Chú Ngôn hích cùi chỏ vào tay Kevin. Nó giật mình mở mắt.

– Tới đâu rồi Chú?

Không trả lời, chú Ngôn chỉ cảnh biển bên phải. Nó la lên:

– Biển đẹp quá!

Kevin hiểu ý chú Ngôn, lôi chiếc máy Canon gồ ghề ra khỏi túi xách.  Kevin vui ra mặt, nói đây là cảnh đẹp nhất nó bắt gặp từ ngày về Việt Nam.  Nó chê biển Vũng Tàu tạp nhạp, cảnh Suối Tiên giả tạo, phố xá Sài Gòn ô nhiễm. Coi bộ thằng nhỏ mê chụp hình giống Chú hồi đi lính, về hậu cứ hay ngoài mặt trận, lúc nào cũng kè kè chiếc máy Petri bên mình.  Mà thiệt, hình nó chụp cái nào cũng có góc cạnh độc đáo.

Biển một màu xanh biếc, lặng im với vài chiếc tàu lẻ loi xa xa.  Bên đường lộ, là một cơ sở du lịch, lèo tèo vài chiếc xe hơi, không có dấu hiệu hoạt động tấp nập.  Khu du lịch này tương phản với những xóm dân cư vừa đi qua với màu đất khô cằn, nhà cửa nghèo nàn, dân chúng khắc khổ. Nó nói chụp trên xe khó mà có hình nghệ thuật, chuyến về cho nó xuống biển mới có dịp trổ tài.

Bỗng chiếc xe đò giảm tốc độ rồi đột ngột thắng gấp.  Hành khách chúi đầu về phía trước sắp đụng vào ghế xe. Xe gặp tai nạn?  Trời đất, ngay giữa lộ, một thằng bé non choẹt thản nhiên ra hiệu cho xe đò quẹo vào bên trái. Thằng Kevin buột miệng kêu lên:

– Oh My God! Cảnh sát giao thông Việt Nam là một thằng nhóc!

Thằng bé khoảng 12 tuổi khoát tay điệu nghệ như một cảnh sát công lộ.  Tài xế như đã quen thuộc, lái xe vào bãi đất trống trước mặt một cái quán. Trong sân đã có hai chiếc xe đò. Một thanh niên từ trong quán chạy ra cài lại hàng rào kẽm gai, y như người lính bảo vệ đồn thời chiến.

Quán Thùy Dương.  Bảng hiệu màu sắc lòe loẹt tương phản với cái tên.  “Chào mừng quý khách, cà phê, giải khát, điểm tâm, cơm, các món nhậu, có lẩu dê, đặc biệt nem nướng Ninh Hoà, phục vụ tận tình, giá đặc biệt, kính mời”. Bà chủ xe la lớn:

–  Bà con xuống xe ăn cơm.  Xuống hết nghe!

Chú Ngôn cúi xuống sàn xe tìm cặp nạng.

–  Đây là đâu Chú?

– Gần tới Cam Ranh.  Xuống xe mầy.

–  Làm gì Chú?

–  Vào ăn cơm.

–  Cháu không đói.

– Không đói cũng phải vào.

– Cháu muốn ngồi trên xe.

–  Mầy ngồi trên xe, mấy thằng lơ hỏi thăm mầy liền.

–  Tại sao?

Chú Ngôn không trả lời. Nó cũng không hỏi nữa.  Trên xe đò từ Sài Gòn ra Trung thăm bà Ngoại, cái thằng cháu 30 tuổi luôn miệng hỏi.  Đôi khi Chú gắt lên:

– Cái xứ sở này là vậy, không có gì là vô lý cả!

Xe ngừng, không khí trong xe càng ngột ngạt.  Hành khách giành nhau xuống xe. Cái nạng cũng giúp chú Ngôn một chút ưu tiên.  Kevin đưa tay đỡ Chú, nhưng bị gạt đi:

– Tao đi một mình được rồi.

Nói vậy nhưng Chú cũng để nó dìu đi.

– Mầy chưa thấy mấy thằng ăn xin ở Sài Gòn.  Cụt hai chân, đít lót vỏ xe, băng qua đường bằng 2 tay còn nhanh hơn người thường.  Xẹt một cái, đu theo xe buýt như trong gánh xiếc.

– Họ là những anh hùng.

