TÓm tẮt kỲ 3: Trần thị Như Hoài An, một phụ nữ thành công trong ngành kinh tài tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, quay trở về Houston để sống gần cha mẹ. Nàng quan sát cuộc đời của người cha, một nhà giáo tỵ nạn cộng sản và tiếp tục nghề nghiệp thanh cao này ở nước Mỹ. Nàng hồi tưởng lại những kỷ niệm của hai cha con ở thành phố Huế, khi cha nàng từ Pháp du học trở về nước sống bên cạnh vợ con. Ông hay đánh đàn phong cầm bên cửa sổ, nhạc Việt Nam của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn…

Kỳ 4 – Đoạn Kết

Bạn đọc có tin rằng cái chết không kết liễu đời người, vì phần hồn còn đi về đâu đó. Bởi thế mẹ tôi cứ cúng tổ tiên ông bà, bắt tôi thắp nhang mà lạy. Người Việt Nam chúng ta thờ linh hồn những người thân đã chết.

Năm lên sáu, tôi tự hỏi vật vô tri chết đi có còn phần hồn vất vưởng hay không. Khi lớn lên, suy nghĩ theo Lamartine, thì câu trả lời là có: “L’objets inanimés, avez vous donc une âme…?” [*]

Chiếc phong cầm gặp tôi, rồi nó mất đi. Và tôi thắc mắc mãi phần linh hồn của nó đi đâu? Tôi thắp nhang cúng nó được không?

Xứ Huế không phải là xứ yên bình. Cái yên bình của Huế chỉ là yên bình giả tạo. Những năm 1961-63, Huế là một ngọn lửa cách mạng hừng hực, sẵn sàng bừng cháy từ chùa Từ Ðàm, nơi mà mẹ tôi vẫn dắt tôi đi lễ Phật.

Ðó lần đầu tiên trong đời tôi được nghe danh từ “cách mạng”.

Tôi phải lớn hơn mới hiểu được căn bản của vấn đề. Nếu có Cách Mạng, thì làm gì có Hoài An? Mà đã có Hoài An thì không có Cách Mạng. Từ năm lên sáu, ở thành phố Huế buồn ngủ ấy, tôi chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là đấu tranh, nhưng tôi đã mường tượng một điều gì ghê sợ. Rằng tôi sinh ra trong một xứ sở có nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy ở ngoài tầm tay tôi, nhưng chúng tạo nên định mệnh của tôi, như lưới giăng, như cơn lốc kéo thốc tôi vào.

Dấu hiệu bất an đầu tiên là ngày Phật Ðản. Một ngày vui mừng tôi và các em tôi mong mỏi để được xem xe hoa. Thế nhưng mẹ tôi cấm không cho chúng tôi đi xem. Xe hoa đi ngang nhà tôi, mẹ tôi không cho chúng tôi ghé đầu ra xem. Bảo nguy hiểm. Sau những bức màn cửa mảnh mai tơ lụa, chúng tôi vẫn thấy được tượng Phật đứng trên tòa sen trắng nõn, tay chỉ lên trờị. Nom Phật bụ bẫm dễ thương. Em tôi bảo: “Sao Phật giống em bé quá!”

Chỉ một lúc sau xe hoa vừa đi khuất, bà vú đã chạy vào thì thầm, “Công an giựt sụp xe hoa rồi, Phật đổ.” Tôi cho rằng đó là chuyện kinh khủng. Cái gì đổ thì đổ, chứ Phật làm sao đổ được. Ðiều ghê sợ khủng khiếp nhất, một sự lật đổ nào đó ngoài tầm tay những người dân bình thường, đã bắt đầu ám ảnh tôi.

Thường thường mẹ tôi hay cho chúng tôi đi chùa Từ Ðàm. Nhưng năm đó, chúng tôi không được lên chùa, mặc dù tôi thích lên chùa để được múa hát: “Một hôm, một hôm mồng một đến chùa, cùng me đi lễ Phật, dâng vài hoa sen, đến chùa dâng cả hồn em….” Bà vú thì thầm, “Hoài An ơi, lên chùa thì công an bắt!” Tôi nín bặt vì sợ.

