nhà cũ tôi về tìm lại chỗ

ấu thơ tôi giấu những hòn bi

có con dế ốm bò quanh quất

lối mòn khép lại nẻo thiên di

(Trích thi khúc “Về“, cùng tác giả)

Năm ấy, thoạt đầu chỉ là một khoảnh đất nện tráng xi-măng cao gần nửa thước xây bên hông ngôi nhà hương hỏa dòng họ Mạc, nằm cạnh hàng rào cây bùm sụm, chỗ có con lạch và lối đất ngoằn ngoèo cắt dọc ngang những thửa ruộng, dẫn về làng mạc xa xôi. Tiếp theo là những cột kèo bê-tông cốt sắt, những tường vách gạch nung, tráng xi-măng. Sau đó là mái ngói đỏ lợp âm dương, rực rỡ những ngày nắng, âm u buồn bã những ngày mưa.

Trước cửa nhà và hai khung cửa sổ là hàng hiên rộng thoáng. Ban-công nhà đắp xi-măng, bệ rộng, dùng chưng bày cây cảnh. Cửa chính bốn cánh, sơn nâu sẫm, đánh vẹc-ni bóng loáng, lắp ổ khóa đồng đen, đính khoen chạm đầu sư tử, cho khách gọi cửa. Lúc thợ tới lắp ổ khóa và thử âm thanh, có mặt Tường ở đó. Chú thợ phải lắp vào tháo ra, tẩn mẩn thử tới thử lui, cho tới khi âm thanh dộng cửa trở nên trong trẻo, bật tiếng vang, chú mới ưng ý.

Sau khi tường vách khô ráo, tới lượt một toán thợ sơn tới làm việc. Hai lớp vôi trắng làm nền, phủ thêm hai lớp vôi chính màu bánh trứng. Rồi những ô cửa sổ được lắp khung chấn song sắt hoa văn uốn lượn, cánh lá sách sơn nâu, xây thêm bệ cửa lót gạch nung.

Ðâu đã xong. Vài tuần sau, có chiếc xe hàng chở tới từng chồng gạch bông, chất trong sân nhà. Bữa sau, bốn thợ hồ, ba nam một nữ, tới lót sàn. Tường nghe họ nói với nhau, gạch tráng men loại thượng hạng từ Sài Gòn chở xuống. Gạch trơn, màu mỡ gà, óng ả tựa nắng sáng ngày đầu năm.

Sau cùng, bốn vách nền đất được cẩn thêm một lớp đá xanh. Thêm một bậc tam cấp và một lối đi lót hai hàng gạch tàu dẫn ra khung cửa sắt hình vòng cung, hoa văn uốn lượn, sơn màu nâu đồng.

Tường để ý thấy, mỗi khi thợ tới xây nhà, đều có mặt ba, với quyển sổ nhỏ và máy chụp hình cầm tay. Ba ghi chép, chụp ảnh chỗ này chỗ nọ, trao đổi ý kiến cùng nhân viên xây cất, từng chi tiết một.

Thắm Nguyễn

-oOo-

Câu chuyện về ngôi nhà mới, từ ngày đổ móng, làm nền cho tới lúc xây xong lối đi riêng, lúc nào cũng là đề tài cho ba má Tường trao đổi trong những bữa cơm.

“Tui ưng bụng lắm rồi, nhưng không biết chú Sáu Bá nó có vừa ý không nữa?”,  ba nói.

“Ông có hỏi ý kiến chú mỗi khi thợ khởi công không vậy?”, má hỏi.

“Có chớ. Chú Sáu đồng ý, tui mới cho làm. Làm xong tới đâu, tui đều chụp hình gởi cho chú coi.”, “Vậy được rồi. Chú Sáu dễ tánh mà. ”,  Rồi má hỏi thêm: “Chú có nói, bao giờ chú về không vậy ông?”

“Sau mùa mưa tới. Không chừng, nếu chuyện giấy tờ, nhà cửa bên đó xong sớm, chú về cuối mùa nắng”, ba trả lời, rồi gác đũa ngang miệng chén, đẩy ghế đứng lên, vội vã: “Tui qua coi thợ lót gạch nền nhà chút.”

Bấy giờ Tường mới rụt rè cất tiếng: “Chú Sáu là ai vậy má?”

