Thập niên 80 Lê Thị Huệ, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trân Sa, Vũ Quỳnh Hương, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Huyền Châu và đặc biệt Trần Diệu Hằng với Chuyến Xe Về Làng Đại Từ làm nên hiện tượng nữ trên văn đàn hải ngoại.

Sinh 1952 tại Hà Nội, Trần Diệu Hằng theo phụ thân di cư vào Nam và rời Sàigòn đến Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng 4-75. Đã xuất bản: Vũ Điệu của Loài Công 1984, Mưa Đất Lạ 1986, Chôm Chôm Yêu Dấu 1989, Niềm Im Lặng của Mây 2001.

Viết về Trần Diệu Hằng, Nguyễn Mộng Giác nhận xét: “Trong các nhà văn nữ xuất hiện trên văn đàn đầu thập niên 80 Trần Diệu Hằng đã nổi bật nhờ có một phong cách riêng, pha trộn giữa cái dịu dàng tinh tế đầy nữ tính và cái nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ. Nhưng Trần Diệu Hằng không dừng lại ở chỗ thành công ban đầu ấy. Nhà văn không thể và không mất thì giờ cho những bản sao của những gì đã viết, Trần Diệu Hằng mạnh dạn phiêu lưu vào những thể nghiệm mới, cưỡng lại sự chờ đợi theo thói quen của những bạn đọc hâm mộ. Và Trần Diệu Hằng đã thành công trong cố gắng tự vượt mình”. 

TRONG GƯƠNG là truyện ngắn của thời kỳ đầu đăng trên Văn học Nghệ thuật Bộ Mới của Võ Phiến tháng 5-1985. [Trần Vũ]

Trần Diệu Hằng 

Nàng bước ở phòng tắm ra. Nắng sáng rỡ bên ngoài khung cửa nhỏ, thứ nắng của ban mai mùa hè. Vài giọt nước còn lóng lánh trên đôi vai trần mịn màng. Quanh người nàng quấn một chiếc khăn mềm, giắt thành múi trước ngực. Tóc xõa xuống lưng còn ướt và thơm mùi thuốc gội đầu.

Nàng đứng trước gương, thong thả đưa từng nhát lược lùa trong tóc. Buổi sáng thứ Bảy đẹp rực rỡ; thân thể nàng thơm mát và đáng lẽ một ngày vui phải tưng bừng chào đón nàng, chào đón người đàn bà hai mươi bảy tuổi nhan sắc đằm thắm. Căn phòng này tràn ngập tình yêu và đáng lẽ phải chan hòa thứ hạnh phúc vợ chồng lâu dài, vĩnh cửu. Chàng sẽ trở dậy sau một cái vươn vai lười biếng và sẽ đi vào phòng tắm… đánh răng; sau đó sẽ ra ôm nàng trong lúc nàng còn loay hoay chải tóc. Chàng sẽ kề gương mặt dễ ghét đó bên cạnh mặt nàng, toe miệng cười và sẽ hôn nàng. Âu yếm nhau đủ rồi cả hai sẽ đi ăn điểm tâm. Sẽ lang thang ra biển, lên núi, đi mua sắm, làm gì cũng được, nhưng mà ở bên nhau không rời. Những buổi sáng muộn hơn sau đó của cuộc đời sẽ có tiếng cười đùa của những đứa con nít; hai vợ chồng sẽ phải rượt bắt chúng để tròng những bộ quần áo xinh xắn lên những tấm thân bé bỏng không ngừng nghịch ngợm loi nhoi. Ôi mái gia đình và những đứa con! Trái tim nàng chợt như ngưng đập. Nỗi đau bén nhọn xuyên qua lồng ngực. Nàng như bị dội một thùng nước đá và cảm thấy tỉnh táo trong sự chết điếng.

Tất cả chỉ tạm thời. Hạnh phúc này. Mặt đệm ấm êm kia. Cái không khí gia đình tưởng tượng.

Chàng vừa thức giấc. Y như trong sự liên tưởng của nàng, chàng vươn vai ngồi dậy. Ðôi mắt còn nhập nhòe ngái ngủ nhưng nàng nhìn thấy rõ vẻ mặt còn đẫm hạnh phúc của chàng phản chiếu trong gương.

