Cuối năm, thỉnh thoảng lắm mới có vài giọt nắng rớt vội qua hiên nhà. Bầu trời tháng Chạp đùng đục, lờ nhờ. Chẳng thấy mây đâu mà chỉ thấy cả không gian trắng xám, nhàn nhạt y hệt như một ly sữa lớn pha loãng. Mặt trời lên muộn và luôn luôn tắt sớm. Chưa chạng vạng tối đã thấy sương rơi trên dãy núi sau lưng nhà mờ mịt. Con sông ven phố với những hàng khuynh diệp lắt lay gió, ẻo lả nghiêng mình bên bờ nước càng làm cái ảm đạm chung quanh tăng lên. Ðã hết những ngày mưa mùa Ðông, các đợt thủy triều không còn bùng lên hung hãn, dữ tợn và ngầu đục phù sa, nhưng mặt nước tối ám, dày đục. Nhìn xa chẳng khác gì một miếng thạch chưa đông. Tháng Chạp không có nắng, nên chiều nào đi học về, Thủy Tiên cũng than, đất trời thị xã ngó xao xác, và già nua quá đỗi.

Tôi trêu Thủy Tiên, bảo trời nắng yểu chỉ làm bà già tôi cằn nhằn vì phơi hoài mấy mâm mứt không khô. Tiên đáp nói chuyện với mi chán dễ sợ. Tôi phì cười hỏi mi có ưa ông anh họ… hồn bướm mơ tiên của tau cho hợp tình hợp cảnh không. Thủy Tiên chặc lưỡi:

– Ông mô? Cái ông “tháng Chạp về thương nhớ bé ơi” nớ hả?

Tôi gật đầu. Ừ. Chính “hắn”! Con nhỏ bật cười, biểu ông anh mi chờ tới khi mô tau với Sử bỏ nhau đã nghe. Tôi cứng họng không biết trả lời sao. Thủy Tiên lao xao. “Ê mà nì, Nhàn ơi, ngó rứa chớ hôm qua hôm tê chi đó, tau mới viết thơ cho Sử, biểu anh không về kịp em lấy chồng ráng chịu”. Rồi con nhỏ than tiếp. “Bồ với Sử mệt quá mi ơi. Chờ với đợi. Lo với lắng. Không biết Tết năm ni Sử về có được hay không nữa đây”. Tôi trêu ai biểu ngu, đòi làm em gái hậu phương.

Sử học trường chúng tôi, lớn hơn hai đứa vài ba lớp, đậu tú tài hạng Bình, nhưng trúng tuổi động viên, thật ra có thể xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh tuy nhiên không hiểu sao Sử lại chọn nghiệp lính. Tôi thường trêu chắc tại Sử ham nghe Hùng Cường hát nhạc kích động. Hai cái Tết rồi, Sử được về chỉ đúng một chiều Ba Mươi, và sáng Mồng Một. Bao giờ Sử đi, Thủy Tiên cũng xuống nhà tôi nằm vùi. Không khóc, nhưng tháng Giêng vừa mới chạm ngõ đã thấy tàn trong mắt bạn tôi, mùa Xuân vừa kịp hoan ca đầu ngõ đã thấy mịt mờ trong lòng con nhỏ. So với cái tuổi cà rỡn của tôi và bạn bè cùng lớp, Thủy Tiên già dặn vượt hẳn lên rất nhiều. Cái lo của con nhỏ là cái lo nhuốm màu thời cuộc. Cái sợ là cái sợ bạc trắng mùi tang tóc.

Nghe thầy giảng “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, giữa lúc vô số đứa trong lớp tôi còn ngơ ngác chưa hiểu hết được trọn ý, thì Thủy Tiên đã ứa nước mắt. Bàn tay xanh xao trên bàn, run rẩy co giật liên hồi. Chẳng bao giờ tôi dám đi với Tiên đến những nơi có nhiều trại gia binh hay đồn lính. Tết, trường tôi thường tổ chức văn nghệ ủng hộ chiến sĩ, thương bệnh binh tại các quân y viện, đứa nào cũng chộn rộn, nhưng chỉ đi với con nhỏ một lần, tôi thề sẽ không khi nào dại dột tái lại lần hai. Tôi vẫn tự hỏi nếu Sử có mệnh hệ gì, không biết con nhỏ bạn thân thiết này có đủ can đảm kéo dài cuộc sống nữa hay không.

