Từ khi Pháp rút quân, đất nước chia làm hai miền và hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam khiến Sài Gòn trở nên chật chội. Các vùng đất ngoại ô thưa vắng bóng người bắt đầu nhộn nhịp với các công trình xây dựng đường sá và các khu dân cư tập trung. Cùng với việc mở rộng các quận nội thành, dần dần định dạng hình ảnh của một Sài Gòn sầm uất.

Khu chợ Nancy vào thập niên 1960 (Ảnh: Internet) 

Trong Chuyện đời của phố V, tác giả Phạm Công Luận có ghi lại tình hình phát triển đô thị trong một bài điểm qua sự thay đổi hiện trạng các khu vực thuộc nội đô Sài Gòn trong 9 năm dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hoà trên Báo Sáng dội Miền Nam số 48 (6/1963). Nay tôi xin trích lại một phần tóm lược khu vực Sài Gòn dành cho những ai từng chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn vào giữa thập niên 1950 để gợi nhớ những ký ức của một thời nơi mình đã và đang sống.

  1. Góc đường Trần Hưng Đạo – Đề Thám

Năm 1954, khu này còn là một bãi rác khổng lồ bên cạnh khu nhà lá Sáu Lèo (xem thêm bài viết “Sài Gòn có xóm Sáu Lèo” đăng trên báo Trẻ) trông ra đường Phạm Ngũ Lão, sau Sở Hoả xa. Bãi rác và khoảng đất trống ấy rất hôi hám nên người đi xe điện từ Sài Gòn vô Chợ Lớn đều phải bịt mũi khi xe ngang qua đây. Ðường từ Sài Gòn vô Chợ Lớn khi ấy chưa có nhà cửa liền vách như sau này, lưa thưa nhà dân với vườn hoang, đất trống. Khu vực này rộng nhưng đất thấp nên rác đổ dồn về đây. Ðến năm 1963, bãi rác biến mất không vết tích, trở thành khu tập trung các cửa hàng lớn bán đồ nhập cảng, phụ tùng xe hơi và máy móc các loại.

  1. Khu chợ Nancy

Năm 1955, khu này bị cháy do một trận đánh giữa chính phủ với lính Bình Xuyên. Nhà lá cháy hàng cây số. Các nhà sàn cháy cả cọc dưới nước. Nước sình lấy, nước cống cũng sôi cả lên. Trụ sở Bộ Lao động và Thanh tra Lao động ở đó cũng bị cháy. Cháy cả hàng cây trồng ngoài đại lộ. Ðến 1963, ai đi qua đại lộ Trần Hưng Ðạo ngang khu Nancy đều thấy nhà hai ba tầng mọc lên. Các cửa hàng tạp hoá, quán ăn, xưởng cưa xẻ gỗ, nhà thuốc mọc ken đầy tạo thành khu trung tâm náo nhiệt giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Ngoài ra có 8 toà chung cư từ 5 đến 9 tầng được tư nhân xây ở khu vực này. Các công sở như Bộ Lao động, Nha Thanh tra Lao động, Cảnh sát Ðô thành, Trung tâm Huấn luyện cảnh sát và trường Huấn luyện cứu hoả cũng đã xây xong.

  1. Khu cầu chữ Y và đường Nguyễn Biểu
Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Khu này cũng bị cháy trong trận chiến với Bình Xuyên. Phần lớn người dân ở đây làm việc ở nhà máy điện Chợ Quán, lò heo Chánh Hưng hoặc buôn bán ở chợ Nancy và Chợ Quán. Ðến năm 1963, đường Nguyễn Biểu nối từ đường Trần Hưng Ðạo tới Nguyễn Trãi đâm thẳng vào Bái Ái Học viện (sau là trường Cao đẳng Sư phạm, nay là Ðại học Sài Gòn). Những nhà dân được cứu trợ sửa sang mặt tiền nhà hoặc xây lại nên hai dãy phố trên đường Nguyễn Biểu càng đông đúc vui vẻ với các cửa hàng bán buôn. Ðến lúc đó, không còn tàn tích gì của cuộc chiến với Bình Xuyên.

Khu vực cầu Chữ Y nhìn từ trên cao dày đặc dân cư bên phía quận 5 (Ảnh: Internet)

  1. Khu chợ Hoà Bình

Trước 1945, khu chợ này chỉ có một nhà lồng, còn bên ngoài bị lính Pháp rồi Nhật trưng dụng. Sau đó, quân đội nhà nước miền Nam xây dựng doanh trại sử dụng đến 1955.

Từ sau 1955, khu này dần biến đổi. Chung quanh chợ là khu đô thị mới với nhiều nhà hai, ba tầng lầu, cửa hàng buôn bán sầm uất không khác khu Chợ Cũ Sài Gòn hay khu Khổng Tử trong Chợ Lớn. Toàn khu có hai chục mẫu đất, gồm nhà cửa, cửa hàng sang trọng đắt tiền. Bến sông bên cạnh có chợ bán trái cây và cây kiểng. Toàn khu có đường ngang đường dọc rộng rãi và được tráng nhựa. Ðây là khu cư ngụ của người Hoa từ Chợ Lớn dọn ra, có cả những người Hoa di cư vào Nam từ năm 1954 và người Hoa từ Trung Quốc chạy sang năm 1949.