– Sao em dậy sớm thế? Nằm với anh chút nữa.

Nàng mỉm cười:

– Tắm sớm khỏe thật anh ạ. Chuẩn bị cho một ngày đẹp trời mùa hè.

Chàng nhào tới định ôm nhưng nàng đã bước tránh sang một bên:

– Rửa mặt đi anh. Mắt còn mở không ra kia kìa.

Chàng ngoan ngoãn đi vào phòng tắm. Nàng lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng ly cốc leng keng, tiếng đóng mở cánh tủ đựng những đồ dùng vệ sinh vặt vãnh. Nàng lắng nghe để thấm rõ bằng chứng của đời sống với chàng.

Chàng mở cửa phòng tắm. Và rồi lại y như trong liên tưởng của nàng, gương mặt và nụ cười trẻ thơ của chàng hiện ra trong gương, cận kề bên nàng. Nụ cười “cãi nhau” với những vết răn đã bắt đầu ở đuôi mắt.

Vòng tay chàng chặt chẽ và ấm. Cả hai yên lặng nhìn nhau một lúc. Rồi chàng bỗng nói rất nhỏ, nhưng đầy vẻ nhiệt tình và trang trọng:

– Em là vợ anh. Mình sẽ ở với nhau mãi.

Cơn giận dữ đột ngột ào tới. Nàng vùng quay mình lấy hết sức mạnh đẩy chàng ra. Nhưng chàng không chịu thua, giống như chàng đã đoán trước được phản ứng đó. Sự giằng co đẩy cả hai ngã xuống mặt nệm. Ðôi môi chàng như vòi của loài bạch tuộc quấn chặt lấy môi nàng không rời. Chiếc khăn tắm xổ tung trên mặt nệm.

Nàng cảm thấy chàng đã ở gần lắm; đến độ hơi thở chàng phủ kín vùng không gian chung quanh và mùi da thịt của nhau tràn lấp. Nhưng nàng vẫn có cảm tưởng còn một khoảng cách ở giữa, rất nhỏ mà rất mênh mông. Nàng rướn tới mãi, vẫn thấy chới với. Nước mắt nàng ràn rụa trên má.

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Chàng âu yếm quệt môi trên những giòng nước mắt của nàng và thầm thì:

– Em đừng khóc. Yên đi. Anh kể cho nghe chuyện này hay lắm. Trong sở anh có một tên người Tàu lâu lâu nói một câu khôi hài nghe được. Hôm qua nó nói thế này…

Nàng cắt ngang:

– Thôi. Em không muốn nghe chuyện vui của anh. Ðừng có làm bộ bình tĩnh khó coi lắm.

Nàng lăn sang một bên, đưa lưng về phía chàng. Chàng nhẹ nhàng xích gần tới, vuốt ve mớ tóc ướt:

– Ở bên em làm sao không vui được?

Nỗi đau đớn lại dâng lên làm mũi nàng cay xé. Nước mắt nóng hổi thi nhau tràn xuống mặt nệm. Nàng cố giữ nhưng tiếng nấc vẫn bật lên.

Chàng thở dài:

– Em…

Rồi như không biết nói gì hơn, chàng im lặng trìu mến vuốt ve phần lưng óng ả của nàng.

Một lúc, nàng cất giọng đặc sệt, cố làm ra ráo:

– Ngày mai mấy giờ anh đón… chị ấy… ở phi trường?

Chàng đáp gọn lỏn:

– Mười hai giờ.

– Chỗ ở đâu vào đó cả rồi chứ?

– Ừ. Ở tạm nhà chị Bính ít hôm em ạ. Ðể mấy đứa trẻ con nó chơi với nhau cho vui.

Ruột nàng như ai xắn ra từng khúc. Nàng vùng ngồi dậy với chiếc áo vắt trên thành giường khoác vào người. Vẫn không quay lại nhìn chàng, nàng nói:

– Anh ạ. Em đổi ý. Thôi anh về với chị ấy đi. Tụi nhỏ đang cần bố. Chín năm rồi…tụi nó không có anh.