Bên cạnh những cái điều bất an đó, bố tôi vẫn kéo phong cầm để nói chuyện với tôi qua Tiếng Hát Hành Quân Xa và Lời Buồn Thánh.

Thuở ấy, tôi không biết mặt những người bạn văn nghệ của bố tôi (mãi đến khi khôn lớn tôi mới biết họa sĩ Ðinh Cường và nhà văn Doãn Quốc Sĩ.) Ở Huế, tôi chỉ nhớ có hai người: Bác A. và chú M., nhưng chỉ có chú M. là liên quan đến chiếc đàn phong cầm, vì chú M. là một nhạc sĩ. Chú ấy vui tính và buồn cười lắm. Cả nhà ai cũng yêu mến chú M. trừ bà vú:

– “Ôn nớ là nhóm cách mạng chống Cần Lao đó Hoài An ơi! Ôn nhà ni mà cứ giao du hoài là có ngày cậu Cẩn tới chặt đầu.”

Thắm Nguyễn

Bà vú nói chi ghê quá. Tôi hỏi Cần Lao là gì? Bà vú bảo Cần Lao là cậu Cẩn đó. Tôi hỏi cậu Cẩn là ai? Có giống chú M. không? Bà vú nói: “Con ni ngu quá. Nói tầm bậy coi chừng bị chặt đầu. Hay chết kiểu Quách Thị Trang.” Tôi không dám hỏi bà vú Quách Thị Trang là ai, và tôi biết đó là một người đã chết. Tôi biết ngừng hỏi, và tôi co người lại vì sợ.

Trong những ngày tháng đó, bố tôi ít nói, ít kéo phong cầm. Cái đàn nằm cô đơn. Thỉnh thoảng chú M. vẫn ghé chơi. Hai người đóng cửa phòng nói chuyện rì rào.

Rồi một hôm, chú M. lại ghé thăm. Bố tôi mặc áo đi theo. Ông dặn mẹ tôi ông sang nhà chú M. ở phía bên kia sông Bến Ngự. Dãy phố Nguyễn Trường Tộ nằm bên này sông. Bên kia cầu là nhà thờ Phủ Cam. Bên trái nhà thờ là một dãy nhà kiểu Tây rất đẹp. Một trong những căn nhà đó là nhà chú M. ở. Bố tôi dặn gia đình là ông sẽ đi khá lâu. Ông đi theo chú M. Ðã ra đến cửa, ông còn quay lại lấy chiếc phong cầm. Cái đàn đi theo ông qua nhà chú M.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Ðó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc đàn. Tôi linh cảm cái gì không hay sẽ xảy ra. Tôi chạy theo nắm áo bố tôi đòi đi theo. Tôi níu chiếc đàn như muốn giữ nó lại.Chú M. chế giễu tôi con gái hay khóc nhè.

Tối đêm đó, tôi đang ngủ say thì có tiếng khóc than, tiếng bà ngoại tôi kêu la. Tiếng người xôn xao ngoài ngõ. Nghe dễ sợ lắm. Tôi chạy ra thảng thốt. (Từ đó lớn lên, tôi rất sợ những khi đang ngủ thì bị thức dậy vì biến cố.)

Tôi vẫn còn nhớ tiếng người nói: “Nhà ai cháy? Công an đốt nhà ai?”

Tôi nghe mẹ tôi nức nở, “Trời Phật ơi, phải nhà chú M. không? Mạ ơi, anh con ở bên nhà chú M… Thôi rồi mạ ơi…”

Tôi thấy mọi người đổ xô ra cửa. Tôi cũng chạy ù ra. Mẹ tôi nắm chặt tay tôi. Bà vẫn kêu khóc.

Ông ngoại tôi điềm tĩnh hơn. Ông nói, “Ðã chắc chi ông Ngữ ở bên đó. Ðể ba mặc áo lên chùa. Hay qua dinh cha Thục hỏi…” Mẹ tôi vẫn điên cuồng kéo tay tôi và bà ngoại xô ra đường.

