Sau 1954 khi miền Nam Việt Nam được độc lập, người dân mới có quyền tự do chọn lựa nghề nghiệp ở tất cả mọi ngành nghề. Từ đó những người có học vấn dần dần thay thế ngoại kiều (Hoa, Pháp) tạo dựng lại nền thương mại, kỹ nghệ trong nước mình. Đặc biệt nghề ngân hàng trước kia được xem là một nghề trí thức, sang trọng mà trước đó hầu hết dân chúng xem là một nghề xa lạ, đến ngân hàng như đến cửa quan.

Bên trong Ngân hàng Quốc gia VN còn sử dụng tiếng Pháp ở các nơi làm việc (Nguồn: hinhanhvietnam.com)  

Vâng, nghề ngân hàng thuở đó còn rất mới mẻ kể cả đối với những người Việt nhận nhiệm vụ điều hành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam sau khi mua lại Ngân hàng Ðông Dương của Pháp. Và sau đó thành lập thêm một ngân hàng thương mãi lấy tên là Việt Nam Thương Tín. Các chuyên viên cũ vẫn tiếp tục làm việc bên cạnh các trưởng phòng ban và cố vấn người Pháp để giúp chuyên viên và nhân viên mới người Việt điều hành hoạt động chính sách tiền tệ và thể thức duy trì cân đối của nền kinh tế nội địa.

Bên cạnh hệ thống ngân hàng nhà nước và ngân hàng ngoại quốc, ngân hàng tư nhân do người Việt làm chủ ra đời, nổi bật nhất là Tín Nghĩa Ngân hàng (TNNH), từ một ngân hàng dưới sự điều hành yếu kém của ban quản trị, ông Nguyễn Tấn Ðời một trong những cổ đông đứng ra mua lại cổ phần và nhờ sự trợ giúp mượn vốn của Ngân hàng Quốc Gia đã cứu lấy một ngân hàng hàng tư nhân trên đà phá sản. Sự thành công này đem lại danh tiếng cho TNNH càng ngày càng phát triển.

Bí quyết thành công này là nhờ một lòng quyết tâm. Ông Nguyễn Tấn Ðời ghi lại trong hồi ký: “Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động và bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn chỉ là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn hứng được nhiều nước trời cho. Ðồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh hoạt, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công”.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Tuy vậy, sự linh hoạt, sáng kiến thu hút quần chúng trong các công tác quảng bá TNNH đã gặp không ít chỉ trích từ Ngân hàng Quốc Gia và Hiệp hội Ngân hàng. Trong cuộc họp thường niên 1970 của Ngân hàng Quốc Gia, tất cả các ngân hàng đều được mời để nghe báo cáo tình hình của ngành ngân hàng và đặt mục tiêu cho năm tới. Nghe các báo cáo bằng Pháp ngữ với lý do đa số ngân hàng ở miền Nam là ngân hàng ngoại quốc. Chuyện này khiến ông Ðời phản ứng. “Quốc gia VN đã được độc lập, và tất cả các công văn của chính phủ đều dùng Việt ngữ từ lâu, ngoại trừ ngành ngân hàng chưa được “Việt ngữ hoá, tôi yêu cầu đầu năm nay tiếng Việt phải được dùng trong hội họp và dùng Việt ngữ trong ngân hàng, tôi nhấn mạnh, lời yêu cầu này có tánh cách lịch sử quan trọng của Việt Nam… Ða số ngân hàng ngoại quốc ở đây đều thạo Anh ngữ, chỉ có Pháp Á Ngân hàng và một số rất ít thạo Pháp ngữ, và nếu vì quyền lợi quốc gia VN, hãy dùng tiếng Việt trong các công văn để họ biết trọng chủ quyền của dân tộc ta, được như vậy mới công bằng, với tất cả ngân hàng ngoại quốc đang sanh hoạt ở Việt Nam”.

Một quảng cáo của Tín Nghĩa Ngân Hàng được xem là “sơn đông mãi võ” (Ảnh: Internet)

Vấn đề dùng Pháp ngữ trong ngành ngân hàng bấy lâu nay, bởi lẽ các quan chức cao cấp ngành ngân hàng đều xem nghề ngân hàng là một nghề của giới thượng lưu trí thức được đào tạo từ Pháp, cứ mãi xem nước Pháp là cái rốn của vũ trụ, mặc dù hiện lúc đó, ngành ngân hàng chỉ còn mỗi một Pháp Á Ngân hàng. Ngay cả chuyện ông Ðời tung ra chiến dịch quảng cáo TNNH cũng bị phê phán, được xem là hạ thấp hình tượng của ngân hàng bằng những cách quảng cáo “sơn đông mãi võ” rẻ tiền.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Bằng cách quảng cáo “sơn đông mãi võ”, TNNH từ năm 1970 đến 1972 mở rộng các chi nhánh khắp Sài Gòn và các tỉnh và số nhân viên ngân hàng các cấp lên đến trên 1000 nhân sự và cuối cùng chuyện gì xảy ra và tôi đã viết trong bài “Ðoạn kết” của Tín Nghĩa Ngân Hàng”. Tôi cho rằng việc thành công quá nhanh của ông Nguyễn Tấn Ðời trong ngành ngân hàng là nguyên nhân của bao sự đố kỵ.