Chàng thở dài:

– Quỳnh, anh đã sắp đặt mọi việc cả rồi. Em đừng nghĩ ngợi…bâng quơ. Mấy đứa nhỏ vẫn là con anh. Anh sẽ lo đầy đủ bổn phận, như anh đã từng lo bấy lâu nay. Và anh cũng sẽ hết sức giúp đỡ mẹ chúng nó. Em không lấy đi cái gì của ai hết. Anh vẫn là anh, và anh vẫn của em.

Nàng kêu lên ai oán:

– Của em. Trời đất ơi. Giấy trắng mực đen chị ấy vẫn còn là… vợ anh. Thôi Duy ơi, đừng có trốn chạy cái sự thật sừng sững đó nữa.

Chàng nhẹ nhàng:

– Thì chỉ là vấn đề… thời gian. Giấy tờ rồi cũng sẽ xong. Nhạn biết rõ hơn ai hết, giữa anh và Nhạn chỉ còn có thể là hai người… bạn, mà mối liên hệ là những đứa con. Anh đã nói với em bao nhiêu lần, rằng tụi anh đang sửa soạn ly dị thì mất nước. Cái quyết định của anh và Nhạn đã xong từ lâu. Từ khi em còn…con nít trân, đang học trung học cơ mà.

Nàng vừa rất yêu mà cũng rất ghét cái vẻ nhẹ nhàng bình tĩnh pha trò lẫn chút hóm hỉnh của chàng. Lúc nào chàng cũng vững vàng, dù rất âu yếm, để nàng phải chịu thua. Lần này thì không được.

Nàng quay lại nhìn sâu vào mắt chàng, nhắc nhở một cách hùng hồn và “diễn tả” một vẻ đau đớn:

– Nhưng trong chừng ấy năm, chị ấy vẫn sống một mình đợi anh. Từ lúc đưa ly rượu lên môi cho đến lúc uống hãy còn xa lắm. Như thế là chị ấy vẫn…yêu anh, vẫn cần anh. Rồi vẫn là vợ anh.

Chàng cũng nhổm dậy cho mặt chàng sát gần mặt nàng hơn, dịu dàng nhưng thách thức không kém:

– Em làm như em ở trong lòng Nhạn vậy. Thế còn em? Em không yêu anh, em không cần anh ư?

Nàng nắm lấy cơ hội để tạt vào chàng hết thảy những nỗi đau kim châm muối xát trong lòng mà lâu nay nàng vẫn hầm hừ nghĩ tới:

– Em yêu anh. Ðiều đó quá rõ, quá thảm rồi. Anh không cần khôn ngoan bắt em nhắc lại. Không yêu mà em cãi mẹ cãi cha, ngoảnh đầu với một cái đám cưới đàng hoàng, một cuộc đời êm thắm không phải lo sợ tranh giành với ai, để đến ở với anh như thế này à? Ðối với cha mẹ, em bất hiếu. Ðối với bạn bè, em ngu dại. Em yêu anh, phải rồi. Thôi đừng nhắc mãi chữ yêu đương. Lạm phát rồi đâm ra cải lương! Nhưng em không cần anh. Em cho anh, bởi vì em thích, bởi vì em. Không vì ai hết. Và như thế đủ rồi. Anh đừng lôi kéo em vào cuộc tranh giành với một người đàn bà nào khác, vì đó là một sự xúc phạm em nói riêng, một sự xúc phạm đàn bà nói chung. Rồi đừng tưởng như thế là anh vịn bóng mà bay lên trời. Ðây này, em cám ơn những ngày vui sướng ở bên anh. Nhưng những ngày đó đã đến lúc chấm dứt. Em không còn vui sướng nữa. Bởi thế, em cũng không còn có lý do ở với anh. Chuyện của mình phải thôi, thôi, thôi.

Chàng mỉm cười:

– Một chữ thôi đủ rồi em! Nói đến ba chữ thì nghĩa nó cũng thế… thôi.

Nàng thở ra:

– Anh thật… lì lợm.

– Không lì sao yêu được em? Anh nhất định đi theo. Còn nước còn tát.

