Tên nàng là Nhung Nữ. Dân làng đặt tên nàng là Nhung Nữ vì nàng có mái tóc dài, gợn sóng, nhung huyền, gần chấm đất những khi nàng cong tấm lưng thon, biểu diễn điệu múa quyến rũ, mỗi lần làng họp chợ.
Nàng là một kỳ công tuyệt diệu của tạo hóa, với sóng mắt xếch như mang theo sự huyền bí của miền Ðông Á. Da nàng là màu nắng mặt trời. Tóc nàng, nhung đen như đêm Ba Tư thần thoại, một suối nhung huyền trên tấm lưng thanh nhã, lượn sóng trên bờ eo nhỏ mỗi khi nàng dạo bước trên bãi biển. Môi nàng lúc nào cũng như tiềm ẩn một nụ cười, chờ đợi một chuỗi cười hồn nhiên, và viền môi cong như đón mời một nụ hôn nồng nàn làm tiêu tan nghị lực. Khuôn mặt nàng ẩn giấu nét rộn rã của đứa trẻ nhỏ, nhưng đồng thời chung quanh khóe mắt đẹp và hơi buồn đã thấp thoáng những nét nhăn như chứng tích của sự trưởng thành.
Nàng là đàn bà trẻ thơ.
Không ai biết nàng từ đâu tới. Nàng sống với một người đàn ông trung niên trong căn nhà gỗ gần bãi biển yên lặng và vắng vẻ, nơi mà thông thường chỉ có dân làng đi kiếm vỏ sò. Chợ ở xa nhưng nàng vẫn hay ra chợ để trình diễn những điệu vũ. Buổi chiều nàng trở về nhà trên con đường nhỏ băng qua rừng dừa. Nàng đem về nhà một rổ trái cây, hạt và mè. Trên đường về nhà, nàng ngân nga bằng giọng trẻ thơ những ca khúc thổ ngữ của vùng nhiệt đới. Thỉnh thoảng, người đàn ông trung niên ra đón nàng ở ngưỡng cửa. Họ hôn nhau, tóc nàng bay bay trong chiều tà đỏ ửng.
Khi bình minh ló dạng, nàng đứng trước cổng nhà chải tóc bằng những ngón tay xinh xắn, rồi nàng ngân lên điệu khúc nhiệt đới. Với đôi chân bé bỏng nàng chạy dài trên bãi biển như con chim rạng rỡ học bay buổi đầu tiên. Nàng đứng hằng giờ chôn đôi cổ chân hồng dưới cát nóng, và từ từ nàng nằm xuống cho những tia nắng đầu ngày của mặt trời ôm lấy thân nàng.
Và một ngày kia khi Nhung Nữ ra chốn họp chợ để biểu diễn điệu múa của nàng trên chiếc bục nhỏ ngăn cách nàng với đám dân làng tụ họp phía dưới. Như một nữ thần thanh thoát, nàng di chuyển thật duyên dáng, nụ cười luôn nở trên môi như thể nàng đang trình diễn trên đất thánh. Ðám dân làng yêu mến nàng như yêu một đứa trẻ thần đồng. Thân thể nàng uốn éo, đôi cánh tay nàng vươn cao dịu dàng như thể nàng đang đuổi bắt một vì sao lạc. Nàng múa như cành liễu rủ trong gió nhẹ, tựa như sóng gợn của biển chiều. Nàng cau đôi mày rồi hé môi cười như muốn đong lấy hạnh phúc lẫn với đau khổ trong thân thể bé nhỏ và trên gót chân linh hoạt.
Thắm Nguyễn
Khi điệu vũ chấm dứt, dân làng đem tặng nàng những đồng tiền và những đóa hoa.
Người đàn ông đứng tuổi là một người im lặng, không hay ra khỏi nhà trừ phi đi dạo biển. Chiếc áo len rộng, sẫm màu làm nổi bật mái tóc đã bắt đầu ngả màu xám. Người đàn ông đẹp vô cùng như thể ông ta là biểu tượng của kiến thức. Tia nhìn ấm và dịu dàng từ đôi mắt thắm màu khói chiều làm nhẹ đi sự căng thẳng trên khóe miệng mím và trên vầng trán suy tư. Người đàn ông có vẻ trầm ngâm bận bịu vì nhiều thứ — bất cứ thứ gì ngoài hình bóng của Nhung Nữ. Bên khung cửa sổ nhìn ra bờ biển, ông ta hay ngồi cặm cụi đánh máy. (Chiếc máy chữ là liên hệ độc nhất giữa ông ta và thế giới văn minh bên ngoài.) Những khi người đàn ông lục soạn đống sách vở, trông ông ta mang đầy vẻ nóng nảy của tuổi trẻ. Nhưng đôi khi, hình bóng ông ta chống tay che trán lại biểu hiện cái mệt mỏi của đời người. Mỗi khi Nhung Nữ từ chợ về, nàng hay co người ngồi dưới chân ông, ngước nhìn người đàn ông bằng cặp mắt thán phục trong khi ông ta cặm cụi đánh máy.
Ông đang viết một cuốn sách về loài người.
