Nội dung bài viết Hạt gạo Camargue vượt xa biên giới “VN ngày cũ” đến tận vùng quê Camargue thuộc thành phố Arles miền Nam nước Pháp. Nơi này có hàng trăm mẫu đất trồng lúa nước, khởi sự từ một cuộc lao động cưỡng bách người Việt tại Đông Dương vào năm 1939.

Người nông dân Việt cấy lúa nước tại vùng Camargue năm 1942 (Ảnh: Internet)   

Những người bạn lớn tuổi của tôi vẫn thường gặp gỡ vào cuối tuần, uống vài ba chai bia cho vui, nói chuyện về thuở thanh niên để quên tuổi già hiện tại. Nhắc chuyện quá khứ để vực lại kỷ niệm một thuở mới lớn ở vùng quê. Vùng quê ngày đó dưới sự cai trị của thực dân Pháp, bề ngoài nhìn thật an bình, nhưng bên trong ẩn chứa đầy sự phản kháng và ưu tư khắc khoải, từ anh nông dân cho đến người trí thức.

Có lần, tôi kể chuyện về vùng trồng lúa ở Beaumont, Texas hay vùng Crowley ở Louisiana cho mấy ông nghe chơi. Việc tìm thấy hàng trăm mẫu đất trồng lúa nơi xứ này với tôi là điều ngạc nhiên cần đem ra phổ biến. Mấy ông bạn già nghe xong, ù à cho qua, xem chuyện của tôi là rất đỗi bình thường. Vùng đất nông nghiệp thì chuyện làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi có gì ghê gớm, có khác gì vùng đồng bằng ở xứ mình. Ở đâu cũng vậy! Việc người Mỹ trồng lúa gạo và có cả một viện khoa học nông nghiệp chuyên nghiên cứu các chủng loại lúa cho năng suất cao giống như các nước trên thế giới từng làm. Mục đích tìm ra những loại lúa nào trồng trên loại thổ nhưỡng nào để chống hạn, chống sâu rầy, cho sản lượng cao nhất là chuyện của các ông kỹ sư nông nghiệp.

Những vùng trồng lúa tôi nói ở trên còn thấy tại vài vùng nữa ở các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ. Nhưng nó có điểm khác biệt về con người, tức những nông dân trồng lúa tại vùng Camargue miền Nam nước Pháp. Người trồng lúa ở đây lại chính là những nông dân người Việt bị chính quyền Pháp tại Ðông Dương cưỡng bách lao động do thiếu lực lượng lao động tại chính quốc trước khi cuộc chiến tranh Thế chiến thứ hai bắt đầu.

Những người dân bị cưỡng bức, năm 1939, sang Pháp làm việc không công (Ảnh: Internet)

Một trong mấy ông bạn già gợi ý cho tôi nên xem bộ phim tài liệu “Công Binh, đêm Ðông Dương dài”, (tiếng Pháp là “Công Binh, La Longue Nuit Indochinoise). Phim này do Lê Lâm, người Pháp gốc Việt thực hiện và công chiếu năm 2013. Nội dung phim nói về số phận của gần 20,000 thanh niên xứ thuộc địa khắp Bắc, Trung, Nam kỳ, bị nhà nước thuộc địa cưỡng bách đưa về chánh quốc làm việc không lương tại các công xưởng để thay thế hàng chục ngàn thanh niên Pháp nhập ngũ tham gia Thế chiến thứ hai.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tất nhiên, lao động xứ thuộc địa mình là những nông dân, thanh niên vừa trưởng thành, nghề nghiệp chuyên môn không có nhưng người Pháp chỉ cần sức người, cần những người làm việc kiểu sai đâu đánh đó, nói nôm na là thợ phụ. Theo số liệu thống kê cho biết số người tới Pháp là 19,550 người; trong đó có 6,900 người ở Bắc, 10,850 người ở Trung – tức xứ Annam, và 1,800 người xứ Nam kỳ thuộc địa. Việc trưng dụng lao động dựa theo Nghị định của nhà nước thuộc địa đăng trên Ðông Dương Công báo vào ngày 29/8/1939: “Mỗi gia đình trong làng có hai con trai, từ 18 đến 45 tuổi phải trưng dụng một người, nếu gia đình nào nằm trong quy định này cố tình trốn tránh thì người cha phải chịu phạt tù”. Chiến dịch trưng thu lao động kéo dài trong sáu tháng. Thời gian gấp rút, có nhiều người bị bắt đưa qua Pháp không kịp từ giã vợ con.

Họ xuống tàu ở cảng Hải Phòng, Ðà Nẵng và Sài Gòn với hành lý chỉ là một tay nải mang theo vài ba bộ quần áo và giã từ quê hương trong nước mắt của vợ con và người thân trong gia đình. Chuyến hải hành kéo dài 45 ngày mới đến Pháp. Cuộc sống trên tàu chật vật, họ bị xếp ăn ở dưới hầm tàu, không được phép lên boong và ngủ xếp lớp như cá mòi trên những sạp gỗ dơ bẩn, ăn uống không khác gì tù nhân và điều kiện vệ sinh rất kém.