  1. Khu Pétrus Ký và bến xe Lục tỉnh
Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Trước 1954 đây là khu nhà lá cất tạm bợ không hàng lối. Trước đó, xe đò đậu san sát nhau kéo dài có đến một cây số từ ngã tư Nguyễn Trãi đến trường Quốc gia Hành chính. Xe từ ngã sáu chạy về Lục tỉnh phải len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp và đông xe cộ. Khu Pétrus Ký trở nên phồn thịnh từ khi có bến xe. Khi các nhà lá được làm trước kia vi phạm lộ giới bị dời đi, những nhà còn lại ở mặt tiền đường đua nhau sửa sang thành cửa hàng, hoặc cất lên hai, ba tầng để vừa ở vừa buôn bán. Ðường vừa làm xong thì nhà cửa hai bên cũng xây xong. Cho đến thời điểm 1963 thì xe cộ lúc nào cũng ra vô huyên náo, từ 4,5 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya.

Khu bến xe Lục tỉnh hướng ra đường Nguyễn Trãi (Nguồn: Manhhaiflickrs)

  1. Đường Trương Minh Giảng (sau này là Lê Văn Sỹ)

Ðây là con đường tiêu biểu cho sự nỗ lực xây dựng trong giai đoạn 9 năm 1954-1963. Trước 1954, khi chưa phóng con đường này ra tới khu Lăng Cha Cả thuộc ngoại ô thành phố, đây chỉ là một con đường nhỏ hẹp băng qua ruộng lúa, vườn cây, vườn rau. Chỗ cao thì có dăm bảy túp nhà lá. Chỗ thấp là ruộng rau muống với bãi đổ rác. Chỗ này, sau là chợ Trương Minh Giảng với khu lầu phố chung quanh. Cả một dọc dài từ ngã ba đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Quang Diệu) trở đi được coi là vùng quê xa xôi hẻo lánh, không ai muốn bước chân tới sau khi mặt trời lặn.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Sau 9 năm, dọc hai bên đường gần 5 cây số đã thấy toàn nhà mới cả. Cư xá nhân viên phủ Tổng thống, cư xá Nông tín cuộc, cư xá bình dân Kiến ốc cục, tu viện Ða Minh. Các biệt thự lầu, trường tiểu học Trương Minh Giảng 4 tầng lầu, các dãy phố buôn bán, rạp hát, chiếu bóng… Toàn bộ xây dựng trong vòng 4 năm khoảng 1959 đến 1963.

Đường Trương Minh Giảng, ngay khu vực chợ trước kia là bãi rác. (Nguồn: Manhhaiflickrs)

  1. Khu Ngã Sáu và xóm Bàn Cờ

Khu Ngã Sáu, nay gọi là Ngã Sáu Cộng Hòa, nơi gặp gỡ của các con đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú), Cộng Hoà (Nguyễn Văn Cừ), Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) là đầu mối giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, song song với đầu mối khác tại ngã tư Cộng Hoà – Trần Hưng Ðạo.

Ngã Sáu là một góc của khu Bàn Cờ, khu đông dân nhất Sài Gòn, với đường ngang dọc vuông vắn như ô bàn cờ. Xưa kia, chỉ bên đường Hồng Thập Tự có nhà xây bằng gạch, sau dãy nhà ấy chỉ toàn nhà lá một mặt lan ra tới khu chợ Vườn Chuối dọc đường xe lửa, một mặt lan ra tới vườn Bà Lớn ở đường Phan Thanh Giản.

  1. Khu Vườn Là

Trước 1954 và Bình Xuyên, khu này nổi tiếng có nhiều nhà chứa, có chi nhánh sòng bạc Kim Chung của Ðại Thế Giới, khu ăn chơi của lính viễn chinh Pháp. Từ khi chính phủ cấm “tứ đổ tường”, nhà chứa bị phá bỏ, gái mãi dâm được đưa vào trại hướng nghiệp, khu này trở nên hiền lành, sạch sẽ tệ nạn. Ðến năm 1963, ở đây thành khu sản xuất hàng tiểu thủ công nghệ cung cấp cho các nhà buôn trong thành phố. Ðó là bàn ghế bằng sắt, đồ chơi cho trẻ em, sườn xe đạp, đồ gỗ, đồ mây, đồ nylon…

Kể từ khi Sài Gòn và Chợ Lớn nhập lại vào năm 1956, thành phố mở rộng, đô thị hoá rất nhanh chóng, lan ra từ các khu nội đô đến chừng 5 cây số. Sự phát triển khu vực Chợ Lớn, tôi sẽ trình bày vào dịp khác.

TN