Nhung Nữ có nhiều thời giờ hơn người bạn đường của nàng. Nàng cảm thấy buồn trong khi ông ta đắm mình theo hành trình sáng tạo. Nàng đi dạo trong rừng dừa, hoặc dọc theo bờ biển nhặt vỏ sò. Nàng chạy rồi múa cho đến khi đôi chân nàng quặn đau trên cát nóng. Khi màn đêm xuống, thỉnh thoảng Nhung Nữ dạo cung đàn trên các nhạc khí thô sơ nàng hay đeo trên cổ — những bài ca buồn bã lạc trong tiếng sóng đại dương. Có khi nàng chỉ ngồi yên trên bờ biển lắng nghe tiếng nói của những sinh vật bí hiểm từ lòng biển. Nàng mơ đến một cuộc sống nàng có thể có. Cuộc sống bên kia quán chợ, xa, xa tít đến thành phố vạn dặm. Áo đẹp và rượu ngon. Kim cương và ngọc thạch. Những thanh niên biết ca tụng. Rồi tư tưởng nàng trở về với một cuộc sống nàng đã từng có. Cuộc sống ở vùng đất xa thẳm bên kia bờ đại dương.Cuộc sống ở quê hương trước kia của nàng.
Khoảng nửa đêm, Nhung Nữ quay trở về căn nhà gỗ. Người đàn ông vừa mới hoàn thành chương sách nói về lòng tham và sự ganh đua của con người. Khi họ cùng buông mình trên tấm nệm rơm, Nhung Nữ hôn lên mắt người yêu như muốn khép lại lối du hành tâm não. Và nàng khẽ lăn người trong chờ đợi. Nàng cong lưng như đang múa một điệu thần thánh. Rồi họ yêu nhau vào tận cùng đêm tối.
Ðời sống lặng lẽ trôi qua với nàng Nhung Nữ. Bản thảo của người đàn ông dày hơn mỗi ngày. Vào mùa Ðông khi biển cả và mặt trời không còn là những người bạn thiết của Nhung Nữ, nàng bỏ nhiều thời giờ ở trong nhà. Nàng đeo một bông hoa trên mái tóc để tạo sự chú ý của người đàn ông. Lúc này ông ta đang bắt đầu chương sách khó nhất — chương sách nói về chiến tranh và hòa bình. Khi cánh hoa tàn, Nhung Nữ đem giấu hoa vào trong áo để giữ lấy hương thơm.
Trong những đêm bão tố, khi biển dậy sóng đen tối đầy dọa nạt, Nhung Nữ nép người bên cạnh người đàn ông giữa những trang bản thảo. Nàng bắt đầu đọc.
Khi mùa Xuân trở về, Nhung Nữ đã đọc hết trang bản thảo. Càng đọc nàng càng thấy sợ chính nàng.
Một buổi sáng sớm, trong hương vị còn sót lại của tình yêu, người đàn ông khẽ vuốt ve làn da bóng mịn của Nhung Nữ, và ông ta bắt đầu nói đến chuyện đi xa. Ðã đến lúc ông ta phải trở về thành phố để một lần nữa theo đuổi công danh. Cuộc hành trình bên này ngọn núi đã qua, ông ta thì thầm. Bây giờ ông ta đã sẵn sàng để bắt đầu trèo lên ngọn núi cao hơn, khó hơn, nhưng thành quả sẽ vô cùng rực rỡ. Và nhẹ nhàng Nhung Nữ quay sang, hôn bàn chân người nàng yêu, và âm thầm nàng tuột khỏi vòng tay ông.
Rồi từ buổi sáng hôm đó, dân làng không còn thấy bóng nàng Nhung Nữ.
Dân làng nhớ nàng và những điệu vũ ngoài chợ. Nhưng lòng thương xót sẽ hết, và đời sống sẽ tiếp tục, những cuộc buôn bán đổi chác dịch vụ, thổ sản giữa đám thổ dân bình dị với những thương gia tứ xứ, đủ mọi văn hóa, từ bốn phương. Ðây là hòn đảo hỗn hợp nơi người ta đến để tìm sự yên bình và nơi mà Nhung Nữ đã sống và đã bỏ đi. Không còn một vết tích gì của nàng.
Người đàn ông trung niên cũng đã bỏ đi. Với hành trang cô độc và những trang bản thảo. Tiếng gọi của sự sáng tạo luôn luôn nặng gánh bên người.
Trong cuốn sách nói về loài người của ông ta, không có chương nào nói về Nhung Nữ.
Ðể rồi từ buổi đó, thổ dân của hải đảo bắt đầu tìm thấy những hòn ngọc trai lóng lánh trong lòng những con sò yên lặng dọc theo bờ biển. Theo tôi thì trong ngày giã biệt, Nhung Nữ đã đứng hằng giờ chôn đôi chân vũ nữ trong cát trắng, nhỏ những giọt nước mắt vào lòng đại dương. Những hạt lệ tuyệt đẹp đã kết tinh trong lòng những con sò vô tình đã uống lấy lệ nàng.
Ngay cả những con sò cũng trở thành thương cảm.
Nhung Nữ đã phải chọn lựa giữa con đường trở về một cuộc sống nàng có thể có, với cuộc sống nàng đã có. Nàng đã chọn con đường thứ hai. Ðiệu vũ cuối cùng đã đưa nàng vào lòng biển. Nàng đã để mình trôi dạt theo sóng về quê hương bí mật bên kia bờ đại dương. Hình ảnh sau cùng là hình ảnh tà áo nàng bồng bềnh trên sóng như cánh sen đang nở.
Và theo chuyện kể, thì Nhung Nữ đã biến thành ngư nhân.
DNN
Nov. 28th, 1983
Sinh ở Hội-An. Thời thơ ấu ở Huế và Saigon. Giải Danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc 1975. Đào luyện tại trường Kịch Nghệ Hoa Kỳ, Nữu Ước và California (American Academy of Dramatic Arts). Cử Nhân Báo Chí Truyền Thông (Nam Illinois); Tiến sĩ Luật (Houston); Thạc sĩ Luật (Harvard). Thẩm phán gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ. Hiện cư ngụ tại Houston, Texas.