Nắng ở đó ngay lúc vào Hạ cũng không thấy vàng. Không là màu vàng rực rỡ như cái nắng ở quê nhà mà hanh hanh buồn. Nhàn nhạt. Yếu ớt. Khi mùa Thu đến, những đốm nắng ấy rụng xuống mặt đường xuyên qua những nhành cây bắt đầu trơ lá, còn gầy guộc, hiu hắt và buồn hơn. Buồn như một vạt cúc dại úa tàn ở ven đường. Nhưng với nàng, không chỉ nắng, không chỉ mưa, mà cả khi con sông giòng suối, tiếng chim hót, nụ hoa nở ở đó cũng rất khác với hình ảnh con sông giòng suối, bông hoa hay tiếng chim hót nằm trong ký ức nàng. Có lần nàng nói với bạn, nàng có cảm tưởng chúng thiêu thiếu một cái gì đó.

Bạn nàng cười đáp, với nàng thì cái gì ở nơi đây mà không thiếu. Thiếu hồn của quê nhà. Hồn của quá khứ.

Mùa Hè, vào những ngày cuối tuần hay buổi chiều còn nắng, khi không ra ngồi bên bờ sông cho thoáng mát, nàng hay vào công viên cạnh nhà, nơi có những bãi cỏ xanh rộng, một cảnh trí khá hiếm hoi tại một thành phố đông người và nhộn nhịp nơi xứ nàng đang định cư. Người quen biết nàng hay giễu nàng chưa già đã muốn đắm mình vào u tịch. Không ai hiểu đó mới chính là nơi để nàng tìm ra năng lượng, giúp cho mình bước tiếp.

Không là nàng, nên khó ai có thể hiểu nổi, lòng nàng đã u hoài khi phải đối diện với những cuồng quay cơm áo, vật chất hằng ngày. Không là nàng nên không ai có thể thấy cái não nề và chán chường trên con tàu đưa nàng đến chỗ làm mỗi sáng, trên con phố về nhà mỗi buổi chiều. Có đôi khi nàng đã tự hỏi mình sẽ phải kéo dài cuộc sống ngày qua ngày đầy ưu tư, mỏi mệt và dường như không thể hoà nhập vào bất cứ cộng đồng nào như thế cho đến bao giờ.

Và cũng không là nàng, nên chẳng ai có thể biết lòng nàng chỉ dịu đi khi ngồi bên giòng sông nhìn nước chảy, khi vào công viên lắng nghe tiếng chim hót. Tuy nhiên ngay cả chuyện để nghe được tiếng chim hót cũng không dễ dàng đối với nàng. Thường nàng phải đi vào tận gần cuối công viên, cạnh một bìa rừng nhỏ, xa thật xa tiếng động cơ, tiếng còi xe, tiếng ồn ào náo nhiệt của phố xá, mới cảm nhận được cái thanh bình yên ắng trong tiếng con chim oanh hót trên cành, con bồ câu gù trong bụi rậm.

Xem thêm:   Hang gấu

Mùa Hè năm ngoái nàng gặp một cụ già người bản xứ cũng vào tận nơi ấy như nàng. Và có lẽ cũng chỉ muốn nghe tiếng chim hót như nàng nên bà đi đứng rất nhẹ nhàng như không muốn gây tiếng động, không muốn làm mất đi cái yên tĩnh để lũ chim được dịp khoe tiếng. Thấy nàng, bà đã nhoẻn nụ cười thân thiện, gật đầu chào. Nàng cũng lịch sự gật đầu và mỉm cười chào lại. Sau đó cả hai cùng ngồi trên chiếc băng ghế gỗ được đặt trên đường đi cho khách thỉnh thoảng dừng chân. Mỗi người một đầu ghế. Lặng im.

Thắm Nguyễn

Người không quen, không là đồng hương, không sơ giao thăm hỏi, chỉ gặp một lần như vậy, nhưng không hiểu sao khi gặp lại vào năm sau, cả hai người đều nhận ra nhau ngay như đã biết nhau từ lâu. Bà cụ bảo rất ít khi thấy một người còn trẻ như nàng mà lại đến những nơi im ắng như thế này. Còn nàng thì nghĩ thầm bà cũng là một người dễ gần gũi hiếm hoi của cái xứ thường vẫn bị xem là lạnh lùng, khó chịu. Nhưng dè dặt, nàng không để lộ cảm xúc của mình ra và chỉ mỉm cười đáp nàng thích nghe tiếng chim hót ở nơi yên tĩnh. Bà cụ gật gù:

– Ở đây có chim oanh.

Nàng “vâng”. Không nói gì thêm, nhưng có lẽ nụ cười của nàng đã đọng lại trong trí của bà cụ, vì vậy đến cuối mùa Hè năm ấy, sau khi hai người gặp nhau thêm vài lần, bà cụ nói nàng có nụ cười tươi lắm. Sau đó lại tiếp, phải chăng vì xa quê hương mà trông mặt nàng rất buồn, và rồi không để nàng trả lời, bà bảo:

– Hiếm khi bắt gặp được nụ cười ấy của cô.

