Bà Châu tẩn mẩn ngồi gắp những cọng mứt dừa, mứt bí bày vào bộ chén pha lê trong vắt. Mứt dừa là món khoái khẩu của con Quỳnh, mứt bí là món ruột của con Tú. Chà, còn chảo mứt sen trần cho thằng Khánh và mứt mơ cho con Mai nữa. Bà cứ thế hì hụi nấu nướng, bày biện rồi to nhỏ nói như thể còn có thêm những người khác trong căn bếp rộng.

Mấy năm rồi, Tết này bà Châu mới nấu nướng trong tâm trạng hân hoan vui sướng nhiều đến thế. Chả là cả bốn đứa con cùng hẹn về ăn Tết với ông bà năm nay. Sống ở Mỹ thời buổi này mà ngày Tết cả nhà đoàn tụ đâu phải chuyện dễ. Thằng Khánh ở cách nhà bà nửa giờ lái xe thì dễ rồi. Nhưng con Quỳnh, con cả lại ở Canada; con Tú, đứa con gái thứ hai ở Florida; con Mai thì là sinh viên năm cuối, học xa nhà cũng tới vài giờ lái xe nữa. Ấy vậy mà chúng sẽ về cả đây với ông bà năm nay, ở chơi Tết đến tận 2 tuần mới vui chứ. Vợ chồng con Quỳnh sẽ mang theo hai nhóc tì, thằng lớn thì ông bà đến đón ngày mới sinh, thằng thứ hai gần đầy một năm tuổi, ông bà mới chỉ được nhìn cháu qua hình và phone. Miên man vừa làm vừa nghĩ một hồi, tiếng nước sôi trào trên bếp làm bà giật mình.

“Ối dà, cứ mải việc nọ việc kia mà quên mất nồi nước đang nấu để luộc măng khô, làm món canh măng miến. Dạo này đến là lẩn thẩn”, bà lẩm bẩm tự trách mình. Mà ông Toán đâu rồi ấy nhỉ?

– Ông Toán ơi, ra hộ tôi một tay với. Bao nhiêu việc thế này chẳng giúp vợ được tí gì. Tết nhất tới nơi rồi mà chỉ cắm mặt vào báo với chí. Ông Toán ơi!

Từ phòng khách ông Toán lật đật chạy vào.

– Bà làm gì mà gọi tướng lên như cháy nhà thế? Ðã bảo rồi, thời buổi này Tết có khác ngày thường là mấy. Cái gì cũng đơn giản, phiên phiến đi cho nó khỏi nhọc thân.

– Ông nói hay nhỉ, Tết thì phải khác chứ. Ðấy, ngay cả ông già rồi mà còn nói như thế, chả trách bọn trẻ coi nhẹ, rồi dần dần bỏ cả ngày Tết của người Việt mình đi mất. Rồi thì những truyền thống, phong tục của cả một dân tộc, lưu truyền ngàn đời cũng chẳng còn – bà Châu vừa thả bó măng vào nồi vừa cự nự. Mà ông quên là năm nay bọn trẻ sẽ về hết cả đây à?

Xem thêm:   Tự thú

– Quên là quên thế nào! Bọn trẻ nó đâu có quan trọng chuyện ăn uống. Chúng nó về chơi cho mình vui là chính. Mà nếu chúng nó có thích thì cả nhà kéo nhau đi nhà hàng, món gì chả có. Việc gì mà bà phải cày cục nấu nướng mấy ngày trời như thế cho mệt. Lỡ bà ốm ra đấy thì chỉ khổ tôi thôi.

– Thủi thui, đau ốm thế nào được. Tôi thấy khỏe lắm. Có nấu thế này chứ nấu thêm nữa tôi vẫn thấy khỏe như thường.

– Vâng, khỏe lắm – ông Toán nhại lại vợ – Thế ai tối qua lén vào phòng đấm lưng bồm bộp lại còn lục tìm thuốc giảm đau để uống nữa?

– Ừ thì có mỏi lưng một tí – bà Châu ngượng nghịu

– À mà thôi, tôi với ông cứ đôi co thế này có mà đến tối. Còn cả đống việc phải làm. Ông làm ơn vớt hộ tôi mấy cái bánh chưng ra khay rồi gọi cho thằng Khánh hỏi xem đã ra tới sân bay đón hai chị nó hay chưa. Xong gọi cả con Mai hỏi xem sắp về tới nơi chưa. Cái con đấy là đuểnh đoảng lắm, sợ vui bạn vui bè rồi quên luôn cả đường về ấy.

– Ðể tôi đi vớt bánh ra đã. Ông Toán lật đật chạy đi lấy khay mà lấm lét nhìn vợ như đang giấu giếm chuyện gì. Mải bận với nồi măng, bà Châu vẫn chưa nhận ra.

Một lúc sau ông Toán mới nhẹ nhàng đến gần vợ:

– Mình à, mình làm xong chưa, ngồi xuống nghỉ tí cho đỡ mệt.

– Tôi cũng sắp xong rồi. Ông nói giờ tôi mới nhớ, từ sáng tới giờ mới uống nước có một lần. Ông lấy cho tôi cốc nước với.

Ông Toán ra góc phòng rót nước, mang lại bàn cho vợ. Ðợi cho bà ngồi xuống, ông thẽ thọt:

– Mình… mình… Ông Toán còn đang ấp úng chưa biết mở lời ra sao thì bà Châu đã nhanh miệng hỏi:

– Làm sao mà ông cứ ấp úng như gà mắc tóc thế? Ông đã gọi cho thằng Khánh với con Mai chưa?

