghiêng. Theo tài liệu của giáo xứ Tân Ðịnh ghi: “Trong tháp có treo 6 cỗ chuông do Cha Nguyễn Bá Tòng tặng 2 chuông, các chuông còn lại của ông Phaolô Luận và bà Hường, ông Tài và ông Long, bà Tư Hiệp, và ông Chức và bà Ý tặng”. Trong khi tiến hành tu sửa giáo đường chính, một giáo dân giàu có người Pháp tên là François Haasz và vợ người Việt Nam Anne Tống Thị Mực chi trả cho việc trang trí bàn thờ bằng đá cẩm thạch Ý trị giá 50,000 quan Pháp.

Nhà thờ Tân Ðịnh từ thời gian này trở về sau không có những công trình phụ xây mới, chỉ tiến hành những đợt tu bổ vào năm 1949. Các trụ cột trong giáo đường được gia cố và Cung Thánh đường được gia cố.

Nhà thờ Tân Định đầu thập niên 1940 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nhà thờ Tân Ðịnh ngày nay được người Sài Gòn ghi nhớ bằng một màu sắc ấn tượng – màu hồng. Thật ra màu hồng phấn của lớp vôi bên ngoài toàn bộ giáo đường đã có từ năm 1957 trong đợt trùng tu tân trang phía bên ngoài. Màu hồng sơn phết của một ngôi nhà thờ không phải là chuyện lạ trong các công trình tôn giáo. Ðó là một màu trung tính, mang vẻ tinh khiết, niềm an lành và lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu. Có lẽ vì thế, các học sinh nữ trường Sainte Enfance Tân Ðịnh vào năm 1958 được đổi tên thành Trường Thiên Phước mặc đồng phục là chiếc áo đầm màu hồng. Những học sinh cô nhi và khuyết tật trong trường được chuyển về chăm sóc và giáo dục tại Viện Dục Anh Sài Gòn, văn phòng đặt tại cuối đường Phạm Ngũ Lão. Cùng lúc học sinh cô nhi và khuyết tật nam tại trường La san Ðức Minh cũng được chuyển về địa chỉ trên. Trường Thiên Phước trở thành trường trung học đệ nhất cấp, dạy theo hai chương trình Pháp và Việt.

Xem thêm:   Đông dược

Sau năm 1975, trường Thiên Phước tách rời sự quản lý của nhà thờ Tân Ðịnh, trực thuộc quản lý của Phòng Giáo dục Quận 1. Năm 1976 nhân dịp kỷ niệm 100 năm nhà thờ Tân Ðịnh được sơn lại, tiếp tục giữ màu hồng đặc trưng trang trí bên ngoài và bên trong cho đến ngày nay tôn thêm dáng vẻ cho một công trình tôn giáo có lối kiến trúc Gothic pha lẫn phong cách Roman cùng Baroque đặc sắc giữa Sài Gòn hiện đại.

TN

(Fort Worth)