Nàng mím môi nhìn chàng tức tối nhưng nàng vẫn thấy yêu quá đỗi con mắt chàng lóng lánh thiết tha. Chàng lại vòng tay ôm eo nàng nhưng lấy vẻ nghiêm trang:

Xem thêm:   Con gấu ngựa

– Bây giờ không đùa nữa. Anh hỏi, em chỉ nói đến chuyện cho anh, em không nhắc đến chuyện lấy đi ư?

– Lấy đi cái gì?

– Nhiều lắm. Niềm thông cảm. Sự âu yếm. Tình yêu. Tình bạn. Sự đam mê. Nguồn vui sống. Em muốn anh trở thành hòn đá hay là…cái cây? Ai sẽ bàn chuyện trên trời dưới đất với anh? Ai sẽ nói hết chuyện văn thơ nghiêm trang đến chuyện…tào lao xí đế? Ai sẽ khóc cười rồi…cãi nhau với anh?

Nàng buông gọn:

– Vợ anh!

Chàng lắc đầu, ra vẻ đầu hàng. Nhưng rất nhanh, chàng đã nghĩ ra lý để cãi tiếp:

– Em ở với anh mấy tháng nay không phải là vợ thì là gì?

Nàng cười nhẹ:

– Anh đâu có… cưới em?

– Không có cưới theo nghĩa một đám cưới họ hàng bạn bè ồn ào tùm lum, nhưng cưới theo nghĩa trang trọng riêng tư chỉ em với anh thì mình sẽ làm, phải làm chứ!

Nàng bâng khuâng hình dung cái đám cưới của chàng mười mấy năm xưa. Nàng tưởng tượng đôi mắt chàng chưa có vết nhăn, nụ cười chàng nở bừng rạng rỡ. Nàng tưởng tượng cô dâu mặc áo dài vàng chít khăn vành dây, mặt mũi mờ nhạt không rõ vì nàng chưa bao giờ nhìn thấy hình vợ chàng. Nàng như nghe rõ tiếng cười ròn chúc tụng, tiếng nổ phựt của những nút chai champagne bật tung lên theo từng nhịp reo hò. Năm nay chàng đã bốn mươi tuổi. Nàng nói:

– Anh cho ai hết thời thanh xuân. Ðến phiên em còn lại một ông già, thê nhi lít nhít, phiền phức quá. Thôi, xin giao hoàn cố chủ.

Chàng nhìn nàng bái phục:

– Em thật… ghê gớm. Nhưng anh biết em rõ quá mà, bé con! Em nhạy cảm như một sợi tơ đàn mong manh và yếu xìu như… bún tàu. Cứ thẳng thắn, bình tĩnh, nhìn vấn đề một cách thực tế, rồi tiếp tục…yêu anh và ở với anh. Thế có phải tốt hơn không?

Nàng ra khỏi giường, thắt dây áo choàng và đến ngồi trước bàn phấn. Nàng bật nút điện chiếc máy sấy tóc, hy vọng tiếng vo vo vô hồn kia sẽ làm nàng tỉnh táo, đừng khóc, đừng nghĩ tới ngày mai!

Nàng chăm chú nhìn gương. Ðôi mắt còn đỏ sọng, làn môi nhạt chưa son. Nàng thấy nàng xấu tệ. Sấy tóc xong, nàng bắt đầu trang điểm. Một chút kem lót, rồi phấn nhẹ, rồi vẽ mắt, tô môi, má hồng. Nàng ngẫm nghĩ xem sẽ mặc áo gì đi chơi với chàng cho hết hôm nay.

Chàng cũng ra khỏi giường. Mặc quần áo xong, chàng tới bên nàng. Chàng đứng sau lưng, khom người xuống tì cằm lên tóc nàng. Chàng nói:

– Em đẹp như tranh. Ðẹp thế này anh lại không muốn đi đâu nữa. Nằm nhà với nhau sướng hơn.