Ðám đông đứng đầy dọc bờ sông Bến Ngự bên hông nhà tôi. Chỉ trỏ xôn xao. Tôi nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa ngùn ngụt cháy. Tôi thấy bên kia bờ sông có bóng dáng những người cầm súng. Người đứng quanh tôi nhỏ to, “Công an đốt truyền đơn.” Mẹ tôi ngất xỉu. Bà ngoại tôi vật vã. Tôi kêu khóc không thành tiếng. Phía bên kia sông lửa ngùn ngụt cháy, ở đó có chú M., bố tôi, và chiếc phong cầm. Tôi nhìn thấy lần đầu tiên cái kinh khủng của cách mạng. Nói đúng hơn của bạo lực: lửa cháy để bùng nổ cho cái gọi là cách mạng.

Ðó là lần đầu tiên tôi thầm hiểu trong trí óc non nớt của mình, tôi sinh ra trong một đất nước của những người dân thích làm cách mạng. Của những người dân hay mang kiếp tù đày. Lý do? Tây, Tầu, Nga, Mỹ? Cái nghèo, cái cực, cái nô lệ, cái xâm lăng? Vân vân và vân vân. Trước Chúa bác ái, trước Phật từ bi, chúng ta cầm súng giết nhau đi rồi gọi đó là cách mạng.

Ông ngoại tôi nói đúng. Gia đình tôi có phước. Một ngày sau bố tôi về. Một cơn ác mộng vừa qua.

Tôi đứng xớ rớ tìm cách lắng nghe chuyện người lớn. (Tôi là một đứa nhỏ rất thích nghe chuyện người lớn, âu đó cũng là cái nghiệp chướng của tôi. Có khi tôi nghĩ tự mình làm mất tuổi thơ vì cái đầu tôi tò mò ưa suy nghĩ.) Tôi nghe ra được chú M. chạy trốn lên chùa. Nhà thì cháy tan nát. Mẹ và bà ngoại tôi đốt nhang khấn bàn thờ tạ ơn tổ tiên trời đất đã cứu bố tôi.

Tôi đứng trước cửa nhà nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa đã tàn. Cảnh tượng tiêu điều thảm hại. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự u ám của những gì còn lại sau một cuộc tàn phá.

Chú M. không cháy. Bố tôi không cháy. Còn chiếc phong cầm? Phải chăng nó cháy giùm cho bố và chú M. yêu mến của tôi? Tôi òa khóc chạy vào nhà. Mẹ và bà ngoại tôi còn trong cơn mừng rỡ, còn lo nhang đèn.  Không ai nghĩ đến chiếc phong cầm xấu số.

Tôi nức nở trong lòng bố tôi. Nhưng ông nghiêm mặt cấm không cho tôi khóc. (Những người bố Việt Nam, ai cũng ghét than khóc, cho đến ngày họ già. Bây giờ trong tuổi sáu mươi ngoài, bố tôi mau nước mắt. Thỉnh thoảng là tròng mắt đỏ hoe. Mắt ông hay đỏ hoe khi các con về thăm rồi lại đi, còn lại căn nhà yên vắng với hai vợ chồng thui thủi.)

Bố tôi nói lên điều mà tôi đã biết:

– Cái đàn cháy trong nhà chú M.

Tôi vụt khỏi vòng tay của bố tôi. Tôi chạy ra đứng trước cửa nhà nhìn sông Bến Ngự. Tôi nghe có ngọn gió đi về. Chiều Chủ Nhật buồn lặng nghe gió đi về. Trên ngọn gió đi về, có chăng linh hồn chiếc phong cầm của bố tôi?

Từ đó, bạn đọc có thể đoán ra, bố tôi chẳng bao giờ kéo phong cầm nữa.

o O o

Bà vú nói, cách mạng thành công và Phật tử khỏi bị đàn áp. Tôi thôi không học trường Jeanne D’Arc nữa. Tôi đổi về trường Phú Vĩnh. Hình Ngô Tổng Thống treo trên tường bị hạ xuống. Ðem ra đập tan nát. Cách đó không bao lâu, lũ trẻ con chúng tôi vẫn còn hát, “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống…” Sau cách mạng Ông Ngoại tôi, một công chức dưới triều Ngô, nghỉ việc về hưu sớm.