“Chú là em út của ông nội con”, má đáp, rồi thấy ánh mắt Tường lộ vẻ bối rối, bà nói thêm: “Chú được ông bà cố nội cho qua Tây học lúc còn trẻ. Học xong chú ở lại, không về. Có bao giờ chú liên lạc thăm hỏi gì đâu. Tự dưng năm rồi chú biên thơ cho ba con, hỏi chuyện bà con nội ngoại và miếng đất hương hỏa, rồi ngỏ ý muốn về đây hưởng già, bỏ tiền nhờ ba con xây một ngôi nhà nhỏ trong miếng đất nhà mình. Ờ, con với lại mấy đứa kêu chú bằng ông chú nghe không!” “Chú có vợ, có con không má?”, chị Hai của Tường hỏi.

Xem thêm:   Vợ cũ

“Chú có nói, vợ chú bị bệnh gì đó chết mấy năm rồi, để lại cho chú hai người con, một trai một gái, đã có gia đình, ra riêng hết rồi.”

Tường chép miệng: “Phải chi con của ông chú còn nhỏ, về đây chơi chung với con cho vui.”

Chuyện kể về ông chú có tên Sáu Bá mà Tường chưa một lần gặp mặt vỏn vẹn ngần ấy chi tiết. Tường nghe xong, không nghĩ ngợi gì thêm. Có điều, mỗi khi qua coi mấy chú mấy cô thợ làm nhà, trí tưởng tượng Tường không khỏi vẽ vời hình ảnh một ông chú ở tận trời Tây xa lắc, sắp sửa về đây, sống cận kề trong ngôi nhà xinh xắn này. Ông chú Sáu chắc hẳn già lắm, đầu tóc bạc trắng hoặc sói sọi, láng lẩy như cái mõ đồng úp ngược. Biết đâu chừng ông ở bên đó lâu năm, quen ăn bánh mì bơ phô-mai, uống toàn rượu nho, nên mọc thêm bộ râu quai nón, cũng bạc trắng như tóc, y hệt mấy ông Tây già thấy trên màn ảnh vô tuyến. Và ông không còn nói được hoặc chỉ bập bẹ tiếng Việt, lơ lớ âm giọng sắc huyền hỏi nặng.

Qua tháng Mười, thời tiết thưa dần những cơn mưa chiều. Tường ngủ dậy, lúc ngày chưa thức. Ra sau đánh răng rửa mặt, sửa soạn đi học, Tường thấy ruộng đồng phía sau nhà còn nhạt nhòa bóng tối. Côn trùng vẫn còn say sưa tấu khúc đêm. Sương sớm bảng lảng đây đó. Thời tiết se se lạnh. Trong chái bếp đèn điện tù mù, chị Hai đang chuẩn bị bữa ăn sáng. Hương cà-phê thơm thoảng không gian tịch mịch. Tiếng ly chén khua động, dè dặt, rón rén, như sợ đánh thức thời khắc biếng nhác, chưa muốn dậy.

Như mọi bữa, Tường vừa đánh răng vừa day mặt ngó ngôi nhà ông chú Sáu Bá đã xây xong trước mùa mưa, nằm lặng lẽ trong bóng ngày nhá nhem. Ngôi nhà mới luôn luôn khóa kín, mỗi ngày đều được ba qua mở toang cửa nẻo cho thông thoáng, cứ vài bữa lại lau cửa sổ và quét bụi sàn nhà. Hôm nào bận việc, ba kêu Tường làm thay. Tường thích lắm, cứ loanh quanh hết hiên trước tới sân sau, lui cui một mình trong gian nhà trống trải, lạnh hơi người. Tường vôi, mái ngói chưa biết muộn phiền chuyện mưa nắng. Sàn gạch bông chưa một lần thao thức chờ chân người. Mọi thứ còn gây gấy mùi hóa liệu, khơi dậy lập lòe trong trí Tường những hình ảnh đã có lần thấy trong truyền hình. Cảnh sân ga vắng người, đêm đèn vàng khuya khoắt. Ðại lộ đêm ngược xuôi hai luồng ánh sáng đỏ trắng. Một chiếc cầu vạm vỡ vắt ngang dòng sông mù sương. Dãy đèn điện soi sáng những tượng người lõa thể, sóng soài lan-can cầu. Bậc cấp ngất ngưởng dẫn lên tòa giáo đường sơn trắng, mái úp, trên đỉnh đồi sắc trời xanh thẫm. Và bất cứ nơi đâu, đều thấy thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông đeo kính, đầu tóc bạc trắng, quần áo lịch lãm, dáng dấp khỏe mạnh … Có phải đó là ông chú Sáu Bá sắp sửa trở về, phà luồng sinh khí sống động cho tường vách và đêm ngày quạnh quẽ nơi đây?

-oOo-

Một xế trưa nắng rực, cả nhà còn đang yên giấc trưa, chợt nghe tiếng chó sủa vang, tiếp theo là tiếng chuông ba hồi gióng giả. Ba kêu chị Hai ra mở cửa. Lát sau, chị hấp tấp chạy vô, gọi lớn:

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

“Ba ơi, có hai xe chở hàng. Ba ra nói chuyện với người ta!”