– Chưa… à… rồi. Ông Toán vẫn lúng túng.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

– Chưa à rồi là sao? Giọng bà Châu một thoáng băn khoăn.

– Thằng Khánh gọi cho tôi hồi sớm bảo là vợ chồng con Quỳnh và lũ nhỏ vẫn kẹt ở sân bay vì bão tuyết, không biết đến bao giờ mới có chuyến bay. Ông lí nhí nói một hơi.

Bà Châu mặt biến sắc, lắp bắp:

– Rõ khổ, sao lại bão gió vào ngày này cơ chứ hả trời? Bà nói mà như rên – Thế còn vợ chồng con Tú thì sao, sắp về tới nơi chưa?

– Vợ chồng con Tú định bay qua Cali thăm bố mẹ thằng Tuấn trước, rồi về đây với vợ chồng mình. Ðang định đi thì con em thằng Tuấn trở dạ sinh nên hai vợ chồng nó đổi vé ở lại đấy rồi.

– Thế là chẳng đứa nào về hả? Bà Châu rên rẩm như phải đòn.

– Con Mai với thằng Khánh vẫn về. Ông Toán nhanh nhảu an ủi vợ.

– Ừ.

Bà Châu đáp cộc lốc. Bây giờ bà mới thấy mệt. Cơn mệt nhọc đến mới nhanh làm sao. Vài phút trước bà còn vui vẻ, hăng hái là thế. Cái tin hai đứa con không về đã rút hết sinh lực của bà. Bà lật đật đẩy ghế đứng lên.

– Bà đi đâu thế, trưa rồi ăn cái gì đi chứ. Tôi đói lắm rồi.

– Ông đói thì cứ lấy đồ mà ăn. Bao nhiêu món ra đấy. Tôi đi nằm một lúc. Bà Châu gắt nhẹ ông chồng. Biết là vợ vừa buồn vừa giận nên ông Toán im lặng không nói gì.

Nằm kềnh ra giường, bà Châu buồn đến phát khóc. Rồi bà nhớ lại ngày xưa, nhà còn nghèo, con cái nheo nhóc. Mỗi lần Tết đến là tất tả ngược xuôi, giật gấu vá vai, lắm lúc phải đi vay đi mượn để lo cho lũ con bộ quần áo mới, vài cái bánh chưng và nồi cá thu kho thật mặn dè sẻn ăn dần ba ngày Tết. Cái ngày ấy, nhìn lũ con phải chia nhau từng miếng ăn, bà chỉ ước có một ngày Tết đủ tiền mua những món thịt gà, giò lụa, nấu nồi canh móng giò măng miến cho con ăn thỏa thích mà không phải chia phần. “Ấy vậy mà vui”, bà chua chát lau nước mắt. Giờ nhà to cửa rộng, đồ ăn thức uống ê hề mà chẳng có đứa nào đến ăn cho. Giá mà trở lại như ngày xưa, nghèo đói mà vợ chồng, con cái sum vầy đầm ấm. Bà nghĩ rồi lại tự trách mình rõ lẩn thẩn. Lăn lộn, vất vả cả đời mới có ngày hôm nay; con cái cũng đề huề, thành đạt mà lại mong quay lại thời khốn khó xa xưa. Miên man suy nghĩ hồi lâu, bà ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Bà Châu giật mình thức giấc, gắt vọng ra:

– Ông đói thì cứ ăn đi, để tôi nằm một lúc.

Lại có tiếng gõ cửa tiếp.

– Ông này hay nhỉ, đã bảo để tôi nghỉ một lúc. Bà Châu bực mình lật đật dậy, mở cửa phòng định cằn nhằn thêm ông chồng. Nhìn ra ngoài, bà ngỡ ngàng, sững sờ, lũ con cháu bà đang đứng sắp hàng chật kín trước cửa.

– Ơ… sao bảo… Bà sửng sốt vui mừng.

Con Quỳnh nhào đến ôm chầm lấy bà, thằng cháu ngoại, thằng cháu nội mỗi đứa níu lấy một chân bà.

– Bọn con đã về.

– Sao bảo con Quỳnh kẹt ở sân bay, con Tú ở lại Cali vì em thằng Tuấn sinh?

– Mới đầu con cũng tưởng phải hủy chuyến, nhưng may quá chỉ trễ có vài giờ. Lục tục lên máy bay quên không báo lại cậu Khánh, mãi cho đến lúc hạ cánh con mới gọi được cho cậu ấy.

Quỳnh phân trần.

– Con gọi cho bố nói là định đổi chuyến ở lại Cali, nhưng vì tiện chị Quỳnh năm nay về nên thôi. Thế bố nói với mẹ thế nào mà để mẹ vào phòng nằm một mình thế này?

Tú nhanh nhảu tiếp lời chị.

– Ối giời, bố mày nghe tai nọ xọ tai kia lại bảo với mẹ là mày đổi vé ở lại Cali”.

– Ngoại ơi con đói.

Thằng Tony ngọng nghịu.

Cả nhà bật cười với giọng nói tiếng Việt của thằng nhỏ.

– Thôi con đói thì để ông ngoại lấy đồ cho con ăn. Bà ngoại mệt, để bà “nghỉ một lát”, ông Toán trêu vợ.

– Mệt là mệt thế nào, ông này. Ðể bà lấy đồ ăn cho con; đi đi, cả nhà mình đi ăn cơm thôi. Bà Châu hấp tấp.

Trời mùa Ðông đã sập tối đen như mực. Tuyết lại rơi dày thêm bên ngoài khung cửa sổ phòng bếp. Ở trong này, bà Châu thấy ấm hơn bao giờ hết.

MM