Nàng ngập ngừng nhìn bà cụ, mãi lát sau mới đáp vâng, hơi ngạc nhiên vì nỗi buồn xa xứ nàng vẫn giấu tận cuối lòng mà bà cụ cũng nhìn thấy. Nàng dợm hỏi tại sao, nhưng ngại nên thôi. Một vài kinh nghiệm, vài đụng chạm nho nhỏ với đồng nghiệp, với hàng xóm người bản xứ dẫu không nghiêm trọng đã xảy ra, và dẫu cũng không nhiều nhõi gì tuy nhiên vẫn khiến nàng luôn dè giữ.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Bà cụ sau vài phút yên lặng, bất thần quay về phía nàng, nói bà không thể phân biệt được người Á châu đến từ xứ sở nào. Nàng đáp mình người Việt. Bà cụ “à”, đáp có nghe về chuyện thuyền nhân. Nàng vâng. Bà cụ im rất lâu. Mãi sau lại thở dài, bảo chiến tranh ở đâu cũng buồn, cũng chia ly tang tóc. Nàng gật đầu. Nhưng trong lòng nàng cứ dấy lên cái ý nghĩ với cuộc sống bình yên nơi này, làm sao bà có thể hiểu được thế nào là tang tóc, thế nào là nỗi đớn đau mà nhiều thế hệ dân chúng tôi đã phải chịu đựng. Nên cuối cùng nàng bật ra câu hỏi:

– Bà có từng trải qua sự chia ly lớn nào chưa ạ?

Chìm đắm với niềm riêng, với những mất mát nặng trĩu trong lòng nhiều năm, nàng hoàn toàn quên bẵng xứ sở này cũng đã từng bị chia đôi, hàng triệu người bản xứ cũng đã từng phải gánh những oan nghiệt không khác gì dân tộc nàng. Mãi cho đến lúc bà cụ quay sang nhìn nàng, mỉm cười dịu dàng đáp “làm sao có thể tránh được điều đó” với một giọng man mác buồn, nàng mới giật mình nhận ra sự hồ đồ của mình. Nàng vội vàng xin lỗi, nhưng bà cụ mỉm cười:

– Tôi chỉ nhìn thấy cô một lần năm ngoái mà không quên được vì cô có những nét giống hệt như tôi mấy mươi năm về trước. Nỗi buồn dường như át mất sức sống trong ánh mắt, bước đi, dáng vẻ, và cả nụ cười của cô.

Nàng chớp mắt. Cái nhận xét tương tự như những người chung quanh thường nói về nàng khiến nàng không biết phải trả lời như thế nào. Bà cụ đưa mắt nhìn lên nhành cây xanh lá, lấp lánh nắng một lát rồi chép miệng, giọng nhỏ xuống:

– Thật ra chuyện cũng không có gì vui để kể…

Nàng co hai tay vào với nhau. Nghĩ mãi nhưng vẫn không biết nên nói câu gì. Ðâu đó tiếng con chim bồ câu lại gù lên mấy tiếng buồn buồn. Và giọng bà cụ cũng trầm trầm vang lên bên tai nàng:

– Tôi nghĩ chắc cô biết thuở đó hàng ngàn, hàng triệu thanh niên bị buộc phải gia nhập vào quân đội dầu muốn hay không muốn. Chúng tôi cũng đã không muốn, nhất là ngay khi chúng tôi vừa mới hứa hôn… Cuộc sống, có nhiều lúc thật khó quá cô nhỉ?

Xem thêm:   Thư cho Thao

Nàng có cảm giác như không thể thở được nữa khi bà cụ im lặng một lúc trước khi tiếp:

– Lúc nãy cô hỏi tôi có từng trải qua cuộc chia ly lớn nào không. Thú thật là tôi không biết trên đời này có sự chia ly nào lớn hơn những gì tôi đã phải chịu đựng hay không, nhưng với tôi đó là lần lớn nhất. Phải, lớn nhất. Bởi vì anh ấy đã đi và không trở lại bao giờ.

Cả người nàng như rớt xuống. Tim thắt lại. Nàng không thể tưởng tượng được tại sao mình có thể quên bẵng đi tình cảnh của đất nước này vào những tháng năm tàn khốc ấy. Càng không thể hiểu tại sao gần như mỗi ngày đều có thể thấy hình ảnh về những đoàn dân bị dồn lên xe lửa, bị tống vào trại tập trung, vào lò hơi ngạt, cùng những câu chuyện về thời kỳ đen tối tàn ác nhất lịch sử loài người vẫn được nhắc đến để thức tỉnh và cảnh báo người dân bản xứ và nhân loại, vậy mà nàng chỉ có thể nhìn thấy nỗi đau, sự mất mát của chính mình mà thôi.

Và bên cạnh nàng, tiếng bà cụ vẫn như những cung nhạc buồn:

– Trước ngày anh ấy ra đi, chúng tôi hay đi dạo ở một khoảng rừng nho nhỏ như thế này. Chúng tôi đã bảo nhau phải lắng nghe tiếng chim hót để vơi đi sự sợ hãi, để hy vọng cuộc sống sẽ có lúc khác đi. Anh ấy có bảo tôi hãy cố giữ cái thói quen như vậy để nhớ đến anh ấy, nhớ đến niềm hy vọng của chúng tôi. Nhưng khi anh ấy đi rồi, một thời gian sau thì không ai có thể vào rừng được nữa. Tôi chỉ còn có thể tưởng tượng ra tiếng chim hót trong những trận mưa bom dội xuống thành phố. Và mãi như vậy cho đến sau ngày 9 tháng Năm năm ấy, nhiều người trở về, tù binh cũng được trả về, tôi lại được vào rừng tự do, nhưng người muốn cùng tôi nghe tiếng hót đã không bao giờ còn nữa.

Cổ họng nàng thắt lại. Không gian quanh nàng cơ hồ nhoà nhạt đi. Nàng không thể nghe tiếng chim hót hay bất cứ âm thanh nào. Kể cả tiếng bà cụ vẫn còn nhẹ nhàng, êm dịu đang chia sẻ với nàng điều gì đó…

HN