Ba lật đật xuống giường, xỏ dép, bước ra. Tường cùng anh chị cũng vừa tỉnh ngủ, hối hả theo sau. Trước cửa nhà, hai xe hàng chất đầy những thùng cạc-tông lớn nhỏ và nhiều kiện gỗ, nẹp thép kỹ lưỡng. Tường nghe loáng thoáng chú tài xế nói chuyện với ba:

“Hàng bên Tây gởi về… Người gởi là.. à.. à… tên tiếng Tây, tui đọc không ra… Người nhận là Mạc văn Quân… Ông là ông Quân phải không?… Vậy ông ký tên nhận hàng vô đây… Mở cửa cho xe lùi vô sân được không ông?… Hàng nặng lắm… Ðể tui kêu tụi nó lấy xe đẩy vô…”

Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ, mấy chú chở hàng mới đem hết mọi thứ xuống xe. Những thùng cạc-tông được khuân vô chất đầy gian nhà trống. Những kiện hàng lớn phải để tạm ngoài sân.

Xong xuôi, ba dúi vô tay chú tài xế vài tờ giấy bạc, dặn dò:

“Sáng mai mấy chú ghé ngang, tháo giùm mấy kiện hàng, tui sẽ đưa tiền cà-phê.” Rồi day qua đám con xúm xít vây quanh, ông cất giọng: “Ðồ đạc cho nhà mới của ông chú Sáu Bá tụi bây từ bên Tây gởi về.”

Rồi, chỉ một tuần sau đó, gian nhà lạnh hơi người được bàn ghế tủ giường gởi về từ nơi xa hà hơi ban tặng phần linh hồn sống động. Mọi thứ toàn bằng gỗ thiệt, lạ mắt và vững chắc. Có cả một tủ, nhiều ngăn, dùng chưng bày sách, và ba thùng cạc-tông nặng trịch, ghi hàng chữ “Sách”. Ba nói trổng:

“Ðể đó, chờ chú Sáu về cất lên kệ.”

Có một món đồ rất bắt mắt, Tường không biết dùng làm gì, được ba nâng niu đặt lên mặt tủ thấp dựng cạnh cửa sổ. Ngó kỹ, thấy cái nhãn hiệu trên mặt gỗ in hình trái địa cầu và người đàn ông trần trụi trong tư thế lực sĩ ném dĩa, một dải khăn in hàng chữ Tây che ngang bụng, tay cầm cái dĩa đen ngộ nghĩnh. Hỏi thì ba nói:

“Ðó là cái máy hát dĩa, muốn nghe, phải ráp thêm cái loa có trục gắn đầu kim, rồi lắp cái dĩa này vô…”, ba chỉ tay qua thùng cạc- tông ghi hàng chữ “Dĩa hát. Dễ bể!”, “…quay cái cần này cho dĩa chạy. Xong xuôi, từ từ hạ đầu kim xuống, máy sẽ phát ra tiếng.”

“A, máy hát dĩa!”, Tường kêu lên.

“Ðúng rồi, máy hát dĩa kiểu xưa”, ba nói thêm.

Rồi, vừa khi thời tiết trở mình, trời chiều thường giăng mây xám, trút xuống cơn mưa ấm đầu mùa, ông chú Sáu Bá về ngụ trong ngôi nhà thơm tho gạch ngói mới.

Ngay lúc đầu tiên thấy ông từ xe khách bước xuống, Tường không khỏi bỡ ngỡ vì lạ mắt. Trông ông không giống bất kỳ người đàn ông cao niên nơi đây. Vóc dáng ông cao lớn, da dẻ hồng hào, tóc bạc trắng để dài, sợi dây thun túm lại thả sau gáy. Ông đeo kiếng trắng, bộ râu mép tỉa khéo, cũng bạc như tóc. Trong bộ y phục quần dài và áo tay dài trắng, chân đi xăng-đan, tướng tá, điệu bộ y hệt một ông Tây. Cả cách nói chuyện và chào hỏi của ông cũng khác. Ông bắt tay ba má, ôm và hôn má từng người một. Trong vòng ôm của ông chú, Tường bắt được mùi mồ hôi mới trộn lẫn hương dầu thơm gây gấy nam tính. Giọng nói ông chầm chậm, trầm đều, nghe như có tiếng vang. Cách phát âm và cách dùng chữ tiếng Việt của ông tương đối rõ ràng, chính xác, không như Tường nghĩ trước đó.