– Anh hùng mẹ gì.  Kiếm ăn là bất chấp.  Mấy năm trước tao cũng bầm giập như họ. Tụi bây không gởi tiền về, không đi bán vé số tao cũng đi ăn xin.

Thằng Kevin bỗng nhìn Chú với ánh mắt lạ.  Trong những thằng cháu từ Mỹ về, Chú thích nhất thằng Kevin, bởi nó là thằng duy nhất biết nói tiếng Việt, mà nói sành sỏi.  Chú nói với mọi người, nó không phải dân Mỹ mà là thằng da vàng mũi tẹt chính gốc “a na mít”.  Chú không kêu nó là Kevin mà một hai đều Út, coi như con nít.

Về Sài Gòn lần đầu, nó theo Chú đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nó khoái đi xe ôm hơn taxi.  Nó nói đường phố Sài Gòn con gái toàn là nurse, con trai là pilot. Mới đầu Chú không hiểu, sau ngẫm ra mới thấy thằng này cũng mang máu khôi hài đen của dòng họ Phan. Nó nhìn người Sài Gòn qua cái khẩu trang và cái nón bảo hiểm!

Nó có thể ngồi trên gác nhâm nhi cốc rượu thuốc để nghe chuyện đời lính ngang dọc của Chú. Nó ít nói, thích quan sát và hay tò mò.  Cái gì nó hỏi đừng hòng lẩn tránh, phải có câu trả lời thỏa đáng cho nó.

Xem thêm:   Aleeza

Nó bắt Chú dẫn ra miền Trung thăm Ngoại, quên bén đi Chú là phế binh một giò khập khiễng với cặp nạng cũ mèm từ năm 1972.  Xem ra nó khác với những thanh niên về nước. Nó không kiểu cách, khoe khoang.  Cái gì cần là nó sẵn sàng chi, không cần là một xu cũng không bỏ ra.  Ngoài cái tánh tò mò, Chú nghĩ thằng Út quan tâm đến chuyện gì đó khi về nước.  Nó hỏi như một người ngây ngô nhưng Chú tin đầu óc nó không ngây ngô chút nào.  Có phải đó là cách biểu lộ học được ở người Mỹ hay tại bản tánh nó?

Hai chú cháu đã vào trong quán.  Quán Thùy Dương ồn ào như cái chợ, kẻ kêu thức ăn, người kéo ghế, một nhóm khác múc nước rửa tay chân.  Đằng sau quầy thức ăn và một nồi cơm to tướng, một người đàn bà mập phì phà điếu thuốc đầu lọc.  Thấy khách vào, bà vụt điếu thuốc xuống đất, đưa chân chà đi chà lại.  Một cô gái ăn mặc theo lối nhà quê đến bàn chú Ngôn đưa cái khăn cũ lau xẹt xẹt mấy cái rồi hỏi:

– Mấy Chú ăn gì?

Chú Ngôn đưa mắt nhìn Kevin.

– Mầy phải ăn một cái gì. Hơn tiếng nữa mới tới nơi.

Kevin lắc đầu, kêu chai nước suối.  Chú Ngôn kêu đĩa cơm sườn và một ly trà đá lớn.  Hai chú cháu cùng nhìn qua chiếc bàn tròn lớn bên cạnh. Bà chủ xe, tài xế và 2 lơ xe được 2 người bồi chăm sóc chu đáo, trong khi các bàn khác mạnh ai nấy ăn uống.  Chú Ngôn hỏi thằng Út:

– Mầy biết tại sao tài xế kêu hành khách phải vô hết trong quán không?

– Cháu không biết?

– Mầy không biết là phải, nhưng hành khách ai cũng biết. Chủ xe thích ăn quán nào là biểu tài xế tắp vào. Hồi nãy mầy không thấy tụi nó lấy kẽm gai vây kín lại, không cho ai ra khỏi khu vực. Chủ quán chơi đẹp với ê kíp xe đò, bao luôn cả lơ xe.  Họ kêu đồ ăn thả giàn, uống bia Heineken, hút thuốc ngoại.

– Cháu hiểu rồi. Hành khách sẽ trả tiền cho họ?