Trong hồi ký của bà Trần Bạch Yến Giám đốc chi nhánh TNNH Phú Nhuận có đề cập một chút đến chuyện lương bổng ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VNTT) cũng như ở TNNH mà bà có thời gian làm việc trong ba năm cho đến khi TNNH bị chính quyền đánh sập. Chúng ta cùng lướt qua xem và so sánh mức lương tư chức cụ thể là ngành ngân hàng được xem là nghề thời thượng lúc bấy giờ với ngạch công chức nhận lương của nhà nước.

“Tưởng cũng nên nhắc sơ qua về quy chế lương bổng của VNTT. Ở TNNH, lương GÐ chi nhánh, khoảng từ $35,000 đến $50,000/tháng, tùy theo thâm niên làm việc. Mức lương này tương đương với mức lương của một nhân viên thông thường làm việc cho Sở Mỹ, Ngân Hàng Mỹ hay Tòa Ðại Sứ Mỹ (cứ 2 tuần thì họ lãnh lương một lần, bằng tiền VN; mỗi năm họ cũng lãnh trội ra 2 pay checks, xem như họ cũng lãnh mỗi năm 13 tháng lương). Cũng tương đương với mức lương của một quân nhân cấp Trung Tá/CHT như ba các cháu. TNNH mỗi năm được 13 tháng lương. VNTT thì mỗi năm được 14 tháng rưỡi. Cấp Cán sự lãnh $120,000/tháng, mỗi năm có 30 ngày phép (phải có bằng cử nhân Luật ÐH Luật Khoa Saigon, Cử Nhân Luật Huế, Cần Thơ, Cử nhân Văn Khoa chỉ là Tham sự thôi. Cấp Tham sự $70,000/tháng. Có bằng Bachelor (cử nhân) ở Mỹ, ở Anh về, thì là ngạch chuyên viên $200,000/tháng; cô Hoàng Bích Ngọc, em gái Hoàng Ðức Nhã thuộc diện này. Cô Hương, con ông Kiểu, cháu ông Thiệu, có cử nhân văn khoa, nên cũng phải chịu ngạch Tham sự).

Các nhân viên Tín Nghĩa Ngân Hàng trong buổi tiệc tại nhà (Ảnh: Hồi ký của bà Trần Bạch Yến)

Ðây là lương của những nhân viên có bằng cấp đại học, còn nhân viên thư ký chưa có bằng đại học hay tú tài thì có thể thấp hơn nhiều.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Nếu so sánh với ngạch công chức hưởng lương theo hạn ngạch và chỉ số lương (thâm niên và bằng cấp). Những năm trước 1975, tại miền Nam, chỉ số lương là yếu tố cơ bản trong lương bổng của người công chức. Chỉ số lương này nhân với chỉ số đắt đỏ của từng thời kỳ thành lương căn bản.

– Công chức hạng A: Chỉ số lương từ thấp nhất 430 đến cao nhất là 1160.

– Công chức hạng B gồm ba hạng: hạng B1 – Chỉ số lương từ 320 đến 790, hạng B2 -Chỉ số lương từ 250 đến 740, hạng B3 – Chỉ số lương từ 220 đến 740.

– Công chức hạng C: Chỉ số lương từ 160.

Bên cạnh lương căn bản, công chức còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp khác nhau: Phụ cấp gia đình (khoảng 800đ/tháng cho vợ và 600đ/tháng cho mỗi đứa con dưới 18 tuổi); Phụ cấp chức vụ – Dành cho những người giữ chức vụ chỉ huy tại công sở, ở cấp quận là Quận trưởng, Phó Quận trưởng, ở cấp Tỉnh từ Chủ sự phòng trở lên, ở Trung ương từ cấp Trưởng ban trở lên (từ 500đ/tháng đến 1000đ/tháng và còn nhiều phụ cấp khác. Lấy ví dụ một giáo sư trung học với chỉ số 470 được tính như sau: (470 x 11.50) + 800 + 1200 = 7,405 đồng một tháng (độc thân). Phụ cấp vợ vào khoảng 1,000/tháng, và phụ cấp cho mỗi đứa con vào khoảng từ 800 đến 1,000 đồng/tháng.

Xem ra lương công chức (giáo viên) có bằng đại học lương tháng khoảng 7,400 đến 10,000 đồng trong khi lương ngành ngân hàng tư nhân có bằng đại học trong nước lãnh nhiều hơn ba bốn lần, còn nếu có bằng đại học nước ngoài còn cao hơn cả chục lần. Một điều cần lưu ý là giá vàng năm 1972 chỉ có 59 đô la một lượng. Còn tỉ giá hối đoái tiền VN với đô Mỹ là 1USD ăn 550 đồng VN. Và theo nghiên cứu của Ðại học Brussels (Bỉ), GDP bình quân của Việt Nam Cộng Hòa năm 1972 đạt 90USD/ người.

Do vậy, tuy là lương ngân hàng cao nhưng nếu so với đồng đô Mỹ thì không nhiều. Chẳng hạn  lương 35,000 đồng/tháng quy ra đô Mỹ năm 1972 chỉ được khoảng 63USD. nhưng nếu so với vàng thì mua được trên một lượng. Người giàu có, chỉ là số ít còn lại là đại bộ phận dân chúng từ đủ ăn đến nghèo.

TN