Chào hỏi xong xuôi, ông day qua, ngó thẳng vô mắt Tường, xẵng giọng:

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

“Bất cứ lúc nào con thích, con qua nhà ông chơi cho vui.”

Tường đỏ mặt, chỉ biết ấp úng“dạ, dạ”. Lòng Tường dưng không bật lên những cảm xúc háo hức như vừa mở trang sách mới.

Một chiều mưa, lúc Tường đang ngồi học bài, chợt nghe lẫn trong tiếng mưa rơi văng vẳng âm thanh là lạ. Tường ngẩng mặt, dỏng tai nghe ngóng. Tiếng đàn và giọng nữ thánh thót một giai điệu Tây phương. Tường bỏ ngang chuyện học, đội mưa chạy qua nhà ông chú. Ông đang ngồi trong hiên nhà uống trà, uống cả luồng thanh âm phát ra từ chiếc máy quay dĩa vang vang qua khung cửa mở. Hai mắt ông nhắm nghiền, bất động như tượng. Khi Tường nhỏ nhẻ cất tiếng chào, ông mới mở mắt, nhoẻn cười tươi tắn.

“Con vô lấy ly, mở tủ lạnh, rót nước uống. Có mấy lon nước ngọt. Rồi con ra đây ngồi chơi với ông.”

Hai ông cháu ngồi lặng lẽ bên nhau đỗi lâu, Tường mới cất lời, lắp bắp như sợ phá vỡ chút gì mỏng manh:

“Ông chú nhớ.. nhớ… bên bển, pha.. ai… ải… không?”

Ông chú Sáu chỉ gật đầu, không nói. Ðể rồi, khi giọng người đàn bà Tây phương cất lên một ca khúc khác, Tường mới nghe ông thều thào hát theo. Ngôn ngữ và nhạc điệu, giọng hát lạ tai, nhưng trong khoảnh khắc này, ngắm nhìn nét mặt ưu tư cùng tiếng thầm thì phụ họa của ông chú, bất giác cõi lòng Tường dâng trào nỗi xúc động khó diễn tả. Sau khi người ca sĩ dứt tiếng, ông mở mắt, ngó ra cảnh đất trời giăng mưa rũ rượi, hai dòng lệ bất giác lăn xuống má. Tường hoang mang nắm lấy tay ông úp trên bàn. Bàn tay nhỏ không khép trọn lưng tay đầy đặn, in hằn vài đường gân xanh già nua của người đàn ông.

Cơn mưa chiều ấy kéo dài tới giữa khuya mới tạnh. Tường quanh quẩn bên ông chú cho tới khi nghe má gọi mới ra về.

-oOo-

Giờ đây, sau nhiều thập niên dài, mỗi khi ngồi uống trà chiều trong hiên nhà đặc quánh ký ức này, tôi không khỏi liên tưởng chiều mưa năm nào. Thuở ông chú Sáu Bá còn sống. Và nhớ. Không nguôi. Không những nhớ giọng nói, tiếng cười, nét mặt dàu dàu và hai hàng nước mắt của ông khi nghe ca khúc tiếng Tây chiều hôm ấy, mà luôn cả những sở thích riêng tư của ông. Thích mặc quần dài, áo sơ-mi trắng. Thích đi ngắm cảnh nhóm chợ mỗi sáng sớm. Thích uống trà nóng mỗi chiều. Thích ngồi một mình ngắm trăng những đêm rằm…

Ông chú Sáu Bá qua đời sau bảy năm về lại quê nhà. Trong di chúc, tôi là người độc nhất thừa hưởng ngôi nhà cùng tất cả đồ đạc nội thất, cũng như mớ tài sản ông dành dụm trong ngân hàng. Trong những món đồ vật của ông để lại, tôi yêu nhất cái máy quay dĩa hiệu Pathéphone gắn cái loa hình bông huệ kèn khổng lồ màu ngà, mà tôi vẫn còn giữ cho tới bây giờ. Luôn cả chồng dĩa hát xưa rích xưa rang, nặng trịch, trầy xước chằng chịt.

Sau đó, tôi biết ra, ca khúc tiếng Tây đã làm ông rơi lệ chiều mưa nào có tựa “La Vie en Rose”, người hát là Edith Piaf.

“Des nuits d’amour à plus finir, un grand bonheur qui prend sa place, des ennuis, des chagrins s’effacent, heureux, heureux à en mourir… C’est toi pour moi, moi pour toi dans la vie. Tu me l’as dit, l’as juré pour la vie…

Có điều, tôi vẫn không, sẽ không bao giờ hiểu, chiều ấy vì lẽ gì ông khóc.

NND

(Đức, 5.2023)