Mắt chàng say sưa nhưng vẻ mặt nghiêm trang. Tình yêu tỏa cùng khắp trên gương mặt đó. Nàng muốn lao thẳng về phía trước với một lòng tin mạnh mẽ để được hoàn toàn sung sướng trong tình yêu chàng, nhưng cùng lúc, niềm nghi ngờ cũng trỗi dậy như một bản năng tự vệ và như một cách cầu cứu để trốn chạy sức mạnh của trái tim. Tình yêu phải chăng chỉ là một trạng thái tạm thời của tư tưởng, sẽ mất vẻ lóng lánh quyến rũ khi hai người ở gần nhau quá lâu và cuộc sống chung chậm chạp gặm mòn đi tất cả? Phải chăng nhiều năm trước đây chàng cũng đã từng yêu vợ như yêu nàng bây giờ? Nàng đau xót với cái ý nghĩ tình yêu nào rồi cũng tàn; đời sống chỉ còn lại những hệ lụy, đâm ra nhàm chán. Rồi vì thế người ta cần một sự đổi mới, như cần thay một chiếc áo đã cũ đã sờn. Rồi vì thế có chỗ trống trong tim chàng cho cái chàng đang gọi tên là tình yêu. Chàng có lý do để đi tìm nhưng nàng không thể là chiếc áo mới chàng cần, lại càng không thể ở lại để trở thành cũ với chàng.

Nàng chỉ muốn phủ nhận hết thảy, và ngay lập tức, những giây phút đã có với chàng, như một đứa trẻ chợt nhận ra món đồ chơi vừa cầm được trong tay không phải là vật nó từng mong ước. Nhưng nàng run rẩy khi nghĩ tới tình trạng “khánh tận” sau đó. Nàng hỏi chàng, để cố tìm một cơ hội nghĩ khác đi:

– Anh… có bao giờ yêu ai… như thế này không?

Chàng cười:

– “Tai họa” lớn đâu có xảy ra nhiều vậy?

Nàng định nói chữ đó phải dành cho nàng đúng hơn, nhưng không hiểu sao, nàng không muốn đôi co với chàng nữa. Trong lúc những tư tưởng xung động không dứt, nàng vẫn chăm chú nhìn khuôn mặt hai người kề cận trong gương.

– Em thích anh đứng thế này để em được nhìn thấy cả hai cùng một lúc.

– Trời, anh cũng đang nghĩ vậy.

– Thôi đừng nói theo. Ðứng xê ra một chút cho em cuốn tóc.

– Khỏi cần. Tóc thẳng thế này đẹp chán. Không quờ quạng đụng vào em anh sợ em biến mất lúc nào.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Bóng hai người in trong tấm gương bàn phấn; ở góc trái, nàng còn nhìn thấy một phần ngọn đèn đặt trên mặt tủ nhỏ kê ở đầu giường. Hình ảnh đầy vẻ ấm cúng của một đời sống vợ chồng thuộc về nhau. Nàng lại muốn chảy nước mắt. Rồi một liên tưởng khác đột ngột ùa tới. Nàng hỏi không kịp suy nghĩ:

– Anh… có bao giờ đứng đằng sau nhìn… chị ấy trong gương thế này không nhỉ?

Ðôi mắt chàng hơi mở lớn như diễn tả một vẻ ngạc nhiên, rồi chàng lắc đầu:

– Chưa bao giờ. Ờ há! Em hỏi anh mới để ý. Ngay cả hồi mới lấy nhau cũng vậy. Chỉ vài tháng sau là anh và Nhạn đều nhận ra hai đứa đã… lầm đường. Nhưng mà thôi, hỏi chuyện cũ mãi làm gì.

Vẻ chân thành trên mặt chàng làm nàng phải vội vàng tự nhắc rằng có thể chàng dư sức thông minh để nói dối một cách hoàn hảo, và cũng có thể vì chàng đã…quên mất tiêu quãng đời xa xôi kia. Nàng cầm ống son tô lên môi lần nữa cho đậm màu thêm dù nàng thấy rằng điều đó thật sự cũng chẳng cần thiết.

– Vừa phải thôi. Sống với nhau có hai đứa con mà không bao giờ có một cảnh âu yếm bình thường như thế. Có ai ép anh lấy vợ đâu?

Chàng không cười:

– Ðừng hỏi rồi không tin anh. Có sao anh nói vậy. Từ đầu, anh có giấu giếm em chuyện gì đâu? Em phải hiểu rằng… anh yêu em quá nhiều để còn đầu óc mà nghĩ đến những tiểu xảo vặt vãnh.