–  Mầy thông minh.  Chủ quán sẽ chặt đẹp hành khách.  Mấy ông nhà quê đem theo bánh mì cũng phải mua một cái gì đó, nếu không sẽ lôi thôi. Bà chủ xe mặc đồ mousseline mỏng dính, tay kè kè túi xách đựng tiền. Trên tay bà óng ánh đồ trang sức nặng trịch.  Bà đang lớn tiếng thuật lại đêm qua tên quản lý thị trường đến khám xe bà đang chất hàng ở Ngã Sáu. Bà chửi thề ngọt xớt.  Hằng tuần bà đóng hụi chết cho cả đám, vậy mà lâu lâu lại kiếm chuyện kiếm chác thêm.

Tài xế lầm lì ngồi ăn không nói, 2 thằng lơ hì hục ăn như chưa bao giờ được ăn ngon.

Cô gái mang đồ ăn ra rồi biến vào trong.  Kevin bỗng nghe gần cửa ra vào giọng một ông già:

–  Bà chủ. Cho đổi tô bún.

Một cô gái mặc áo bông sặc sỡ từ trong quầy hàng tiến lại.

– Gì mà ông la dữ dzậy?

– Không la làm sao cô tới? Tô bún này thiu rồi.  Đổi tô khác.

–  Này ông già.  Hồi sáng tới giờ khách ăn hà rầm, có ai kêu ca gì đâu?

Người đàn bà mập bỏ nồi cơm chạy lại.  Cô gái phân bua:

–  Má coi, ông già này cứ nói mình làm bún thiu cho ổng ăn.

Người đàn bà chỉ ngón tay trỏ vào mặt ông già:

–  Này ông anh, quán này uy tín, chưa bao giờ bán đồ thiu.

– Bà ăn tô bún này sẽ biết. Mấy người lấy tiền trước, rồi thảy cho khách đồ thiu.

–  Ông ăn nói đàng hoàng nghe. Tôi nể ông già rồi, không muốn chuyện lôi thôi.

– Bà mới là người kiếm chuyện! Không đổi tô khác thì trả lại tiền cho tôi!

–  Ông không ăn thì ráng chịu. Không trả lại tiền!

Trước thái độ quyết liệt của bà chủ, ông già tức tối.

– Đem vô trong cho cả nhà tụi bây ăn

– Ông cà chớn vừa thôi nghe!

Vừa lúc đó, một tay anh chị bặm trợn, không biết từ đâu đến bên bà chủ quán

– Chị Bảy để em.

Kevin chỉ kịp nghe tay anh chị lớn tiếng “Ê ông già giỡn mặt hả” là thấy ông ngã cái rầm xuống nền xi măng. Hắn cầm ngay tô bún thiu đổ ụp lên đầu ông già.  Lúc này tài xế với bà chủ quán đến năn nỉ tên du đãng.  Hắn cứ sấn tới, nhưng bà ôm nó vào trong. Bà còn quay lại chửi hùa theo mấy câu.Hành khách tiếp tục ăn uống, không màng đến chuyện ông già bị nạn.

Xem thêm:   Ngày không còn mẹ

Ông già bỗng đứng dậy, làm như cú đấm của tay anh chị không nhằm nhò gì. Nhưng một bên mặt sưng lên thấy rõ, mắt phải híp lại. Thằng ác ôn chơi ngay gần con mắt. Một tay che mắt, một tay chỉ mặt bà chủ, ông hét lên:

–  Nghe cho rõ đây. Tụi bây mở quán để ăn cướp, nuôi du đãng để lột tiền khách đi đường. Thí cho tụi bây mười ngàn. Ăn cho cố rồi ỉa ra, ăn vô trở lại.

Đột nhiên tay anh chị quay trở lại, nhanh như chớp tung cú đấm thứ hai vào mặt trái ông già. Quá bất ngờ, tài xế và bà chủ xe chỉ biết ôm chặt tên anh chị.

– Bỏ qua đi chú mầy, chấp chi ông già khùng.

Ông khách già gần như bất động trên nền nhà. Rất nhanh, Kevin bật dậy khỏi ghế nhào đến đỡ ông già ngồi lên. Máu mũi trào ra, má trái sưng bầm lên. Nếu ở bên Mỹ, Kevin sẽ gọi cảnh sát ngay để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhưng đây là Việt Nam, nó không biết phải làm gì. Nó mở ngay ba lô lôi ra cọc napkin, tìm cách cầm máu cho ông già.

Thấy nguy kịch, bà chủ xe bảo Kevin đưa nạn nhân ra xe.

