Người bạn lớn tuổi của tôi nhớ lại chuyện xưa có lần cùng má từ Dĩ An lên Sài Gòn thăm cha làm việc ở Tổng nha Ngân khố Sài Gòn từ thời Pháp thuộc. Tôi cứ tưởng câu chuyện hấp dẫn khi ông “lạc” vào kho bạc tha hồ nhìn thấy núi tiền hay đống vàng cất giữ trong toà nhà bê tông gạch dày 4 tấc. Nhưng ông nói có thấy gì đâu, hai má con đứng trước toà nhà chờ đến giờ nghỉ trưa gặp cha dẫn đi Chợ Cũ ăn cơm thố trên đường Chaigneau (Tôn Thất Đạm). Rồi ra chợ thú nuôi ở góc De la Somme (Hàm Nghi), cha mua cho con cưỡng mang về nhà nuôi. Ông kể rằng, ông thích loài chim cưỡng, bởi nhà người bác họ trong xóm có nuôi một con, cứ hễ thấy người lạ đến ngắm nhìn thì nó liền nói “có khách, có khách”.

Chợ Cũ Sài Gòn xưa ngó mặt ra kênh Charner (Nguyễn Huệ ngày nay) có từ năm 1811 và chính quyền quyết định di dời về chợ Bến Thành ngày nay vào năm 1912 (Nguồn: Manhhaflickr) 

Chợ Cũ mà ông bạn tôi nói đến là khu vực buôn bán sầm uất xung quanh chợ Bến Thành cũ tức Tổng nha Ngân khố nơi cha ông làm việc. Hồi xửa hồi xưa nơi đây là khu nhà lồng 5 dãy cột gỗ mái ngói mặt ngó ra kinh Lớn (sau này lấp lại thành đường Charner – Nguyễn Huệ). Trong cuốn “Gia Định thành thông chí” miêu tả, khu Chợ Cũ nằm dọc theo bến sông. Hải quân của triều đình vẫn thao diễn hàng năm tại đây vào ngày tế mạ (lễ tế thần của quân đội xưa). Bến sông người ra, người vào buôn bán nhộn nhịp. Đầu bến về phía bắc là rạch Sa Ngư. Nơi này có cầu ván bắc ngang, hai bên đầu cầu, nhà ngói vách gỗ xây lên san sát, trong chợ bày bán đủ thứ hàng hóa thịnh hành như gạo, trầu cau, vải lụa, gốm sứ, thảo dược… Dọc theo hai bờ sông, thuyền bè đậu nhiều không thể tả”.

Về sau, chợ hư hỏng nặng. Đến năm 1912, chính quyền thành phố quyết định di dời chợ về vị trí khác tức chợ Bến Thành ngày nay mà người Sài Gòn hồi đó gọi là Chợ Mới Bến Thành (khánh thành năm 1914). Vương Hồng Sển viết trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” rằng, người Tàu gọi Chợ Mới Bến Thành là “Tân Nhai thị” hay vỏn vẹn “Cái Xị”. Ngày khánh thành tổ chức lễ lạt ăn mừng, tiếng đồn rùm beng có cộ đèn, chưng cộ bảy bang, xe bông, hát ngoài trời v.v. các bài báo viết mừng bài “mừng lễ khai tân thị” xướng họa không dứt.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 22 tháng 8 năm 2024

Theo tài liệu chợ Bến Thành cũ, trước khi người Pháp khởi công xây dựng công trình kho bạc nhà nước, con kinh này bị lấp đi đồng thời rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) và vài con rạch lớn khác cũng được lấp luôn vì ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, Sài Gòn đã phát triển đường sá cho các loại xe ngựa, xe kéo tay, phương tiện đường thuỷ cho ghe bầu, xuồng to xuồng nhỏ từ Lục Tỉnh, Gia Định len lỏi trên các kênh rạch đến bến chợ xuống hàng buôn bán như ngày trước không còn phù hợp. Người Pháp bắt đầu xây dựng những dãy nhà phố khang trang hai bên đường làm thay đổi diện mạo một phần khu trung tâm thành phố Sài Gòn vào thời kỳ đó. Đô thành Sài Gòn trở nên nhộn nhịp hơn, sang trọng hơn khiến người nhà quê quan niệm ai lên Sài Gòn sinh sống đều dễ thay lòng đổi dạ. “Chợ Bến Thành đời đổi / Người sao khỏi hợp tan / Xa gần giữ nghĩa tào khang / chớ ham quyền quý mà đá vàng phụ nhau”.

