Cây cacao, một loại cây trồng mới làm thực phẩm và thức uống như cà phê. Loại cây trồng mới là vì nó xuất hiện từ đầu thập niên 1990 tại xứ dừa Bến Tre và rồi nó bị đốn bỏ do chưa mang lại lợi ích cho người trồng. Nhưng sau hai mươi năm, cacao được trồng trở lại và lan tận đến các tỉnh Tây Nguyên.

Cây cacao tại xứ dừa Bến Tre ra trái (Ảnh: Internet)   

Theo đánh giá của Tổ chức Cacao Quốc tế (ICCO), cacao Việt Nam đứng thứ 23 trong danh sách những nước có sản phẩm ca cao đạt hương vị tốt, là quốc gia Châu Á thứ hai đạt danh hiệu này sau Indonesia. Tuy nhiên, trong khi 40 % sản lượng ca cao Việt được công nhận thì đối với Indonesia, con số này chỉ là 1 %. Những tiêu chuẩn quyết định đến phẩm chất cacao liên quan đến cách thức trồng cây theo mô hình bền vững, thổ nhưỡng, và độ lên men của hạt ca cao. Năm 2016, Sô-cô-lat Marou của Việt Nam được New York Time đánh giá là một trong những loại sô-cô-la ngon nhất thế giới.

Tuy vậy, việc xếp thứ hạng cacao nước ta còn khiêm tốn nhưng đây không phải là điều tôi quan tâm mà là cacao VN đã có được một số sản phẩm trong thị trường nội địa cũng như xuất cảng ra thế giới qua một công ty chế biến của Pháp có tên Marou. Tôi chắc là nhiều người tiêu dùng loại thức uống cacao và chocolat ít biết nguồn gốc hình thành quá trình trồng cây cacao và việc phát triển sản phẩm của loại cây trồng đặc biệt này do quen với sản phẩm cacao đã quá nổi tiếng ở Châu Phi, Trung Mỹ hoặc qua sản phẩm tinh chế thành chocolat của các nước Châu Âu.

Tôi xin kể lại câu chuyện để chúng ta dễ hình dung cội nguồn cây cacao nước ta được trồng như thế nào khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy trái cacao bày bán chất thành đống to như núi bên lề đường thu hút sự tò mò của khách phương xa. Và đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới biết hình dáng và hương vị của thịt cacao tươi dằm với nước đá làm thức uống giải khát và thử một tách cacao nóng từ sự chế biến của một gia đình nông dân trồng cacao tại Cái Mơn Bến Tre. Thú thật, thịt cacao dằm đá chua chua ngọt ngọt cũng không ngon bằng nước đá me hay ly cacao chế biến thủ công quậy muốn gãy cái muỗng cũng không làm tan được hạt cacao vón cục nổi lềnh bềnh trong tách nước.

Hạt cacao mới tách và hạt cho lên men thủ công (Ảnh: chocolatespiel.com)

Năm 1990 tôi về Cái Mơn thực hiện bài phóng sự về cây cacao qua tin của một thông tín viên địa phương Bến Tre. Chúng tôi tìm đến nhà chú Ba Cao. Ngôi nhà gạch mái đỏ ẩn mình trong vườn dừa mát rượi. Nhưng lạ thật, không thấy bóng dáng một cây cacao nào cả mà cách đó mấy tháng, báo chí còn ca ngợi vườn cacao của chú thu hoạch trên chục tấn và còn dự định làm thí điểm mô hình trồng cacao xen với dừa để các nhà làm vườn khác ở địa phương học hỏi.

Xem thêm:   Trăm năm xe đạp

Chúng tôi chào hỏi chú Ba Cao nhưng chú khoát tay bảo gọi chú Ba được rồi, bây giờ không gọi Ba Cao nữa. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên khi nghe chú nói như vậy, vì nghĩ tên chú là Cao. Có thể cái tên này là biệt danh chú do người ta gọi hồi năm bảy năm trước khi bà con quanh vùng tìm đến chú học cách trồng cây cacao mà chú mua được hạt giống đem về trồng thử nghiệm. Cây cacao trồng xen dưới bóng dừa, chịu được thổ nhưỡng vùng Cái Mơn phát triển nhanh sau vài năm và cho quả, khiến người địa phương quanh đó nhìn thấy mà ham và muốn thực hiện giống chú. Theo tính toán, trồng cacao bán hạt thô tính ra thu hoạch ngon hơn dừa. Cây ít bệnh lại trồng xen giữa dừa, không mất đất trồng trọt, lợi đôi điều. Nhưng tính kỹ trừ tiền phân bón, thời gian chăm sóc, thu hoạch và nếu cơ sở thương lái không thu mua vì lý do này lý do nọ thì xem như lỗ trắng.

Chú Ba nói: “Ðó mấy chú thấy dọc theo nhà thờ Cái Mơn người ta chất đống bán trái mà có bao nhiêu người mua đem về dằm đá uống chơi, vài bữa nữa có nước đem về phơi khô chụm lửa. Còn móc hạt ra phơi khô bán cho cơ sở thu mua, họ nói không xuất được vì phẩm chất không bằng người ta. Thôi thì tự chế biến cacao bột theo kiểu thủ công của tôi uống cho đỡ tức. Ðiều quan trọng là mình chưa thể lên men, chế biến hạt cacao thành tinh bột cực mịn được như nước ngoài”.