Thắm Nguyễn

Ông anh họ tôi viết mấy câu thơ, đọc cho Thủy Tiên nghe, con nhỏ cứ đọc đi đọc lại hoài. “…Em vạn mùa sương mờ cuối nẻo. Ta đợi ngàn năm tháng Chạp tàn”. Chờ lâu quá không thấy thơ trả lời của Sử như thường lệ, Thủy Tiên đùa cợt, rên rỉ với tôi, tau lấy chồng cho mi coi, nhưng coi bộ con nhỏ rầu thúi ruột.

Sử hành quân lên Kontum hồi đầu tháng Chạp. Con nhỏ bảo không thấy khu bưu chính trả ngược thư về, có nghĩa là Sử vẫn còn có mặt ở đâu đó, sau hậu cứ hay trên chiến trường. Giọng Thủy Tiên ráo hoảnh nhưng nỗi lo lắng, sợ sệt không giấu được, cứ vất vưởng ở giữa lưng chừng câu nói. Không cần đoán cũng biết ngay con nhỏ tự trấn an, cố kìm cơn xúc động xuống. Hằng ngày đọc báo, tin tức chiến sự không vui, không khả quan vẫn ào ạt trên trang nhất. Phần phân ưu vẫn nhiều người trẻ hơn người già, vẫn nhiều lính hơn dân sự. Quan tài bọc cờ vàng ba sọc đỏ trên những chuyến xe công voa vẫn về ngang qua thành phố giữa những ngày sắp hết năm.

Tôi trêu cho Thủy Tiên yên tâm, “Thư của lính không mang màu trời như mơ ước đâu em”. Thủy Tiên cười. Nụ cười gượng và giả như kịch. Chúng tôi kéo nhau đi mua guốc gỗ, áo dài diện Tết, đứa nào cũng hí hố đọc một hai câu thơ khi chọn màu áo cho mình; trong lúc Ðông Ba ồn ào, “Ông Phạm Thiên Thư tếch ni co lo tụi bây ơi. Nhớ xưa em chửa theo chồng. Mùa Xuân may áo, áo hồng đào rơi. Mùa Thu em mặc áo da trời. Sang Ðông lại khoác lên người áo hoa.”, thì Thủy Tiên của tôi cứ đứng vuốt ve mãi xấp áo màu sim, màu vàng rồi màu xanh thiên thanh, nhưng không có ý mua xấp nào. Mãi cho đến lúc Tiểu Muội chọn cái áo trắng, ngâm nga câu thơ Nguyễn Tất Nhiên, “Áo em trắng cả sân trường trắng. Tan học chiều nay có ngẩn ngơ?”, tôi giật mình muốn đá chân Tiểu Muội một cái nhưng con nhỏ đứng cách xa tôi cả mấy bước. Sát bên cạnh tôi, Thủy Tiên rướn người lên ngó vạt lụa Tiểu Muội đưa ra, rồi ngó đi chỗ khác. Cuối cùng Tiên quyết định không may áo mới. Lúc ra về, con nhỏ nói với tôi nhưng như nói một mình:

Xem thêm:   Tự thú

– Tự nhiên, thấy màu trắng, lạnh cả người rứa thê.

Tôi chặc lưỡi:

– Con khỉ Tiểu Muội một công hai chuyện dễ sợ. Hắn công giáo, không tin dị đoan, may áo trắng đã được mặc đi lễ Tết, mai mốt lại được mặc đi học.

