Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Căn cứ Hải quân và sửa chữa tàu tại mũi Nhà Bè thập niên 1960 (Nguồn: Manhhasiflickr) 

Tên Nhà Bè chính thức có trên bản đồ từ năm 1911, khi chính quyền Pháp phân chia địa giới đơn vị hành chánh các tỉnh. Theo đó, tỉnh Gia Ðịnh thu hẹp lại còn 4 quận: Hóc Môn, Thủ Ðức, Gò Vấp và Nhà Bè. Quận Nhà Bè khi đó rất rộng, gồm 4 tổng Bình Trị Hạ, Dương Hoà Hạ, An Thít và Cần Giờ, có ranh giới giữa sông Nhà Bè và Lòng Tàu (nửa bên kia thuộc tỉnh Biên Hoà).

Ðến năm 1947 thì tổng An Thít và Cần Giờ tách ra, nhập vào tỉnh Vũng Tàu. Nhà Bè chỉ còn lại hai tổng Bình Trị Hạ và Dương Hoà Hạ, tương đương với diện tích của quận Nhà Bè vào trước năm 1975. Ðến năm 1997, chính quyền Sài Gòn phân chia lại các quận, lấy một số xã của huyện Nhà Bè thành lập quận 7. Do vậy, hiện nay huyện Nhà Bè được thu hẹp lại gồm thị trấn Nhà Bè (huyện lỵ) và 11 xã: Tân Quy Ðông, Tân Quy Tây, Tân Thuận Ðông, Tân Thuận Tây, Phú Mỹ, Phú Xuân, Long Thới, Nhơn Ðức, Phước Kiển, Hiệp Phước, Phước Lộc.

Thực ra địa danh Nhà Bè xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, khi công cuộc khẩn hoang được các Chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn. Nhiều cư dân đàng ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp, gặp dòng nước ngược nên đã kết bè trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Lòng thuyền chật hẹp nấu nướng khó khăn nên có một người tên Võ Thủ Hoằng đã nảy ra sáng kiến cho đốn tre kết làm bè neo trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Về sau, nhiều người cũng kết thành hai ba chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khoảng sông này ngày càng tấp nập đông vui và địa danh Nhà Bè được ra đời.

Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn”.

Xem thêm:   Rèn chữ

Võ Thủ Hoằng là ai? Ðây là một câu chuyện tương truyền trong truyện cổ tích dân gian. Ở đây, ta có thể thấy tên gọi Nhà Bè xuất hiện ban đầu chỉ là cách dân gian gọi, dùng để chỉ một địa điểm nhỏ trên sông. Những chiếc bè kết lại làm nơi buôn bán trên sông Phước Long (sông Nhà Bè ngày nay). Khu vực này trở thành trung tâm buôn bán chính của Gia Ðịnh dưới thời Chúa Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược.

Nơi sông Sài Gòn và Đồng Nai hợp thành sông Lòng Tàu (Ảnh: Internet)

Khi chính quyền Pháp phân chia lại tỉnh Gia Ðịnh, quận Nhà Bè được xác định vị trí giáp với vùng Khánh Hội (nay là quận 4) ở phía Bắc (tức là điểm đầu của quận Nhà Bè, nơi giao nhau của ba con sông Ðồng Nai, Sài Gòn và Nhà Bè hội tụ, có nghĩa là ở khu vực Phú Mỹ-nay thuộc quận 7). Phía Ðông Nam là Cần Giờ nhìn ra biển Ðông. Ðến năm 1947, Cần Giờ xác nhập vào tỉnh Vũng Tàu thì ranh giới của quận Nhà Bè kết thúc ở đoạn sông Soài Rạp và Lòng Tàu (khi xưa gọi là Phước Long Giang) hợp lưu (phía bên kia ngã ba sông là làng Bình Khánh thuộc huyện Cần Giờ ngày nay). Nơi hợp lưu hai con sông này rất rộng, sóng to gió lớn. Khi nước triều đổ ra biển, ghe thuyền ngược dòng đến Nhà Bè vào sông Sài Gòn rất chậm.

Nhớ hồi đi dạy học ở Cần Giờ, mỗi tuần về Sài Gòn bằng chiếc xe đạp trên con đường đất đỏ (Rừng Sác-Cần Giờ), về đến Bình Khánh chờ phà qua sông gặp nước ngược là tôi không vội vàng gì, dạo một vòng chợ ngay ở bến phà, tìm mua ốc mỡ hay cua đất đem về nhà làm quà Duyên Hải. Phà đến, hành khách trên phà vừa túa ra bến sân bê tông thì bà con đứng chờ bên đây vội vàng kéo nhau xuống phà, nhất là những người buôn bán thủy hải sản vào trước, kiếm chỗ thuận tiện để khi phà đến Nhà Bè ra nhanh cho kịp thời gian giao hàng cho các bà buôn bán ở chợ Phú Xuân.