Phơi khô hạt cacao kiểu nông dân. (ảnh: socolaalluvia.com)

Nói chuyện một hồi, chú Ba thú thật cái tên của mình thì càng làm tôi ngạc nhiên hơn nữa. “Cao là tên cúng cơm của tôi, ba tôi cho tôi cái tên này là hồi trước khi sinh ra tôi, ổng cũng mê trồng cây cacao, không trồng xen mà trồng thành vườn chuyên canh hẳn hoi. Trồng lấy hạt phơi khô bán cho một công ty chế biến cacao bên Pháp hồi khoảng thời gian trước 1940. Nghe ổng kể, ổng thực hiện vườn cacao là do nguyện vọng của ông nội tôi khi đó làm hương chức hội tề. Ðất đai có cả vài trăm mẫu, ngoài trồng dừa, ông nội còn trồng cacao do một viên chức Pháp trong tỉnh đề nghị trồng thí điểm, thu hoạch trái thành công sẽ thu mua và mang về Pháp chế biến cacao và chocolat”.

Xem thêm:   Những con đường... thức trắng đêm

Xem ra chuyện cây cacao là cây trồng mới không còn là mới nữa mà là chuyện cũ rồi. Không biết đời ông nội của chú trồng cacao ra sao và hư thực câu chuyện ông nội và cha chú trồng cây cacao thế nào. Nhưng theo các thông tin báo chí thuở 1990 thì cacao là một loại cây trồng mới du nhập vào VN do dễ trồng, chịu mát (trồng xen là hợp lý), tách hạt cacao thô bán ra thị trường nước ngoài dễ dàng giống như hạt cà phê xuất cảng. Cái Mơn là địa phương tiên phong trong phong trào trồng cây cacao.

Chú Ba kể tiếp: “Hồi đó, cha tôi có mấy chục mẫu trồng cacao. Nhiều nhà vườn lân cận đến học hỏi cách trồng của cha tôi và cũng tham gia trồng nhưng trồng xen với dừa để kiếm thêm tiền. Thu hoạch trái cacao, người nông dân chỉ có việc tách lấy hạt, cạo thịt, ngâm nước và đem phơi khô. Người thu mua đến tận các vườn cân mua thanh toán tiền trao cháo múc. Nhưng tiếc rằng, chiến tranh Ðông Dương diễn ra, lính Nhật chiếm Việt Nam, chuyện trồng cacao đình đốn, hạt không bán được. Và chuyện này kéo dài đến trước năm 1990, khi phong trào trồng cây thực phẩm được khuyến khích. Và tôi là một trong số những người tiên phong trồng xen cây cacao tại Cái Mơn như ông nội và cha tôi cũng từng là người đầu tiên đi trồng cây cacao”.

Các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu chế biến cacao Việt Nam (Ảnh: rfi.fr)

Thực tình tôi muốn tìm hiểu chuyện ông nội của chú trồng cacao ra sao nhưng những câu chuyện đó đều nghe cha chú kể lại và chú cũng không nhớ những tình tiết nào cho đầy đủ. Ðúng thôi. Chuyện xưa tích cũ chú thuật lại qua lời kể khó mà hình dung hư thực câu chuyện. Nhưng mới đây, trong lúc tìm tư liệu chuyện xửa chuyện xưa trên các báo ngày trước cách nay hơn trăm năm thì tôi nhặt ra được mẩu tin này trên báo Lục Tỉnh Tân Văn  xuất bản hồi năm 1910 như sau:

Xem thêm:   Swinging trò chơi thác loạn

“Bổn quán Tân Văn mới đặng một chục trái cacao của thầy cai tổng Cái Mơn gởi đến cho y theo lời Bổn quán ao ước. Bổn quán đã giao một chục trái cây ấy cho người Pháp quốc là thân nghĩa với Bổn quán đặng người ấy lo gởi về hãng bên Paris coi xét và định giá mua trái cây cacao mà làm ra món vật thực kêu là Chocolat. Chừng hai tháng rưỡi nữa sẽ có tin bên Paris trả lời qua và định điều lệ về cuộc mua bán trái cacao tại Nam kỳ. Xứ ta có một chỗ Cái Mơn trồng thứ cây ấy nhiều lắm và đã dùng hột mà đã làm thử món Chocolat rồi. Ấy là một vật bổ lao, mát mẻ. Nay thấy cai tổng có lòng với Bổn quán mà lo kiếm mối lợi cho quê hương, Bổn quán xin thầy cai nhận tình thâm cảm của Bổn quán và tự hậu ta sẽ chung lo việc lợi cho đồng bang ta”.

Ðọc xong thông tin này, tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện của chú Ba Cao mà tôi từng gặp mặt. Không biết thầy cai tổng nào đó ở Cái Mơn có liên quan gì đến chú Ba Cao hay không bởi theo lời chú kể ông nội làm hương chức hội tề ở làng Cái Mơn năm xưa. Tôi chưa có điều kiện để kiểm tra hư thực câu chuyện. Cách nay hơn mười năm, tôi có về Bến Tre chơi và ghé lại nhà chú Ba Cao nhưng chú đã thành người thiên cổ. Con chú không có trồng cacao và dừa nữa. Mảnh vườn rộng hơn hécta đã thành vườn sầu riêng.

Tình tiết chuyện cây cacao tuy mới mà cũ gợi lại nhiều hình ảnh của cây cacao xuất phát tại vùng Cái Mơn và nay cây cacao lan rộng đến vài tỉnh cao nguyên. Tuy diện tích cây cacao trồng chưa nhiều nhưng chuyện chế biến bột cacao VN xem như đã thành công mặc dù phải cần sự trợ giúp chuyên gia công nghệ thực phẩm từ Pháp.

TN