Cách mạng thành công, nhưng tương lai công danh bố tôi chẳng sáng sủa gì hơn. Có sự vụ lệnh đổi bố tôi vào dạy ở Quảng Trị, chốn bom đạn chiến trường. Mặt bố tôi càng khó đăm đăm hơn. Mẹ tôi dạy Ðồng Khánh. Bố tôi về Quảng Trị, tức là vợ một nơi, chồng một ngả.

Xem thêm:   Arkhom

Sáng sớm tinh sương, thành phố Huế như có sương mù. Bà ngoại tôi lặn lội về làng đem lên những đòn chả Huế. Bà ngoại tôi, Quế Hương, pháp danh Tịnh Tâm, là người phụ nữ làm chả Huế, chả tôm ngon nhất thế giới. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà xương xương, đội nón bài thơ, mặc áo dài vân nhung (phụ nữ Huế của thời đại tôi biết không bước ra khỏi nhà mà không mặc áo dài.) Trời tờ mờ sáng, bà đã hiện ra ở cửa nhà tôi, tay xách cái giỏ thật lớn, đựng không biết bao nhiêu là đòn chả. Mẹ tôi lặng lẽ gói từng đòn chả để bố tôi đem đi tặng đồng nghiệp mới ở Quảng Trị.

“Ở Quảng Trị cũng có học trò,” bố tôi nói. Bố tôi đó, con người của giáo khoa thư! Ông tỉnh táo, yên phận, “lành như Bụt” đối với người đời (chỉ khó khăn với người trong nhà mà thôi), ông vui vẻ mà đi Quảng Trị nhận công vụ, không phàn nàn than thở. Theo lời mẹ tôi kể, thì ông đi nhận việc rất đúng giờ. Ông đi cùng với những đòn chả Huế mẹ tôi gói rất cẩn thận đem cho đồng nghiệp. Ông còn đem phòng thêm nhiều đòn chả nữa để cho học trò mới, có đứa nào ngoan, học giỏi thì cho nó đòn chả lấy tình.

Ôi tình nghĩa giáo khoa thư!

Lần này ông đi không có chiếc phong cầm.

(Mãi về sau khi khôn lớn, tôi mới biết người đã đem bố tôi ra khỏi Quảng Trị (để bố mẹ tôi được trùng phùng) là giáo sư Trần, thời gian ông làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Ðệ Nhị Cộng Hòa. Mẹ tôi nói gia đình tôi phải biết nhớ ơn bạn bè, đồng nghiệp của bố tôi, trong đó có bác Trần. (Nhớ ơn là “tiết mục” văn hóa giáo khoa thư! Chứ ở Mỹ, tôi không rõ trong số đồng nghiệp tôi, ai là kẻ nhớ ơn Goldman Sachs.)

Từ đó, khi chiếc phong cầm đã chết, bố tôi đi Quảng Trị, thì tôi lại trở về làm đứa trẻ con quây quần bên ngoại, đứa trẻ con vắng bố.

Cuối năm 1963, con bé Hoài An lên sáu như già đi. Ðầu óc non nớt đã lờ mờ hiểu thế nào là sự sụp đổ của một chế độ. Khi chế độ sụp đổ, có thể có súng ống, có lửa cháy, có tan cửa tan nhà, có người phải đi trốn chạy như chú M. đi trốn trong chùa, có ảnh, với hình, với tượng đá, với đồ treo bị đem ra đập bỏ, xé tan.

Có những sự mất mát tận gốc rễ tâm hồn như cái chết của chiếc phong cầm sau ngày lửa cháy. Và tôi lờ mờ hiểu rằng, ở chế độ nào đi nữa, con người cũng có thể hại nhau… Trong rủi có may, trong may có rủi. Như việc bố tôi phải từ giã gia đình đi Quảng Trị.

