“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai”, một ấn tượng của nhạc sĩ Y Vân trong ca khúc Sài Gòn. Bến hẳn nhiên là Bến Bạch Đằng, một bến cảng nên thơ, có từ thời nhà Nguyễn. Riêng tôi có hai ấn tượng về bến Bạch Đằng, thuở mới bước chân vào đời.

Bến Bạch Đằng năm 1961 đoạn đầu đường Nguyễn Huệ (Ảnh: E. Garett)  

Ấn tượng thứ nhất trong tôi về bến Bạch Ðằng không phải là bến phà Thủ Thiêm có trăm năm tuổi mà là nhà hàng Mỹ Cảnh nằm gần Cột cờ Thủ Ngữ, bên bờ sông Sài Gòn ngay góc xéo cuối đường Hàm Nghi. Tôi nhớ ngày đầu xuân 1979, anh bạn ở khu Mã Lạng tổ chức sinh nhật cô bạn gái khá tươm tất trên nhà hàng nổi, dù thời buổi đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Chắc hẳn anh muốn gây ấn tượng với mọi người. Những người bạn tham dự đến nay vẫn nhớ bữa tiệc vui ngày trước.

Ấn tượng thứ hai là bữa tiệc ký kết hợp đồng thương vụ xuất cảng quần áo may sẵn giữa hai công ty Việt-Xô trong một phòng VIP của Sài Gòn Floating Hotel năm 1989. Một phụ huynh làm giám đốc công ty may mặc nhờ tôi làm vai trò kiểm tra văn bản ký kết bên phía khách hàng.  Hàng hóa xuất đi từ cảng Sài Gòn. Một bữa tiệc linh đình trong thời kỳ mở cửa làm ăn với nước ngoài, so với bữa tiệc sinh nhật cô bạn gái của người bạn đồng nghiệp khác xa một trời một vực. Tuy vậy, cả hai bữa tiệc đều có điểm chung là sử dụng nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn. Ðiều này giúp tôi nhớ lại những hình ảnh bến Bạch Ðằng chạy dọc từ quân cảng cũ gần Ba Son trước năm 1975 cho đến Cảng Nhà Rồng ở rạch vàm Bến Nghé.

Trong thời Pháp thuộc, từ cầu Khánh Hội cho đến công trường Mê Linh ngày nay, người Pháp đặt tên là Quai de Donnai, sau đó lại đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 lại đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi một lần nữa là Quai Francis Garnier, và năm 1920 lại đổi thành Quai le Myre de Vilers. Riêng đoạn từ công trường Mê Linh đến cảng Ba Son, lúc đầu mang tên Primauguet, đến năm 1920 đổi thành Quai d’Argonne. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập hai đoạn đường này đặt tên là Bến Bạch Ðằng.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Vào thời gian sau 1975, quân cảng dọc theo cầu tàu nơi bấy giờ toạ lạc Sài Gòn Floating Hotel là bến neo đậu của tàu chiến khi xưa trước Bộ Tư lệnh Hải quân, ngay góc công trường Mê Linh. Từ quân cảng cũ đi ngược về tay trái là các ụ nổi sửa chữa tàu của nhà máy Ba Son; đi về tay phải là bến đò Thủ Thiêm cách đó trăm mét ngay đầu đường Nguyễn Huệ, rồi tới rạch vàm Bến Nghé. Chỉ một đoạn đường ngắn trên bến Bạch Ðằng đến Cột cờ Thủ Ngữ có 3 cầu tàu bê tông không còn sử dụng nên dân Sài Gòn mỗi chiều thường dừng xe ghé vào uống cà phê cầu tàu hóng mát hoặc ngồi lai rai một vài chai bia với con khô mực chấm tương. Dân cao niên cư ngụ hay buôn bán ở đây cho biết ngày xưa tàu đò neo đậu quanh cầu tàu rất nhộn nhịp. Tàu chạy tuyến đường sông về miền Tây theo sông Tiền, sông Hậu và sang Cao Miên từ giữa thập niên 50 trở về trước.

Quân cảng Sài Gòn từ bến phà Thủ Thiêm về đến Ba Son năm 1965 (Ảnh: John A. Hansen)

Bên mé phải rạch Bến Nghé là cảng Nhà Rồng có 3 cầu tàu lớn là nơi neo đậu các loại tàu viễn dương đi Thái Lan, Sinpagore, Hồng Kông, Nhật Bổn và tàu biển đi tuyến Sài Gòn –  Ðà Nẵng – Hà Nội – Hải Phòng. Từ đây đi xuống gặp cảng Khánh Hội dành cho tàu chở hàng có 11 cầu tàu. Cảng Khánh Hội là nơi xuất cảng nông sản gạo, ngũ cốc, cao su, muối từ các giang cảng có kho chứa bên các kinh rạch Sài Gòn – Chợ Lớn – Ðồng Nai.

Việc mất bến cảng tàu thuỷ đi các tỉnh miền Tây trên bến Bạch Ðằng là điều rất tiếc, mặc dù đó là quy luật tất yếu trong thời kỳ phát triển giao thông đường bộ. Hành khách đi xe đò về quê hoặc lên Sài Gòn tiết kiệm được nhiều thời gian nhưng lại là nỗi niềm của những người lớn tuổi. Không biết má tôi có lần nào đi tàu thuỷ lên Sài Gòn chưa hay nghe người đời trước kể lại chuyện tàu đò mà trong ký ức vẫn còn nhớ tên tuổi của một hãng tàu sông biển ở tít đâu xa tận miền Bắc. Công ty vận tải Bạch Thái Bưởi một thời tung hoành trên sông nước miền Bắc với những con tàu hơi nước mua lại từ các công ty nước ngoài từ đầu thập niên hai mươi của thế kỷ trước.

