Có chí ắt thành công! Hầu hết người Pháp làm giàu ở xứ ta đều từ tay trắng làm nên sự nghiệp. Trừ một số rất ít người có tiền vốn sẵn, thường đầu tư kiếm tiền nhanh bằng những việc kinh doanh đỏ đen. Phần còn lại đầu tư đất đai với cái nhìn đúng và vận may đã đem lại cho họ nhiều sản nghiệp to lớn.

Người nông dân Việt làm công việc trồng lúa cho điền chủ người Pháp ở Nam bộ (Ảnh: Internet) 

Nói chuyện người Pháp làm giàu bằng trò đỏ đen những năm đầu thế kỷ 20 tại xứ ta phải kể đến Jean Duclos và Monpezat. Hai ông này chuyên về đầu tư cá ngựa và tổ chức các cuộc đua ngựa kiếm tiền. Bài bạc thuở đó chưa có nhiều loại, ngoài trò hốt me của dân ta và mạt chược của dân Tàu. Ngựa đua, thuở đó cũng chưa xuất hiện giống ngựa to con cao lớn phi như thần mã, như các trường đua bên Châu Âu đông nghẹt người xem. Trường đua ngựa ở Hà Nội hay ở Ðồng Tập Trận ban đầu chỉ toàn những chú ngựa cỏ bản địa nhỏ con chạy không nhanh, không hấp dẫn. Thấy được cơ hội này, Duclos và Monpezat bỏ tiền nhập giống ngựa Ả Rập cao to cho trường đua Hà Nội, rồi sau đó đưa vào Sài Gòn. Các trận đua ngựa được tổ chức liên tục hằng tuần vừa để các quan chức, binh lính Pháp giải trí vừa thu được khối tiền từ việc ham mê cá cược của người bản xứ.

Tuy nhiên, đáng kể hơn hết là bốn gương mặt doanh nhân thuộc hàng có máu mặt và rất đặc biệt vào những năm đầu thế kỷ 20. Những người này đầu tư vào đất đai, hoang hoá, làm đồn điền trồng lúa ở các tỉnh miền Tây và trồng cà phê, cao su miền Ðông Nam phần.

Ðể tăng cường khai khẩn đất mới nhằm tăng sản lượng xuất cảng lúa gạo, năm 1878, đô đốc Lafont cho giảm bớt thuế điền để khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang, nhất là những vùng đất phèn mặn quanh năm, không sử dụng được. Các cấp chánh quyền tỉnh cho đào kinh, xả phèn trừ mặn nhằm thu hút người dân các vùng khác di cư đến khai hoang lập nghiệp. Bên cạnh những người dân nghèo tha phương đến vùng đất mới khai khẩn đất canh tác và sinh sống, còn có những người bản địa hoặc người Pháp có chí lớn, khai khẩn những vùng đất rộng cò bay thẳng cánh. Năm 1880, diện tích đất nông nghiệp ở miền Tây là 522,000 mẫu, đến năm 1900 diện tích tăng lên 1,175,000 mẫu. Trong 20 năm khuyến khích khai khẩn, số gạo xuất cảng từ 500,000 tấn tăng lên đến 750,000 tấn.

Công nhân khai thác mủ cao su tại một đồn điền của người Pháp ở miền Đông Nam bộ (Ảnh: Internet)

Theo tác giả Thượng Hồng trong giai thoại các tỷ phú Sài Gòn xưa kể đến người thứ nhất là Mézin, gốc nông dân ở miền Nam nước Pháp, khi sang Sài Gòn đã nhắm đến việc khai khẩn đất đai, lập đồn điền. Mézin không thích kinh doanh tại Sài Gòn, mặc dù nhà cửa, vợ con ông ta đều ở thành phố này. Người ta kể lại rằng, khi mới đặt chân lên đất Sài Gòn, Mézin là một người tay trắng, sống khá vất vả trong những ngày mò mẫm tìm cơ hội kinh doanh. Nhờ khéo léo, một phần nữa nhờ sự quen biết nhiều người Pháp trong ngành ngân hàng và các viên chức chánh quyền, nên Mézin đã có một kế hoạch táo bạo: khai phá vùng đất hoang vu thuộc tỉnh Cần Thơ để lập đồn điền. Vay được một số tiền kha khá, Mézin dựng lên một đồn điền mang tên “Domaine de L’Ouest” (Ðồn điền miền Tây). Ðất miền Tây Nam phần thời đó hoang hoá nhiều, đồng chua cỏ dại, rất khó khai thác, nếu không nói là dân bản xứ đã bó tay. Bằng những tính toán đúng, bằng tiền vốn bỏ ra, nên chỉ vài năm sau, đồn điền của Mezin khá bề thế. Nó trở thành một trong vài đồn điền trồng lúa lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Người thứ hai cũng làm giàu nhờ khai khẩn đất hoang, đó là Pháp kiều Remy Gressier. Ông ta cũng khởi nghiệp lúc tay trắng. Khi vay được vốn, Gressier nhắm đến vùng đất phèn mặn của xã Phú Lộc tỉnh Sóc Trăng. Khi đó vùng này chánh quyền đã cho đào nhiều kinh rạch tháo mặn, xả phèn giúp cho đồng lúa tốt tươi, năng suất tăng cao. Gressier thắng to liên tục nhiều chục vụ, trở thành một triệu phú nức tiếng, làm cho những Pháp kiều đồng hương với ông ta phải ganh tỵ.

