Đã có Chợ Lớn cũ, Chợ Lớn mới, tiến tới cũng có Sài Gòn cũ và Sài Gòn mới. Sài Gòn mới sẽ có bến ghe, tàu thương mại từ các tỉnh tải hàng về đô thành. Đó là một vài suy nghĩ cho dự án táo bạo của tỷ phú Ngyễn Tấn Đời vào đầu thập niên 1960 và đến cuối đời, ông còn hối tiếc vì chưa thực hiện được.

Thời Đệ Nhất VNCH đã thiết lập dự án quy hoạch Thủ Thiêm (Ảnh: Manhhaiflickr)  

Khi còn là nhân viên của Viện Quy hoạch, tôi vẫn thường nghe nhắc tới quy hoạch Sài Gòn II chứ ít nghe nói là Sài Gòn mới. Mới hay cũ mà ông Nguyễn Tấn Ðời nhắc lại trong suy nghĩ của mình khi lên kế hoạch cho một dự án tầm cỡ gọi là “Dự án mỗi người dân một mái nhà” với tổng diện tích sử dụng trong bán đảo Thủ Thiêm lên đến 500 hécta. Thuở ông lập dự án trình chính phủ Ngô Ðình Diệm, 500 hécta là một diện tích rất lớn, so với ngày nay, quy mô quy hoạch Thủ Thiêm thành một đô thị rộng đến 650 hécta bao gồm các phường Thủ Thiêm, An Khánh, An Lợi Ðông, và Bình Khánh.

Thủ Thiêm ngày đó còn hoang sơ lắm, chưa có con đường tráng nhựa nào chỉ có con đường đất đỏ (Trần Não hiện nay), giao thông qua lại Sài Gòn bằng phà, ghe. Dân số thưa thớt, sống dọc theo bờ sông kéo dài đến tận kho 5, kho 10 nhìn sang phía Tân Thuận Ðông. Giai đoạn 1957 – 1961 khi Mỹ đầu tư dự án xa lộ Biên Hoà và cầu Sài Gòn để kết nối giao thông tiện lợi đến Khu Công nghiệp Biên Hoà thì các dự án quy hoạch Thủ Thiêm mới thật sự bắt đầu hình thành.

Với tầm nhìn xa trông rộng của một thương nhân, ông Nguyễn Tấn Ðời bắt nhịp nhanh với sự phát triển đô thị Thủ Thiêm trong tương lai. Trong hồi ký của mình, ông thuật lại nguyên nhân khiến ông vạch ra những dự án lớn mang tính tầm cỡ. Dự án 1: Mỗi người dân một mái nhà; dự án 2: Giữ gìn an ninh biên giới Việt Miên. Nội dung các dự án đều gắn liền với mục đích dân sinh, phát triển gia cư kết hợp với chính sách dồn dân lập ấp của chính phủ Ngô Ðình Diệm thời bấy giờ. Nguyễn Tấn Ðời được xem là người tiên phong  lập dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Xem thêm:   Đông dược

Ông viết: “Những năm 1960, những người đứng đầu chính phủ thường xuyên đến các vùng nông thôn. Những năm đó tôi có dịp đi theo, vì nghĩ rằng việc nước là việc chung, dù kẻ thất phu cũng có trách nhiệm, không thể khoán trắng, trông cậy vào một ai, mà mình đứng ra ngoài, ngồi không, để chỉ trích khen chê… Dẫu chẳng tài ba, tôi cũng cố gắng lập ra một vài dự án, trong sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình, gọi là góp phần của một người công dân biết lo âu cho đất nước…”.

Ông bộc bạch trong hồi ký: “Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của President Hotel số 727 đường Trần Hưng Ðạo Sài Gòn. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở thủ đô Sài Gòn, được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Ðông” hay “Sài Gòn hoa lệ…

Ông Nguyễn Tấn Đời người tiên phong lập dự án “Mỗi người dân một mái nhà”, sau làm chủ Ngân hàng Tín Nghĩa (Ảnh: Internet)

Người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu, kém xa cuộc sống ở đồng quê, nhà tranh, vách đất mà thoáng khí… Không kể có lũy tre xanh, hàng dừa cao, vườn rau, cây ăn trái, có sông sâu, đồng lúa vàng thơm ngát… Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia. Họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà giản dị… Cũng tự nghĩ, dù tôi có giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng ngày ba bữa ăn thôi, rồi khi chết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh…”

Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, chỉ vì chiến trận mà họ bỏ cả nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa; cũng vì chiến trận, họ tìm nơi lánh nạn,  chịu ở chui rúc như ổ chuột… Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi…”

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Nhân dịp viếng thăm một vùng nông thôn, đến cư xá Tân Thuận Ðông do chính phủ thành lập với mục đích di dân lập ấp, tôi nhận thấy đây là một sáng kiến hay. Nhưng người thừa hành, lúc thi hành chương trình lại quá cấp bách, cốt ý làm vừa lòng cấp trên, nên không làm sao tránh được những sơ sót, không thỏa mãn được người dân. Người dân quê, trước kia dẫu làm ruộng rẫy, chân lấm tay bùn, tắm nước ao hồ, đốt đèn dầu cá, nhưng nay đời sống phải hưởng những tiện nghi tối thiểu, mang giày dép, thắp đèn điện, phải có nước sạch mặc dầu phải ra ngoài vòi nước công cộng lấy vào nhà xài…

