Bến Bình Đông chạy dọc theo kinh Tàu Hủ, từ bến đò La Kai (cuối đường Nguyễn Tri Phương) tới gần đình Bình An gần rạch Lò Gốm. Thời Pháp thuộc, bến này có tên là . Năm 1954 đổi thành bến Lý Thái Tổ nhưng sang năm sau, chính quyền lại đổi thành bến Bình Đông, vốn là tên thôn làng Bình Đông có từ thời Gia Long.

Một trong số nhà máy xay lúa trên bến Bình Đông ngày xưa (Nguồn: Manhhaiflickr)

Bến Bình Ðông hình thành từ thế kỷ 18 khi người Hoa ở Cù Lao Phố Biên Hoà chạy lánh nạn Tây Sơn về đây cư ngụ. Sang giữa cuối thế kỷ 19, bến Bình Ðông trở thành trung tâm giao thương lúa gạo giữa Nam kỳ và Ðồng Nai. Và đến khoảng cuối thập niên 1940, vai trò này dần dần lu mờ do tình hình chiến tranh Ðông Dương và mạng lưới giao thông đường bộ từ năm 1950 trở về sau được hoàn thiện. Thêm vào đó, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp các tỉnh miền Tây và miền Ðông phát triển, xây dựng thêm nhiều nhà máy xay xát lúa gạo tại địa phương.

Vai trò trung tâm giao thương lúa gạo dành cho bến Bình Ðông kéo dài hơn nửa thế kỷ đã tạo nên rất nhiều của cải cho các thương gia người Hoa, không chỉ ở Chợ Lớn mà còn một số công ty của người Hoa từ Singapore, Nam Dương, Hồng Kông đến đây làm ăn.

Trong bài biên khảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp viết: “Nhà máy xay lúa đầu tiên được thành lập vào năm 1869 tại Chợ Lớn. Ðến năm 1885, các nhà máy xay xát lúa tập trung dọc theo kinh Bến Nghé, trong đó có những nhà máy lớn nhất như Rizerie à vapeur và Rizerie Saigonnaise thuộc sở hữu của các công ty Pháp như Denis Frères. Những nhà máy nhỏ hơn thuộc về người Tàu và người Việt. Bức tranh này đã thay đổi nhanh chóng khi người Tàu địa phương có sự tham gia của những người trong tộc của họ đến từ Hong Kong, Singapore và miền nam Trung Hoa. Việc nắm giữ phân phối gạo của họ luôn chặt chẽ và với nguồn vốn và nhân lực mới đến, người Tàu đã sớm trở thành những thương gia buôn bán gạo hàng đầu ở miền Nam Việt Nam, thông qua điểm bán buôn ở Chợ Lớn”.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Việc hình thành nhanh chóng các nhà máy xay lúa được thuận lợi do người Pháp chú trọng việc mở mang các kinh đào tại đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển giao thông. Ðây chính là giai đoạn ngành nông nghiệp miền Nam được khai thác tối đa. Trong 37 năm (1893-1930), trung bình mỗi năm tăng thêm 35,000 hécta ruộng, tổng cộng 1,800,000 hécta đất đưa vào canh tác. Phí tổn đào kinh là 48 triệu đồng, nhưng chính phủ thâu lợi quá to: thêm thuế điền, thuế xuất cảng lúa gạo và tiền bán đất theo kiểu thuận mãi hoặc đấu giá.

Phu khuân vác đưa lúa vào nhà máy (Nguồn: AAVH j.c.) 

Thoạt đầu, nhiều nông dân cứ nghĩ kế hoạch đào kinh của chính phủ Pháp nhằm mở mang nông nghiệp các tỉnh miền Tây nhưng thực chất là đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hơn là dẫn thủy nhập điền đưa nước vào đồng ruộng cho nông dân canh tác. Ðào kinh Trà Ôn để đưa lúa từ Hậu Giang (Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ) về Sài Gòn. Số diện tích canh tác tăng nhanh là do dân số từ các nơi khác đổ về khai khẩn đất hoang, dùng sức người, sức trâu bò là chính yếu.

Nhà văn Sơn Nam viết trong Ðất Gia Ðịnh xưa: “Từ Bãi Xàu, ghe thuyền đi theo kinh Trà Ôn vào sông Tiền, qua Chợ Lớn vào bến Bình Ðông và Bình Tây (Mễ Cốc) nhập vào kho các nhà máy xay lúa. Nhưng chủ ghe là ai? Không phải là những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa. Tiền vốn của nhà nước Pháp, lúa gạo của nông dân Việt nhưng đem lại lợi tức cho người Hoa mua bán lúa”.

Người nông dân làm ra lúa gạo để ăn, phần còn lại đóng địa tô, mua phân bón, bán lúa dư cho người Hoa từ Chợ Lớn xuống thu mua bằng cách bán trước nhu yếu phẩm cho nông dân, tới mùa lúa trả lại bằng lúa. Ðến mùa gặt, thương lái người Hoa đến thu mua, điều khiển ghe thuyền chở lúa từ cảng Bãi Xàu tấp nập ngày đêm, giong buồm lên đến Mỹ Tho theo sông Bảo Ðịnh vào các kinh Chợ Gạo, kinh Nước Mặn cập bến Chợ Lớn. Nhà thơ Học Lạc mô tả:

Ghe thuyền đậu tạm trên bến Bình Đông sau khi xuống hàng (Nguồn: AAVH j.c.)

“… Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả

Cũ mới phân nhau cũng một đò.

Phố cất vẽ vời xanh tơ lục 

Buồm giong lên xuống trắng như cò…”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Do đó, bến Bình Ðông không còn là một bến ghe bình thường như những bến ghe khác ở trung tâm Chợ Lớn nữa mà là một trong những giang cảng quan trọng của vùng Chợ Lớn, là vựa chứa lúa của miền Nam. Những người cố cựu sống tại đây từ trước năm 1945 cho biết, dọc hai bên bờ kinh có nhiều nhà máy xay gạo và chành lúa dựng san sát nhau. Sơn Nam viết trong “Bến Nghé xưa” rằng vào năm 1927, ở Bến Bình Ðông có tới 70 nhà máy xay lúa, sản xuất ra thị trường mỗi năm gần 3 triệu tấn gạo, trong khi mức xuất cảng thời đó tối đa 1,300,000 tấn. Tàu hai ba trăm tấn qua lại dễ dàng nhờ lòng kinh sâu. “Dòng kinh sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm (1 dặm = 576 thước tây), theo hai con nước lớn nước ròng, thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả, thật là tiện lợi” (Lịch sử khẩn hoang miền Nam – Sơn Nam).

Thời điểm cuối thập niên 1920, bến Bình Ðông trở thành trung tâm lúa gạo phát triển bậc nhất của cả Ðông Dương. Và chính sự phát triển mạnh mẽ này đã trở thành nguyên nhân tồi tệ cho môi trường sinh sống của người dân trong cả khu vực Chợ Lớn. Các nhà máy đến thời điểm này vẫn còn sử dụng hơi nước chạy lò. Nguyên liệu chính để vận hành các nồi hơi nước là trấu từ quá trình xay xát gạo, dùng làm chất đốt gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, các hạt bụi than phát tán vào không khí trở thành kẻ giết người thầm lặng.

Dấu ấn nhà cửa của thương buôn người Hoa còn lại trên bến Bình Đông (Ảnh: Internet)

Mặc cho sự ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm thế nào, người nhập cư từ nước ngoài (Ấn Ðộ, Mã Lai) vẫn ùn ùn kéo đến đây định cư làm ăn, mua bán, mở mang hàng quán, tiệm buôn, chế biến thực phẩm làm cho bến Bình Ðông nói riêng và Chợ Lớn nói chung càng trở nên đông đúc và phồn thịnh. Nhờ sự đông đúc đó, sau năm 1945, người dân tứ xứ khắp nơi tản cư về Sài Gòn tránh chiến tranh, tìm cuộc sống mới. Một số người cắm dùi ngay tại mé kinh, dựng chòi tạm bợ. Có chỗ chui ra chui vô với họ là “thiên đường” rồi, không phải ở thuê ở mướn tốn kém tiền bạc. Bến bãi chỗ nào cũng nhận nhân công, không sợ thất nghiệp. Ðàn ông thì bốc vác lúa gạo, hàng hoá nông sản từ lục tỉnh lên, làm công nhân hãng xưởng hoặc đi làm thợ phụ ở các lò gốm; phụ nữ thì buôn bán hàng rong, hàng xén.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp viết trong bài “Vai trò lúa gạo trong đời sống kinh tế và chính trị ở Saigon-Chợ Lớn đầu thế kỷ 20” như sau: “Gạo là sản phẩm xuất cảng chính và là nguồn thu lớn nhất cho nền kinh tế ở Nam Kỳ trong suốt thời kỳ Pháp thuộc. Từ tư liệu thống kê có được trong một số tập san Phòng thương mại Saigon (Bulletin de la Chambre de commerce de Saigon) còn sót lại ở thư viện quốc gia Pháp từ năm 1881 đến 1933, cho thấy lúa gạo là sản phẩm đứng đầu và được thống kê tỉ mỉ qua số lượng, giá trị xuất cảng từ Saigon-Chợ Lớn đến các thị trường khác nhau trên thế giới. Có thể nói sự giàu có ở Ðông Dương thuộc Pháp là dựa vào lúa gạo. Thương mại lúa gạo có lợi nhuận rất lớn từ cuối thế kỷ 19 cho đến thập niên 1930, mà phần lớn là xuất đến các vùng khác ở Ðông Nam Á, nằm trong tay người Hoa. Họ hầu như khống chế toàn diện ở Saigon-Chợ Lớn, mà người Pháp hầu như bất lực không cạnh tranh nổi. Nhưng từ cuối thập niên 1930 thì thời hoàng kim của người Hoa nói chung và từ Singapore nói riêng, bắt đầu lu mờ và đến 1940 trở đi thì không còn nữa”.

Ngày nay, dấu ấn một số ngôi nhà cổ của các thương nhân người Hoa vẫn còn dọc theo kinh Tàu Hủ. Các nhà máy xay xát lúa gạo nhường chỗ cho các văn phòng thương mại với những toà nhà hiện đại. Bên cạnh đó, nhà cửa dân chúng chiếm dụng dòng kinh Tàu Hủ cũng được giải toả làm thay đổi hẳn bộ mặt sáng sủa của bến Bình Ðông năm xưa.

TN