Thủy Tiên làm thinh. Tôi nghẹn ngào làm thinh theo. An ủi con nhỏ, trong trường hợp ấy, họa có điên. Thủy Tiên dặn tôi chiều Mùng Một nếu không đi đâu, thì ghé nhà nó đi chùa xin xăm, một chuyện con nhỏ chưa bao giờ làm…

Mùa Xuân ấy, Tết ấy, Sử chẳng về. Lá xăm, lá số tử vi gì đó Thủy Tiên xin, nói đường đời con nhỏ hanh thông, tình duyên con nhỏ sáng láng. Thủy Tiên cười thảm não. Con nhỏ vẫn quắt quay chờ đợi Sử về, chờ đợi một lá thư. Hết Tết, ra Tết, cao nguyên mất, đồng bằng mất, phần đất còn lại phía bên này vĩ tuyến mất, Sử hoàn toàn biệt vô âm tín như cuộc đời đã không hề có người nào mang cái tên như thế, có mối quan hệ thắm thiết với bạn tôi như thế. Tôi lấy hết can đảm rủ con nhỏ đến nhà má Sử. Tiên cười buồn, kể ngay hôm đầu tiên, thấy cờ xí, biểu ngữ giăng khắp nơi trong thành phố, nghe loa phóng thanh kêu gọi lính đầu hàng, nộp vũ khí, con nhỏ đã chạy xuống nhà Sử. Nhà Sử vắng tanh. Hai bên hàng xóm cũng không còn mấy ai. Hỏi, mọi người còn lại, hầu hết đều dè chừng một câu trả lời, ngại ngùng một ánh mắt. Thủy Tiên bảo, nó đã đứng lặng lẽ, dưới hàng hiên nhà Sử, chết điếng nhìn ra ngoài bãi cát loáng nắng đến lúc hai mắt nhức nhối, buốt đau, mới ra về.

Nghe, tôi ngẩn ngơ. Nhưng rồi tôi vẫn cứ rủ con nhỏ đi lại lần nữa. Hai đứa đèo nhau dưới cơn nắng không còn nhạt như hồi tháng Chạp mà khô hạn, gắt gay trải trên con đường đầy cát lún hai bên. Nhà Sử xa hun hút. Ðường đi vắng tanh. Những hơi thở dài của Thủy Tiên sau lưng tôi, thỉnh thoảng vang lên, buồn áo não. Tôi cố gắng hỏi dò chừng con nhỏ đôi câu. “Mi định đi học lại không Tiên?” Con nhỏ chặc lưỡi. “Ði chớ!” Tôi dõi mắt nhìn lên những bông phượng bắt đầu hoe đỏ. Lại một câu dò dẫm. “Biết sống có nổi không Tiên hè?”. Giọng Thủy Tiên vẫn ráo hoảnh như thường lệ. “Răng không!”. Tôi im. Con nhỏ coi bộ tỉnh quá. Không biết nó đang nghĩ ngợi gì, dự định gì. Tôi gò lưng nhấn pedale mạnh hơn. Thủy Tiên bảo đạp chậm chậm lại. Tôi hoang mang chẳng hiểu tại sao. Mãi đến lúc sắp tới nhà Sử, con nhỏ mới hạ thấp giọng:

– Mi đạp xe chậm, đường dài, hy vọng tau còn dài. Ðạp nhanh, hy vọng tau tan nhanh.

Tôi đớ lưỡi. Con nhỏ im một hồi rồi than con nhỏ Ðông Ba vô duyên. “Gặp tau mà hắn cứ hát ‘Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió. Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố. Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về…’ Buồn thúi ruột nên tau không muốn chửi. Cái con, ăn nói chi dị kỳ…”. Tôi không biết nói sao, đành chép miệng thở ra. Lũ chúng tôi, cỡ tuổi Thủy Tiên, nhiều đứa còn hời hợt, non nớt như cây con mới ươm, chẳng biết tế nhị là gì. Tiểu Muội, Ðông Ba, nước mất, còn chưa biết mình sắp khổ, làm sao mà hiểu thấu nổi những thành sầu của Thủy Tiên.

Tin tức về Sử, mỗi ngày mỗi biền biệt. Trở đi, trở lại hoài xóm biển, gặng đi gặng lại nhiều lần, hàng xóm mới cho biết má Sử đã rời khỏi thị xã vào những hôm cuối tháng như nhiều người quanh đó, nhưng không còn thấy trở lại. Căn nhà đóng cửa im lìm. Dưới hàng hiên chỉ có tàn hoa giấy màu đỏ úa, cằn cỗi. Ðằng trước mặt nhà không một bóng cây, không dáng người qua lại. Chơ vơ trên bãi cát, thỉnh thoảng ló lên dăm ba cọng cỏ khô, vài miếng giấy, miếng nylon xơ nát, bay phật phờ. Cái khung cảnh, người không buồn, cũng ảm đạm tê tái làm tôi không dám nhìn thẳng vào mặt Thủy Tiên.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Mọi cánh cửa hy vọng tàn nhẫn đóng chặt. Mọi ngõ ngách khép kín, không chừa cho bạn tôi một mép phao để với tay, sống sót. Thủy Tiên nói Sử không có nhiều bà con ở thành phố này. Mà nếu có, chắc con nhỏ cũng không sao lùng ra được một cái địa chỉ, tìm được một hồi âm.