Trước đây, lúa được người Hoa thu mua từ những nông dân và điền chủ người bản địa để xuất cảng gạo, mang lại lợi nhuận rất nhiều. Ðiều này khiến chánh quyền Pháp phải can thiệp. Chánh quyền tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người Pháp muốn làm ăn về nông nghiệp. Các điền chủ người Pháp, đầu tư trồng lúa riêng và có cách chế biến gạo và xuất cảng riêng cho mình. Chánh quyền Pháp ủng hộ bằng mọi cách, không để giới thương buôn người Hoa thao túng nữa. Trong số 16 điền chủ lớn đều bán lúa cho nhà máy xay lúa của người Pháp có cả điền chủ người bản xứ. Ở tỉnh Sóc Trăng vào năm 1933, sổ bộ ghi nhận các điền chủ lớn có trên một ngàn mẫu ruộng gồm: Bernard Labeste 6500 mẫu, Gressier 4088 mẫu, Huỳnh Thị Ngọ 2271 mẫu, Lê Văn Trước 1939 mẫu, Nguyễn Hữu Trinh 2500 mẫu, Lâm Quang Chiêu 1870 mẫu, Trương Chánh Viên 1200 mẫu… Riêng ông Gressier ngoài trồng lúa trên đồn điền của mình, ông còn tự lập một nhà máy xay lúa tại Sóc Trăng.

Mủ cao su tại đồn điền Quản Lợi (Bình Phước) mặt hàng xuất cảng sang Pháp để làm vỏ xe hơi (Ảnh: Internet)

Người Pháp thứ ba lên ngôi phú hộ tại Sài Gòn là Fernand Lafon. Ông này cũng không phải là nhà giàu gốc. Khi có người giới thiệu với ông ta khu đất trống nằm ở tứ giác Verdum (Cách mạng Tháng 8 ngày nay) – Colombier (Hồ Xuân Hương) – La Grandiere (Ðiện Biên Phủ) và cả khu vực trường Nữ trung học Áo tím (Gia Long), Fernand Lafon đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua ngay với giá 50 xu Ðông Dương/m2. Thời đó toàn bộ khu ấy chưa có nhà cửa. Fernand Lafon đã phân ra nhiều ô, chủ yếu là để xây cất biệt thự, một phần xây thành nhà, một phần bán cho người khác xây dựng những ngôi biệt thự sang trọng nhất Sài Gòn. Chẳng mấy chốc ông ta giàu to. Ðược đà, ông ta mở rộng phạm vi kinh doanh địa ốc, chuyện xây dựng các biệt thự bán lại cho người Pháp hoặc các triệu phú người bản địa.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Ngoài ba bộ mặt tiêu biểu nói trên, còn có một người nữa nên nhắc lại ở đây, cho đủ bộ tứ Pháp kiều, đó là Vidal. Ông ta vốn là sĩ quan hải quân Pháp, về hưu non và bám rễ tại đất Sài Gòn để làm ăn như mọi người bình thường khác. Ông này hoà nhập với phong tục người địa phương rất nhanh: tập ăn trầu, mặc áo dài khăn đóng, học tiếng Việt và lấy vợ Việt. Ông này làm ăn lương thiện, có lúc được dân làng cử làm hương cả – một chức sắc được tôn kính nhất trong làng. Trước khi qua đời, Vidal đã yêu cầu được mai táng theo nghi lễ của một tín đồ Phật giáo, thay vì theo đạo Thiên Chúa giáo như hầu hết những người Pháp khác.

Ðây chỉ là vài ba tên tuổi người Pháp làm giàu ở xứ ta. Có thể họ là người làm ăn lương thiện nhưng cũng có người cậy nhờ chánh quyền khi có cơ hội, nhất là trong thời kỳ khai khẩn đất hoang. Chẳng hạn như Guéry vận động chánh quyền nhân khi đào con kênh Bassac-Cái Lớn (kênh Xà No) nối ngọn rạch Cần Thơ vào rạch Cái Tư, ông ta được Toàn quyền Dume cấp không cho một lô đất 2500 mẫu tại làng Nhơn Nghĩa, trong khi đó dân đen bản xứ lại không biết, cứ theo luật định bỏ công phá rừng, phát cỏ, cắm ranh hy vọng trở thành chủ mảnh đất nhỏ để cày cấy làm ăn. Cuối cùng công khai phá trở thành công cóc, người hưởng lợi lại là người Pháp có thế lực.

Đồn điền cà phê của một chủ điền Pháp (Ảnh: Internet)

TN