Những lao động người Đông Dương làm việc cực nhọc trong thời gian Đức chiếm nước Pháp (Ảnh: Internet)

Ðó là một số hình ảnh xem trên phim, hư thực thế nào là chuyện khác. Việc trưng dụng lao động không lương khiến những người lao động phải chịu đựng cuộc sống đầy khó khăn tại xứ người. Ăn, ở hãng xưởng tại chính quốc tổ chức theo kiểu hậu phương thời chiến thì có khác gì những nô lệ, công binh khổ sai trên chiến trường.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Tác giả Nguyễn Thị Cỏ May viết một bài báo về đội công binh này, tôi xin trích lại một vài đoạn: “…Tới Marseille, 75 đội được đưa tới Baumettes thuộc quận IX của Marseille ngày nay ở tạm, chờ phân phối đi các nơi làm việc. Lúc đó, chỗ ở Baumettes vừa mới xây xong, sau này là khám đường của Marseille và tồn tại tới ngày nay. Ở nhiều trại, công nhơn ăn không đủ no vì bị tham nhũng ở bộ phận cung cấp lương thực. Mỗi người phải tự xoay xở để giải quyết cái đói. Mèo, chó lúc đó quý giá vô cùng, ngon hơn thỏ và cừu, cho nên trong phạm vi vài cây số chung quanh, người ta không còn nghe được tiếng mèo ngao, tiếng chó sủa ma nữa…

Một năm sau đó, quân Ðức tiến đánh và chiếm Paris. Ðường biển Âu Châu và Viễn Ðông bị hải quân Anh kiểm soát. Một số lao động người Việt tại Pháp tìm đường hồi hương nhưng 14,000 người vẫn còn bị kẹt lại ở Pháp. Quân Ðức cho rằng những lao động người Việt tại Pháp là lính lao công nên bị lưu đày cơ cực. Một số lao động bị những người Pháp hợp tác với Ðức bán cho các xí nghiệp tư nhân, nông trường hoặc giao cho chính quyền địa phương làm những công việc lao động nặng với mức lương rẻ mạt…

Lao động nông nghiệp của người gốc Việt tại Camargue năm 1940 (Ảnh: Internet)

…Nên biết rằng, trước chiến tranh, năm 1938, Pháp nhập cảng mỗi năm 600,000 tấn gạo từ Á Châu, trong đó hết 80% của Việt Nam. Pháp thất trận, đế quốc thực dân cũng bị sụp đổ theo luôn. Chánh phủ Vichy, năm 1941, có sáng kiến sử dụng nhơn công lao động Ðông Dương, những người gốc nông dân chuyên nghiệp để thử trồng lúa ở vùng ngập nước Camargue không khác điều kiện nước, đất như ở Việt Nam. Thế là 225 công nhơn không chuyên môn, gốc nông dân được gởi tới Camargue. Lúa giống, mua ở Ý. Mùa gặt đầu tiên thu được 182 tấn lúa trên 50 mẫu đất canh tác. Qua năm sau, thu được 600 tấn lúa trên 230 mẫu đất. Năm 1944, thu 2,200 tấn lúa trên 800 mẫu. Một điều nhớ mãi của nông dân vùng Camargue trong thời gian quân Ðức chiếm đóng. Gạo là vàng, mỗi kilôgram gạo đổi được 50kg xi-măng. Có nhiều nông dân trở nên giàu có nhờ vài ba mẫu ruộng, Ðà sản xuất này kéo dài tới năm 1960. Lúc bấy giờ, người ta làm được 3 mùa…”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bộ phim “Công Binh, La Longue Nuit Indochinoise” dựa theo câu chuyện của nhà báo Pierre Daum khi năm 2009, ông đến vùng Camargue tìm hiểu và truy tìm tư liệu của những người gốc Việt làm ruộng tại đây từ năm 1940. Ông bị ấn tượng mãnh liệt bởi hoàn cảnh nghiệt ngã của những người nghèo khổ ở tận Ðông Dương bị Nhà nước Pháp bỏ quên. Sau bốn năm tìm tòi tư liệu và nhân chứng, ông cho ra đời tác phẩm “Những người di cư bị cưỡng bách trên đất Pháp (1939-1952)”, do nhà Actes-Sud xuất bản.

Một trong những người bạn già của tôi kể, cách nay hơn mười năm, ông có dịp sang Pháp chơi, được người thân dẫn đi thăm thú vài nơi trong đó có đến thành phố Arles, miền Nam nước Pháp. Ghé các siêu thị xem hàng hoá bán buôn giá cả ra sao thì thấy trên các quầy kệ có bán gạo Camargue. Tưởng gạo xứ Pháp làm ra nhưng khi hỏi ra mới biết, đúng là những nông dân Pháp làm ra hạt gạo nhưng chính xác là người Pháp gốc Việt. Nhiều thế hệ sau của Việt kiều sống trên nước Pháp đều biết ít nhiều về câu chuyện cưỡng bách lao động Ðông Dương. Và nhất là tại thành phố Arles, các thế hệ con cháu người Việt nơi đây đều tự hào về cha ông của họ là người có công tạo ra hạt gạo Camargue.

TN