Như vậy đó, nhưng thỉnh thoảng nổi cơn điên, hai đứa lại è cổ chở nhau trở lại xóm biển, ngơ ngác đi từ đầu bãi cho đến cuối bãi rồi đèo nhau về. Dần dà về sau, cũng có người quen mặt, chưa kịp lang thang, hai đứa đã biết chẳng có tin tức gì của Sử. Mãi cho đến lúc bảng niêm phong trước cửa nhà Sử bị tháo xuống và có người dọn đến ở, chúng tôi mới thôi. Tuy nhiên, lần đó là lần đầu tiên, tôi thấy Thủy Tiên bật khóc trước mặt mình. Lần đầu tiên nỗi bi thảm mới phơi bày trên gương mặt bạn tôi một cách rõ ràng.

Tội nghiệp. Con nhỏ đã giật tay tôi, kêu lên ai oán, chao ơi, Nhàn ơi, người chi mà lạ hoắc lạ huơ. Những con người với kiểu cách ăn mặc, kiểu cách chưng bày, cờ mặt trận trước cửa, hình lãnh tụ giữa nhà, dăm ba luống lang, vài ba thân sắn mới trồng còn rũ rượi lá trên khoảnh đất nhỏ xíu hai bên hông nhà. Chúng tôi như hụt chân, chới với giữa biển bao la và trời xanh cao rộng. Giữa bơ vơ và giữa đơn lẻ lạnh lùng.

Chúng tôi về. Thủy Tiên đầu hàng. Tuyệt vọng đầu hàng. Tôi xoay qua nài nỉ con nhỏ đi với tôi đến nhà những người thân của bạn bè Sử, nhưng con nhỏ lắc đầu. Một cách dại dột, tôi một thân một mình sục sạo tin tức Sử ở nhiều nơi trong thành phố. Cuối cùng, tôi tìm ra vài ba thân nhân của bạn bè đồng khóa với Sử. Nhưng rất ít trong số những người ấy may mắn biết con em mình ở đâu. Phần lớn đều hoàn toàn mù tịt. Và đồng thời cũng có nhiều người, bán tín bán nghi tôi, không hề mở miệng.

Tôi ôm mớ tin dở khóc dở cười ấy về kể lể với Thủy Tiên. Con nhỏ thở dài. Tôi hùng hổ bảo biết đâu Sử đang ở một trại tập trung, một trại cải tạo nào đó, ngoài Trung, ngoài Bắc, Rừng Lá, Vĩnh Phú, Cà Mau, Năm Căn…

Hè năm bảy mươi sáu, Thủy Tiên rủ tôi đi Kontum. Cầy cục xin mãi trong nhiều ngày, ba má tôi mới đồng ý, nhưng cuối cùng, vào cái thời buổi cả nước đều được… tại ngoại hầu tra, không cách gì kiếm ra nổi cái giấy phép đi đường, tôi đành phải để con nhỏ đi một mình. Lúc nó về, tôi mới biết con nhỏ cũng chẳng được ai cho phép rời thị xã. Thủy Tiên kể cho tôi nghe nó đã chui nhủi giữa những bao tải, ngồi lê lết trên sàn xe, lội bộ giữa trưa đứng bóng khi xe vượt qua trạm kiểm soát, mất đến hơn hai ngày đường mới lên được Kontum… Con nhỏ đi liều, con nhỏ trở về, mang theo tin trắng. Chẳng hề có bất cứ tăm hơi nào của Sử. Cũng chẳng có cách gì tìm ra một người quen nào của Sử ở nơi ấy.