Vậy mà nay nhiều nhà vẫn chỉ có túp lều lợp lá, mái tôn, cất trên sình lầy hôi hám, muỗi mòng. Người Việt Nam có câu “Ăn thì nhiều, ở chẳng bao nhiêu”. Họ ra ngoài đường kiếm ăn suốt ngày, lao động mệt nhọc, đâu còn tâm trí thời giờ để thưởng thức được sự ấm cúng dưới mái nhà. Họ chỉ cần có chỗ để nghỉ, đụt mưa che nắng lúc về đêm, họ nằm xuống là ngủ thẳng chân thẳng tay. Ðến hôm sau mờ sáng lại đi làm lụng kiếm ăn… Họ chỉ mơ được an thân, vừa đủ ăn, đủ ấm, họ chưa hề được quyền mơ một mái nhà khang trang, quần áo đẹp đẽ…  Vậy tôi cố làm sao giúp tạo được giấc mơ khiêm nhường mà họ chưa hề mong ước…

Thủ Thiêm hoang sơ nhìn sang Sài Gòn hoa lệ thuở 1960 (Ảnh: Internet)

Dự án trên giấy cuối cùng được hoàn thành. Ông trình bày cho Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, sau khi trao đổi, tu chỉnh một vài điều, trình lên chính phủ. Khi dự án được chấp thuận, bổ túc những điều cần thiết, pháp lý thi hành, dự án được giao cho Bộ trưởng Bộ Công chính Trần Ngọc Oanh, xuất quỹ xổ số kiến thiết quốc gia 500 triệu mượn không lấy lời trong vòng 10 năm cho chương trình “Một người dân, một mái nhà”. Ông Ðời được toàn quyền điều hành dự án với điều kiện đem tất cả tài sản ra bảo đảm, điều hành dự án bất vụ lợi, không hưởng thù lao. Bộ Tài chánh quản lý tiền bạc đầu tư dự án.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Các điều khoản thi hành dự án được vạch ra rất chi tiết, từ việc thu hồi đất, đền bù, cho đến giải quyết nền đất, xây dựng công trình hạ tầng đường sá, điện nước, công viên giải trí, phương tiện giao thông… trước khi thực hiện công trình xây dựng nhà cửa. Tiếc rằng, dự án gốc ông không mang theo được khi sang Canada định cư, trên đây là những gì ông nhớ và thuật lại trong hồi ký của mình.

Tấm lòng nhân  ái của ông Ðời thể hiện rõ mong muốn lo cho người dân có một mái nhà nhưng để thực hiện dự án táo bạo cho một đô thị lớn ở Thủ Thiêm bao gồm các công trình lớn nhỏ đòi hỏi thời gian dài và chi phí đầu tư rất lớn. Khi Ðệ Nhị VNCH lên cầm quyền cũng đã theo đuổi các dự án quy hoạch khu Thủ Thiêm, xem nó là Sài Gòn II hiện đại bên cạnh Sài Gòn I đã định hình với các công trình kiến trúc hoa mỹ thời thuộc địa.

Ðầu tiên là quy hoạch chung thành phố Sài Gòn do công ty Doxiadis Associates Consultants on Development and Ekistics của Hy Lạp lập nên năm 1965. Khi Thủ Thiêm (quận 9) được thành lập năm 1966 thì công ty Mỹ Wurster, Bernardi and Emmons lập dự án quy hoạch phát triển Thủ Thiêm vào năm 1972. Các bản đồ quy hoạch, mô  hình, nghiên cứu địa chất, khảo sát hiện trạng sử dụng đất, lập bản đồ hiện trạng được thực hiện theo tài liệu có sẵn từ cuối năm 1970. Tôi còn tìm thấy trong kho bản đồ của Viện Quy hoạch sau khi được chuyển về từ Tổng Nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị. Trong số tài liệu có quyển thổ nhưỡng và địa chất các khu vực thành phố, trong đó có khu vực Thủ Thiêm là nền đất yếu, trũng mà việc san nền, thiết kế nền móng sẽ gây tốn kém rất nhiều. Các vị kiến trúc sư và nhà quy hoạch đều không cho rằng đó là nguyên nhân chính mà chiến tranh lan rộng mới là nguyên nhân chính gây cản trở việc thực hiện xây mới đô thị Sài Gòn II.

Sau năm 1975, việc khảo sát và quy hoạch Thủ Thiêm tiếp tục được thực hiện. Thủ Thiêm hoang sơ ngày nào vẫn hy vọng có ngày thay đổi diện mạo bên cạnh con sông Sài Gòn thơ mộng. Ðiều này chắc chắn sẽ xảy ra để phần nào an ủi hương hồn của ông Nguyễn Tấn Ðời, người tiên phong lập nên ước vọng dự án “mỗi người dân một mái nhà” cách nay 60 năm trước.

TN