Cái mà chúng ta phải xây dựng là một nơi chốn cho chúng ta cơ hội để đi tìm sự công bằng tương đối….

o O o

Mười hai năm sau, 1975, tất cả những điều mà tôi nhận thấy ngày lên sáu tôi vừa liệt kê cho độc giả trên đây đã xảy ra, lặp lại. Như  cộng nghiệp của một nơi chốn, một đám đông. Cái định mệnh của tôi. Một cá nhân nhỏ bé bị cuốn trôi vào dòng lịch sử.

Tôi hiểu thấu đáo. Hiểu nhiều quá đến nỗi mắt tôi ướt và tôi nhói ở tim. Chúng tôi, tất cả chúng ta, cũng như cái phong cầm. Trôi nổi theo bàn tay bố tôi rồi chôn thân ở nhà chú M. theo lửa cháy. Người Mỹ nói là, “be in the wrong place, at the wrong time.” Chiếc phong cầm nằm sai chỗ, ở sai lúc. Ðôi khi tôi phân vân tự hỏi, nếu tôi không là người Việt sinh trưởng ở miền Nam, và nếu tôi không là một trong mấy trăm ngàn người Việt di tản đầu tiên đến Mỹ, thì định mệnh của tôi thế nào? Như chiếc phong cầm, tôi là kẻ sinh sai chỗ, ở sai nơi, hay là người may mắn, ở đúng chỗ, nằm đúng nơi?

Tất cả, trong vòng quay của lịch sử, chỉ là tương đối.

o O o

Khoảng một tháng trước ngày Saigon sụp đổ, chú M. chạy ở Huế vào, có ghé thăm bố mẹ tôi nhưng ông bà không có nhà. Chú cháu tôi nấu ăn với nhau rất vui vẻ. Có ngờ đó là lúc chia tay.

Sau khi sang Mỹ, bố tôi vẫn nhắc những người bạn cũ. Ông rất ân hận đã không gặp được chú M. trước khi di tản. Bao nhiêu năm ở Mỹ, thỉnh thoảng trong bữa ăn, bố tôi vẫn nhắc đến chú M. Ông không hề nhắc tới chiếc phong cầm.

Ðến năm 1995 thì có tin chú M. qua Mỹ, sau khi đã đi tù cải tạo rồi lập lại cuộc đời. Chú ghé thăm bố mẹ tôi ở Texas, tôi không gặp vì tôi ở xa. Mẹ tôi bảo lúc nào chú cũng tự tin, yêu đời, ở hoàn cảnh nào cũng có thể thành công hết.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa gặp lại chú. Không biết chú có nhớ chuyện chiếc phong cầm của bố tôi?

Bây giờ, trong những tháng ngày về già, sắp từ giã nghề dạy học để về hưu, bố tôi có lẽ không có những người bạn văn nghệ như chú M. nữa. Ông hay nhắc tới những người học trò cũ trường Trần Quý Cáp. Chắc đó là một khoảng đời đẹp trong nghề dạy học của bố tôi.

Trong những ngày đã rời Goldman Sachs, có lần tôi đưa bố mẹ đi mua sắm. Gặp một thương gia chủ cửa hàng cũng là học trò cũ của bố tôi ở khu học chánh Houston. Vị thương gia tay bắt mặt mừng, bảo rằng khách thường thì lấy giá X, khách đặc biệt sẽ giảm giá tối đa, giá Z. Còn thầy học thì bớt 10 phần trăm, tức là giá Y, giá “ở giữa.” Vì bố tôi là thầy dạy, ông được hưởng giá giảm hạng vừa, hạng “ở giữa.”

Một lần khác nằm trên ghế dài, tôi thấy bố tôi ở trên lầu đi đọc cuốn sách của một nhà văn Việt Nam, ông P.X.Ð., sách viết về Hà Nội. Tôi nhắc đến tên ông. Mắt bố tôi sáng lên: “Anh ấy cũng đi tù cải tạo nhiều năm như chú M. đấy”.