Thủy Tiên vất vơ vất vưởng đi tìm Sử rồi về đi học lại với tôi. Bề ngoài trông con nhỏ vẫn không mấy thay đổi, nhưng nó bắt đầu thay câu nói ngày trước, tau lấy chồng cho mi coi, bằng tiếng thở dài, không tìm ra Sử, tau ở giá cho mi coi! Vào thuở nghe hai tiếng lấy chồng như nghe chuyện huyền thoại, chuyện cổ tích, vừa mơ hồ, vừa kỳ cục, tôi nửa cường điệu hóa mối tình của con nhỏ, nửa kia lại chểnh mảng để ngoài tai. Vả lại, trông con nhỏ bề ngoài cũng vẫn vậy, con trai vẫn đeo theo nó như cái đuôi. Vẫn có đứa trồng cây si, có đứa nhờ tôi đưa thư, nhắn nhe đủ điều. Và con nhỏ vẫn phì cười mỗi bận đọc được một bức thư nhuốm mùi cải lương, hay mở một gói quà mang ý nghĩa trăm năm từ những anh chàng vẫn chờn vờn, sống hư ảo trên mây ấy. Hay lâu lâu, con nhỏ lại hỏi thăm ông anh họ “tháng Chạp” của tôi, và dọa sẽ tán tỉnh tới nơi tới chốn. Con nhỏ, nói chung, hết sức bình thường. Tôi kể cho nó nghe thời mới mất nước, tôi đã sợ nó sẽ phát điên hay sẽ tự tử. Thủy Tiên chép miệng:

– Trần Khắc Chung hộ giá người yêu đi lấy chồng còn chưa phát điên huống chi tau. Chỉ có điều đi tìm Sử giữa thời buổi ni khó quá. Tau lại không có tiền.

Không có tiền, con nhỏ tháo sợi dây chuyền nhờ tôi bán, rồi lại mon men đi Nha Trang khi nghe có người gặp Sử ở trại A 30. Về, xụi lơ, con nhỏ than, không đủ cánh để xoải bay tìm Sử cùng trời cuối đất. Tôi “sưu tập” một lô danh sách trại cải tạo, gặp bất cứ người thân, quen hay sơ giao nào ở tù ra, cũng đều thử nhắc đến cái tên người yêu của bạn tôi, tự nhận Sử là anh họ, là bà con, để xem may ra có ai biết hay chăng.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

o O o

Ở vào cái khoảng đời mà mọi ngõ ngách hướng về tương lai đều bị đóng kín, giam hãm, tù đày, cuộc truy tìm của Thủy Tiên lẫn tôi, về người con trai có thời từng là người yêu của Tiên càng trở nên vô vọng. Mỗi ngày mỗi xa lạc, mỗi mất dấu. Bỗng một chiều cuối năm nào đó, sau mười mấy năm lơ ngơ láo ngáo giữa chợ đời, thực hiện cái câu “tau ở giá” một cách kỳ quặc, khó tin, Thủy Tiên chạy lại nhà tôi, bảo nó đã đầu hàng số phận rồi. Tôi cứ tưởng con nhỏ vừa có được người yêu mới, vội vã đem khoe như người ta khoe áo mới. Ðang định buông một câu đùa cà trớt, nhìn lại, thấy hai mắt con nhỏ đỏ hoe, tôi giật mình. Thủy Tiên cười như mếu:

– Biết không Nhàn, Sử ra nước ngoài rồi! Ra nước ngoài rồi nghe mi!

Tôi há hốc mồm ngó con nhỏ. Tiên gieo mình xuống ghế, nhắc lại câu nói Sử đã ra nước ngoài và kêu lên:

– Chịu. Tau chịu. Nhàn ơi! Tau đầu hàng. Không phương cách chi cứu gỡ. Không biết đường lối mô mà đi tìm.

Rồi con nhỏ kể cho tôi nghe nó vừa gặp bạn Sử ngoài phố. Bạn cùng đơn vị, bạn cùng trại học tập cải tạo. Và một câu chuyện y như truyện, y như tiểu thuyết được nhắc tới. Sử bị bắt làm tù binh trước tháng Tư năm Bảy Lăm. Bị nhốt ở một căn cứ nào đó gần chiến khu D cũ. Mất nước, bị đẩy về học tập ở trại cải tạo K3. Vì ở gần núi, núi Gia Rây, Sử tìm đường trốn trại. Thoát, Sử vượt biên, cuối cùng định cư. Ở đâu đó bên Mỹ.

