Trong thời gian nắm chính quyền miền Nam, duy nhất chỉ có TT Ngô Đình Diệm ở cả hai dinh, Dinh Độc Lập và trước đó là Dinh Gia Long. Dinh này nguyên là dinh của Phó Toàn Quyền Đông Dương cho đến sau Hiệp định Genève khi ông Diệm về Sài Gòn làm Thủ tướng. Cũng vào thời gian đó, Quốc trưởng Bảo Đại cho đổi tên thành Dinh Gia Long do con đường La Grandière phía trước đổi thành đường Gia Long. Sau khi truất phế Bảo Đại, Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, ông chuyển sang Dinh Độc Lập cho đến khi dinh bị ném bom, TT. Diệm trở về Dinh Gia Long ở và làm việc cho đến ngày bị đảo chánh vào tháng 11/1963.

Dinh Phó Thống đốc (tức Dinh Gia Long) thời Pháp, có hai pho tượng thần Thương mại và Công nghiệp đặt ở trước cửa chính (Ảnh: Tài liệu)   

Ngày nay Dinh Gia Long trở thành Bảo tàng thành phố. Tôi có dịp ghé đến đây với chủ ý xem đường hầm mà dư luận đồn đại có thể dẫn ra ngoài để cho tổng thống thoát hiểm. Có người còn nói đường hầm thông ra ngoài như một địa đạo dẫn vào Chợ Lớn nữa. Quả là thiên hạ có sức tưởng tượng vượt xa những gì mà tôi tận mặt nhìn thấy, đó chỉ là một hầm trú ẩn kiên cố. Loại hầm trú ẩn kiểu này cũng được xây dựng trong Dinh Ðộc Lập để tránh máy bay ném bom hoặc súng pháo cỡ lớn bắn phá với mục đích ám sát tổng thống.

Ðúng là đường hầm có hai lối thoát. Một cửa dẫn ra bên phía đường Công Lý, một cửa khác ra đường Pasteur. Cả hai lối thoát đều nằm trong khuôn viên phần sân trước hai bên hông của dinh. Người đi đường nhìn vào có thể không nghĩ rằng đó là hai cửa thoát ra ngoài vì nó được xây thành hai cái hộp bê tông kín đáo, thấp bằng đầu người thông qua một cánh cửa sắt kín bưng. Vào trước một ngày đảo chánh, ông Diệm và ông Nhu đã bí mật đi ra bằng cửa hầm bên phía đường Pasteur, đi xe đến Toà Ðô Chánh gặp ông Cao Xuân Vỹ để sắp xếp cuộc đào thoát vào Chợ Lớn tạm tránh vào nhà Bang trưởng người Hoa là Mã Tuyên để bàn chuyện thương thuyết với quân đảo chính khi có cơ hội.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Trong hồi ký của tướng Trần Văn Ðôn kể: “Hai ông Diệm – Nhu đã ra ngã sau đường Lê Thánh Tôn bằng một xe thường, đến trước Tòa Ðô Chánh gặp ông Cao Xuân Vỹ, tại đó họ chuyển qua một chiếc xe nhỏ chở hàng bít bùng… hẹn sẽ gặp tại Ðại Thế Giới, Chợ Lớn”.

Bản đồ thiết kế hầm trú ẩn bên trong Dinh Gia Long của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. (Ảnh: Tài liệu)

Việc ông Diệm và ông Nhu rời khỏi Dinh Gia Long là do tình báo cho biết kế hoạch đảo chính do Hội đồng quân nhân cách mạng sắp diễn ra. Trong một tài liệu gởi cho văn phòng đài BBC tại Virginia, Cựu Tổng trưởng VNCH, Nguyễn Tiến Hưng thuật lại: “Sau này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là Ðại tá) còn kể lại với chúng tôi rằng, khi được lệnh đánh Dinh Gia Long, ông đã có ý định tìm TT Diệm và mời ông lên xe jeep mở mui để về Bộ TTM rồi đưa ông đi ra ngoại quốc, nhưng khi chiếm Dinh xong thì thấy ông Diệm đã đi rồi.

Ông Thiệu thêm: “Nếu như TT Diệm đi xe jeep mui trần như vậy thì không ai dám sát hại ông… Ðến khi ông Thiệu được tin TT Diệm gọi điện thoại về Bộ Tổng Tham Mưu, ông còn đề nghị với Tướng Minh để cho ông đi đón TT Diệm từ nhà thờ Cha Tam, nhưng ông Minh gạt đi và nói “Khỏi phải lo, đã có người rồi”.

Nhưng thôi chuyện đảo chính không phải là điều cần nói nhiều trong chuyện Dinh Gia Long. Tôi đưa ra vài chi tiết nhỏ để có thể hình dung một chút về đường hầm thoát hiểm, dẫu sao cũng hữu ích trong trường hợp tổng thống bị tấn công mà bất kỳ một công trình đầu não cao nhất nào của chính quyền đều phải chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống bất ngờ.

Hầm trú ẩn bên trong Dinh Gia Long được ông Diệm ra lệnh cho xây ngay sau khi Dinh Ðộc Lập bị phe đảo chính cho máy bay ném bom vào cánh trái của Dinh Ðộc Lập. Thật ra vào thời gian đó, phe đảo chính chỉ muốn gây sức ép chính trị lên Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Cuộc ném bom bên cánh trái của dinh nhằm vào nơi phòng ngủ và nơi làm việc của vợ chồng ông cố vấn Ngô Ðình Nhu. Bà Trần Lệ Xuân vội vã chạy xuống cầu thang bị té gãy chân, còn ông Nhu thì vẫn an toàn.

