Nguyễn Tú An phóng tác

Con tàu ngầm êm ả rẽ sóng. Khuôn thép mũi tàu như lưỡi búa sắc, chẻ đôi làn nước mỗi lúc một đen thẫm. Tiềm thủy đĩnh “Yết Kiêu” vừa xong công tác ngoài ven biển: thứ công tác phá hoại căn cứ hậu cần của địch, được hoàn tất chính xác, mau lẹ.

Bây giờ tàu phải rút cho nhanh.

Mặt biển phẳng lặng một cách khác thường. Từng đợt mây màu bùn đùn lên từ phía chân trời, nhưng chưa có dấu hiệu giông bão. Như vậy, phi cơ địch có thể tới bất ngờ.

Chính vì vậy, viên thuyền trưởng cho tàu chìm thực mau.

Nằm dài trên võng, nhóm thủy thủ thì thào:

– Tụi nó không kịp trở tay, thú quá!

– Cả khu quân cảng chắc tan hết…

– Chuyện!… Toàn những người nhái cừ nhất của mình mà!

– Họ đã ra tay thì phải biết!…

– Chúng mình đâu có kém gì… Cho đổ bộ coi!

Hi quay lại phía người nói câu đó, gật gù:

– Muỗi tép khá nhỉ!… Chú chưa được quyền ăn nói, nghe không!

Hi là hạ sĩ, tay kỳ cựu nhất trong nhóm thủy thủ của chiếc “Yết Kiêu”. Những vết sẹo trên người Hi cũng nhiều như hàng huy chương trước ngực.

Muỗi tép là chú lính mới vào nghề, còn trẻ măng.

Chú biết phận lắm: chú chỉ có quyền thu người thực gọn cho khỏi vướng cẳng các đàn anh, thế thôi.

Hi đã tha cho đâu:

– Chú cứ việc ngủ, nghe!… Có chuyện gì anh kêu dậy.

Rồi mỗi người thêm một câu bỡn cợt làm cho mặt Hân, Hân Muỗi tép, đỏ bừng.

Con người không hé răng chút nào là viên Thuyền trưởng. Ông còn lo nhận tin tức, bận rộn với công việc chỉ huy.

Bên cạnh ông là tay thủy thủ trưởng đang gò người giữ bánh lái, rồi tới điện tín viên tíu tít với hàng nút trước mặt.

Ðúng vào lúc đó, trên màn ảnh ra-đa, nổi lên những chấm trắng chuyển động như vì sao đổi ngôi.

Viên thuyền trưởng hiểu điều đó có ý nghĩa gì rồi. Lệnh được ban ra ngay:

– Xuống sâu thêm mười lăm thước!

Hân có cảm tưởng chiếc tàu chuyển mình mạnh hơn. Lần nào tàu xuống sâu, Hân cũng thấy gai gai phía sống lưng. Cậu bé tặc lưỡi:

– Chắc bằng tuổi Hi, mình sẽ quen đi…

Nhiệm vụ của Hân Muỗi tép là giữ đám đồ trang bị cấp cứu hải nạn. Hân ngồi đó, trông rõ chiếc lưng gù của viên Thuyền trưởng trong lúc ông loay hoay nhìn vào tiềm vọng kính. Bao giờ Hân cũng thấy ông ta bình tĩnh. Ông ghé vào loa, giọng điềm đạm:

– Ðộ sâu bốn mươi thước!

Hân nghe nước réo vào ngăn trống; con tàu nặng thêm, chìm nhanh hơn, dừng lại ở mức ấn định.

Chợt có tiếng nổ vang phía ngoài… Hân thấy rõ sóng rào rạt đập vào mạn tàu. Tiếng nổ trước còn xa, sau tới gần, đều đặn, dai dẳng lạ lùng.

Xem thêm:   Đồi Thập Giá Đà Lạt

Trong khoảng êm như tờ, hiệu lệnh của Thuyền trưởng rõ mồn một. Ðôi lúc tàu rung lên dưới sức chấn động của khối đạn nổ sát bên. Hai tai Hân ù ù, nhưng có điều lạ là cậu bé vẫn nghe rõ tiếng con chuột bạch, con vật hộ mạng của chiếc “Yết Kiêu” – sồn sột gặm miếng bánh khô rắn như đá trong chiếc lồng treo ngay trên đầu.

Ðạn nổ càng lúc càng gần.

Rồi một tiếng sét lớn bùng lên… Con tàu chao mình nghiêng đi chúi xuống, mũi cắm thẳng xuống lớp cát dưới sâu… Thân tàu chuyển răng rắc, tưởng chừng từng bộ phận đều rã rời… Tàu run rẩy vài phút rồi từ từ ngã mình, chậm chạp nằm nghiêng đáy biển…

Năm trăm tấn sắt thép chìm sâu dưới bốn mươi chín thước nước, làm thành chiếc hòm ghê rợn, trong đó có sáu người sống sót.