Trước đây, trong bài viết “Kỷ niệm buồn ở chợ Phú Xuân”, tôi có nhắc về tên địa danh Nhà Bè nhưng không xác định vị trí nơi nhà bè hội tụ thành một cái chợ nổi vào thuở ông Thủ Huồng (Võ Thủ Hoằng) có sáng kiến dùng tre kết bè làm thành nơi nấu nướng, giúp dân thương hồ có chỗ dừng chân. Sau này, người ta theo sáng kiến của ông làm thành nhiều bè hội tụ lại thành một khu vực buôn bán.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Ngược dòng lịch sử vào thời chúa Nguyễn, Nhà Bè (khi chưa thành địa danh chính thức) thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, nơi này trở thành nơi buôn bán cung cấp hàng hoá lớn nhất của vùng Gia Ðịnh cho đến khi Chúa Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam kinh lược: “Lấy đất Ðồng Nai đặt làm phủ Gia Ðịnh… lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Ðến thời Vua Gia Long, vùng đất Ðồng Nai lại được lấy ra một phần, thành lập dinh Trấn Biên (sau đổi thành trấn Biên Hoà) nhưng vẫn thuộc thành Gia Ðịnh đặt Phước Long làm thành phủ, lập ra các tổng Phước Chính, Phước An, Bình An, Long Thành làm huyện. Cho đến đời Vua Minh Mạng trấn Biên Hoà đổi lại thành tỉnh và lập thêm hai phủ Phước Tuy và các huyện Nghĩa An, Long Khánh, Phước Bình.

Ngày nay ở Biên Hoà vẫn còn ngôi chùa và cây cầu mang tên Thủ Hoằng (Ảnh: Internet)

Xét theo sử liệu thì vùng đất rộng lớn Ðồng Nai có từ rất lâu trước khi tách một phần lập phủ Gia Ðịnh. Như vậy câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Ðịnh, Ðồng Nai thì về” xuất hiện từ khi nào? Thoạt nghe câu ca dao gần như mặc định vị trí chỗ khúc sông Nhà Bè (Lòng Tàu) chia hai (đúng ra là chỗ hợp lưu hai con sông Sài Gòn và Ðồng Nai nhập vào sông Lòng Tàu) mà sao không phải ở một đoạn sông khác, vì quận Nhà Bè khi xưa rất rộng lớn, nằm giữa hai con sông Soài Rạp và Lòng Tàu, từ biển Ðông và Sài Gòn-Gia Ðịnh và Biên Hoà.

Thật khó giải thích, phải tìm hiểu nhiều chi tiết địa dư và hành chánh địa bộ biến đổi qua nhiều thời kỳ. Việc này xin dành cho những nhà nghiên cứu văn hoá địa dư và nhà sử học. Tôi xin mạn phép giải thích theo cách nhìn chủ quan của mình. Việc đặt địa danh ở nước ta cũng như trên thế giới có rất nhiều cách thức. Từ sự ghép một vật, một người vào vùng đất hình thành nên một địa danh hoặc ngược lại. Chẳng hạn: Thủ Ðức, Thủ Thừa (do ông quan cai quản một thành luỹ nào đó tên Ðức, tên Thừa mà thành) hay Thủ Dầu Một… (do vị trí đồn trú nơi đó có một cây dầu). Hoặc khi ghép tên vật vào như: Nhà Bè (như đã nói ở trên), Ðồng Nai (nơi có nhiều nai sinh sống) hay Cái Vồn, Sông Bé… (tên con sông trở thành tên địa danh).

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Như vậy, theo hướng lịch sử hình thành đơn vị hành chánh thì địa danh Nhà Bè xuất hiện vào năm 1911 khi thành lập các quận thuộc tỉnh Gia Ðịnh và câu ca dao trên có thể cũng xuất hiện trong thời gian này? Và đoạn sông chảy qua địa phận Nhà Bè (Soài Rạp và Lòng Tàu) cũng được đặt tên chính thức trên bản đồ hành chánh là sông Nhà Bè.

Nhà Bè nhìn từ hướng Bắc, tiếp giáp quận 4 đến hướng Ðông Nam là mũi Nhà Bè (bên kia sông là làng Bình Khánh huyện Cần Giờ, trước thuộc tỉnh Vũng Tàu), từ mũi Nhà Bè qua hướng Tây Nam ôm vòng theo sông Soài Rạp đến xã Hiệp Phước thì chỉ có một ngã ba sông là Nhà Bè, Sài Gòn và Ðồng Nai ở phía Bắc thuộc xã Phú Mỹ. Còn vị trí mũi Nhà Bè chỉ hợp lưu hai con sông Lòng Tàu và Soài Rạp (gọi chung là sông Nhà Bè). Như vậy, ta dễ dàng chấp nhận vị trí Nhà Bè vào thuở xa xưa là ở chỗ dòng sông Lòng Tàu chia đôi hơn là ở vị trí sông Soài Rạp và Lòng Tàu nhập vào ngay mũi Nhà Bè (thuộc làng Phú Xuân).

Nên nhớ rằng, khi thành lập quận Nhà Bè cách nay hơn trăm năm, Phú Xuân là huyện lỵ, nơi tập trung các cơ quan hành chánh và mật độ dân số đông nhất, do những di dân cố cựu từ miền Ngũ Quảng vào Nam định cư. Vị trí nhà bè của ông Thủ Hoằng cũng có thể là ở đây vì như trên đã nói, là chỗ sông to gió lớn, nước chảy ngược rất xiết nên các ghe thuyền buôn bán từ miền Trung theo đường biển vào Gia Ðịnh, Biên Hoà bên kia sông Lòng Tàu (tức Ðồng Nai) tập trung vào chỗ nhà để nương náu.

Nhưng dẫu sau, từ vị trí nhà bè tên gọi dân gian trở thành địa danh của một quận huyện. Ðất Gia Ðịnh còn lưu truyền câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”.

TN