Chuyện thời tao loạn, nghe đi nghe lại, thấy gần như giống hệt nhau. Tôi tự hỏi lòng không biết có nên tin hay nên ngờ. Không biết có nên trách Sử tệ bạc, hay trách con nhỏ bạn thân mình dại dột, u mê. Tôi gặng hỏi lại Thủy Tiên có xin được địa chỉ của Sử không. Con nhỏ lắc đầu. Cái lắc đầu làm rụng hạt nước mắt của con nhỏ. Nghẹn ngào chảy dài xuống hai bên má, rồi rơi đọng lại trên lưng hai bàn tay đang níu chặt vào nhau trong lòng. Gương mặt con nhỏ, lần đầu tiên nhìn lại thật kỹ, thật gần, tôi bỗng giật mình bởi những nếp nhăn bên khóe mắt, những đường môi khô khan đã bắt đầu xuất hiện. Tôi hoảng hốt kêu lên những tiếng không rõ, rồi đứng dậy kéo tay con nhỏ chạy ra ngoài. Vừa chạy tôi vừa la:

– Từ đây là không có Sử sách chi hết. Không có tìm kiếm, chờ đợi chi hết. Hắn đi rồi là coi như xong. Coi như hết. Coi như chết. Bắt đầu làm lại, làm lại từ đầu với tau.

Và tôi lại la lên, tôi sẽ dẫn con nhỏ đi chợ Tết sắm áo sắm quần, sắm nữ trang. “Tau bao mi tháng lương Tết của tau. Mắc mớ chi mà rầu chớ. Hắn thoát được rồi mà không liên lạc, không đoái hoài chi tới mi hết thì coi như đồ bỏ. Bỏ hết. Làm lại. Làm lại từ đầu”. Tôi nói, tôi la lên như người điên. Níu con nhỏ bắt ngồi lên yên sau, tôi ào ào phóng xe ra phố. Tới nơi, đẩy nó xuống xe. Tìm chỗ cất giữ, và rồi lại nắm tay nó kéo lôi đi. Băng băng qua đường, băng băng qua hàng, qua quán. Tháng Chạp Sài Gòn vào những năm cuối thập niên tám mươi, đường phố không nhiều xe cộ, người mua sắm bon chen cũng không đông đảo gì mấy, nhưng vẫn đầy bụi, ồn ào vẫn nguyên dạng như bao giờ. Vẫn lầy lụa những con đường quánh bùn, vẫn nắng cháy gắt đổ xuống khu chợ hoa Nguyễn Huệ, vẫn nồng sặc mùi mồ hôi vai áo người, và vẫn cướp giật, móc túi đó đây…

Tôi đi, Thủy Tiên đi. Tôi dừng lại, Thủy Tiên dừng theo. Như cái bóng. Tôi mua tôi sắm, tôi trả giá, tôi kỳ kèo. Con nhỏ bạn thân của tôi càng như bóng, không hề rớt mắt trên bất cứ thứ gì. Cũng chẳng hề nói một câu, một chữ. Y hệt con nhỏ của mười mấy năm trước, ngây dại đứng nhìn bè bạn xôn xao, nhìn xấp áo trắng Tiểu Muội cầm trên tay. Tự dưng đột ngột trong tôi bỗng hình thành một cái ý nghĩ rất kỳ quặc, rất tàn nhẫn, rằng phải chi hồi ấy Sử chết trận, phải chi hồi ấy Sử hy sinh…

Nhưng rồi tôi rùng mình. Tôi hoảng hốt giật khẽ tay con nhỏ:

– Mua cái chi đi chớ, Thủy Tiên!

Thủy Tiên làm thinh. Tôi nhắc lại. Con nhỏ bật cười. Tiếng cười vô hồn vỡ ra nghe lạ lẫm vô cùng:

– Nì, cái ông anh họ của mi mới vô duyên dễ sợ nghe Nhàn. Tự nhiên cái rặn ra câu thơ, “ta đợi ngàn năm tháng Chạp tàn”, làm tháng Chạp khi không tàn mất rồi, thấy chưa…

HN