Hai chục thủy thủ với năm người nhái lúc khởi hành chỉ còn chừng đó.

Từ trong một đống gỗ vụn, Hân thấy một hình thù nhem nhuốc nhô lên: đó là Hi. Hi run rẩy vịn vào vai chú bé, thở hổn hển:

– Chú mày không sao chứ?… Tốt lắm!

Hân thấy nước mắt ứa ra:

– Chúng ta ở mãi đây sao anh?

Hi chậm chạp lôi trong túi ra bình rượu mạnh tợp một ngụm rồi đưa cho Hân:

– Làm một chút cho ấm bụng… Ðừng bao giờ hỏi vậy, nghe không Muỗi tép!… Phải nói là: Chừng nào chúng ta lên, mới đúng.

Ngọn đèn giữa khoang tắt ngóm. Tiếng Thuyền trưởng vang lên:

– Máy đèn hư. Bật đèn bấm cá nhân, mau!

Dăm đốm lửa lập lòe, trong đám đồ đạc ngổn ngang.

– Lại cả đây xem còn mấy người nào!

Hân nghe giọng ông thoáng buồn, nhưng không hốt hoảng chút nào; đúng giọng người chỉ huy, điềm đạm, bình tĩnh:

– Bích… Kim… Lân… Hi, chà Hi may mắn hết sức!… Ô! Cả Muỗi tép nữa kìa, hay lắm!…

Năm gương mặt ngước lên, nước mắt ràn rụa… Thuyền trưởng hắng giọng, nhìn từng người một, cố che giấu sự cảm động:

– Các em nghe đây: Chúng ta trong tình trạng nguy hiểm nhưng chưa tuyệt vọng. Ai nấy làm theo tôi dặn, bình tĩnh như khi thao diễn… Bích, thả phao sáng và xuồng hơi. Kim, Lân sửa soạn thùng sắt… Muỗi tép kiểm soát đồ cấp cứu. Hi trông coi tất cả giúp tôi… Mau tay lên. Mạng chúng ta trông vào mấy giây đồng hồ còn lại này đó… Tôi lo thu giấy tờ cần thiết…

Con tàu rên rẩm, rung chuyển, Hân tưởng chừng nó sắp vụn ra từng mảnh đến nơi… Hân chưa gặp trường hợp này bao giờ, nhưng cũng hiểu lờ mờ: nhóm người sống sót may ra thoát nạn nếu mệnh lệnh của thuyền trưởng được thi hành chu đáo.

Xem thêm:   Sau tháng 4 buồn

Trước hết là chiếc phao sáng với xuồng hơi. Nếu Bích kéo được đòn bẩy, phao và xuồng sẽ vọt lên mặt nước trước.

Sau đó tới những bộ đồ cấp cứu, mà quan trọng nhất là chiếc mặt nạ dưỡng khí. Hân phải soát thực kỹ mới được!

Cuối cùng tới chiếc thùng sắt: đó là thứ thùng khá lớn, dành cho người sửa soạn lên mặt nước. Người vào thùng rồi, nước được bơm đầy ắp cho thân thể quen chịu với sức ép khi vọt ra ngoài… Ðôi khi, người yếu tim vẫn chịu đựng không nổi, nên thường khi lên đến mặt nước là ngất xỉu hồi nào!

Hân nhấc từng bộ đồ, xem từng mặt nạ, thổi vào từng ống dẫn hơi. Tới chiếc áo cuối cùng, con chuột bạch từ trong đó nhảy ra… Hân lắc đầu, thương hại:

– Từ nay mày ở lại đây một mình, nghe!

Chợt Hân thấy lạnh toát cả người: bộ đồ cấp cứu thứ sáu, và cũng là bộ chót, bị hư rồi! Ống thở bị con chuột gặm nhấm, làm thành một lỗ nhỏ, như vậy dưỡng khí đi hết… Người nào mang bộ đồ này chắc chết giữa đường quá!

Như vậy, vì con chuột con, một trong sáu người sẽ không hy vọng lên tới mặt nước! Nhưng kẻ đó là ai đây?… Hân thấy mình quan trọng vô cùng, vì trong tay Hân nắm phần nào mạng sống người khác.

Hân có quyền làm hại Bích chăng?… Bích mệnh hệ nào, thời mẹ già của Bích ra sao đây?

Hân không có quyền đụng chạm tới Kim: Kim chết đi, sẽ để lại người vợ dại với ba con thơ.

Còn Lân mới hai mươi hai, lại vừa có vị hôn thê, cuộc đời Lân tươi như hoa, thực tội nghiệp!