Chú Ngôn đã theo dõi việc làm của thằng cháu. Thằng Kevin không ngây ngô như Chú nghĩ.

Hành khách lục tục lên xe. Ông già ngất đi. Xe chạy được một lúc thì ông tỉnh lại. Ông nói không sao, nhưng Kevin biết chắc khi đến Nha Trang, người ta phải đưa ông nhập viện. Chú Ngôn xoay qua thằng cháu:

–  Ông già nói đúng.  Mấy quán cơm vùng này đều có du đãng bảo kê.  Không phải người dân nào cũng được mở quán.Không có công an đỡ đầu, đừng hòng làm ăn. Ở đây xài luật rừng. Tao còn hên hơn ông già, cơm không thiu. Mầy cũng hên, không ăn gì.

– Bộ ở đâu cũng vậy sao Chú?

– Rừng nào cọp đó. Nhưng chuyện này chưa đến nỗi nào. Ra ngoài Bắc còn ớn lạnh hơn. Du đãng trong Nam là thứ du đãng bề nổi, khôn khéo có thể tránh được. Du đãng ngoài Bắc nhẹ nhàng nhưng thâm hiểm.

– Cháu không hiểu tại sao ông già bị đánh.  Ông chỉ muốn chủ quán đổi tô bún.

–  Quán mở ra để vét tiền hành khách, không phải để phục vụ.

Kevin lẩm bẩm.

– Not fair!

– Ở Việt Nam bây giờ không chỗ nào fair cả. Cái xứ sở này ở đâu cũng đáng sợ.  Sợ dao du đãng, sợ hàng xóm nổi máu giang hồ, sợ công an phường làm tiền, sợ mất chỗ làm, sợ chính quyền lấy đất … Sợ đủ thứ. Đâu cũng có côn đồ du đãng. Tao nói du đãng đây là bao gồm cả công an, cán bộ. Tụi nó là siêu du đãng.

Kevin im lặng một lúc rồi buông một câu:

– Cháu muốn bảo lãnh Chú qua Mỹ.

–  Tao không muốn đi Mỹ. Mầy gởi về chút đỉnh để tao chăm sóc mồ mả Ba mầy là được rồi.

Chú Ngôn nhìn kỹ Kevin một lúc lâu khiến nó ngạc nhiên. Nó đoán chú nó sắp có câu hỏi quan trọng.

– Nói thật đi, mầy giấu tao chuyện gì phải không?

– Sao Chú lại hỏi câu đó?

– Mấy ngày nay tao muốn hỏi mầy, nhưng chuyện mầy làm với ông già vừa rồi, tao muốn mầy nói thật. Mầy về thăm tao nhưng mầy còn có chuyện gì khác nữa?

– Cháu chỉ muốn giúp ông già cầm máu thôi.

– Tuần trước, mầy đi đâu 2 ngày?

Như chột dạ, Kevin làm thinh. Chú Ngôn đáng nể thiệt. Một lúc sau nó mới từ tốn nói:

– Cháu nghĩ chưa đúng lúc để nói với Chú. Cháu có một số bạn trẻ ở Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhóm của cháu bên Mỹ. Công việc của tụi cháu rất đơn giản là tạo nên một ảnh hưởng tốt trong cuộc sống của một số bạn trẻ trong nước, khởi từ tình bạn, tình gia đình đến xã hội, tôn giáo. Cháu không có tham vọng thấy kết quả việc mình làm, cũng không có tham vọng mở rộng số bạn trẻ đi xa hơn, nhưng tin rằng việc làm tốt sẽ đóng góp hay ảnh hưởng tốt đến xã hội.

Xem thêm:   Cây sồi

– Mầy không sợ công an trà trộn vào tổ chức?

– Tụi cháu không là một tổ chức, không có danh xưng, cho nên không ngại công an trà trộn. Chú muốn nghe tiếp không?

– Mầy cứ nói, tao không ngắt lời là mầy hiểu.

– Nhờ họ, cháu nắm bắt được tình hình ở Việt Nam nhanh hơn truyền thông bên Mỹ. Có những thứ tụi nó hiểu rộng hơn cháu nghĩ, có lẽ đa số có thân nhân ở hải ngoại hay là gia đình thuộc chế độ cũ. Cũng có một số du học sinh tham gia. Có những cuộc họp mặt để hướng dẫn về kỹ thuật, để tổ chức cứu trợ thương phế binh của Việt Nam Cộng Hoà và cả bộ đội miền Bắc. Có chuyện này nhờ Chú giúp.