Tôi thắc mắc mãi về câu bố tôi nói, và ánh mắt sáng của ông. Tại sao mắt bố tôi không sáng lên khi gặp người thương gia Mỹ giàu sụ vì nghĩ đến thầy mà bớt giá 10 phần trăm? Tại sao ánh mắt ấy chỉ sáng lên khi nhắc tới tên một nhà văn Việt Nam? Chẳng lẽ bố tôi chỉ thương xót học trò người Việt đã phải sống qua thảm trạng Việt Nam? Cũng như tại sao bố tôi chán việc dạy học ở Mỹ, mà vẫn làm giáo sư gương mẫu, không bỏ lớp, không trễ nải bao giờ? Ông vẫn cắm cúi soạn bài, tô kẻ chữ làm bảng hiệu cho lũ học sinh non dại. Nói theo kiểu đùa của em gái tôi, bố tôi chăm chỉ vì sợ bị người Mỹ cười nếu ông trễ nải!  Sự việc không thể giản dị như thế. Tôi thắc mắc mà không nghĩ ra được câu trả lời, bên tai vẫn nghe văng vẳng tiếng phong cầm của bố tôi.

Chao ơi! Tiếng phong cầm của bố tôi!

Tháng ba năm 1996, ông nội tôi mất. Cụ Tổng Nho của tỉnh Sơn Tây đã nằm xuống. Trước mặt con cháu, bố tôi khóc cha mà than mình không làm được gì cho đất nước.

Theo lời bố tôi, ông nội tôi đã làm đường gạch cho làng trong thời kỳ ông làm việc xã. Nhìn bố tôi đứng khóc cha, tôi rùng mình nghĩ đến một ngày nào đó, tôi cũng phải khóc cha mẹ như bố tôi đã khóc thương ông tôi.

Tôi tự thôi thúc, giục giã, và biết mình phải làm gì ngay bây giờ.

Việc đầu tiên, tôi sẽ đi mua tặng bố tôi một chiếc phong cầm, cho dù ông không còn tha thiết với đàn, và bố con tôi không còn nói chuyện với nhau qua tiếng đàn như hồi tôi còn thơ ấu.

Việc thứ nhì, tôi sẽ tìm mua cho được cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tiếng Việt. Tôi sẽ chậm rãi mà đọc. Tôi đã khước từ nghề giáo. Ðể giờ phút này, tôi hiểu rõ và tự quay về với bản chất của mình. Tôi với bố tôi trong căn bản như nhau. Dù muốn hay không, tôi vẫn là sản phẩm của quốc văn giáo khoa thư. Mà đã là quốc văn giáo khoa thư thì tôi không thể là Goldman Sachs.

Việc thứ ba, tôi ngồi xuống trước máy vi tính. Và tôi bắt đầu viết. Những ngón tay không còn cho phím trắng dương cầm sẽ gõ ra những con chữ:  Không xây được đường làng, tôi xin xây lòng nhân ái con người qua lời tôi viết. Tôi trí mọn tài hèn, nhưng muốn những lời tôi viết làm cho độc giả tôi ngậm ngùi đủ mà nhỏ nước mắt cho nhau. Khi có giọt nước mắt thật sự, là có lòng thương, mà có lòng thương là hết khoảng cách. Khi tôi cầm bút mà nhỏ nước mắt, giữa tôi với độc giả sẽ không còn khoảng cách.

Tôi viết, vì tôi mãi mãi nhung nhớ, và muốn giữ mãi trong lòng, vẻ đẹp và vẻ sáng, từ chiếc phong cầm của bố tôi.

Người viết hồi ký:

Trần Thị Như Hoài An

1996

DNN

Ghi chú:

[*] Trích từ thơ Alphonse de Lamartine (1790-1869): “Milly ou la terre natale”: 

Chaumière où du foyer étincelait la flamme,

Toit que le pèlerin aimait à voir fumer,

Objets inanimés, avez-vous donc une âme

Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?

Dương Như Nguyện copyright 1995, 1997, 2019

bản tiếng Anh: A novella: “My Father’s Accordion, Memoir of a Vietnamese Daughter”

Kính dâng hương hồn cha tôi: GS Dương Đức Nhự (1934-2019)