Trẻ con sống quanh Chợ Cũ vào thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaflickr)

Ông bạn kể chuyện: “Thật ra hai má con lên Sài Gòn thăm cha vì mấy bữa ông không về nhà. Má tôi trong lòng nghi ngại, sợ ông có bà khác làm khổ mẹ con. Ba tôi đã giải thích chuyện không thể về nhà mấy hôm là do công việc kế toán nhiều quá, việc làm không hết nên viên chủ quản kêu làm thêm giờ nên ở lại nhà người bạn đồng nghiệp cho tiện việc đi lên đi xuống mỗi ngày. Để má tôi yên lòng, ba tôi dẫn hai mẹ con sang thăm nhà người bạn. Nhà người bạn đồng nghiệp với ba tôi có tiệm tạp hoá gần mấy tiệm bán heo quay vịt quay trên đường Tôn Thất Đạm thì lúc đó má tôi mới chịu”.

Chuyện ông bạn già kể khiến tôi hình dung Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm đã có từ hồi đầu thập niên 1950 hay trước đó nữa mặc dầu tên chợ không phải là tên chính thức của một ngôi chợ có xây nhà lồng. Chợ Tôn Thất Đạm dường như tự phát do nhu cầu chợ búa của cư dân gần đó tiện đến chợ gần nhà hơn là cuốc bộ xuống chợ Bến Thành. Dọc hai bên dãy phố người ta bày ra các sạp, che dù, che tôn buôn bán đủ loại hàng hoá, rau cải, cá mắm nhưng thời đó khu chợ này không có nhiều sạp hàng hai bên đường như thời gian sau này. Không phải chỉ có chợ Tôn Thất Đạm người ta mới gọi cái tên Chợ Cũ chung chung để lưu giữ hình ảnh một thời của chợ Bến Thành đầu tiên trên đất Sài Gòn. Câu ca dao xưa vẫn còn trong tâm trí qua nhiều thế hệ, trong lời ru con của những bà mẹ thuở thập niên 1960 khi còn chân ướt chân ráo di cư lên Sài Gòn sinh sống: “Sông Sài Gòn bao nhiêu nước / Chợ Cũ Sài Gòn kẻ tục người thanh / Mấy ai mà đặng như anh / Dù cho xao xuyến cũng chân thành với em…”.

Xem thêm:   Buôn lậu “hàng Trung Quốc”

Khu vực đường Hàm Nghi (từ góc ngã tư Công Lý, Pasteur, Tôn Thất Đạm và Võ Di Nguy – Hồ Tùng Mậu ngày nay) cũng được người Sài Gòn gọi là Chợ Cũ. Chợ Cũ như trên đã nói ở phía cạnh bên kia trên đường Nguyễn Huệ và những con đường chung quanh gần đó như Hải Triều, Ngô Đức Kế lại không được gọi là khu Chợ Cũ vì khu này được xây dựng nhiều công sở, khách sạn nhà hàng sang trọng. Cách gọi Chợ Cũ ở mấy đoạn trên đường Hàm Nghi của người Sài Gòn chẳng qua nơi đây trở thành khu vực buôn bán nhộn nhịp từ tiệm ăn, chợ búa, vải lụa cho đến hàng mã, thú nuôi.

Khu Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr

Một chi tiết trong câu chuyện của ông bạn già về khu Chợ Cũ làm tôi thích thú. Đó là Chợ Cũ mua bán thú nuôi đủ loại chó, mèo, khỉ, thỏ, rắn, rùa, chim chóc đến các loại cá xiêm, gà chọi mà nhiều người sau này vẫn quen gọi là Chợ Cũ chó mèo. Hồi thời cha người bạn làm việc ở kho bạc Sài Gòn, trên đường Hàm Nghi đã có nhiều cửa tiệm và các sạp hàng trên vỉa hè bày bán loại đồ hàng mã đồ cúng và có năm ba ngôi nhà mở tiệm bán đủ các loại chim chóc cho người thượng lưu Sài Gòn mua về nuôi làm cảnh. Ông bạn già hồi còn bé thích nuôi chim cưỡng được cha dẫn lại tiệm còn nhớ lúc ấy người chủ tiệm giới thiệu con cưỡng đã biết nói hai ba tiếng. Ông kể: “Tôi ngắm con chim đen tuyền đứng trong lồng tre nghênh nghênh cái đầu nhìn mình bỗng nghe con cưỡng cất tiếng chửi thề. Cha tôi chưng hửng còn tôi thì thấy thích thú chửi nó một tiếng. Con cưỡng làm thinh nghểnh mỏ một hồi rồi lại cất tiếng lơ lớ ‘mất dạy’. Người chủ tiệm sợ cha tôi không mua, lóng ngóng giải thích chắc con cưỡng học theo mấy tiếng chửi tục từ đám người buôn bán trước tiệm của ông. Nhưng tôi cứ đòi cha mua cho bằng được. Mang con cưỡng về nhà, mỗi ngày cho ăn ớt để nó lột lưỡi học thêm nhiều tiếng thanh tao. Nuôi được vài ba năm thì con chim lăn ra chết mà không nói thêm được tiếng nào”.