Xem thêm:   Đông dược

Trong khi chờ sửa chữa Dinh Ðộc Lập, toàn bộ gia đình hai anh em ông Diệm – Nhu chuyển sang Dinh Gia Long và ông Diệm lệnh cho Nha Kiều lộ trực tiếp giám sát xây dựng đường hầm trú ẩn theo thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (bản vẽ còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia II). Ðường hầm trong Dinh Gia Long khởi công từ tháng 5/1962 đến 10/1963 thì hoàn thành với kinh phí hơn 12 triệu đồng VN thời bấy giờ. Do yêu cầu bí mật, các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng đường hầm đều ghi là Công tác xây cất ở Dinh Gia Long.

Dinh Gia Long trong ngày đảo chính (Nguồn: panoramio)

Nói thêm một chút, hầm trú ẩn trong thời gian xây theo hạn định 18 tháng hoàn thành nhưng với thời gian gấp rút để xây một đường hầm kiên cố có tổng diện tích  lên đến gần 1,400 mét vuông nên việc hoàn thiện trăm phần trăm là khó thực hiện. Ngay thời điểm Tổng thống Diệm bị lật đổ, các tiện nghi cần thiết vẫn chưa hoàn thành, đó là hệ thống máy quạt để điều hoà không khí dù máy quạt đã được nhập về để trong kho của Sở Nội dịch.

Mặc dầu hầm trong dinh được xây kiên cố, có thể chịu được các loại trọng pháo và bom 500kg và có các cửa an toàn đóng lại khi bị tấn công ngay từ trong đường hầm  nhưng đó vẫn là một hầm trú ẩn tạm thời so với hầm trong Dinh Ðộc Lập kiên cố và chắc chắn hơn nhiều được trang bị hiện đại.

Sau cuộc đảo chánh, chính quyền đương thời cho sửa chữa tu bổ lại toàn bộ, dùng làm Dinh Quốc trưởng. Trong một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ từ 11/1963 đến 1966 đến khi ông Thiệu lên làm tổng thống, các đảng phái và quân đội (chủ yếu là quân đội) thay nhau đảo chánh giành làm quốc trưởng đến 6 lần. Sau khi Dinh Ðộc Lập xây xong, thì Dinh Gia Long được dùng làm trụ sở Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng Hòa.

Ði ngược thời gian từ lúc chính quyền thuộc địa Pháp cho xây một toà nhà với công dụng làm Viện Bảo tàng Thương mại Nam kỳ được khởi công vào năm 1885. Có thể nói, toà nhà này có kiến trúc hai tầng rất đẹp do Kiến trúc sư Alfred Foulhoux thiết kế theo lối kiến trúc Phục Hưng, diện tích sử dụng rộng hơn 1,700 mét vuông. Do đó, mặt tiền bên ngoài cửa chính có trang trí hai pho tượng nữ thần Thương mại và Công nghiệp, dưới phần đỉnh hình tam giác của tầng mái nằm ngang có một pho tượng đầu người trang trí phù điêu hoa lá, rắn, gà, chim cú chung quanh.

Căn phòng tiếp khách của TT Ngô Đình Diệm dưới hầm trú ẩn. (Ảnh Internet)

Các hoạ tiết cây cỏ hoa lá muông thú thường thấy trong các biểu tượng của thần thoại Hy Lạp cổ đại. Tiếc là đến năm 1943 hai pho tượng nữ thần trên bị gỡ bỏ, xây thêm cột bên ngoài, biến thành một mái che.

Xem thêm:   Đông dược

Việc thay đổi hình thể này trong giai đoạn Pháp thua xiểng liểng ở châu Âu trong Thế chiến Thứ hai. Hơn nữa hình thể kiến trúc ban đầu của một Viện Bảo tàng Thương mại Nam kỳ mất đi giá trị văn hoá lịch sử, kiến trúc trở thành nơi làm việc và sinh sống của các vị Phó Thống đốc mang chất văn hoá lịch sử chính trị hơn. Ngay cả khi người Nhật mang quân vào Việt Nam, Thống Ðốc Yoshio Minoda cũng sử dụng tòa nhà này làm dinh thự.

Rồi đến người Anh vào giải giáp Nhật, Pháp trở lại Ðông Dương, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và sau đó dinh được chuyển thành dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Tại đây, ngày 9/1/1950, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn hàng ngàn học sinh-sinh viên và giáo viên các trường, bắt đầu từ Dinh Norodom ra đến Dinh Thủ hiến. Chính quyền đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp, học trò Trần Văn Ơn bị trúng đạn tử thương mà tôi có nhắc đến trong bài viết Ngôi trường mang tên Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Ở một góc độ văn hoá nói riêng, tôi cho rằng việc gỡ bỏ hai pho tượng nữ thần Thương mại và Công nghiệp là điều đáng tiếc. Có thể hai hình tượng đó không còn hợp thời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới sang giai đoạn mới, nhưng nó lại là biểu tượng của sự ấm no trong một thời gian dài của nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp sơ khai của nhân loại trên thế giới.

TN

(Fort Worth, TX)