Nỗi nghi ngờ và niềm tin yêu giằng xé trong nàng như một khúc vải bị hai sức mạnh kéo ngược chiều ở hai đầu. Nàng không biết phải sống cho trái tim hay cho lý trí. Nàng không biết nên đắm mình miệt mài yêu chàng hay tỉnh táo bước ra khỏi cuộc. Nàng cố thuyết phục chàng và thuyết phục ở cả chính nàng:

– Trời ơi! Làm sao anh biết được, làm sao em biết được, đây không phải là một nỗi khao khát ngắn hạn? Chúng ta yêu nhau bởi vì còn sợ mất nhau. Sống với nhau mãi rồi cũng hết. Khi ấy còn gì thê thảm hơn cái cảm giác lầm lẫn. Nó để lại trong chúng ta nỗi ê chề.

Chàng khép mắt khi hôn trên tóc nàng:

– Cứ ở đó mà thắc mắc đi. Dù sao thì anh cũng có mười ba năm… thâm niên hơn em để xác định điều đó. Anh không còn nhiều thời giờ nữa. Khi đời sống em còn là buổi sáng rực rỡ thì anh đã đi vào lúc hoàng hôn. Anh phải quý từng giây phút còn lại của đời sống với em.

Nàng không nói gì nữa. Hơi thở ấm nóng của chàng có thật. Lồng ngực rắn chắc của chàng có thật, ép sát sau lưng nàng. Trong gương lồng lộng hai gương mặt đàn ông đàn bà cận kề, cùng một vẻ đằm thắm say đắm như nhau. Dường như một cách rõ rệt, mà lại rất mơ hồ, bởi nàng không thể giải thích nổi, cái cảm tưởng rõ rệt chàng ta, phải là người đàn ông của đời nàng. Họ phải sinh ra để lấy nhau, một đám cưới bình thường như muôn vàn đám cưới khác. Phải sống chung với nhau một nhà. Tối cùng đi ngủ và sáng thức dậy có nhau trong tay. Lo lắng và cười đùa, băn khoăn và sung sướng, với nhau. Nàng nhìn thấy trong gương hình ảnh đôi tình nhân tung tăng giữa cánh đồng cỏ mượt. Nàng nghe thấy chuỗi cười như những nốt nhạc vui tươi không ngừng vang suốt con đường dài.

Ðột ngột, cùng lúc, ở một góc phía trên cùng của tấm gương, hiện ra hình ảnh người đàn bà gương mặt mờ nhạt, quần áo xốc xếch dẫn hai đứa bé đi tới. Hai đứa nhỏ có đôi mắt giống hệt chàng. Cả ba đều buồn bã, ngơ ngác. Dấu vết của những tháng năm dài trên miền đất nghẹt thở cùng cực còn đọng trên gương mặt họ. Hình ảnh người đàn bà và đứa con càng lúc càng lớn dần trong khi đôi tình nhân thu hình nhỏ xíu, biến mất vào chiều sâu hun hút của tấm gương.

Nàng rùng mình. Tấm gương trở nên mờ ảo không còn trông thấy gì, hệt như ngày mới lớn, nàng đứng tựa cửa nhìn trời mưa trắng xóa bên ngoài khung cửa kính của căn nhà nằm trên một ngọn đồi Ðà Lạt.

Tiếng chàng thầm thì:

– Anh lo công việc vài ngày xong anh về, nhé…

Rồi đầu chàng rơi nặng trên vai, rồi vòng tay chàng siết chặt quanh người. Nàng nghĩ đến lúc người đàn bà và hai đứa nhỏ bước xuống phi trường nơi đây, nàng cũng sẽ lên đường sau đó vài tiếng đồng hồ. Nàng nghĩ đến tấm vé phi cơ đã nằm sẵn trong xắc quần áo, tấm vé sẽ đưa nàng đi một nơi xa chàng ngàn dặm. Chàng sẽ không thể tìm ra. Chàng sẽ không hề hay biết.

TDH

Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trong tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Bộ Mới số 1 phát hành tháng 5-1985 từ trang 41 đến 47.