Xem thêm:   Cách ăn vận của người Sài Gòn

Riêng ký ức của tôi về khu Chợ Cũ lại là chợ bán thú nuôi. Đến nay, tôi vẫn nhớ những ngày còn bé ham nuôi gà tre. Không phải tôi ham thích đá gà mà con gà tre lông đủ màu đẹp dáng làm tôi thích. Đó là khoảng thời gian đầu những năm 1970, cứ vài ba tháng, tôi lén nhà đạp xe chạy ra khu Chợ Cũ chó mèo bán dọc bên vỉa hè đường Hàm Nghi dắt xe đạp đi một vòng ngắm chim gà cá cảnh. Tôi không biết khu chợ thú nuôi này hình thành từ lúc nào, có lẽ cũng như Chợ Cũ Tôn Thất Đạm hồi đầu thập niên 1950 chỉ là vài mươi sạp chợ tụ họp buôn bán những thứ cần thiết cho nhu cầu dân chúng quanh vùng rồi sau thời gian theo kiểu buôn có bạn bán có phường nhiều người kéo nhau dựng sạp bên lề đường bày bán, họp thành khu chợ cho đến ngày nay (nghe đâu chợ bắt đầu giải toả từ tháng 2/2017 khiến nhiều người buôn bán qua hai ba thế hệ nơi này tiếc nuối hình bóng của Chợ Cũ Sài Gòn ngày xưa).

Các tiệm bán thịt quay trên đường Tôn Thất Đạm khu vực Chợ Cũ năm 1960 (Ảnh Tài liệu)

Chợ thú nuôi chỉ một đoạn ngắn hơn trăm thước trên vỉa hè đường Hàm Nghi, người ta bày bán từ phía dưới ngã tư Công Lý qua đến ngã tư Pasteur. Có chỗ dựng sạp bằng tôn hẳn hoi, tối về sập xuống khoá lại, có chỗ che dù căng bạt buôn bán đủ loại thú nuôi. Thích nhất là xem mấy người lớn mang gà chọi ra đá bên đường xe lửa giữa đường Hàm Nghi. Chỉ có phần vỉa hè đường rầy mới có nền đất hẹp dẫu sao cũng đủ chỗ cho một trận đá độ hơn thua hấp dẫn cả người đi bộ, đi xe dừng lại bu xem, có khi lấn ra tới lòng đường xe chạy.

Sau năm 1975, Chợ Cũ thú nuôi ngưng bán một thời gian ngắn, vài năm thì chợ này họp lại bán chó mèo, cá cảnh và gà đá. Một người quen di dân sang Mỹ năm 1995 kể lại, sau thời gian học tập cải tạo mấy năm về nhà không biết làm gì theo bạn bè ra chợ bán chó mèo ở đường Hàm Nghi kiếm sống qua ngày. Đến năm 1990 thì chợ lề đường này bị giải toả. Một số người bán chó tập trung ở đầu đường Lê Hồng Phong mua bán. Thời điểm này, người Sài Gòn mới biết được giống chó chihuahua nhỏ con đắt tiền. Còn mấy người chuyên bán chim cá cảnh thì lui về cuối đường Cộng Hoà, bên hông vách tường an ninh phi trường Tân Sơn Nhất tập trung mua bán. Nhưng chợ búa hay chợ vỉa hè chó mèo, chim cá cảnh lại lần lượt “dời đô” để lại một vài ký ức trong lòng người xa xứ.

TN