– Cứ nói.

– Chú cứ chống nạng đi các con hẻm tìm gặp những đứa bé bỏ học bán vé số hay lượm ve chai, chọn khoảng mười đứa nghèo khổ nhất. Tụi cháu sẽ giúp tụi nó đi học trở lại.

– Tiền bạc đâu để giúp hết những đứa trẻ bất hạnh?

– Nhóm gồm những đứa có công việc ổn định. Đa số tụi nó nằm trong các tổ chức tôn giáo hay các hội từ thiện. Tụi cháu thỉnh thoảng cũng đi rửa xe gây quỹ giúp các quán cơm từ thiện ở Sài Gòn. Giúp được bao nhiêu tuỳ khả năng của mình. Phần còn lại Trời sẽ giúp.

– Ăn cắp câu này ở đâu vậy thằng nhóc?

– Ăn cắp của Mẹ.

– Mầy làm chuyện này bao lâu rồi?

– Cũng gần 5 năm.

– Ai xúi mầy làm?

– Mẹ cháu. Mẹ không xúi, chỉ đưa ra một số việc làm thiện nguyện để cháu chọn lựa.

Chú Ngôn nghĩ về gia đình. Kevin sinh đầu tháng Tư năm 75  lúc Ba nó đang quyết tử với Bắc quân tại trận Xuân Lộc những ngày cuối cùng trước khi có lệnh buông súng. Ba nó sống sót tìm cách ra đi nhưng bất thành. Thoát chết trong chiến tranh nhưng ông lại ra đi vì bị hành hạ trong trại tập trung ngoài Bắc. Lúc đó Kevin mới 3 tuổi, nên mẹ nó không thể dẫn đi thăm Ba nó trong tù. Nó gần như không có kỷ niệm thời thơ ấu về người cha của mình.

– Mẹ cháu nói cuộc sống giá trị bằng việc làm hơn là đi chùa nhiều lần. Gia đình mình yên ổn bên Mỹ, nhưng trẻ em Việt Nam thì bươi rác, bán vé số, làm thuê làm mướn để sống qua ngày. Sau những giải thích của mẹ, cháu biết mình phải làm gì. Cháu làm việc này vì Ba cháu, một người lính chiến đấu đến cùng. Chịu đựng trong tù mà không đòi hỏi gia đình chu cấp gì trong các đợt thăm nuôi. Chết vì kiệt sức trước sự tra tấn của cán bộ tù. Với cháu, ông là một anh hùng!

Một khoảng im lặng.

Không biết Kevin đang nghĩ gì, riêng chú Ngôn thì hồi tưởng đời quân ngũ của mình. Bị thương ở mặt trận An Lộc năm 1972, nơi Chú nói mỗi thước vuông là mỗi quả pháo của Việt Cộng.  Một quả rớt ngay hầm phòng thủ, 2 thằng bạn biệt kích 81 đi đong, Chú may mắn sống sót nhưng sau đó phải cưa một giò.  Chú nói Chú không tiếc cái giò mà tiếc cái ba lô đựng những tấm hình chụp công phu về chiến trường An Lộc.

Chú không bị đi tù, nhưng gia đình Chú khốn đốn sau ngày mất nước.  Ngày xưa, trong khi cha của Kevin thi đậu xong Tú Tài II là nhảy vô Võ Bị Đà Lạt, còn chú cứ nhẩn nha học Văn khoa.  Đùng một cái, chiến sự leo thang, Chú nổi hứng đầu quân vào Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù.  Giải ngũ năm 1972, Chú sống lây lất nhờ viết cho vài tờ báo. Sau năm 1975, số phận Chú còn thê thảm hơn. Tay chân lành lặn còn xất bất xang bang, huống hồ Chú chỉ có một giò. Chú đi làm phụ hồ, đào giếng, làm bất cứ gì để sống qua ngày.

Nghe thằng cháu tâm sự, chú Ngôn thực sự xúc động. Chú tự hào về Ba nó, cũng tự hào về thằng cháu.

– Chú Ngôn! Sao làm thinh vậy?

– Tao đang nhớ … Ba mầy. Mầy nói đúng. Ba mầy là một anh hùng. Mầy cũng … giống Ba mầy.

CL