Hi thì già rồi… Nhưng Hi đã tận tụy cả một đời với kiếp sống bồng bềnh trên sóng nước, đã bao lần vào sinh ra tử làm vẻ vang cho hải quân… Hi có quyền an hưởng tuổi già.

Thế là hết.

Chỉ còn có Thuyền trưởng…nhưng sánh với Thuyền trưởng, Hân thấy mình còn nhỏ bé hơn Muỗi Tép nữa.

Hân chép miệng: Dù sao chăng nữa, có ai bận tâm gì tới Hân mà lo. Hân chỉ còn có một mình! Thế cũng xong.

Cậu bé lẳng lặng dành bộ đồ hư về phần mình.

–oOo–

Tiếng Hi nghe đanh thép:

– Tất cả sẵn sàng, thưa Thuyền trưởng.

– Ðược lắm… Bích với Kim trang bị đồ cấp cứu lên trước. Lẹ tay đi.

Hai người đi lại phía Hân, nhận hai bộ áo. Khi cửa thùng sắt đóng lại, viên Thuyền trưởng kéo cần tháo nước… Hi đếm từng giây:

– 110… 115… 117… 18… 19… Buông!

Thanh đòn sắt được đẩy mạnh… Nắp trên bật ra, hai người vọt nhanh lên mặt nước.

Hân đứng đó mà hồn vía đi đâu, ngơ ngác nhìn bộ đồ có ống dẫn hơi thủng lỗ. Hi tới bên cạnh lúc nào Hân cũng không hay. Hi tinh mắt lắm, nhưng làm như không có chuyện gì hết. Hi vỗ vai chú bé:

Xem thêm:   Thằng lơ xe đò trong văn hóa Miền Nam

– Không sao đâu, Muỗi tép, choáng váng đôi chút rồi hết; đừng sợ nghe em… Bận đồ giúp Lân. Mau tay đi!

Hân làm theo như cái máy.

Hi quơ tay nắm con chuột bạch, gói vào chiếc khăn mùi-xoa nhét luôn vào mặt nạ, rồi với bộ đồ hư mặc vào người. Hi đâu ngán… Hi dư sức nhịn thở với chút ít dưỡng khí còn lại. Cơ thể thép của Hi đã quen những thử thách này rồi.

Còn lại Hân và viên Thuyền trưởng.

Hân trao bộ đồ nguyên vẹn cho người chỉ huy, gài giúp mấy nút phía sau. Cậu bé yên trí mình sẽ phải chết… Nhưng sao cái chết tới quá chậm như vậy?… Cậu thấy mình được đẩy đi trước, nghe tiếng nước réo ào ạt trong két sắt… Nước lên tới gối…tới ngực… Rồi tất cả quay lộn trong đầu… Hân hít một hơi dài trước khi vĩnh biệt cuộc đời… Người cậu nhẹ bổng đi, nghe như có người kéo lên cao…lên mãi…

Chẳng lẽ cái chết giản dị như vậy sao?… Cho tới lúc nhô lên mặt biển, Hân mới biết mình còn sống, và ống dưỡng khí của Hân chẳng thủng chút nào. Kỳ lạ thực!

–oOo–

…Mấy ngày sau, trong câu lạc bộ, sáu người sống sót của chiếc “Yết Kiêu” ngồi quây quần quanh chiếc bàn tròn.

Bích lắc đầu:

– Ai ngờ Muỗi tép thế mà gan dạ!

Viên Thuyền trưởng giơ tay:

– Từ nay không ai là Muỗi tép nữa. Hân vừa được một huy chương rồi đó; Hân chẳng còn thua kém bất cứ ai trong chúng ta… Còn Hi thì bao giờ cũng vậy, cũng có những hành động không ai có thể ngờ được, thực đáng khen cả hai anh em.

Hi cười, cặp mắt tít lại, bộ mặt dăn dúm càng dăn dúm thêm:

– Có gì đâu… Tôi già rồi. Hân còn trẻ, còn cả một tương lai… Tôi có đeo hộ chiếc mặt nạ thủng của Hân cũng là phải lẽ… Nếu để cho y biết chắc chẳng bao giờ y bằng lòng đổi bộ đồ cho tôi nào, phải không chú?

Hi móc trong túi ra một con chuột bạch:

– Cả chú này cũng sống mới kỳ!… Chuyến này tôi đem nó về quê… Tha hồ có rau tươi ăn, chuột ơi!

Lúc này Hân mới hiểu. Hân định hy sinh cho người, thì cũng có người hy sinh cho Hân. Nước mắt ở đâu dâng lên mi… Hân muốn nắm chặt lấy tay Hi, tỏ lòng biết ơn… Tiếng Hi nghe oang oang:

– Thôi mà, chú bé, để khi khác hãy khóc, nghe!

Rồi tiếng cười của mọi người vang lên, thân mật, ấm áp lạ lùng.

NTA phóng tác

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2023