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

Bà ngoại vợ của thằng bạn, quê ở Vĩnh Long, thừa hưởng căn nhà xưa của ông cố có mặt tiền nhìn ra sông Cái Vồn, kể chuyện ngày xưa tàu hơi nước quay bánh xe chân vịt tròn bằng gỗ của công ty Bạch Thái Bưởi chở khách về Cần Thơ thường ghé bến tàu gần nhà. Hồi thời xa xưa chưa có xe đò, đường bộ còn là những con đường đất cho xe ngựa và khách bộ hành, đường sông mới là giao thông chính của các tỉnh miền Tây. Gia đình khá giả giàu có thường cất nhà mặt ngó ra mé sông, vừa hóng gió sông vừa thuận tiện lấy nước sông sinh hoạt tắm giặt lại thuận lợi đón ghe xuồng hoặc đi tàu thuỷ lên Sài Gòn hay qua các tỉnh lân cận.

Trong số những nhà tư sản đầu tiên đầu tư vào ngành giao thông đường thuỷ không phải chỉ có ông Bạch Thái Bưởi ở miền Bắc, trong miền Nam cũng có vài công ty của Hoa kiều và người Pháp thành lập trước đó hai ba thập kỷ. Tuy nhiên, hãng tàu Bạch Thái Bưởi là một công ty lớn, có tàu chạy đường biển lẫn đường sông nên được giới báo chí thời đó thường nhắc tới, người cả nước đều biết. Có một giai thoại về chuyện làm ăn của ông Bạch Thái Bưởi trở thành cái gai trong mắt của Thống sứ Bắc Kỳ René Robin. Ðại loại trong một hội nghị kinh tế, Bạch Thái Bưởi bênh vực quyền lợi làm ăn của người dân bị trị, ông René Robin đe doạ: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Ông Bưởi đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”. Ðầu thập niên 30, công ty Bạch Thái Bưởi có trên 40 con tàu chạy khắp vùng sông rạch trong nước và mở các tuyến đi Ðông Nam Á.

Tượng Trần Hưng Đạo, Thánh tổ  binh chủng Hải quân tại Công viên Mê Linh năm 1967 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Có lẽ do tinh thần thượng tôn dân tộc nên người dân đời thường hay nhắc tới công ty vận tải đường thuỷ của ông Bạch Thái Bưởi nhưng trong các biên khảo lịch sử ghi nhận thì công ty Larrieu et Roque của Pháp là công ty đầu tiên khai thác ngành giao thông vận tải đường thuỷ vào năm 1872. Công ty này mở tuyến đường sông đi các tỉnh miền Ðông, miền Tây và qua Nông-Pênh (Phnom Penh). Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” ghi nhận, công ty tư nhân này được chính phủ trợ cấp tài chánh để chở thơ từ, nhân viên, dụng cụ cho nhà nước thực dân. Ngược lại nhà nước được quyền trưng dụng tàu thuỷ để chở lính trong trường hợp có nghĩa quân nổi dậy. Mấy năm sau, công ty mở ụ sửa chữa tàu, lập lò đúc đồng, đúc gang đóng tàu, rồi thành lập hãng C.A.R.I.C ở bên kia bờ Thủ Thiêm đóng thêm phà, sà lan, tàu đường sông có sức chở lúa gạo lên đến 500 tấn.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Thời đó tàu đường sông mà có sức chở lên đến 500 tấn lưu thông được là do các kinh rạch được nạo vét tốt không bị bồi lấp và dân cư chưa lấn chiếm nên tàu bè từ các giang cảng thông thương qua kinh Tẻ ra cảng Tân Thuận và rạch Bến Nghé ra cảng Nhà Rồng dễ dàng. Từ thập niên 60, rạch Bến Nghé bị thu hẹp dần do bồi lấp và dân cư lấn chiếm, cầu quay Khánh Hội sau 1954 đã bị dỡ bỏ xây cầu bê tông, rồi đến năm 2006 bị phá đi xây cầu mới to hơn và đẹp hơn với chức năng phục vụ đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm. Có lẽ đôi tình nhân sống kiếp thương hồ neo đậu ghe đò trên rạch Bến Nghé năm xưa đã thề non hẹn biển “chừng nào cầu quay nọ chưa quay / thì qua với bậu mới đứt dây cương thường” cho mối tình chung thuỷ như đoạn giữa chiếc cầu quay mỗi ngày cho tàu thông ra cảng lớn. Bây giờ thì cầu quay đã thôi quay từ rất lâu rồi và qua với bậu đã ra người thiên cổ.

Trong thời vàng son dưới chính phủ VNCH, có những kế hoạch chỉnh trang đô thị, một trong số đó là biến đổi khu vực bến Bạch Ðằng vừa là bến cảng vừa là công viên bờ sông để dân Sài Gòn có nơi dừng chân hóng mát. Công trường Mê Linh được đổi tên từ công trường Rigault de Genouilly (từng là Thống đốc Nam kỳ và là Ðô đốc thuỷ quân trong thời Pháp thuộc). Ðến năm 1962, chính quyền Sài Gòn cho dựng tượng đài Hai Bà Trưng, và sau đó vào thời đệ nhị Cộng Hoà, tượng Hai Bà Trưng bị giật sập, được thay bằng tượng Ðức thánh Trần Hưng Ðạo, Thánh tổ binh chủng Hải quân đứng trên một bệ đá cao, chỉ tay về phía bến Bạch Ðằng như nhắc nhở trận chiến oai hùng năm xưa với giặc phương Bắc Ô Mã Nhi trên sông Bạch Ðằng.

TN